Thay đổi quan niệm về sân chơi cho trẻ: Giữa liều lĩnh và tự do

CHIÊU VĂN 26/09/2019 17:09 GMT+7

TTCT - Không gian chật hẹp, tình trạng nhân mãn, các thành phố được thiết kế chỉ cho người lớn, xe hơi, khu công nghiệp và bãi rác, ô nhiễm nghiêm trọng, cả với nước, không khí và đất đai, sân chơi cho trẻ em ở đô thị không chỉ ngày một thu nhỏ, chúng còn trở nên nhân tạo và an toàn thái quá.

Trẻ em từng một thời được chơi đùa rất tự do. Ảnh: pinterest
Trẻ em từng một thời được chơi đùa rất tự do. Ảnh: pinterest

Ở các sân chơi, liều lĩnh và rủi ro thường đồng nghĩa với tự do và sáng tạo. Trong thời hiện đại, người lớn đang tước đi điều đó có chủ đích, nhân danh sự an toàn, hay còn tệ hơn, khi chính bản thân họ không hề hay biết vì các tiêu chuẩn mới của một xã hội đô thị, công nghiệp và công nghệ hóa cao độ.

Tính chất dồn dập của thông tin và những bất ổn xã hội có thật ngày nay đã mở ra một thời đại sợ hãi về con cái chúng ta, dịch chuyển các chuẩn mực xã hội rất nhanh chóng theo hướng giám sát liên tục và các tiêu chuẩn an toàn gần như tuyệt đối. 

Một nạn nhân của kiểu tư duy mới chính là các sân chơi - với các kiểu cầu trượt, nhà hơi, sân cát ngày càng giống nhau - được thiết kế với mục đích tối thiểu hóa rủi ro, chứ không phải tối đa hóa niềm vui và sự khám phá.

Chơi đùa: Từ quan điểm tiến hóa

Một trào lưu mới đang nổi lên ở khắp các đô thị thế giới vài năm qua chống lại những sân chơi trẻ em sạch sẽ hoặc an toàn quá độ, khi các nghiên cứu mới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc được chơi ở trẻ em ngày càng nhiều và thuyết phục hơn.

Lấy ví dụ, nghiên cứu năm 2007 đăng trên tạp chí chuyên ngành của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khẳng định: “Việc được chơi là tối quan trọng với sự phát triển ở trẻ vì nó đóng góp vào năng lực nhận thức, thể chất, xã hội và hạnh phúc nói chung ở trẻ. Việc được chơi cũng mang tới cơ hội lý tưởng để các bậc cha mẹ tương tác với con cái mình”.

Những phát hiện mới đã nêu ra các câu hỏi về thiết kế sân chơi và trò chơi cho trẻ em hiện giờ. Chúng có thực sự nuôi dưỡng sự sáng tạo, độc lập và năng lực giải quyết vấn đề? Rủi ro thực ra là gì? Còn những cách thiết kế sân chơi nào khác không và trẻ em ở đô thị, đang ngày càng trở nên đông đúc, phải được chơi thế nào?

Tuổi thơ và sân chơi gắn bó chặt chẽ với nhau, và phần lớn các bậc cha mẹ lẫn thầy cô giáo trong bản năng đều hiểu việc được chơi là điều tốt.

Tuy nhiên, với những “công nghệ giáo dục hiện đại”, người ta đi tới chỗ tin rằng trẻ có thể trở nên thông minh hơn, tập trung hơn, thậm chí có trí tuệ cảm xúc tốt hơn bằng việc rèn luyện trực tiếp các kỹ năng qua thói quen và cả kỷ luật.

Nếu mục đích là những điều đó, tại sao không đi trực tiếp tới đó, tại sao phải để chúng chơi làm gì, nhất là khi quả thật không có nhiều bằng chứng cho thấy trẻ sẽ làm tốt hơn các bài kiểm tra IQ hay học thuật nếu được chơi nhiều hơn! 

Đó là chưa kể áp lực đồng song ngày càng lớn trong một xã hội ngày càng cạnh tranh, khi mọi bậc phụ huynh đều muốn con mình có điểm số, thành tích tốt nhất, thậm chí ngay từ khi đi mẫu giáo.

Trẻ em đứa nào cũng chơi, nhưng điều đó không giới hạn ở con người. Tinh tinh, chó sói, chó nhà, cá heo, chuột, quạ, thậm chí bạch tuộc cũng thích chơi bời khi còn nhỏ.

Từ quan điểm tiến hóa, thói ham chơi có vẻ là phổ quát, đặc biệt ở các “động vật xã hội” với thời thơ ấu tương đối dài, được cha mẹ chăm bẵm, có não bộ lớn - những động vật giống con người.

Trước hết, cần định nghĩa “việc chơi” thực sự là gì. Các nhà sinh vật học diễn giải khái niệm này ở động vật qua 5 đặc điểm.

Chơi không phải là làm việc: Không phải là đánh nhau hay săn mồi hay đào tổ hay giành ăn, tức không nhằm vào một mục đích thực tế cụ thể. Chú mèo con không ăn quả bóng, con quạ nghịch nhánh cây dù biết trong đó không có sâu, và hai con chó đuổi nhau đến mệt lả chỉ để mà… đuổi nhau.

Chơi là giả vờ: Khi những con chuột chơi, chúng dụi mõm vào cổ nhau; khi đánh nhau thật, chúng ngoạm răng vào đối thủ. Khi trẻ chơi đồ hàng, chúng cố gắng tái tạo việc đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp của (thường là) mẹ chúng.

Chơi là vui, với con người lẫn với động vật: Có những em bé có thể ré lên cả ngày với trò ú òa, đám chó mèo cũng tinh nhanh hơn hẳn, gần như là cười khanh khách - nếu có một thứ gì như thế ở chúng - lúc nghịch bóng hay đuổi bắt nhau.

Chơi là tự nguyện: Đó là một hoạt động tự thân của các loài động vật, không phải vì được chỉ bảo hay vì phần thưởng.

Cuối cùng, chơi là một cấu trúc hành động đặc biệt, một mô thức lặp lại và biến đổi: Khi những con cá heo chơi đùa, chúng tìm kiếm sự lặp lại, những cú nhảy và đuổi bắt khác nhau, nhiều con có thể ham chơi và đùa dai đến phát bực - không khác gì một đứa bé 6 tháng cầm một chiếc lục lạc, đập chúng vào những thứ khác nhau để phát hiện những âm thanh khác nhau, cả ngày.

Tại sao việc chơi đùa lại vui? Trước hết, ta phải thấy rằng dạy động vật một hành động hướng tới mục tiêu là điều dễ dàng: Những con chuột nhanh chóng học được cách gạt cần gạt để nhận miếng phô mai. 

Nhưng còn có nhiều điều trong tự nhiên mà tiến hóa không chuẩn bị trước được cho động vật (hay con người). Rốt cuộc tất cả đều sẽ phải đối mặt với những điều không ngờ.

Khuyến khích một đứa trẻ chơi - cho nó cơ hội khám phá, hành động ngẫu nhiên, thậm chí là dại dột, và làm mọi chuyện chẳng vì lý do gì, để hiểu được kết quả hay hậu quả - là giải pháp để chuẩn bị cho những khó lường đó. Nhưng để có động lực, việc khám phá như vậy bản thân chúng phải mang lại niềm vui, dù kết quả có ra sao. 

Chúng ta không chơi đùa vì chúng ta nghĩ việc chơi đùa có ích. Chúng ta chơi đùa vì nó vui. Một so sánh gần nhất có lẽ là động lực tiến hóa cho tình dục: Nhu cầu duy trì nòi giống tạo ra động lực tiến hóa hết sức mạnh mẽ khiến tự thân nó, tình dục là một hoạt động mang lại khoái cảm lớn, độc lập với kết quả của nó.

Trẻ em ở công viên Klimpark, Rotterdam. Ảnh: kidsproof
Trẻ em ở công viên Klimpark, Rotterdam. Ảnh: kidsproof

Chất phiêu lưu ở sân chơi

Những sân chơi của trẻ em trong quá khứ và ở vùng thôn dã, vốn đầy chất phiêu lưu, thậm chí là mạo hiểm thái quá, đang ngày càng trở nên an toàn đến nhàm chán ở các khu đô thị đông đúc. Một xu hướng mới để trở về nhiều hơn với tự nhiên và sân chơi ngẫu hứng đang xuất hiện ở các nước phát triển, nhất là Anh và Mỹ.

Có những không gian sân chơi thoạt trông không khác gì một bãi phế liệu với lốp xe vương vãi, các mảnh gỗ, dây thừng cùng “đồ chơi” như đinh và búa, nơi đám trẻ được thoải mái xây cất và phá hủy. Chúng thậm chí còn được đốt lửa.

