Thi ca vẫn tồn tại sống động

NGUYỄN CHÍ HOAN 16/02/2012 22:02 GMT+7

TTCT - Hơn 100 bài thơ của hơn 20 nhà thơ đã tới tay ban tổ chức Liên hoan thơ châu Á trước ngày khai mạc.

Liên hoan thơ châu Á lần thứ nhất
Khai mạc Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương
Thơ ca mang đến bình an
Khi thơ giao lưu quốc tế

Phóng to
Nữ nhà thơ Sabina Messeg đến từ Israel đọc thơ tại Hạ Long trong Liên hoan thơ châu Á lần thứ nhất tại VN - Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy

Từ Nga và New Zealand, từ Ấn Độ và Mỹ, từ Nhật Bản và Israel, từ Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Lào, Campuchia... những sáng tác này mang đến, trong rất nhiều giọng điệu lạ lùng và đặc sắc, cả một thế giới từ những tình tiết nhỏ nhặt đến những xúc cảm vô tận bao trùm, thấu suốt đến tận trái tim của thực tại bằng những quan sát và rung động tinh tế, chứng tỏ một điều dù không mới - rằng thi ca vẫn tồn tại sống động như có thể và người ta vẫn cần đến nó, không quay lưng với nó, nhất là trong những cảnh hỗn độn và thiếu vắng hi vọng.

Trong khuôn khổ hết sức khiêm nhường này, chúng tôi xin giới thiệu một vài tiếng nói từ cộng đồng thơ ca mang tính toàn cầu và đương đại ấy.

Giá của cuộc sống

Liệu họ có thể mua cuộc sống của anh ta
Mà không phải trả giá
Vì vậy họ quyết định
Bán anh ta cho thần chết
Mà không lấy đồng nào

Trên mái nhà

Nếu anh giữ được thăng bằng
trồng cây chuối

trên sườn dốc tôn mỏng
một mái tôn đỏ

tay trái chống nâng mình
tách trà trong tay phải

hai bàn chân tung hứng
cây bắp cải, con bướm, và một hạt cát

và phù phép ảo thuật từ túi quần túi áo
chui ra bóng tối, bướm đêm

rồi tiếp theo là mặt trời

nếu anh làm được tuốt những chuyện này
mà lại làm tôi tin

rằng anh leo lên đó chẳng cần thang
thì đồng xu của tôi này

chạy vào mũ của anh,
bậc thầy ạ.

Cây bút

Cây bút
rơi
xuống đất

Tôi để nó nằm đó
Để nó thấy kiến, thấy rắn
Ong, bọ cạp và gai...

Để nó phát hiện những vết nứt trên những miếng đất nhỏ nhiều mùn
Như giữa những châu lục trong đại dương rộng lớn

Để nó thấy được mọi thứ xung quanh
Bụi bẩn nó sẽ ăn

Để nó biết những gì nó viết

Nhờ tuyết trắng

Nhờ tuyết trắng mà cõi lòng trong trẻo,
Mà tâm hồn sáng tựa giữa bạch dương,
Bao ý nghĩ tối đen tuyết cuốn bay đi hết,
Cuộc sống trở nên trinh bạch, giản dị hơn.

Cuộc sống sáng bừng như một ngày tháng giêng,
Ngập ánh tuyết ngời lên chừng lóa mắt
Băng tuyết ngoài sàn, vườn cây phủ bạc
Hội tưng bừng chảy suốt với rượu vang...

Không muốn ra trời lạnh - cũng chẳng phải ép mình,
Thì cứ ru rú trong căn nhà ấm áp.
Nhưng cái màu trắng đây, như nỗi đau trắng bóc
Sẽ đi tìm được anh trong cái thế giới mịt mùng!

Bởi vì anh đâu phải chú gấu rừng chậm chạp
Lật sang trang giấc ngủ đến tận tiết xuân.
Trong cái hang tờ mờ dưới gốc tùng tỏa rễ
Đến tận tháng năm mới đứng dậy duỗi đôi chân.

Mùa đông đối với anh là gia huy dòng tộc,
Là khí mê tôn của anh, bầu khí quyển của anh.
Vậy thì vì sao anh lại không chào đón tuyết
Với niềm hân hoan hớn hở chú nhi đồng!

Anh hãy nhìn xem, vào tiết đông đẹp sao mặt đất?
Xe trượt con đường chạy tới muôn nơi...
Nhờ tuyết trắng - tâm hồn ta ngời sáng
Hãy cố giữ cho mình cái ánh sáng chói lọi này.

Phóng to
Nhà thơ TS Goro Takano (phải) đến từ Nhật Bản trình bày bài thơ Một con lừa và chiếc máy chụp ảnh tại sân thơ “Thơ trăm miền” diễn ra ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám sáng 5-2 cùng với nhà thơ Hữu Việt của Việt Nam - Ảnh: Ngyuễn Xuân Thủy

Cọc gỗ muốn gặp tro tàn

Đi dạo dọc con phố chiều
Tôi có cảm giác đó và muốn gặp ai đó

Gỗ xẻ chất ở góc nhỏ đen đúa
Nhìn lên
Tôi đứng đối diện với đống gỗ
Uống một lon coca-cola

Làm ơn hãy đốt tôi
Gỗ, nhìn lên, dường như muốn nói

“Tôi muốn nhìn vào bên trong”
“Tôi cô đơn”
Tôi muốn gặp tàn tro trong thoáng chốc

Tôi băn khoăn không biết mình có muốn gặp ai đó
Như gỗ muốn gặp tàn tro
Tôi băn khoăn không biết mình có muốn gặp ai đó
Cũng như gỗ khao khát

“Ai đó là ai?”
Tôi gõ vào chiếc bật lửa
Nhiệt độ giảm xuống
Những ngón tay tôi rung lên
Rồi đến đầu tôi
Gỗ nhỏ nước miếng
Cảm nhận câu trả lời trong đầu tôi
Xé nát trên nền đất
“Tôi sợ bóng đêm”
“Không khí”

Một ngọn lửa nhỏ
Ý thức rõ ràng điều gì đó sắp diễn ra
Những khung cửa sổ đóng chặt
Tiếng của một người dọn chân không

Khi tôi uống xong lon nước
Tôi đặt chiếc bật lửa lên đống gỗ rồi bỏ đi

Anh không đủ dũng cảm
Đống gỗ hẳn đang nhìn tôi
Bằng đôi mắt, nhưng không có mắt và không nhìn lên
Bằng đôi môi, nhưng không có môi

Cho đến khi không khí biến thành những giọt nước
Rơi xuống đất
Như đống gỗ
Hết khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác
Đợi chờ

Vú nuôi

Người trông trẻ, Cô, Chị, Người hầu
Một người phụ nữ bình dị trong trang phục đen và trắng
không trẻ tuổi, không là mối dọa dẫm
một cái miệng với những chiếc răng lấp lánh vàng
một sự đảm bảo mạ vàng
khỏi nạn đói, chiến tranh, dịch hạch

Nghèo khổ, không biết chữ, lý tưởng cho công việc lau chùi
mà lại được tin tưởng giao phó đứa con của người lạ mặt
Một sự cần thiết, một sự thuận lợi
cho những kẻ quá bận rộn, quá đau ốm, quá khôn ngoan từng trải
tin vào tình yêu vĩnh hằng người mẹ
của bất cứ người phụ nữ nào dành cho một đứa trẻ
bỏ mặc gia đình của người ấy thiếu thốn
thèm khát tình yêu mẫu tử mà họ cần

Những chuyện hoang đường về những con ma đói
những kiếm sĩ một tay
những bữa tiệc và kịch hát Trung Hoa
chúng tôi hấp thu, tiếp nhận, kế tục
một nền văn hóa nước ngoài
và một tiếng mẹ đẻ khác

Những sự gắn bó này chẳng bao giờ có thể phá vỡ
Tình yêu đó đặc hơn máu

Ahma ơi, Vú nuôi, Mẹ tôi
sau năm mươi năm
chiếc bóng sự hiện hữu của Người ngự trị
Như sáp từ cây nến tôi đốt cho Người
chảy xuống

Như nước mắt

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận