Cuộc sống nhân loại đã thay đổi thế nào một thập niên qua? Công nghệ đã làm thay đổi, thậm chí lật đổ những giá trị nào? Thật mỉa mai, một trong những người có thể cho ta cái nhìn hết sức sòng phẳng và vô tư lại là người bị tách rời khỏi mạch đập của cuộc sống suốt thập niên qua - Daniel Genis - cây bút của Penguin Books, The New York Daily News, Testosterone Nation, Sueddeutsche Zeitung, The Moscow Times... TTCT lược dịch và giới thiệu bài viết của ông sau 10 năm ngồi tù và cảm giác choáng váng khi trở về với thực tại. Daniel Genis Những năm suy tư Ở Tân thế giới cách đây hai thế kỷ, Washington Irving (1783-1859) cho một truyện đậm chất ngụ ngôn của mình diễn ra tại mấy quận bắc tiểu bang New York, nơi hơi thở văn hóa Hà Lan của dân nhập cư còn phảng phất đâu đó. Và ngẫu nhiên đây cũng chính xác là nơi tôi ngồi tù gần chục năm. Nhân vật Rip van Winkle của Irving trốn mụ vợ lắm điều của mình về chốn hoang dã và sau khi uống một cốc thần dược rơi vào giấc ngủ 20 năm. Lúc tỉnh dậy, Van Winkle ngạc nhiên chứng kiến nhiều thay đổi mà những người đương thời cho là bình thường. Gã không biết cuộc cách mạng giành độc lập cho Hoa Kỳ khỏi ách thống trị của Anh đã kết thúc, do đó gã làm cho đám đàn ông trong một quán rượu nổi đóa vì nâng cốc chúc sức khỏe vua George của Anh và Ireland, thay vì tung hô tân tổng thống Mỹ George Washington! Van Winkle buộc phải cập nhật mọi kiến thức, song chính khoảng cách do giấc ngủ tạo ra khiến gã quan sát mọi biến chuyển với nhãn quan mạch lạc hơn. Thập kỷ xa rời xã hội ấy của tôi đã rèn cho tôi cái mũi thính với mọi khác biệt giữa hôm nay và năm 2003. Với sự tĩnh tại của một người từng có quá nhiều thời gian, đồng thời háo hức muốn học hỏi, giờ đây tôi có thể thực hiện giấc mơ sau rào kẽm gai - quan sát mười năm tiến hóa của xã hội. Tôi ra tù hồi tháng 2, sau 123 tháng tối thiểu do luật định. Một tuần lễ đen tối tháng 8-2003 với heroin đã đưa tôi vào giấc ngủ. Ngày đó tôi đã tốt nghiệp Đại học New York và bắt đầu sự nghiệp với một công việc trong giới xuất bản, vậy mà hai năm chích hút đã đẩy tôi đến mấy vụ cướp vụng về. Báo chí gọi tôi là “tên cướp ăn năn” vì thái độ rất thành khẩn của tôi trước tòa, nhưng con dao trong tay tôi đủ để quan tòa kết tội “cướp có vũ khí” - may mà tôi không làm ai bị thương với vũ khí đó - và cho tôi 12 năm suy ngẫm sau song sắt. Trong tù tôi được phép nghe đài, đọc báo và nhận điện thoại từ gia đình. Tôi không xem truyền hình vì máy để ở phòng công cộng và tôi ít chung thị hiếu với những người khác. Vì lý do an ninh, ở đó tuyệt đối cấm Internet. Tôi tận dụng thời gian để đọc những tác phẩm văn chương sáng giá nhất, song xét về kiến thức xã hội bên ngoài thì chẳng khác gì ngủ một giấc dài. Biến chuyển chóng mặt Từ tháng 11-2003 đến tháng 2-2014 chắc chắn không có cuộc cách mạng nào, tuy nhiên thế giới ở hai thời điểm nói trên khác nhau đến kinh dị. Mọi thứ đều chịu một gia tốc khôn lường. Một kẻ du hành vượt thời gian đến kỷ nguyên của chúng ta chỉ cần ngắm ôtô và điện thoại di động là đủ biết đang ở thời điểm nào. Con người ngày càng hòa trộn vào thế giới số, có thể nhận ra qua màn hình của điện thoại di động như dính liền vào tay họ, và qua đó mọi hành xử và quy tắc đạo lý cũng biến đổi theo. Tất cả, ngoài tôi, đều thạo những động tác vuốt màn hình cảm ứng. Nhưng điều đầu tiên đập vào mắt tôi khi xe chở tôi ra khỏi bìa rừng để lên đường cao tốc là ôtô thời nay đã nhỏ đi trông thấy, nhỏ như xe châu Âu. Đây đó có vài chiếc Hummer kềnh càng, song trước đây mười năm mấy loại xe tí xíu như Smart chỉ đến từ châu