Thị trường vàng: khó lường!

HỒ QUỐC TUẤN 27/10/2011 05:10 GMT+7

TTCT - Khi kinh tế thế giới khó khăn, giá vàng tăng, giới phân tích cho rằng do người ta chọn vàng làm nơi trú ẩn an toàn. Gần đây nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình kinh tế còn tồi tệ hơn thì giá vàng lại đi xuống.

Phải chăng vàng không còn là nơi trú ẩn, hay tất cả chỉ là trò chơi của giới tài phiệt giấu mặt?


Hội đồng Vàng thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những nước có lượng vàng lớn trong dân - Ảnh: T.T.D.

Trong vòng 10 năm qua, nguồn cung từ các mỏ vàng không tăng nhiều, trong khi đó ngân hàng trung ương nhiều nước lại tăng mua thay vì bán.

10 năm sản xuất vàng chỉ tăng trên 100 tấn

Theo báo cáo “In Gold We Trust” của Ngân hàng Standard Chartered công bố gần đây, ước tính nguồn cung vàng từ các mỏ vàng tăng không đáng kể từ khi giá vàng bắt đầu tăng từ năm 2001 đến nay. 

Nếu như nguồn cung từ các mỏ vàng năm 2001 là khoảng 2.470 tấn thì đến cuối năm 2010 con số này chỉ là 2.586 tấn, tăng 4,6%. Mức tăng quá khiêm tốn so với giá vàng trong giai đoạn này, từ dưới 400 USD/ounce lên đến trên 1.900 USD/ounce.

Trong khi đó, một nguồn cung vàng quan trọng khác là nguồn vàng do các ngân hàng trung ương bán ra hằng năm thì lại đang cạn kiệt. Trong hai năm 2010 và 2011, thay vì là đầu mối bán vàng ra thị trường, các ngân hàng trung ương lại đang mua vàng vào, do đó con số lượng vàng bán ra của hai năm này là con số âm.

Đáng chú ý là trong số 10 quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới thì dự trữ vàng lên tới 1.000 tấn của Trung Quốc chỉ mới chiếm chưa tới 2% tổng dự trữ ngoại hối của nước này. Chỉ cần Trung Quốc chuyển bớt một phần nhỏ trong số 98% dự trữ ngoại hối còn lại sang vàng thì con số mua vàng của các ngân hàng trung ương sẽ còn tăng dài dài.

Chính vì vậy gần đây giới phân tích vàng đặc biệt chú ý các phát biểu của Chính phủ Trung Quốc về ý định có “đa dạng hóa” dự trữ của mình hay không, nói cách khác là xem Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có chuyển dự trữ từ đồng USD sang vàng hay không.

Vì sự trì trệ của hai nguồn cung vàng kể trên nên dù lượng vàng tái chế có tăng lên đáng kể trong năm 2011 so với mười năm trước vẫn không đủ sức giúp cho nguồn cung vàng tăng bao nhiêu. Nếu tổng nguồn cung vàng tái chế năm 2001 ước tính là 3,703 tấn thì con số này chỉ vào khoảng 3,870 tấn năm 2011. Mức cung này thấp hơn đáng kể so với nhu cầu vàng được ước tính cho năm 2011 vào khoảng 4,160 tấn.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà phân tích tin rằng giá vàng sẽ vẫn ở mức cao trong nhiều năm nữa.

(Số liệu 2011 là ước tính) - Nguồn: Báo cáo “In Gold We Trust” của Standard Chartered, tháng 6-2011

Không xem thường đầu tư lẻ

Xét về nhu cầu tiêu thụ và đầu tư vàng trên thế giới, có một điểm rất đáng chú ý là trong khi nhu cầu tiêu thụ vàng nữ trang và cho công nghiệp (có thể gọi chung là nhu cầu vàng cho chế tác) giữ xu thế giảm trong những năm gần đây do giá vàng tăng cao, thì nhu cầu đầu tư vàng lại tăng mạnh.

Về phương thức đầu tư vàng thì người dân những nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam có xu hướng thích mua vàng để đầu tư lẻ tẻ. Nhóm đầu tư lẻ tẻ này lại chiếm đến gần phân nửa nhu cầu đầu tư thật sự vào vàng của thế giới.

Ngoài Ấn Độ, Trung Quốc thì nhóm bốn nước Việt Nam, Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan (gọi tắt là nhóm VIST) là những nước có nhu cầu lớn đối với đầu tư vàng vật chất và vàng nữ trang. Theo nhận xét của Hội đồng Vàng thế giới, người dân những nước này mua vàng vật chất và nữ trang với ý nghĩa bảo vệ giá trị tài sản của mình trước lạm phát và để tiết kiệm.

Trong báo cáo về nhu cầu vàng quý 2 năm 2011 của Hội đồng Vàng thế giới, ở nhóm VIST, nhu cầu của nhóm trung lưu ở thành thị đang nổi lên và dẫn đầu xu thế mua vàng, do đó nhu cầu vàng nữ trang sẽ dần bị thay thế bằng nhu cầu đầu tư vào vàng miếng và các công cụ đầu tư vàng mới xuất hiện khác. 

Kết luận này của Hội đồng Vàng thế giới giúp giải thích vì sao trong báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered lại cho thấy xu thế là nhu cầu vàng nữ trang thì giảm mà nhu cầu vàng miếng tăng.

10 nước có dự trữ vàng lớn nhất

thế giới (tính đến tháng 9-2011)

Quốc gia

Số tấn vàng

Tỉ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối chính thức

Mỹ

8.133,5

75,4%

Ðức

3.401,0

72,7%

Ý

2.451,8

72,4%

Pháp

2.435,4

68,2%

Trung Quốc

1.054,1

1,6%

Thụy Sĩ

1.040,1

17,3%

Nga

841,1

8,2%

Nhật

765,2

3,5%

Hà Lan

612,5

60,8%

Ấn Ðộ

557,7

8,5%

Nguồn: Hội đồng Vàng thế giới


Giá vàng xuống do đâu?

Ngoài các phương tiện mua vàng vật chất để đầu tư lẻ tẻ kể trên, ở các thị trường tài chính phát triển, các nhà đầu cơ vàng sẽ tiến hành đầu cơ thông qua các quỹ đầu tư vàng giao dịch qua sàn, gọi ngắn gọn là các ETF vàng. 

Hình thức hoạt động của các ETF vàng đơn giản là các quỹ này nắm giữ một lượng vàng dự trữ trong kho rồi phát hành cổ phiếu dựa trên tài sản dự trữ đó. Các nhà đầu tư vàng sẽ mua cổ phiếu của quỹ này thay vì mua vàng trực tiếp. Nếu vàng tăng thì các cổ phiếu đó cũng tăng.

Ngoài hình thức này còn nhiều loại giao dịch vàng thông qua tài khoản khác như tài khoản đã được phân bổ (allocated account) tại các công ty buôn vàng lớn trên thế giới, hoặc thông qua mua bán trên tài khoản ngoại tệ ở các sàn giao dịch trên mạng qua các môi giới trên mạng (online broker).

Nhóm các ETF vàng và các loại giao dịch qua tài khoản này chia sẻ một đặc tính chung là không nắm giữ vàng vật chất nên được Standard Chartered xếp vào chung một loại. Tuy nhóm này hiện tại chỉ chiếm khoảng 10% nhu cầu vàng thực tế nhưng tốc độ tăng của nhóm nhu cầu này khá nhanh, từ mức 133 tấn của năm 2004 lên đến hơn 350 tấn trong năm 2011. 

Mặt khác vì nhóm này có nhiều đối tượng đầu cơ tham gia nên tác động của các quỹ và tài khoản đầu tư vàng này là không đơn giản.

Những nhà đầu tư trên thế giới thường theo sát hoạt động mua bán của những ETF vàng lớn như SPDR Gold Trust để biết tình hình di chuyển của dòng vốn đầu cơ vàng như thế nào. Do đó chúng ta cũng dễ đọc thấy trên báo thời gian qua là SPDR Gold Trust có ngày đã bán ra cả mấy chục tấn vàng khi mà vàng đang trên đà giảm giá. Điều này hẳn nhiên có tác động nhất định đối với biến động giá vàng thế giới và tâm lý nhà đầu cơ vàng.

Gần đây khi đồng USD tăng giá trở lại từ đầu tháng 9 và khi vàng đạt tới mốc tăng quá nóng theo phân tích kỹ thuật, không lạ khi nhiều quỹ sẽ tiến hành bán ra (gọi là technical selling) và đẩy giá vàng xuống.

Trong khi nhiều người đang tìm cách giải thích bằng các sự kiện kinh tế về việc xuống giá của vàng trong tháng 9, một số nhà phân tích nhìn nhận việc vàng giảm giá chủ yếu do hoạt động bán ra theo phân tích kỹ thuật, chốt lời và để bù đắp thanh khoản của các hoạt động đầu tư vàng qua tài khoản. Họ xem đây chỉ là một giai đoạn điều chỉnh lại thông thường của thị trường.

Như vậy đủ để thấy cùng một hiện tượng giảm giá vàng cũng có nhiều cách để giải thích và sự thật đằng sau đó cũng là mờ mờ tỏ tỏ, khó lòng có thể khẳng định được lực nào thật sự tác động đến dòng tiền vào và ra khỏi vàng trong giới đầu cơ trên thế giới.

Vàng không bao giờ giảm giá?

Những nét chấm phá về thị trường vàng thế giới ở hai mặt cung cầu hiện tại cho thấy có nhiều lực có thể tác động lên giá vàng thế giới, bao gồm nhu cầu đầu tư qua tài khoản của các nhà đầu cơ lẫn nhu cầu mua vàng tiết kiệm của dân châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc, các nước VIST và không thể đánh giá thấp lực tác động nào hết. 

Mặt khác, biến động kinh tế thế giới bây giờ là khó lường nên không thể dễ dàng nghe theo phân tích một chiều đơn giản nào để nói chắc như đinh đóng cột rằng bong bóng vàng đã vỡ hay còn tăng.

Ai tin rằng vàng không bao giờ giảm giá thì cần phải nhìn lại giai đoạn “bi thảm” của vàng trong suốt 20 năm từ 1980 đến 2000. Trong giai đoạn đó cũng lạm phát cao, cũng có khủng hoảng nhưng do nhiều yếu tố không biết trước được (bao gồm việc giải quyết được khủng hoảng nợ và suy thoái đồng thời với việc các ngân hàng trung ương bán vàng ra) nên giá vàng giảm thay vì tăng phi mã như nhiều dự đoán trước đó.

Nhìn vào tình trạng hiện tại, nhiều người thấy tình hình kinh tế thế giới đang khó giải quyết nên khuyên mua vàng, nhưng lại xem nhẹ một sự thật là các thị trường chứng khoán và bất động sản đang suy giảm. Nếu các thị trường này suy giảm tới mức làm giá nhà đất hay chứng khoán trở nên quá rẻ, đến mức làm dòng tiền đầu tư đổi chiều từ vàng sang chứng khoán và bất động sản thì tự nhiên giá vàng sẽ phải giảm.

Vì vậy, trong một bối cảnh “bội thực thông tin” như hiện tại, cần phải bình tĩnh lọc thông tin để ra quyết định đầu tư và tiết kiệm chính xác cho bản thân.

* Tác giả đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ, Đại học Manchester, Anh

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận