TTCT - Trong một đại dịch bất ngờ và quy mô tàn phá lớn như COVID-19, tất cả các quốc gia đều “vừa chạy (dịch) vừa chữa”, những sai lầm trong đối phó và xử lý khủng hoảng đều có dưới muôn dáng hình. Bức tượng hai cha con nhà thơ Pencho và Petko Slaveikov ở Sofia, Bulgaria. -Ảnh: schengenvisainfo Thẳng thắn nhận saiMột trong những nước vừa nhận sai là Bulgaria. Hôm 21-7, Bộ trưởng Y tế nước này Stoycho Katsarov thẳng thắn và rõ ràng gọi tên hai sai lầm chết người của các quan chức y tế Bulgaria trong chiến dịch tiêm chủng phòng chống coronavirus: “Sai lầm thứ nhất: những người già trên 60 tuổi và những người có bệnh nền không được ưu tiên. Sai lầm thứ hai: công tác hậu cần kém cỏi, khi Bulgaria ưu tiên mua AstraZeneca để sau đó, gặp trục trặc trong việc cung ứng”.Kết quả, trong làn sóng thứ hai của đại dịch ở Bulgaria, 80% ca tử vong (khoảng 10.000 người) là những người già mà theo Stoycho Katsarov, “lẽ ra những cuộc đời này đã được cứu sống nếu việc tổ chức tốt hơn”.Từ đầu đại dịch đến 28-7-2021, đã có hơn 424.000 người (trên tổng số gần 7 triệu dân Bulgaria) nhiễm bệnh, hơn 18.000 người chết. Bình quân trên 1.000 người nhiễm ở Bulgaria có tới 43 người chết, trong khi ở những nước khác, con số này là 21 người. Tức tỉ lệ tử vong trên số người nhiễm bệnh ở Bulgaria là 4,29%, cao gấp đôi so với mức bình quân thế giới là 2,12%. Kênh truyền hình Tsargrad bình luận: “Chưa từng có một thú nhận nào trung thực như thế về việc tiêm vaccine từ miệng một quan chức Bulgaria”.Công tâm mà nói, có thể bác sĩ Stoicho Katsarov dám nhận sai vì ông là bộ trưởng y tế trong êkip chính phủ lâm thời (vừa được Tổng thống Rumen Radev bổ nhiệm hôm 12-5). Nhưng khi thừa nhận sai lầm cũng là lúc Sofia quyết định sửa sai. Vừa nhậm chức, ông Stoicho Katsarov đã điều chỉnh chiến lược và đẩy mạnh tiêm chủng. Từ ngày 18-5, các trung tâm chủng ngừa được thiết lập tại mỗi thành phố Bulgaria. Những người từ 60 tuổi trở lên và những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính được tiêm ở đó từ thứ hai đến thứ năm. Những ngày còn lại trong tuần sẽ dành cho bất cứ ai sẵn sàng tiêm chủng, theo thứ tự đăng ký của họ.Hiện mới có 16% dân số Bulgaria tiêm đủ liều và 18% tiêm xong liều thứ nhất. So với các nước châu Âu, Bulgaria đứng cuối bảng về tỉ lệ dân được tiêm chủng.Bi kịch từ “hiệu thuốc của thế giới”Những hình ảnh khó quên nhất của đại dịch COVID-19 năm 2021 là cảnh người dân Ấn phải đốt xác người thân ngay trên đường khi những lò thiêu đã hoạt động hết công suất mà vẫn không sao đáp ứng. Ấn Độ đã trải qua làn sóng thứ 2 của COVID-19 (dấy lên từ cuối tháng 3-2021) đầy kinh hoàng, với số người chết chỉ trong làn sóng thứ 2 là 200.000 (trên tổng số 400.000 ca tử vong từ đầu đại dịch). Cuộc đua tuyệt vọng tìm bình oxy đã diễn ra trong suốt hơn 1 tháng tại Ấn Độ (Ảnh: India Times)Sau khi làn sóng đầu tiên đạt đỉnh vào tháng 9-2020, Ấn Độ tuyên bố chiến thắng COVID-19. Với số ca nhiễm được báo cáo giảm dần, vaccine sắp xuất hiện, các hạn chế xã hội được dỡ bỏ, cuộc sống người Ấn tưởng như có thể trở lại bình thường. Vậy mà không lâu sau, hệ thống y tế lại quá tải và một cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng đã xảy ra. John Nkengasong, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, tuyên bố cuộc khủng hoảng COVID-19 của Ấn Độ là lời cảnh tỉnh không chỉ cho châu Phi, mà cho cả phần còn lại của thế giới.Nữ nhà báo Ấn Độ Vidya Krishnan, có 20 năm theo dõi mảng y tế và khoa học ở Ấn Độ, trong bài viết trên The Atlantic đã phân tích lý do thất bại của Ấn Độ trong đối phó với làn sóng thứ hai (tháng 4 và 5-2021): “... Dĩ nhiên chính quyền Modi có nhiều điều đáng trách: Khi làn sóng coronavirus đầu tiên tấn công Ấn Độ, chính quyền đã đưa ra các biện pháp giãn cách khắc nghiệt khiến những người nghèo nhất bị tổn thương nhiều nhất”. (Cần lưu ý hầu như tuyệt đại đa số người lao động Ấn Độ kiếm sống trên đường phố: trong các cửa hàng, chợ, ven đường, trên cánh đồng, trong rừng rậm, tại các công trường xây dựng, trạm xăng, quán trà và căngtin... Bất thình lình: không được ra đường trong ba tuần, đồng nghĩa với việc mất việc làm và nguồn thực phẩm!). Delhi đã hỗ trợ rất ít cho những người bị mất việc làm hoặc thu nhập do các biện pháp giãn cách. Thủ tướng không lắng nghe cảnh báo của các nhà khoa học hàng đầu đất nước về nguy cơ bùng phát mới..., không nắm bắt cơ hội tăng cường cơ sở hạ tầng y tế quốc gia. Thay vào đó, chính quyền Modi đã đưa ra “những tuyên bố khoe khoang”, cho phép các lễ hội và sự kiện thể thao với số lượng lớn người hâm mộ.Một nhà báo khác, Ralph Alex Arakal của tờ Indian Express phân tích lý do chính quyền Modi lúng túng trước làn sóng thứ hai: đợt giãn cách trong làn sóng đầu tiên đã tác động nặng nề đến người nghèo. Việc áp dụng biện pháp cách ly trở lại ngay sau khi số ca lây nhiễm bắt đầu tăng sẽ tước đi mọi phương tiện kiếm sống của những người này và sẽ buộc chính phủ phải trả những khoản trợ cấp khổng lồ lần nữa. Sự bùng phát kinh hoàng của làn sóng thứ hai đã chứng minh việc Delhi thiếu một kịch bản đối phó khủng hoảng.Thất bại đạo đức của thế hệỞ góc nhìn khác, nhà báo Vidya Krishnan cho rằng thảm trạng Ấn Độ phải đối mặt là “một thất bại đạo đức của thế hệ chúng tôi”: Ấn Độ là một quốc gia đang phát triển, ấy vậy mà theo tiêu chuẩn quốc tế, nó không chi đủ cho sức khỏe của người dân.Nhưng thực tế này lại được che đậy bằng thế mạnh về y tế của Ấn Độ. Các bác sĩ Ấn được đào tạo bài bản. Ấn Độ được biết đến với nền công nghiệp dược phẩm chuyên sản xuất các loại thuốc và vaccine hiệu quả và tiết kiệm chi phí, tự hào là “hiệu thuốc của thế giới”. Cùng lúc, khu vực y tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, dẫn đến việc hình thành “chủ nghĩa apartheid trong y tế”. “Những người giàu có được chăm sóc và điều trị tốt nhất có thể (và những người siêu giàu thậm chí có khả năng chạy trốn đến nơi an toàn trên máy bay tư nhân), nắm chặt ví tiền của mình, trong khi những người khác không thể gọi xe cấp cứu, bác sĩ, lấy thuốc và oxy”.Kinh nghiệm đau thương của làn sóng thứ hai, theo Krishnan, cho thấy: “Để đảm bảo sức khỏe của người dân, không thể đi tắt bằng cách tiết kiệm những thứ vặt vãnh. Giờ đây, những người giàu thấy mình trong tình cảnh giống những người nghèo, và họ sẽ phải trả giá cho những thất bại về sức khỏe cộng đồng giống như cách mà những người dễ bị tổn thương nhất ở Ấn Độ từng phải trả cho nó”.Mihir Swarup Sharma thuộc Quỹ nghiên cứu quan sát viên ở New Delhi và là người đứng đầu Chương trình kinh tế và tăng trưởng của tổ chức này, trong một bài viết trên Bloomberg ngày 30-5 đã rút tỉa một số bài học từ thảm kịch Ấn Độ. Một số điểm chính:Bài học đầu tiên và rõ ràng nhất từ Ấn Độ là tránh tự tin thái quá. Một thay đổi tương đối nhỏ về cách lây truyền của biến thể mới có thể có những ảnh hưởng lớn, phi tuyến tính đến tốc độ lây lan. Điều đó cũng có nghĩa là các chiến lược ngăn chặn đại dịch vào năm 2020 không nhất thiết sẽ có hiệu quả vào năm 2021. Khi những biến thể mới xuất hiện, các chính phủ cần giãn cách nghiêm ngặt và nhắm mục tiêu rõ rệt hơn để giữ được an toàn. Để thực hiện điều này, cần phải tiến hành xét nghiệm rộng rãi và giải trình tự gene để tìm hiểu những biến thể nào đang lây lan trong cộng đồng, ở đâu. Điều này không dễ dàng ngay cả với Ấn Độ vốn có nền tảng khoa học rộng lớn, nên các nước đang phát triển khác càng phải chiến đấu cật lực hơn.Thứ hai: bài học về năng lực chăm sóc sức khỏe vốn còn hạn chế ở các quốc gia mới nổi. Theo Mihir Swarup Sharma, các chính quyền nên tận dụng tối đa khoảng thời gian không khẩn cấp (khi số ca lây nhiễm còn thấp) để chuẩn bị cho làn sóng mới bằng cách thiết lập các quy trình (ví dụ: kế hoạch ứng phó khủng hoảng), lập lực lượng đặc nhiệm (ví dụ: lực lượng đặc nhiệm liên quan tới oxy) và cơ cấu thể chế (ví dụ: SAGE ở Vương quốc Anh, nơi tư vấn khoa học phối hợp và kịp thời cho các nhà ra quyết định quốc gia) để chuẩn bị sẵn những phản ứng nhanh, kịp thời...Cuối cùng, và quan trọng nhất, tất cả các quốc gia cần hiểu rằng vaccine sẽ có tác dụng giảm số ca lây nhiễm. Cần có chiến lược tiêm chủng hợp lý, công bằng từ một phía, và từ phía khác, bảo đảm nguồn cung. Chính phủ Ấn Độ cho rằng “chỉ cần một quốc gia ngừng sản xuất nguyên liệu thô, toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ bị phá vỡ”. Thí dụ, vaccine Covaxin được sản xuất trong Ấn Độ của Bharat Biotech International Ltd. sử dụng 360 chất liệu từ 10 quốc gia - 200 trong số đó từ Hoa Kỳ. Mihir Swarup Sharma lưu ý việc các quốc gia như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh “khuynh đảo chuỗi cung ứng để ưu tiên nhu cầu của chính họ” có thể phá vỡ quy trình này.Việc các nhà sản xuất Ấn Độ chuyển sang đáp ứng nhu cầu nội địa khổng lồ đồng nghĩa là các quốc gia dễ bị tổn thương ở phần còn lại của thế giới mới nổi sẽ phải chờ đợi khá lâu cho những mũi tiêm ngừa của họ. “Hợp tác quốc tế trong những tuần và tháng tới phải tập trung vào việc đảm bảo rằng chuỗi cung ứng vaccine được sửa chữa, chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu, tăng cường năng lực sản xuất và nguồn cung vaccine hiện có được chia sẻ công bằng hơn” - Mihir Swarup Sharma kết luận.Bài học về cơ sở hạ tầngĐại dịch lần này cho thấy việc thiếu chuẩn bị hạ tầng ở cấp độ quốc gia. Mà đây không phải là dịch bệnh đầu tiên, không phải virus corona đầu tiên, và mỗi năm hàng triệu người chết vì biến chứng từ các bệnh đường hô hấp. Có nghĩa, trên nguyên tắc, đã đủ lý do để chuẩn bị dự trữ máy thở, thiết bị bảo hộ và lực lượng nhân viên y tế dự bị. Nhưng ngân sách khổng lồ lại được chi cho quân sự (rủi chiến tranh thì sao?). Tại sao quân đội có “nguồn dự trữ”, còn y tế lại không? Trong khi đó, người ta chết mỗi ngày vì những lý do lẽ ra được loại trừ từ lâu (ví dụ, cung cấp các xét nghiệm HIV miễn phí, bao cao su miễn phí và bơm kim tiêm dùng một lần, ít nhất là cho các nhóm có nguy cơ).Việc đóng cửa các văn phòng và cơ sở giáo dục trong giãn cách cho thấy xã hội chưa sẵn sàng cho việc chuyển đổi sang nền tảng làm việc từ xa. Tức là chỉ cần bất kỳ sự kiện không lường trước được nào nổ ra trên toàn cầu, chúng ta sẽ không có thuốc men, không thể học tập và làm việc.Những nhà quản lý doanh nghiệp bối rối khi không thể kiểm soát nhân viên và quy trình. Phải chăng đã đến lúc cấu hình lại các quy trình theo cách phân tán mà không làm giảm chất lượng? Hóa ra là các trường trung, đại học không có giải pháp sẵn sàng nào. Ngay cả với hệ thống mua sắm công, vẫn không có cách nào kết nối chúng một cách nhanh chóng khi khủng hoảng. Ấy vậy mà có những dự án quốc gia, những chương trình của nhà nước, những bản đồ lộ trình và những báo cáo đẹp đẽ của các bộ, ban ngành... Tags: Thảm kịch Ấn ĐộĐiều trị CovidĐại dịch Covid 19Học từ sai lầmChiến lược chống dịch của Ấn ĐộBulgaria chống dịch
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.