Âu hay Nhật chứ ở Mỹ mấy bà nội trợ cũng dùng xe SUV. Cách đây một thập kỷ, người Mỹ ưa ca cẩm về nguy cơ khi đi ôtô nhỏ, vì khi có tai nạn chúng không thể bảo đảm an toàn cho hành khách trước các loại xe Mỹ đồ sộ. Hồi qua Đan Mạch học, tôi nhận ngay ra ôtô, xe buýt, tủ lạnh và suất ăn ở đây nhỏ hơn bên Mỹ nhiều, nhưng khi nói ra thì người địa phương tưởng rằng tôi đùa. Nhận ra sự phát triển trong văn hóa ôtô thì dễ vì chúng là những đồ vật lớn và cơ động. Muốn nhận biết các khác biệt trong xã hội người ta phải nhìn kỹ hơn mới thấy. Tình trạng kỳ thị ở Mỹ Theo quan sát của tôi ở New York, trong mấy năm qua xã hội Mỹ đã tiến bộ nhiều. Tổng thống Hoa Kỳ hôm nay là người da đen, tuy đa số người bầu ông là da trắng và mức độ ủng hộ ông có chìm nổi. Tình trạng phân biệt sắc tộc đã giảm đi. Sự kiện Ferguson (*) khiến tôi hơi chùn tay khi viết mấy dòng này, nhưng tôi đã nhanh chóng nhận ra rằng thái độ phân biệt chủng tộc không thể có chỗ đứng trong một xã hội thanh lịch. Trước đây mười năm, khi khách khứa đã uống vài ngụm rượu vào cuối những cuộc chè chén, không hiếm khi nghe được truyện tiếu lâm về người da đen, hôm nay thì không. Tỉ lệ hôn nhân giữa người da đen và da trắng gia tăng mạnh cũng là một minh chứng. Tình cảnh của người đồng tính luyến ái đã vượt qua một rào cản khó định nghĩa. Ngày trước tôi vẫn theo dõi cuộc tranh luận ở Mỹ, rằng liệu đó có phải là một thể trạng bẩm sinh. Cả những người có học cũng dùng chữ “biến thái”. Một người bạn tôi từng thú nhận là người đồng tính, mẹ anh ta - một nghệ sĩ - đã từ mặt con mình mấy năm liền. Trong giới nghệ sĩ đô thị, đề tài đồng tính lúc này không có gì bất thường. Tất nhiên không phải mọi nơi đều thế, và hậu quả đôi khi rất tàn bạo. Một anh bạn tôi không phải người đồng tính nhưng ưa ăn mặc lòe loẹt khác đời, đã bị một nhóm thanh niên đánh đập và nhục mạ. Ở Mỹ vẫn còn nhiều bang tranh cãi về quyền của người đồng tính muốn thành hôn hay nhận con nuôi, nhưng nói chung xã hội chấp nhận là bàn tay có ngón ngắn ngón dài. Khi chồng nữ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Michelle Bachmann định làm tiền bằng quảng cáo “chữa bệnh đồng tính”, ông ta bị các phương tiện truyền thông vùi dập. Theo nhận định của tôi, nước Mỹ đã chấp nhận chủ đề đồng tính như một khía cạnh mặc định của cuộc sống. Có lần người ta giới thiệu cho tôi một nhà văn. Câu chuyện tràng giang đại hải và kết thúc là câu: “À, anh ấy là người đồng tính”. Trước đây mười năm có lẽ đó là câu đầu tiên. Tôi sẽ không dễ quên đi mười năm ngục tù cũng bởi vì tôi luôn khai thác điều đó trong sáng tác, nhưng trong một số lĩnh vực tôi sẽ không để những năm tháng ấy chi phối nữa. Những chiếc ôtô nhỏ ngoài đường không làm tôi bận tâm, thậm chí tôi sắp mua một chiếc. Việc người đồng tính được đối xử công bằng là một tiến bộ theo đúng hướng mà tôi vẫn mong đợi cho nước Mỹ. Trên lĩnh vực văn hóa, mười năm qua đã khiến Mỹ và châu Âu xích lại gần nhau hơn. Thế giới phẳng Khác với Rip van Winkle, tôi không ngủ chừng ấy năm mà chỉ không được truy cập mạng - và nhiều người sốc khi nghe chuyện đó. Đơn giản là họ không thể hình dung nổi. Trong tù tuyệt đối cấm Internet, do đó tôi không hề biết có YouTube, chẳng biết quẹt ngón tay lên màn hình, và tôi có tài khoản Facebook chỉ vì được vợ đăng ký cho. Nếu có ai phàn nàn về Internet thì tôi là người cuối cùng. Tôi không chỉ kiếm sống bằng cách đưa lên mạng các tác phẩm của mình, mà qua Facebook tôi còn tìm được nhiều người quen ngày xưa, cả những người không rõ vì sao tôi bặt tăm mười năm. Tôi là thành viên của một quần thể cuối cùng không có tuổi xuân trên mạng. Ngày đi học, bọn tôi không biết tán gẫu hoặc chơi điện tử trên Internet. Cũng chẳng ai tự sát vì bị kẻ xấu tung ảnh nhạy cảm. Ma túy dạo đó mua ở trong ngõ chứ không đặt qua mạng Craigslist. Tôi đã ngủ quên cuộc cách mạng kỹ thuật số như thế đấy. Tôi cũng biết một số bạn tù vừa tỉnh giấc như tôi, họ không thể đuổi kịp nhịp sống mới, kêu ca là ngón tay chuối mắn không bấm được phím smartphone. Tôi tảng lờ như không nhận ra, giống như khi một người mù chữ nhờ bạn đọc hộ vì quên mang kính, và bạn biết chắc là người ấy chưa đeo kính bao giờ! Giá trị của kiến thức cũ và mới Nhưng vai trò hoành tráng của Internet trong đời sống thường nhật có lẽ không phải là thứ khiến Rip van Winkle đặc biệt xúc động. Như Van Winkle, tôi tận hưởng mọi điều mới mẻ khi tỉnh giấc, nhưng đồng thời ngộ ra mọi hệ quả của cái kho kiến thức khổng lồ nén trong điện thoại bỏ túi. Tôi nhớ lại tất cả những giọt mồ hôi từng đổ để trau dồi ngoại ngữ, để học thuộc lòng thứ tự các đời hoàng đế La Mã và tên thủ đô mọi quốc gia trên Trái đất... Tất cả đều mất giá trước Wikipedia! Ngày xưa Van Winkle được tôn vinh là có học vị cao và trí nhớ tốt, hôm nay một số không nhỏ năng khiếu bị rút gọn thành “biết tra Google”. Mọi dữ liệu trữ trong não tôi nay không còn cao giá từ khi smartphone ra đời. Mới đây tôi xem cuốn phim kinh điển Thoát khỏi Los Angeles. Cuối phim, Kurt Russel trong vai Snake Plissken bịt một bên mắt, cầm trong tay một cái máy có khả năng đưa nền văn minh Trái đất quay trở về thời đồ đá. Tất cả những gì Snake Plissken cần làm chỉ là bấm số 666. Và sau một hồi lưỡng lự, Snake Plissken quả thật đã nhấn phím. Ở địa vị Snake Plissken có lẽ tôi cũng làm thế để khôi phục vị thế cho các kiến thức của mình. Nhưng khốn thay, tôi xem phim đó trên iPad từ nguồn Netflix. Rip van Winkle trong truyện của Irving khốn khổ vì sự hoán đổi giữa George đệ tam và George Washington, nhưng gã đâu đủ sức đảo ngược điều đó. Giống hệt tôi. Tôi, chúng ta, tất cả mọi người chỉ có một hướng đi - tiến lên phía trước. (*): Tháng 11-2014, Tòa án Ferguson xử cho cảnh sát da trắng Darren Wilson vì lý do phòng vệ nên vô tội khi bắn chết cậu bé da đen Michael Brown, khiến hàng ngàn người xuống đường phản đối. Lê Quang (lược dịch từ nhật báo Sueddeutsche Zeitung, 4-1-2015)
Nước Mỹ vận hành chương trình tài trợ khoa học cho doanh nghiệp nhỏ ra sao? NGUYỄN TRUNG DÂN 13/03/2025 2424 từ
Người phụ nữ ở Bắc Ninh tuyên bố tìm được ân nhân cho vay 8 chỉ vàng 20 năm trước P.THẢO 16/03/2025 Sau hơn 3 ngày chia sẻ lên mạng xã hội, người phụ nữ ở Bắc Ninh cho hay đã tìm được ân nhân cho vay 8 chỉ vàng để chữa bệnh u máu cho con cách đây 20 năm.
Nữ tài xế lái ô tô Mercedes tông 10 xe máy ở Thủ Đức có nồng độ cồn vượt 0,4mg/l MINH HÒA 16/03/2025 Liên quan vụ nữ tài xế lái ô tô Mercedes tông 10 xe máy ở ngã tư Thủ Đức (TP.HCM), tối 16-3, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online xác nhận bước đầu lực lượng chức năng xác định người này có nồng độ cồn trong người.
Sẽ tổ chức còn khoảng 2.000 xã, mỗi xã gần như một huyện nhỏ THÀNH CHUNG 16/03/2025 Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay sau Hội nghị Trung ương sẽ có một hội nghị toàn quốc để triển khai sáp nhập cấp tỉnh và sắp xếp lại cấp xã.
Điện đàm Trump - Putin trong tuần tới, Mỹ - Houthi cùng tuyên bố sẽ bắn nhau NGỌC ĐỨC 16/03/2025 Đặc phái viên Nhà Trắng khẳng định nhiều khả năng tổng thống Mỹ - Nga sẽ điện đàm trong tuần tới, trong khi cả Washington và Houthi đều tuyên bố sẽ có động thái quân sự chống lại nhau.