Reilly Wilson, người đứng đầu tổ chức sân chơi cho trẻ ở thành phố New York (play:groundNYC), điều hành một sân chơi mạo hiểm kiểu đó ở khu cù lao Governors, New York. Wilson chia sẻ với getpocket.com rằng ở sân chơi của anh, cha mẹ chỉ được phép vào những khu dành cho trẻ còn rất nhỏ. Những trẻ lớn hơn được thoải mái ở những khu mạo hiểm.

“Đừng giới hạn tiêu chuẩn của bạn ở mức bậc cha mẹ cả lo nhất. Nếu làm thế, bạn chắc chắn cho ra đời những sân chơi nhàm chán - Wilson nói - Trong rất nhiều không gian được thiết kế cho trẻ nhỏ, tất cả rủi ro được loại trừ và chúng bị cảnh báo không được làm đủ thứ”.

Từ khóa ở đây là “thiết kế”. Kiến trúc sư người Mỹ Meghan Talarowski chẳng hạn, đã thiết kế 16 sân chơi ở London với các bề mặt khác nhau, kết hợp cát, cỏ, nước và sàn ximăng. 

Các khu vực sân chơi được sắp xếp để lũ trẻ có thể bò qua một hang đá, trèo lên các tảng đá, leo lên và tụt xuống những đường trượt gỗ, đu dây thật mạnh hay chơi thể thao theo đội.

Talarowski, điều hành công ty thiết kế phi lợi nhuận chuyên sân chơi Studio Ludo, thấy rằng các kiểu sân chơi đấy thu hút số người tới chơi nhiều hơn 53% so với sân chơi “an toàn tiêu chuẩn” và trẻ ở đó vận động nhiều hơn 18%. Việc thi công cũng rẻ tiền hơn.

Sân chơi trẻ em, như nhiều thứ khác, dịch chuyển cùng những thay đổi về văn hóa. Từ cuối những năm 1970, các bậc cha mẹ ở Anh bắt đầu bị giội bom các cảnh báo về nguy cơ tiềm tàng ở sân chơi và trong khu phố với trẻ nhỏ.

Hành vi của họ thay đổi theo: The New York Times dẫn lại một nhóm nghiên cứu ở Anh cho biết tỉ lệ trẻ em 9 tuổi tự đi học vào năm 1971 là 85%. Năm 1990, tỉ lệ này chỉ còn là 25%. 

Dễ hiểu là các xích đu ván trơn và vòng quay ngựa gỗ biến mất, trong khi miếng nệm cao su chất liệu mới xuất hiện khắp nơi. Cả một thị trường “đồ chơi tuyệt đối an toàn” nở rộ.

Ý tưởng chơi đùa “mạo hiểm hơn” không chỉ nở rộ ở các nước phương Tây. Ngay cả ở Ấn Độ, nơi các sân chơi kiểu “an toàn tiêu chuẩn” vẫn còn chưa phổ biến, đã xuất hiện nhiều chương trình sân chơi thông minh cho trẻ em ở đô thị nhắm tới việc xây dựng sân chơi đa mục đích.

Lấy ví dụ, một số công viên ở thành phố đông Ấn Độ, Bhubaneswar, tích hợp trong đó các bể nước, hố cát, những bức tường trẻ có thể vẽ lên thoải mái và các rạp hát ngoài trời để diễn kịch.

Ở Đài Loan, các bậc cha mẹ đang dẫn dắt trào lưu. Christine Lee ở Đài Bắc - bà mẹ trẻ của hai đứa con nhỏ, một 3 tuổi và một 5 tuổi - đang vận động chính quyền thay đổi quyết định sau khi nhà chức trách định thay những cầu trượt bêtông, các tháp cao có thể leo trèo, đu vòng trên sân cát bằng thiết bị nhựa và gỗ tiêu chuẩn. 

Lee cùng các bậc cha mẹ khác đã mở một tổ chức phi lợi nhuận tên gọi Công viên và sân chơi cho trẻ em, vì trẻ em. Ý kiến của họ đã được chính quyền lắng nghe rất nghiêm túc.

Thiết kế thành phố cho trẻ nhỏ

Chúng ta lẽ ra phải thiết kế thành phố để khuyến khích trẻ con tụ tập và sân chơi là nơi tốt nhất cho điều đó, thay vì bắt chúng phải về nhà ôm điện thoại hay máy tính bảng. Đó cũng là điều nhiều nhà thiết kế đô thị, các tổ chức phi chính phủ và người vận động xã hội (thật đáng tiếc, còn ít lãnh đạo chính quyền) đã nghĩ tới.

Thiết kế thành phố nghĩ trước hết tới trẻ em - nhất là quy hoạch các không gian ngoài trời, bảo đảm an toàn và tương tác xã hội - sẽ sớm trở thành một nhu cầu cấp thiết: Hiện giờ có khoảng 1 tỉ trẻ em sống ở các thành phố; tới năm 2050, khoảng 70% dân số thế giới sẽ là thị dân và đa số trong đó là dưới 18 tuổi.

Một báo cáo của Công ty thiết kế Arup, Anh cho thấy hai khía cạnh trong quy hoạch và thiết kế cần phải được nghĩ tới khi thực hiện tuyên ngôn “vì tương lai con em chúng ta”: sự tự do mỗi ngày và cơ sở hạ tầng phục vụ trẻ em. 

Sự tự do mỗi ngày là việc trẻ có thể đi lại hằng ngày an toàn bằng đi bộ hay xe đạp - không cần người lớn - tới trường, tới sân chơi, tới công viên.

Một phép đo đạc đơn giản là “thử thách kem que”: ở một khu dân cư, một đứa trẻ đủ lớn có thể tự mình đi từ nhà tới cửa hàng mua một que kem, rồi trở về nhà trước khi nó chảy ra, như thế là đủ.

“Khi chúng ta lập những công viên, bảo tàng và khu vui chơi rộng lớn ở trung tâm thành phố, chỉ một số ít trẻ có thể tiếp cận, nhưng nếu chúng ta xây dựng nhỏ hơn, ở quy mô địa phương hơn, nhiều trẻ em hơn có thể tiếp cận” - báo cáo viết.

Ảnh: ABC News
Ảnh: ABC News

“Không gian tự nhiên” trong đô thị cũng là tối quan trọng với trẻ nhỏ. Công viên Trẻ em ở Santiago, Chile trải rộng khắp thành phố và mở ra tới cánh rừng ngoại ô, tạo ra nơi chơi đùa cho trẻ em của mọi khu dân cư, dù giàu hay nghèo. Rotterdam, Hà Lan có một khu rừng đô thị - nơi trẻ có thể đào hang hốc, làm nhà trên cây, đốt lửa và làm bè đi trên suối hay thậm chí cắm trại qua đêm.

Cuối cùng, báo cáo khuyến nghị hãy hỏi ý trẻ em và các gia đình trong quá trình quy hoạch đô thị, điều mà báo cáo nhấn mạnh là đặc biệt quan trọng ở các nước có thu nhập còn thấp. 

“Thiết kế là tạo ra đời sống và tương tác cộng đồng - báo cáo viết - Điều đó có nghĩa các chính sách như định nghĩa không gian chung cho trẻ em và gia đình, quy hoạch sử dụng đất, tiêu chuẩn hạ tầng… cần có sự tham gia của các cộng đồng đó”.■

Khái niệm sân chơi trẻ em theo nghĩa hiện đại có lẽ xuất hiện từ thế kỷ 19, trong thời công nghiệp hóa và đô thị hóa ở phương Tây. 

Sau Thế chiến II, các sân chơi mạo hiểm là rất phổ biến. Ở Đan Mạch, kiến trúc sư cảnh quan Carl Theodor Sorensen là người tiên phong thiết kế các sân chơi “cấm người lớn” với các đồ vật và cấu trúc bằng gỗ, sắt cho trẻ em thoải mái chơi. Ý tưởng về “sân chơi cảnh quan” đó nhanh chóng lan khắp châu Âu.

Những năm 1940-1970 được coi là thời hoàng kim của sân chơi trẻ em, và xu hướng ưu tiên tuyệt đối cho an toàn khiến sân chơi nhàm chán hơn bắt đầu từ những năm 1980, cùng lúc với sự phổ biến của vô tuyến truyền hình, rồi các thiết bị điện tử giải trí tại gia khác khiến người ta thích thú sự riêng tư ở nhà hơn là các không gian công cộng. 

Xu hướng sân chơi mạo hiểm chỉ trở lại rất gần đây, sau khi nhiều bậc cha mẹ nhận ra tác hại của việc con cái suốt ngày dán mắt vào màn hình điện thoại hay máy tính bảng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận