Thẻ vàng thủy sản: Gỡ được hay không?

TRUNG TRẦN 20/05/2023 10:38 GMT+7

TTCT - Còn khác biệt giữa ưu tiên của người làm chính sách và người chịu tác động trực tiếp để thực thi chính sách trong nỗ lực gỡ thẻ vàng thủy sản của Việt Nam.

Xuất phát từ quan niệm nhân văn kiểu châu Âu về một môi trường sống cân bằng và hài hòa, Liên minh châu Âu (EU) đưa ra quy định nhận diện nguồn gốc thủy sản nhập khẩu, từ đó phân loại các quốc gia xuất khẩu thủy sản vào liên minh này bằng hệ thống các thẻ màu bao gồm xanh, vàng, đỏ, và nghiêm trọng nhất là ngừng giao dịch.

Gọi tắt là IUU ("illegal, unreported and unregulated", nghĩa là "bất hợp pháp, không được báo cáo và không có quy định quản lý"), quy định này dựa trên tầm nhìn tốt đẹp: "Hãy lưu tâm chăm sóc đại dương - và để các loài hải sản đem lại nhiều lợi ích hơn cho nhân loại". Từ quan điểm đó, đến giờ đã có 27 quốc gia bị EU phạt thẻ.

Các nước từng bị EU dán thẻ . Trên cùng là tình trạng hiện tại. Ảnh: Cơ quan Nghiên cứu Nghị viện châu Âu

Các nước từng bị EU dán thẻ . Trên cùng là tình trạng hiện tại. Ảnh: Cơ quan Nghiên cứu Nghị viện châu Âu

Mất nửa tỉ USD mỗi năm

Có 3 nước trên toàn cầu bị thẻ đỏ, gồm láng giềng của Việt Nam, Campuchia.

Trong 9 quốc gia đang bị dán thẻ vàng có 4 nước châu Phi, 4 nước Nam Mỹ và Việt Nam. (Asean còn có Thái Lan và Philippines từng bị thẻ vàng và đã được gỡ). Với hạn chế của thẻ vàng, thủy sản Việt Nam xuất khẩu đi EU bị tiền kiểm 100%. Hậu quả là chi phí cho cá ngừ, bạch tuộc, mực… đi châu Âu tăng lên, sản lượng giảm xuống do thời gian giao hàng kéo dài.

Thiệt hại hiện kim rơi vào khoảng nửa tỉ USD, tương đương 5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản biển. Gỡ thẻ vàng là quyết tâm chính trị của cả trung ương lẫn địa phương, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nhưng đến nay đã là 7 năm, các cuộc kiểm tra của EU vẫn chỉ ra những điểm mà để khắc phục được, giải pháp không chỉ là quyết tâm chính trị.

Hiểu đơn giản: một con cá ngừ hay bạch tuộc khi nhập vào châu Âu phải đầy đủ các thông tin truy tích được: đánh bắt ở đâu, khi nào, bởi tàu loại nào, ra khơi và về lại đất liền ở cảng nào? Có tuân thủ luật pháp về khai thác - quản lý thủy sản của quốc gia sở tại? Rồi những luật pháp đấy có phù hợp với quy định của EU?…

Để có đủ thông tin, khối lượng công việc và nhân sự đảm trách là khổng lồ. Muốn biết tàu nào ra vào cảng - tàu phải đăng ký và được cấp giấy phép khai thác, phải trang bị máy định vị, thiết bị giám sát hành trình, và quan trọng hơn, khi tàu ra khơi, các thiết bị đấy… không được tắt để đảm bảo tàu không đi vào vùng biển cấm khai thác hay vào hải phận các nước láng giềng.

Vùng biển Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung nhiều vùng chồng lấn, thậm chí là tranh chấp, việc tàu đánh cá ngư dân các nước đi vào lãnh hải của nhau là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, thực tế vẫn là các nước có bờ biển dài và ngành đánh bắt hải sản mạnh trong khu vực như Malaysia hay Indonesia chưa hề bị dán thẻ.

Phải thừa nhận rằng công tác trang bị máy định vị với nhiều tàu đánh cá chỉ là để đối phó, và quyết tâm gỡ thẻ vàng của hệ thống chính trị chưa chắc là quyết tâm của... ngư dân - những chủ thể thực sự của cả vấn đề này. 

Vì EU chỉ chiếm khoảng 10% giá trị xuất khẩu, nếu khó khăn quá, không bán được cho họ thì ta đi bán cho Mỹ hay Trung Quốc - những thị trường quy mô lớn hơn và chưa có quy định ngặt nghèo tương tự.

Hiểu cho ngư dân

Xét nguyên tắc thuận mua vừa bán, đấy cũng là lý do để ngư dân và các đầu mối xuất khẩu không mặn mà lắm với công cuộc gỡ thẻ mà cả hệ thống chính trị các tỉnh ven biển Nam và Trung Bộ đang hô hào đốc thúc. Ngư dân có lý lẽ của họ. 

Trong quá khứ rất gần đây thôi, họ từng tham gia một chính sách tưởng là tốt đẹp - nhưng họ không là chủ thể của quá trình triển khai nên kết quả thật đáng buồn.

Đó là chương trình đóng tàu vỏ thép đánh bắt xa bờ cho các tỉnh Nam Trung Bộ 2014 - 2022. Ngân hàng cho vay vốn cùng công ty đứng ra đóng tàu không do ngư dân được quyền lựa chọn, nên tàu đóng ra không đúng công năng, ngư dân sử dụng không hiệu quả và ngân hàng không đòi được tiền. Con tàu thép sau đấy được thanh lý với giá khoảng 10% giá đóng mới.

Tuân thủ các yêu cầu của EU thì ai cũng biết là vì tương lai của biển, của ngư dân tốt đẹp hơn. Nhưng để có thể thay đổi được suy nghĩ của những người quen sóng nước, nay được yêu cầu phải chuyển qua thực hiện những quy trình nghiêm ngặt về đăng ký, báo cáo, ghi nhật ký... y hệt công nhân trong nhà máy công nghiệp - không thể là chuyện vài năm, chứ đừng nói vài tháng.

Để có một thế hệ gia công được hàng cho Samsung - Foxconn, ngành công nghiệp lắp ráp của Việt Nam phải mất 20 năm mới hình thành được đội ngũ có tác phong và tư duy hệ thống. 

Hay đến tận giờ, tiêu chuẩn xanh trong ngành dệt may - vốn là cái nôi công nghiệp gia công - chỉ mới triển khai thành công ở 10% nhà máy Việt Nam, dù tiêu chuẩn này đã được ban hành gần 30 năm. 

Có thể hiểu trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản, IUU là công cụ tương tự hệ thống ISO trong công nghiệp. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn, và còn quan trọng hơn là duy trì lâu dài sự tuân thủ, đòi hỏi phải thuyết phục được ngư dân.

Kinh nghiệm thành công nhất để gỡ thẻ vàng thuộc về Hàn Quốc (2 năm) và Philippines (1 năm). Họ đều có điểm chung là khung pháp lý mạnh mẽ - tức những quy định cao ngang mức một bộ luật; thiết lập trung tâm kiểm soát chặt chẽ; và yêu cầu ứng dụng thiết bị thời gian thực. 

Triển khai được như vậy là thách thức lớn với Việt Nam: Nhân sự để tiến hành? Liệu các sở ban ngành địa phương có đủ định biên bổ sung để chỉ tập trung cho việc gỡ thẻ? Bao nhiêu ứng dụng IT để kết nối tàu với trung tâm xử lý dữ liệu, để xây dựng được hệ thống dữ liệu kiểm soát, và bóng dáng những lời hiệu triệu 4.0 trong chiến dịch gỡ thẻ này ở đâu?

Tiền lại chạy sang EU?

Nỗ lực hiện tại nhằm khắc phục các khuyến nghị còn lại của EU là rất đáng ghi nhận, nhưng cũng nên thấy, đấy là những biện pháp ngắn hạn, không có tính ổn định lâu dài. 

Vấn đề nằm ở nhận thức của ngư dân, của cả chuỗi cung ứng ngành khai thác chế biến, logistics và hệ thống quản trị kinh tế biển. Nó không thể là một nỗ lực ngắn hạn, bởi lẽ những trường hợp "thẻ đi rồi thẻ lại về" - như Panama và Ghana - không phải là hiếm.

Trong diễn dịch của EU về IUU có một mục đích nữa là tạo thêm công ăn việc làm trong ngành thủy hải sản, nghĩa là cũng chừng ấy lượng hải sản được khai thác, sẽ có thêm những công đoạn theo dõi, kiểm soát, đo lường, đào tạo. Chính sách đấy cũng có nghĩa miếng bánh sẽ được chia ra nhiều phần hơn, bao gồm một phần là cho chính EU.

IUU là công cụ cho sinh kế biển lâu bền hơn, thủy sản biển có cơ hội phát triển hơn, nhưng bản chất vẫn là một hàng rào kỹ thuật, mà để gỡ bỏ, chúng ta phải thuê các chuyên gia từ… châu Âu. 

Những dịch vụ đánh giá, đo lường, kiểm soát, tuyên truyền, giáo dục ngư dân… đều phải chi tiền, rất nhiều tiền mới có người chỉ dạy. Người chỉ dạy không ai khác - chính là khách hàng.

Rốt cuộc tiền cũng vào túi khách hàng, dù có dưới lớp mỹ từ nào. Đây chính là thứ lợi nhuận không có gì tinh vi mà những quốc gia tiên tiến kiếm được mà những quốc gia ở sau trong chuỗi cung ứng phải chấp nhận. 

Do vậy, sản xuất xanh, năng lượng tái tạo, chứng chỉ gỗ sạch, rồi thẻ vàng thủy sản, về lâu dài sẽ làm môi trường tốt đẹp hơn, nhưng trước hết, các quốc gia ở phân khúc sản xuất - gia công như Việt Nam, phải chịu thiệt đã. Điều này chưa chắc là hợp lý và rõ ràng là không bình đẳng, nhưng là tất yếu. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận