TTCT - Đằng sau hình ảnh các loài thú quý hiếm được phát hiện là một hành trình đầy cam go của đội đặt/tháo bẫy ảnh. Ngày đầu tiên đi đặt bẫy ảnh, chưa quen đường, lại gặp mưa lớn giữa rừng, lúc nằm nghỉ trong lán, Hoàng Tấn Phát tự hỏi “tại sao mình lại làm cái nghề cực khổ này?”. “Hay là bỏ, kiếm việc khác” - ý nghĩ thứ hai ập đến.Những câu hỏi ấy cũng từng xuất hiện trong tâm trí Nguyễn Văn Viên. Nhưng rồi, hai thanh niên ấy đã gắn bó với công việc này suốt 4 năm qua.Hành trình gần 100km đường rừngMột ngày trung tuần tháng 9, nhóm 6 người thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Điền gùi thức ăn, vật dụng vào rừng, bắt đầu cuộc tháo bẫy ảnh.8h sáng, họ tới trạm bảo vệ rừng thuộc khu bảo tồn (ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đầu nguồn sông Ô Lâu. Chuẩn bị lên đường thì trời đổ mưa lớn. “Giờ mưa lớn, đi rất nguy hiểm. Chúng ta hoãn, mai tính tiếp” - trưởng đoàn Hoàng Tấn Phát (27 tuổi), chốt lại.Sáng hôm sau hửng nắng, nhóm dậy sớm lên đường. Từ trạm, họ chạy xe máy hơn 1km vào cất ở bìa rừng, rồi cuốc bộ. Từ đó vào đến nơi dựng lán là 25km, băng qua 5 dòng suối lớn nhỏ.Trong 6 thành viên có 3 người là dân bản địa làm hợp đồng cho khu bảo tồn. Họ là những người khỏe mạnh, nắm vững kỹ năng đi rừng và đảm nhận việc mang vác nặng. 3 thành viên còn lại, Hoàng Tấn Phát, Nguyễn Văn Viên, Trần Văn Nhật là những người trẻ, nắm vững kỹ thuật, máy móc. Nhật, 23 tuổi, là em út trong đoàn. Mới 1 năm tuổi nghề nhưng Nhật đã kịp dằn lưng 4 đợt đi rừng với 2 lần đặt và 2 lần tháo bẫy ảnh.Chuyến đầu tiên vào rừng theo các anh đặt bẫy ảnh cũng là lần đầu Nhật đi đường rừng dài. Nhật, thân hình mảnh khảnh, thường bị gọi là “mỏng cơm”, rồi cũng ráng theo kịp các anh. Lần đầu đi đặt bẫy ảnh của cậu cũng chính là sinh nhật Nhật, chuyến đi thành một dịp đón mừng tuổi mới giữa rừng già, không thể nào quên.Đi hết 1/3 chặng đường, nhóm bắt đầu tách ra. Hai người khỏe mạnh nhất vượt lên trước, đi thật nhanh về điểm dựng lán, chuẩn bị cơm nước. Những người còn lại vừa đi vừa nghỉ, đến những điểm đặt bẫy ảnh thì phân công tháo gỡ. Mọi việc diễn ra rất nhanh gọn. “Mùa này phải đánh nhanh, rút nhanh đề phòng trời mưa, nước nguồn đổ về. Dùng dằng chậm chạp sẽ rất nguy hiểm” - anh Phát nói. Đường dài, liên tục vượt suối, nhiều đoạn leo dốc nên dù trời mát, họ phải liên tục uống nước. Hơn hai giờ vừa đi vừa tháo các bẫy ảnh dọc đường, tất cả cũng đến nơi. Lán nằm trên một quả đồi nhỏ, phía trước là con suối, dưới tán những gốc cây lớn. Phía sau một khe nhỏ nhưng không có nước. “Chọn chỗ này vì nếu bất ngờ mưa lớn đổ về, nước dâng nhanh thì vẫn sẽ có đường rút lui” - anh Phát giải thích.Tính cả đi và về, cộng thêm hành trình băng rừng, vượt núi lấy bẫy ảnh, chuyến đi ngót nghét 100km. Bữa cơm nấu giữa rừng mưa Vật lộn với cây bụi, mưa rừng3h chiều, trời tạnh mưa. Họ băng qua con suối trước lán, Viên dùng máy xác định vị trí các khu vực đặt bẫy ảnh. 3 người bám vào đá, luồn cây vượt lên. Anh Thông cầm rựa đi trước phát quang để anh em phía sau dễ di chuyển hơn. Họ nhận được tín hiệu của chiếc bẫy ảnh đầu tiên.Trời đổ mưa tiếp khi họ mới lấy được chiếc bẫy ảnh thứ hai. Chiếc cuối cùng, nhóm phải đi vòng xuống lưng chừng đồi rồi lại ngược lên. Một trận gió lớn đã làm gãy những thân cây mục ruỗng, chắn lối đi, dây rừng, cây bụi chen cứng. Một số đoạn họ phải bò, luồn lách qua bụi cây.Quả đồi dốc, nhiều cây bụi có gai, đường trơn trượt gần 2km. Tuyến này trước đây đi đặt máy đã được phát quang cây bụi, nhưng sau hơn 2 tháng lại um tùm. Gần 1 tiếng đồng hồ, chiếc máy ảnh thứ 3 mới được tìm thấy. Các bẫy ảnh. Đường về trơn nhẫy, Viên sẩy chân trượt một cú dài trên triền dốc, may mắn anh nắm được nhánh cây. “Đi rừng mùa này cực lắm, sơ suất là trả giá liền” - Viên nói. Mưa xuống, trời tối đen, cả ba người dò dẫm từng đoạn đường.Tháo bẫy ảnh khó một thì đặt bẫy ảnh khổ mười. Để chọn được một địa điểm đặt máy, họ phải chia theo từng nhóm thú, từng nhóm động vật để xác định vị trí đặt. Đôi khi để đặt được máy, họ phải lần mò, lựa chọn 3 - 4 nơi. “Vì thế, có khi đặt 1 bẫy ảnh phải ở lại giữa rừng 3 - 4 đêm” - Viên nói.Ngày hôm sau, cứ hai người một tuyến, cầm theo máy định vị. “Tranh thủ làm hết công suất, cố gắng tháo hết để rút khỏi rừng trong ngày. Mùa này ở lại rừng đêm nào là nguy hiểm chừng đó” - Hoàng Tấn Phát dặn anh em.Những thành quả vui mừngNgày 13-11-2002, Khu BTTN Phong Điền (nằm giáp ranh huyện A Lưới, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) được thành lập với 41.000ha. Khu vực này được các nhà khoa học trong và ngoài nước khẳng định là nơi sinh sống quan trọng đối với các loài chim vùng núi thấp và loài chim đặc hữu là gà lôi lam mào trắng (tên khoa học Lophura edwardsi). Chim trĩ sao (tên khoa học Rheinardia ocellata) thuộc nhóm IB trong sách đỏ Việt Nam, được bẫy ảnh ghi lại lúc 6 giờ 30 ngày 23-5-2021. Ảnh: Khu BTTN Phong Điền Ngày 5-6-2016, lần đầu tiên bẫy ảnh được đưa vào đặt ở các khoảnh rừng trong khu bảo tồn. 70 ngày dưới sự theo sát của 43 máy bẫy ảnh trải dài trên 4km cho ra được 2.306 bức ảnh. 18 loài thú, 9 loài chim được ghi nhận. Voọc chà vá chân nâu, loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm và đang trong tình trạng nguy cấp tại Việt Nam được máy bẫy ảnh ghi lại năm 2017. Những chiếc bẫy ảnh có vai trò rất quan trọng trong hoạt động giám sát đa dạng sinh học, giúp bổ sung danh mục loài cho khu bảo tồn, vườn quốc gia. Những hình ảnh thu nhận được là cơ sở để các nhà bảo tồn xem xét sự tăng giảm quần thể các loài để đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp. Nó là công cụ chủ yếu thay thế các đợt khảo sát trước đây. Hai cá thể lợn rừng được bẫy ảnh ghi lại năm 2021. Khi chưa có bẫy ảnh, những nhà quản lý muốn tìm kiếm bằng chứng tồn tại của các loài thú chủ yếu dựa vào dấu chân, dấu vết thức ăn, nguồn phân để dự báo và định danh loài. Làm thủ công như thế không mang lại hiệu quả cao và mất thời gian. Những bẫy ảnh khiến công việc của họ dễ hơn, các loài được ghi nhận, phát hiện tăng nhiều.Toàn bộ 63 máy bẫy ảnh được sử dụng tại Khu BTTN Phong Điền được Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) hỗ trợ trong khuôn khổ dự án CARBI do Chính phủ Đức tài trợ. Bẫy ảnh chủ yếu sử dụng để giám sát các loài sống trên mặt đất. Với các loài chim hay linh trưởng, họ cần công cụ giám sát âm thanh (giọng hót, tiếng hú, kể cả dấu vết thức ăn). Khỉ mặt đỏ. Nhưng máy móc chưa đủ, kiến thức của con người mới quyết định hiệu quả tìm kiếm. Người đặt bẫy phải có kiến thức về sinh cảnh của từng loài. Muốn ghi lại sự xuất hiện của sao la, họ phải biết sinh cảnh của nó là những hang động đá và ven khe suối ở đầu nguồn các con sông. Muốn ghi lại chim, gà, bẫy ảnh phải đặt ở gần suối, cây bụi, bãi bằng. Các vườn quốc gia, khu bảo tồn trên khắp Việt Nam cũng đã đưa vào sử dụng hệ thống bẫy ảnh và đem lại kết quả rất lớn trong việc ghi nhận các loài thú, chim.Trong lần đầu tiên dùng máy bẫy ảnh, họ tìm được loài cầy giông sọc - một trong những loài thú ăn thịt nhỏ quý hiếm nhất thế giới. Con vật này được các chuyên gia Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) nâng thứ hạng bảo tồn lên cấp nguy cấp vào tháng 6-2016. Trước đó, các chuyên gia IUCN nghi ngờ loài này có thể đã tuyệt chủng tại Trung Quốc và Việt Nam.Ngày 12-3-2021, 56 máy bẫy ảnh được đưa lên đặt ở các tiểu khu 33, 37, 38, 48 xã Phong Mỹ, thuộc Khu BTTN Phong Điền. Hai tháng sau máy ảnh được gom về với hàng ngàn bức ảnh. Nhiều loài thú, chim như lợn rừng, chim trĩ, nhím, voọc chà vá chân nâu, cầy vằn, cheo cheo được ghi nhận, đặc biệt nhất là sự xuất hiện của mang Trường Sơn - một loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Nó từng được phát hiện trong dãy núi Trường Sơn ở Việt Nam vào năm 1997 nhưng sau đó không ai thấy chúng nữa. Con mang Trường Sơn (tên khoa học Muntiacus truongsonensis) ghi được qua bẫy ảnh ngày 12-3-2021 lúc 6 giờ 28 phút 19 giây. Ảnh: Khu BTTN Phong Điền “Có một số loài trước đây đặt bẫy ảnh chỉ ghi nhận được 1 cá thể, nhưng sau này máy ảnh đã chụp được cả một bầy. Thành quả ấy không chỉ là niềm vui với anh em làm nghề lâm nghiệp mà nó còn cho thấy rừng và môi trường sống của các loài thú đang an toàn” - anh Phát nói.Chuyến tháo 63 bẫy ảnh hồi đầu tháng 9 năm nay khép lại công việc của năm 2021, xác nhận sự an toàn của nhiều loài thú quý mà các đợt bẫy ảnh trước từng ghi nhận. Tháng 4 năm sau, họ sẽ bắt đầu hành trình đặt bẫy ảnh mới. Bẫy ảnh hoạt động bằng hệ thống pin tiểu, có một số máy cần 6 cặp pin, cũng có máy cần đến 10 cặp. Bẫy ảnh chụp hình dựa trên cảm ứng nhiệt và chuyển động. Thời gian từ khi đặt đến lúc tháo về khoảng 2 tháng. Một năm họ thực hiện hai đợt đặt máy. Tags: Bảo tồnWWF Việt NamKhu bảo tồn thiên nhiênĐặt bẫy ảnhMang Trường SơnVoọc chà vá chân nâuSách đỏ Việt Nam
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.