Thế giới thay đổi, bóng đá cũng thay đổi

HUY THỌ THỰC HIỆN 18/07/2010 18:07 GMT+7

TTCT - Một số bạn đọc thắc mắc sao mùa World Cup này không thấy ông Nguyễn Văn Vinh, một chuyên gia bóng đá, xuất hiện trên các báo như mọi lần trước. Đúng vậy, ông Vinh đã nhận lời làm bình luận viên tại Nam Phi cho Đài truyền hình kỹ thuật số VTC. Ngay sau trận chung kết, chúng tôi đã trò chuyện với ông qua điện thoại.

Phóng to
Ông Nguyễn Văn Vinh (phải) cùng BLV Quang Tùng của VTC tại Nam Phi - Ảnh: Khánh Sơn

Nam Mỹ và châu Âu khác gì?

* Ngay giờ phút này (sáng 12-7), sau khi xem xong trận chung kết, nếu nói thật ngắn gọn về điều ấn tượng nhất đối với ông tại World Cup 2010 thì đó là gì?

- Ông Nguyễn Văn Vinh: Khán giả.

“Bóng đá đúng là tấm gương phản chiếu xã hội. Tại World Cup 2010, chúng ta đã chứng kiến việc bóng đá thay đổi mạnh mẽ như thế giới ngày nay” - chuyên gia Nguyễn Văn Vinh

* Chỉ thế thôi sao? Là người cả đời gắn bó với bóng đá, sao điều ấn tượng với ông không phải là chuyên môn?

- Chuyên môn thì mình ngồi nhà xem qua truyền hình cũng thấy, riêng cảm nhận tuyệt vời về khán giả thì phải đến tận nước chủ nhà mới cảm được. Chuyện khán giả ở đây không phải là đông, bởi tôi hay anh, chúng ta cũng đều có cảm giác sống giữa đám đông cuồng nhiệt bóng đá tại sân Mỹ Đình, sân Thống Nhất hay các sân bóng ở Thái Lan, Indonesia tại các kỳ SEA Games, giải vô địch Đông Nam Á.

Điều thú vị về khán giả tại World Cup là hình ảnh đa sắc màu văn hóa, là cảm giác về một thế giới hòa bình. Trước trận chung kết mà người ta vẫn gọi là “cuộc chiến một mất một còn” giữa Tây Ban Nha với Hà Lan, vậy mà tôi đã bắt gặp vô số hình ảnh cổ động viên hai đội bá vai nhau chụp ảnh lưu niệm trên đường vào sân. Thật tuyệt vời...

* Về chuyên môn, ông thích nhất điều gì?

- Sau giai đoạn đấu bảng, tất cả đều nói về sự thất bại của châu Âu khi hơn phân nửa số đội bị loại, song song đó là sự thăng hoa của bóng đá Nam Mỹ. Bóng đá châu Á cũng đáng được nhắc đến khi Hàn Quốc và Nhật Bản đã thể hiện tiến bộ rõ nét. Riêng với châu Phi, cách chơi bóng tự nhiên và tính tổ chức không cao cho thấy không có đất sống trong bóng đá hiện đại.

Nhưng giải càng vào sâu, bóng đá Nam Mỹ càng hụt hơi. Theo tôi, đây là một kỳ World Cup đề cao tính khoa học, cách thức tổ chức chặt chẽ trong bóng đá.

* Nhưng chúng ta cũng đã thấy người Brazil ngày nay học theo cách thực dụng của châu Âu và đa số cầu thủ đều chơi bóng ở các giải quốc gia châu Âu. Argentina cũng thế. Rồi các đội đại diện châu Phi cũng có những ngôi sao thành danh ở châu Âu. Không lẽ chừng ấy không đủ để mang về lối chơi khoa học cho đội nhà?

- Mọi chuyện đâu dễ dàng như thế. Người Brazil sống phóng khoáng, ưa hội hè, thích thể hiện cá nhân. Bản chất ấy được họ mang vào sân bóng tạo nên thương hiệu riêng, không thể trong một sớm một chiều thay đổi dễ dàng được.

Với Nam Mỹ, cái tôi cá nhân được đề cao tối đa. Ở đó tập thể phải phục vụ một hoặc vài cá nhân. Ở đội Brazil, hầu hết cứ phải dồn bóng cho Kaka hay Robinho, hoặc thêm nữa là Fabiano. Tương tự ở Argentina là Messi. Còn ở Tây Ban Nha, Hà Lan và Đức, một người vì mọi người và mọi người vì một người. Nghĩa là sự thành công của tập thể là tối thượng.

Tương tự, châu Phi cũng thế thôi. Những Eto’o, Drogba thành công ở châu Âu chỉ là vì họ nằm trong một tập thể mang phong cách châu Âu. Còn khi về với Cameroon, Bờ Biển Ngà thì bản năng được giải phóng, nhanh chóng trở lại với bản chất của mình.

Đức là một bài học lớn

Vì sao tuyển Anh xìu?

* Ông giải thích thế nào về chuyện tuyển Anh, một đội bóng mà người VN rất mê, hình như không chịu đá bóng?

- Tôi nhất trí với nhận xét rằng “tuyển Anh không chịu đá”. Đây là câu chuyện mà chính người Anh cũng chưa tìm ra câu trả lời. Vì vậy, tôi chỉ xin nói theo góc nhìn của mình, đó là khi người ta quá thừa mứa tiền bạc và danh vọng có được tại các CLB thì không còn khát khao cống hiến ở đội tuyển. Và nữa, người Anh vốn tự hào mình nào kém ai, thế mà lại phải cầu cạnh đến một ông HLV người Ý thì thật khó kích thích được cầu thủ tiến lên. Nên nhớ, trước ông Capello, tuyển Anh cũng xìu dưới thời ông Erickson người Thụy Điển.

* Vậy ông nói gì về việc đã có quá nhiều thay đổi, như Đức giờ chuyển sang chơi tấn công, phối hợp nhỏ - nhuyễn; Hà Lan chuyển qua thực dụng, cứng rắn, thậm chí hủy diệt bóng đá?

- Đó là sự thay đổi nhằm tìm kiếm một giá trị mới. Đức đang cố gắng từ bỏ truyền thống thực dụng, lạnh lùng nhằm mưu cầu một thứ bóng đá đẹp. Nhưng họ không đánh mất bản chất đâu! Cách làm việc khoa học, nghiên cứu đối thủ tỉ mỉ là truyền thống của Đức, bây giờ họ vẫn còn giữ đấy.

Còn Hà Lan sau nhiều lần thất bại với bóng đá đẹp nay cũng muốn thay đổi để nâng tính hiệu quả. Tuy nhiên, họ hơi quá đà trong trận chung kết. Tôi nghĩ đây chỉ là nhất thời.

* Ông từng có thời gian học khóa huấn luyện viên tại Đức nên hẳn biết lòng tự hào dân tộc của người Đức. Tôi còn nhớ cách nay vài năm, chuyện cầu thủ da màu Asamoah khoác áo tuyển Đức đã làm dậy lên làn sóng phản đối. Vậy mà giờ đây tuyển Đức có nhiều cầu thủ da màu như Cacau, Boateng, Aogo và cả người Thổ Nhĩ Kỳ như Ozil. Chuyện gì thế?

- Tôi cho rằng đó là sự thay đổi đáng kinh ngạc. Người Đức tiếp tục thể hiện là một quốc gia luôn đi đầu trong việc tìm tòi những điều mới mẻ để tiến bộ. Thế giới ngày nay là một thế giới phẳng.

Ở Đức, đâu chỉ còn mỗi người Arian thuần chủng. Nước Đức hôm nay cũng là một quốc gia có nhiều sắc dân đến từ châu Á, châu Phi, các nước lân cận. Chúng ta đã thấy một ông bộ trưởng y tế Đức là người VN rồi kia mà. Thế thì trong bóng đá nếu cứ khư khư ôm lấy quan điểm chỉ dành cho dân Đức chính hiệu thì họ sẽ không thể nào phát triển. Người Đức tự hào về dân tộc của mình, nhưng họ không bảo thủ. Câu chuyện này của Đức, Beckenbauer đã nói rất rõ trong một cuộc họp báo tại Nam Phi.

Tôi nghĩ câu chuyện của bóng đá Đức sẽ là một vấn đề mà nhiều nước nên học theo, trong đó có cả VN chúng ta.

World Cup 2010 và bóng đá VN

* Ông Calisto - HLV trưởng đội tuyển VN, đã nói trước ngày khai mạc: những người gắn bó với bóng đá VN khi xem World Cup không nên chỉ đơn thuần là giải trí. Với các cầu thủ phải xem được có ngón nghề gì hay ở World Cup. Với các HLV, phải xem hệ thống chiến thuật mà các đội sử dụng tại World Cup có gì lạ. Với những nhà quản lý nên học cách làm sao để tổ chức bóng đá như là ngày hội chứ không phải là màn tra tấn người xem. Thậm chí với khán giả cũng nên học theo cách ứng xử trên khán đài... Vậy còn ông?

- Tôi thống nhất với ông Calisto. Điều mà tôi cho rằng mình học được lớn nhất tại World Cup kỳ này chính là điều vừa nói ở trên: phải thay đổi để thích nghi, để phát triển. Một nước Đức tự cao như thế mà giờ đây còn mở rộng vòng tay để đón cầu thủ gốc châu Phi, gốc Thổ Nhĩ Kỳ, gốc Ba Lan... Thế thì tại sao chúng ta lại không?

* Thú thật bản thân tôi trước đây cũng chẳng thích chuyện đội tuyển quốc gia có những người nước ngoài, nhưng giờ đây cũng nghĩ lại sau khi xem đội Đức. Nhưng thực tế ở VN không giống Đức?

- Tôi hiểu ý bạn muốn nói về chuyện cầu thủ nước ngoài xin nhập tịch VN không xuất phát từ tấm lòng mà từ những món tiền lót tay, từ bệnh ham thành tích của các đội bóng. Và tôi cũng chia sẻ quan điểm đó của bạn. Chúng ta không chấp nhận tuyển thủ quốc gia mà không hát được quốc ca, không nói được tiếng Việt. Nhưng những Ozil, Boateng, Cacau... sống ở Đức từ nhỏ, biết hát quốc ca Đức, nói sõi tiếng Đức và xem nơi này thật sự là tổ quốc của mình.

Ở VN, không phủ nhận vàng thau còn lẫn lộn, nhưng thật sự cũng đã có những cầu thủ chọn VN làm tổ quốc, thể hiện qua việc lập gia đình, sinh con đẻ cái, học tiếng Việt, hát được quốc ca. Nhưng vẫn còn rất nhiều người chưa chấp nhận họ là sao? Tôi nghĩ đã đến lúc phải thay đổi để phát triển. Khi đứng trên khán đài tại World Cup, khi nghe quốc ca các nước trỗi lên, tôi đã rơi nước mắt khi tưởng tượng một ngày nào đó tại World Cup sẽ nghe “Đoàn quân Việt Nam đi...”.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện, và mong sẽ có những thay đổi mạnh mẽ để ước mơ của ông, của chúng tôi và của cả hàng chục triệu người VN nhanh chóng thành hiện thực.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận