Thế giới dai dẳng của người già

NGUYỄN VŨ 24/08/2022 06:55 GMT+7

TTCT - Tại sao các lão làng ở nhiều vị trí cứ yên vị, ngáng đường tiến thân của các thế hệ trẻ hơn?

Thế giới dai dẳng của người già - Ảnh 1.

Minh họa: Mark Smith/Harvard Business Review

Nhà khoa học James Watson chỉ vừa tròn 24 tuổi lúc ông đồng khám phá cấu trúc chuỗi xoắn kép của DNA. Thiên tài Albert Einstein cũng chỉ mới 26 tuổi khi ông xuất bản công trình nghiên cứu về thuyết tương đối hẹp. 

Nhưng ngày nay, độ tuổi bình quân của các nhà khoa học khi đạt được những thành tựu mang tính đột phá đã tăng vọt: những người đoạt giải Nobel đều già đi, nhất là trong lĩnh vực vật lý và hóa học. Số lượng giáo sư trên 60 tuổi trong biên chế của các đại học tăng gấp đôi tính từ năm 1995 đến năm 2010.

Không chỉ trong lãnh vực nghiên cứu, độ tuổi bình quân các doanh nhân điều hành các tập đoàn lớn cũng tăng lên đáng kể. Tuổi bình quân các ngôi sao điện ảnh ăn khách cũng ngày càng cao: Harrison Ford (80), Clint Eastwood (92), Anthony Hopkins (84)… Paul McCartney vẫn sung sức trên sân khấu dù nay đã tròn 80.

Rõ nét nhất là lĩnh vực chính trị. Tổng thống Mỹ Joe Biden là vị tổng thống già nhất nước Mỹ, năm nay 79 tuổi. Ấy thế mà ông Biden vẫn còn trẻ hơn ba nhân vật quan trọng còn lại gồm bà Nancy Pelosi - chủ tịch Hạ viện Mỹ, nay đã 82; Steny Hoyer - lãnh đạo phe đa số ở Hạ viện Mỹ (83 tuổi) và Mitch McConnell - lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện Mỹ (80 tuổi). Nên nhớ ngày xưa lúc Thomas Jefferson ký vào bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ mà ông là tác giả chính, ông chỉ vừa mới 33 tuổi.

Tờ The Atlantic cất công tìm hiểu nguyên nhân. Lý do đầu tiên tờ này đưa là tuổi thọ bình quân của con người nói chung và người Mỹ nói riêng đã tăng so với thời điểm năm 2000. Quan trọng hơn, người giàu sống lâu hơn người nghèo bình quân đến 10 năm và khoảng cách này đang còn giãn ra nữa. Theo số liệu tờ báo này đưa ra, tuổi thọ của người giàu mỗi năm tăng thêm chừng 0,2 năm, tính ra kể từ năm 2000, người giàu thêm được 4 năm vào tuổi thọ sống trên đời. Thực tế tuổi bình quân của các thượng nghị sĩ Mỹ đã tăng từ 59,8 vào năm 2001 lên 64,3 vào năm 2021, một mức tăng trên dưới 4 năm.

Tính toán như thế có thể đúng với các thượng nghị sĩ, nhưng ở nhiều ngành nghề khác, mức tăng cao hơn nhiều lần. Các hiệu trưởng đại học tăng từ mức bình quân 50 tuổi lên 70 tuổi trong cùng thời kỳ. Tuổi bình quân các CEO trong danh sách Fortune 500 tăng thêm 9 năm; tuổi bình quân các diễn viên đóng vai chính trên phim tăng thêm 12 năm, từ 38 lên 50, cho các vai nam. Giờ cứ nhìn vào dàn diễn viên ăn khách nhất hiện nay: Tom Cruise năm nay 60 tuổi, Brad Pitt và Keanu Reeves cũng đã 58… Các "anh" này chiếm chỗ hầu như không còn đất cho diễn viên 20, 30 tỏa sáng như ngày xưa các anh từng tỏa sáng. Clint Eastwood đã ngoài 90 mà vẫn đóng phim, làm đạo diễn, kể cả những phim phiêu lưu hành động.

Thế giới dai dẳng của người già - Ảnh 2.

Tom Cruise trong phim Ton Gun ở 2 thời điểm cách nhau 36 năm.

Lý do thứ nhì là dường như những người trong thế hệ "Baby boomer" (sinh từ năm 1946 đến 1964) không chịu về hưu mà cứ bám chặt lấy công việc, xăng xái sôi nổi không kém thế hệ Millenial và Gen X. Nhà văn Paul Millerd gọi hiện tượng này là "Boomer blockage", tức các lão làng ở nhiều vị trí cứ yên vị, ngáng đường tiến thân của các thế hệ trẻ hơn, khiến thế hệ này mắc kẹt trong các vị trí quản lý cấp trung.

Cả hai lý do này không giải thích được vì sao trong lĩnh vực nghiên cứu người đoạt giải Nobel ngày càng lớn tuổi trong khi các ngôi sao khoa học ngày càng hiếm hoi. Có lẽ vì kho tàng kiến thức nhân loại đang phình to, con người cần học thêm nhiều thứ và để nắm được các kiến thức gọi là căn bản để từ đó tạo ra những đột phá, cần phải mất một thời gian rèn giũa công phu hơn xưa. Nói cách khác, ai nấy đều giỏi hơn xưa nên để vượt lên trong một thế giới đầy người giỏi như thế cần sự hàm dưỡng công phu tích tụ qua năm tháng.

Lấy ví dụ trong ngành di truyền học, cách đây 200 năm chỉ cần quan sát các cây đậu trồng trong nhà là đã có thể hình thành lý thuyết về di truyền, nhưng ngày nay khi người ta đã lập bản đồ gene cho con người và biết gene trội, gene lặn… thì đưa ra một khám phá mới là một quy trình phức tạp hơn trồng đậu gấp cả ngàn lần. Hơn nữa, ngày nay trong nghiên cứu khoa học, các thành tựu được công bố thường là công trình tập thể, các cá nhân riêng lẻ khó lòng chen chân. Trong những tập thể như vậy, người đứng đầu thường phải có uy tín cao, tích lũy qua nhiều năm nên đương nhiên là người lớn tuổi.

Trong giải trí, sự tràn ngập các chọn lựa cũng làm người thưởng ngoạn bối rối. Trong một rừng phim có sẵn, người ta có xu hướng chọn các tên tuổi quen thuộc cho chắc ăn, khỏi mất công tìm kiếm. Thế là loại phim "nối dài" cứ thay nhau ra đời. Trong thập niên qua, trong số 10 phim ăn khách nhất, đến một nửa là phim làm lại hay phim "nối bản" mà mới nhất là Top Gun: Maverick. Ai từng say mê theo dõi phim Top Gun nguyên gốc ra mắt năm 1986 nay sẽ vào rạp xem Top Gun: Maverick cũng với những nhân vật đó, 36 năm sau, với Tom Cruise 60 tuổi, Val Kilmer 62 và Ed Harris nay 71.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận