TTCT - Nông dân cho rằng với giá như hiện nay, nuôi heo đang cho mức siêu lợi nhuận, nhưng việc quy kết cho người chăn nuôi găm heo đợi tăng giá hay lời “khủng” là không chính xác. Trại heo của anh Trần Ngọc Phi tại xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) lúc cao điểm lên đến 600 con nhưng nay chỉ còn hơn 100 con. Ảnh: A Lộc Bởi trong 3 quý đầu năm, giá heo xuống thấp do dịch bệnh nên người chăn nuôi đã thua lỗ nặng nề. Đến khi giá heo tăng mạnh trở lại thì người chăn nuôi mới bù lỗ trước kia, nhưng nhiều người do cả trại heo bị xóa sổ bởi dịch bệnh nên không có cơ hội để bù lỗ. Lợi nhuận 100% vẫn chưa hết lỗ Gần 15 năm nuôi heo nhưng ông Nguyễn Văn Đức (Đồng Nai) chưa bao giờ chứng kiến hiện tượng chỉ trong một năm mà giá heo thay đổi đến chóng mặt như năm 2019. Vừa bán đi một lứa heo 300 con với giá 82.000 đồng/kg, ông Đức cho biết lứa heo này thu lời khủng với lợi nhuận lên đến gần 4 triệu đồng/con, ông thu về cả tỉ đồng lợi nhuận. “Giá thành heo bây giờ khoảng 45.000 đồng/kg và bán ra hơn 80.000 đồng/kg là lợi nhuận cực kỳ cao rồi. Ai có heo trong trại chuẩn bị bán là tết này trúng lớn”, ông Đức cho hay. Nhưng khi nghe hỏi năm rồi lời bao nhiêu, ông Đức rầu rĩ: "Làm gì đã có lời, vẫn đang lỗ lắm, hi vọng đến giáp tết bán thêm lứa heo nữa thì mới hòa vốn. Hồi đầu năm, tổng đàn heo của gia đình tôi lên đến hơn 1.000 con, sau đó bị dịch bệnh phải tiêu hủy và bán chạy mất 2/3, lỗ nặng nề. Số còn giữ được đến nay mới có lời nhưng bù chưa lại với số lỗ đầu năm”. Hầu hết người chăn nuôi nhỏ lẻ và các công ty chăn nuôi lớn đều ở trong tình trạng “tưởng lời khủng mà thực ra mới đủ bù lỗ” khi giá heo hơi có lúc lên đến hơn 90.000 đồng/kg trong tháng 12-2019 vừa qua. Với giá thành khoảng 45.000 đồng/kg, người nuôi heo có mức lợi nhuận lên đến 100%. Nhưng họ tính theo chu kỳ nuôi heo một năm nên mức lợi nhuận vẫn rất thấp. Với trại heo quy mô đàn nái trên 1.000 con, ông Hòa Bình (Dầu Tiếng, Bình Dương) cho biết tiền lỗ trong 3 quý đầu năm 2019 lên đến 23 tỉ đồng do giá heo giảm mạnh vì dịch bệnh. Dịch tả heo châu Phi bắt đầu xuất hiện ở VN tháng 2-2019 đã khiến hàng loạt trang trại bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy và giảm giá heo hơi liên tục. Tới tháng 6-2019, giá heo hơi xuống chỉ còn 26.000-27.000 đồng/kg, tất cả các trang trại chăn nuôi đều thua lỗ nặng. Để tồn tại, nhiều trang trại chưa bị dịch bệnh cũng buộc phải giảm đàn để cầm cự. “Từ tháng 9-2019, giá heo mới bắt đầu tăng dần và ở mức giá cao trong hai tháng 11 và 12-2019. Nếu cứ giữ mức giá như hiện nay thì qua tết số thua lỗ của tôi sẽ giảm xuống mức trên 10 tỉ đồng thôi. Lời thì chưa có đâu”, ông Bình cho biết. Cũng theo ông Bình, giá thịt heo tăng chóng mặt thời gian qua không phải lợi nhuận rơi hết vào túi người chăn nuôi vì mọi chi phí khác cũng tăng lên. Trang trại tốn nhiều công sức hơn cho quản lý dịch bệnh, thêm chi phí để sát trùng chuồng trại, xe cộ. Tăng lương cho công nhân, tăng thêm tiền ăn, quần áo cho công nhân vì các trang trại lớn yêu cầu công nhân phải ở luôn trong trang trại chứ không được ra ngoài như trước vì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài. Giá nguyên liệu cũng bắt đầu tăng do Trung Quốc gom hàng để tăng cường nuôi gà vịt nhằm bổ sung nguồn thịt trong nước khi nguồn thịt heo thiếu hụt nghiêm trọng. Ông Lê Hưng - giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cho heo - cho biết thời gian qua giá thức ăn cho heo tăng thêm khoảng 1.000 đồng/kg heo vì phải mua thêm các sản phẩm bổ sung hỗ trợ sức khỏe cho heo, chi phí sát trùng tăng. Mỗi con heo tăng thêm 300.000-500.000 đồng so với trước, tức khoảng 3.000-5.000 đồng/kg heo hơi. “Giá thành 45.000 đồng/kg mà bán 80.000 đồng/kg là siêu lợi nhuận. Nhưng đến tháng 9, giá heo mới bắt đầu vượt qua điểm huề vốn, còn trước đó là thua lỗ. Ai giữ được đàn nuôi từ đầu năm đến nay thì có lời nhưng không nhiều. Lỗ 9 tháng đầu năm, 3 tháng cuối năm mới gỡ được một phần được mà kêu siêu lợi nhuận thì không đúng bản chất”, ông Hưng nói. Cũng theo ông Hưng, nhiều trang trại quy mô 1.000-2.000 heo bị dịch bệnh tiêu hủy hết hoặc tiêu hủy đến 90% nay còn sót lại không đáng kể, do vậy họ cũng không hưởng lợi bao nhiêu từ việc giá heo tăng. Tổng đàn heo tại “thủ phủ” chăn nuôi heo Đồng Nai đã giảm khoảng 40%, còn 1,47 triệu con so với trước khi dịch ASF xuất hiện. Ảnh: A LỘC Khó găm heo được Một trong những lý giải được Bộ NN&PTNT và Cục Chăn nuôi đưa ra thời gian qua khi giá heo tăng chóng mặt là do tình trạng găm heo đợi giá khiến thị trường bị khan hiếm giả tạo. Nhưng ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi heo Đồng Nai, cho rằng nói dân găm heo để tạo ra khan hiếm, đẩy giá lên cao là không đúng bản chất. Giá heo tăng bởi tổng đàn heo giảm mạnh do dịch tả heo châu Phi càn quét trên cả nước. Mất cân đối cung cầu thì giá cả tăng nhanh. Ông Hòa Bình cũng cho rằng chuyện găm heo là bất khả bởi từ 95kg trở lên, mỗi ngày con heo tăng thêm 1kg trọng lượng, đến mức 105-110kg/con thì người dân phải bán ra. Các trang trại thường nuôi heo nái sinh sản rồi chuyển heo con sang nuôi heo thịt nên họ bán rải rác mỗi tháng nhiều lần, không thể tập trung vào một lần để bán. “Thực tế tổng đàn heo của VN đến nay chỉ còn khoảng 50% so với trước khi xảy ra dịch bệnh. Giá cả thị trường cũng có vấn đề khi giá bán lẻ tăng nhanh theo giá heo hơi, nhưng thời gian qua giá heo hơi giảm gần chục ngàn/kg mà giá bán lẻ ngoài thị trường không giảm. Nếu chỉ đổ lỗi cho nông dân thì không thể giải quyết vấn đề”, ông nói. Còn theo ông Lê Hưng, heo đến ngày thì phải bán, nuôi thêm ngày nào thì tốn thêm chi phí thức ăn và nguy cơ dịch bệnh ngày đó. Dẫu có chuyện do giá heo đang siêu lợi nhuận nên thay vì bán khi 100kg, dân nuôi đến 110-120kg/con mới bán, nhưng khi tổng đàn đã giảm, muốn có nhiều thịt ra thị trường sớm, chỉ có cách nuôi heo to hơn so với trước. “Muốn tăng số đầu heo nuôi phải mất cả năm trời, trong khi muốn tăng thêm 10-20% lượng thịt chỉ mất thêm 15-30 ngày nếu nuôi thêm. Đó là cách tăng sản lượng nhanh nhất cần khuyến khích”, ông Hưng nói. Quá khó để tái đàn Theo các công ty chăn nuôi, bước vào đầu năm 2020, giá heo hơi đã giảm xuống trên dưới 80.000 đồng/kg do tác động của việc kêu gọi các công ty chăn nuôi lớn giảm giá, nguồn thịt đông lạnh nhập khẩu bắt đầu về và các nhà sản xuất hàng chế biến tết cũng đã làm xong. Nhưng nguy cơ tăng giá trở lại khoảng 2 tuần trước tết cổ truyền là hoàn toàn có thể xảy ra khi cả nước bước vào giai đoạn tiêu thụ thực phẩm, bao gồm thịt heo, cao nhất cả năm. Trong khi đó, nhiều trang trại của các công ty lớn cũng đã bị dịch bệnh, thậm chí có công ty chăn nuôi đến nay đã cạn nguồn heo cung ứng ra thị trường. Theo ông Nguyễn Trí Công, để giải quyết tình thế, tăng nhập khẩu thịt đông lạnh là hợp lý, nhưng để có giá cả ổn định lâu dài thì cần phải tái đàn heo trong nước. Nhưng việc tái đàn của nông dân là cực kỳ khó khăn do không có văcxin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi. Thậm chí có nơi để trống trại 6 tháng mới tái đàn mà vẫn bị dịch trở lại. Và để có vốn tái đàn, dân vẫn phải bỏ tiền túi ra bởi ngân hàng không cho vay nuôi heo nữa vì quá rủi ro. Với những trang trại lớn, do nguy cơ dịch bệnh và thua lỗ quá nặng nề những tháng đầu năm, họ đã chủ động giảm đàn để cắt lỗ, đến nay vẫn không dám tăng trở lại vì nguy cơ dịch bệnh có thể quay lại bất cứ khi nào. Ngay cả một số công ty chăn nuôi lớn đang chuyển dần trại nóng sang trại lạnh, nhưng thành công đến đâu thì cũng vẫn phải chờ. Ông Lê Hưng cũng cho rằng tỉ lệ tái đàn trong dân là thấp do người chăn nuôi vẫn đang sợ dịch bệnh, ngay cả những hộ muốn tái đàn cũng không có nguồn con giống chất lượng. Nhiều người nuôi chỉ mua heo con về vỗ béo, và đây thực chất chỉ là chuyển đàn từ các công ty lớn sang người nuôi nhỏ lẻ chứ tổng đàn tăng không nhiều. Chỉ khi tăng số heo nái thì mới gọi là tái đàn được. Chưa hết, “việc kiểm soát không chặt chẽ heo sống từ Thái Lan, Campuchia là nguy cơ lớn cho ngành chăn nuôi thời gian tới vì đây là nguồn heo mang mầm bệnh dịch tả heo châu Phi mới”, ông Hưng lo lắng.■ Tổng đàn heo Đồng Nai tăng hơn 500.000 con Ông Huỳnh Thành Vinh, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết toàn tỉnh có hơn 2 triệu con heo, giảm khoảng 361.000 con so với cùng kỳ năm ngoái (14,75%) nhưng tăng khoảng 500.000 con so với cách đây 2 tháng. Trong đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị thiệt hại nặng nề do dịch tả heo châu Phi và số heo của các hộ này chỉ chiếm khoảng 6% tổng đàn. Theo ông Vinh, đàn heo tăng trở lại trong thời gian qua chủ yếu tập trung ở các trang trại lớn và các doanh nghiệp FDI. Đây là các cơ sở đảm bảo được các điều kiện an toàn sinh học, con giống nên đã tăng đàn nhanh để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Hiện mỗi ngày Đồng Nai cung ứng khoảng 10.000 con heo cho thị trường Đồng Nai, TP.HCM và các tỉnh lân cận. A LỘC Tags: Thịt heoLibannonIran đánh trảTấn công căn cứ quân sự Mỹ
Thiếu phôi bằng lái khắp cả nước: Cục Đường bộ mở gói thầu hơn 141 tỉ đồng ĐỨC PHÚ 23/11/2024 Chuyện thiếu phôi bằng lái xe lan ra nhiều tỉnh thành dẫn đến nhiều người dân đã thi đậu vẫn chưa được cấp bằng.
Hai cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục va li, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để kiểm tra va li, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng khiến nhiều người bức xúc.
Biến động ở REE: ‘Nữ tướng’ Mai Thanh rời ghế chủ tịch, sếp mới là đại diện quỹ ngoại BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Ông Alain Xavier Cany - đại diện của quỹ ngoại Platinum Victory - trở thành chủ tịch HĐQT mới của REE thay bà Nguyễn Thị Mai Thanh.
Bắt nghi phạm trộm cướp 2 ô tô, đánh chết cụ ông ở Hà Nội DANH TRỌNG 23/11/2024 Nghi phạm Ma Vũ Duy bị công an bắt giữ với cáo buộc sử dụng ma túy rồi trộm cướp 2 ô tô, tông vào người đuổi theo ngăn chặn và dùng xẻng đánh chết cụ ông 69 tuổi ở Hà Nội.