Thêm một thách thức với nước Nga

DUY VĂN 10/04/2017 23:04 GMT+7

TTCT- Nước Nga sau một thời gian tạm yên ổn lại hứng chịu những tang tóc của khủng bố. Bên cạnh việc truy tìm thủ phạm và kẻ thù giấu mặt, còn một cuộc chiến khác họ phải đối mặt: “chiến tranh lạnh bis”.

Ông Putin đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân ở gần nhà ga Đại học Công nghệ, Saint Petersburg-nyt.com14h40 ngày 3-4-2017 tại Saint Petersburg, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đang kết thúc cuộc làm việc với diễn đàn truyền thông “Mặt trận nhân dân toàn Nga” và chuẩn bị cho cuộc gặp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, thì thành phố bỗng chấn động vì một vụ nổ lớn.

Vụ nổ với sức công phá tương đương 300gr TNT ở toa số 3 của chiếc tàu điện ngầm vừa khởi hành từ ga “Quảng trường Sennaya” để đến ga “Đại học Công nghệ”. 14 người chết và hơn 49 người bị thương, theo thống kê chính thức đến ngày 5-4.

Đây là mưu toan đánh bom kép vì ngoài vụ nổ ở ga Đại học công nghệ, nhà chức trách đã kịp phát hiện và vô hiệu một thiết bị nổ sức công phá tương đương 1kg TNT ở ga “Quảng trường Khởi nghĩa”.

Chiều 4-4, Interfax dẫn nguồn tin Ủy ban điều tra Nga (SKR) cho hay vụ nổ do kẻ đánh bom liều chết gốc Kyrgyzstan Akbarzhon Dzhalilov, 22 tuổi, có quốc tịch Nga từ năm 2011, thực hiện. Thi thể Dzhalilov được tìm thấy tại hiện trường, trong khi dấu vết ADN của nghi can vẫn còn lưu lại trên thiết bị nổ thứ hai.

Ai đứng sau?

Saint Petersburg, không phải thủ đô Matxcơva, đã bị chọn làm đích nhắm phải chăng vì ngày 3-4 ông Putin có mặt ở đây trong hai cuộc làm việc quan trọng?

Vụ nổ diễn ra giữa hai sự kiện này, nhưng tổng thống Nga đã không hoãn cuộc gặp với người đồng cấp Belarus. Đến 23h cùng ngày, ông có mặt ở ga Đại học Công nghệ để đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân.

Ngay sau vụ tấn công, xuất hiện nhiều nhận định cho rằng thủ phạm là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), với mục đích trả đũa các hoạt động của Nga ở Syria nhắm vào IS, mà mới nhất là việc quân đội Nga giúp chính quyền Syria giành lại Aleppo, thành phố quan trọng thứ hai ở nước này.

Nhật báo Sự Thật Komsomol, trong giả thiết IS của họ, giải thích rằng mục tiêu là gieo rắc sợ hãi: “Để chỉ ra nước Nga cũng rất dễ tổn thương. Và để trả thù riêng Tổng thống Putin, người đã ra lệnh tiến hành chiến dịch chống khủng bố ở Trung Đông”.

Trong phát ngôn chính thức, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tỏ ra thận trọng hơn: “Chủ nghĩa khủng bố không có quốc tịch” và là “tội ác chống lại toàn nhân loại và tất cả tôn giáo”.

Các chi tiết về nghi phạm chính nhanh chóng được xác minh. Theo Interfax, trước khi nhận quốc tịch Nga (có cha là người Nga), Dzhalilov sống cùng gia đình ở Osha, Kyrgyzstan. rồi chuyển về Petersburg làm cho một tiệm sushi.

Năm 2014, Dzhalilov “mất tăm” một thời gian rồi lại trở về làm ở một cửa hàng dịch vụ ôtô. Tháng 2-2017, Dzhalilov về Kyrgystan một tháng, rồi quay lại Nga qua ngả sân bay Domodedovo, Matxcơva.

Các nhà điều tra không loại trừ khả năng Dzhalilov bị những kẻ cực đoan tuyển mộ và nhận chỉ thị từ đây. Sáng 5-4, trang web của SKR cho hay Chủ tịch SKR Alexander Bastrykin đã ra lệnh điều tra mối liên hệ giữa Dzhalilov với tổ chức IS. Đây là giả thiết chính thức của Matxcơva.

Trong khi đó, tờ Izvestia đã lần theo các trang cá nhân của Dzhalilov trên mạng cho biết nghi can này có hai tài khoản trên mạng xã hội Nga VKontakte.

Tài khoản đầu không sử dụng từ năm 2014, còn trên tài khoản thứ hai Dzhalilov liên hệ với những người cùng chí hướng, trong đó có nhóm TAWBA tuyên truyền các tư tưởng cực đoan giai đoạn đầu. Izvestia viết: “Đây là nơi “trui rèn” những người cực đoan tôn giáo.

Thế nhưng... các cộng đồng này không được các cơ quan an ninh chú ý đúng mức vì vẻ ngoài dường như vô hại”.

Mối đe dọa thường trực

Vào lúc chính quyền vẫn đang điều tra động cơ và thủ phạm, các chuyên gia tâm lý cho rằng ngoài những tổn thất nhân mạng, vụ khủng bố còn gây ra thêm chấn thương tinh thần cho xã hội Nga vốn đang sống trong “đe dọa khủng bố thường trực 15 năm qua”, theo lời nhà chính trị học Nga Yelena Shulman trên Lenta.ru.

Vụ khủng bố gần đây nhất xảy ra năm 2010 tại metro Lubyanka và công viên Văn hóa (Matxcơva) làm 41 người chết và hơn 80 người bị thương. (Thủ phạm là hai phụ nữ đánh bom liều chết, tay sai của trùm khủng bố Doku Umarov).

Từ đó đến nay, công tác an ninh chặt chẽ đã giúp ngăn chặn nhiều vụ khủng bố. Cựu thủ trưởng đơn vị chống khủng bố KGB Vladimir Lutsenko cho biết từ đầu năm, tình báo Nga đã ngăn chặn 40 âm mưu khủng bố và bắt giữ hàng trăm kẻ tình nghi.

Nhưng ông Lutsenko cũng nói dù cẩn mật đến đâu, nhà chức trách “không thể đặt ở mỗi nhà trẻ một chiếc xe tăng” hay “biến xã hội thành một pháo đài bị bao vây”.

Ngay sau vụ tấn công, truyền thông Nga đã lấy ý kiến người dân. Đa số cho rằng không nên hoảng loạn và kêu gọi nhau trong những ngày này cần bình tĩnh, không nên đưa thông tin chưa kiểm chứng trên mạng xã hội, cần đoàn kết trước kẻ thù chung là chủ nghĩa khủng bố.

Nhưng chuyên gia chính trị Yelena Shuman cảnh báo trong khi hiệu ứng đoàn kết xã hội có thể chỉ ngắn hạn, thì sự mệt mỏi và sợ hãi sẽ gia tăng nếu các vụ khủng bố cứ tiếp diễn: “Chúng tôi cứ trả giá và trả giá, nhưng an ninh không vì thế mà được tăng cường”, và “bất cứ hành động khủng bố nào cũng có thể làm tăng quyền hạn của chính quyền trung ương và giới tình báo”.

Chủ tịch đảng đối lập trong Nghị viện Nga Yabloko, Emilia Slabunova, thì bình luận: “Thảm kịch thật đáng sợ nhưng nếu nói về hậu quả chính trị thì có lợi cho nhà cầm quyền”.

Nỗi lo đó không phải vô cớ. Một số đại biểu Đảng Nước Nga thống nhất đã lên tiếng yêu cầu tăng quyền hạn cho Ủy ban chống khủng bố liên bang.

Cựu nhân viên ngoại giao Nga Vladimir Fedorovski, tác giả cuốn Putin - từ A đến Z, nói trên Le Figaro: “Ông Putin nhất định sẽ phản ứng. Có thể ông sẽ bắt đầu bằng những biện pháp chống khủng bố trên lãnh thổ mình, trước khi đưa ra các biện pháp ở cấp độ quốc tế. Có thể ông sẽ có một kế hoạch hợp tác với Hoa Kỳ... hay lập một liên minh quốc tế”, nhưng dù phản ứng có ra sao thì các biến cố kiểu như vừa qua “chỉ có thể khiến ông ấy thêm quyết liệt!”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận