Thi tự luận các môn học xã hội: Những băn khoăn

PHẠM THỊ LY 13/10/2016 02:10 GMT+7

TTCT- Bộ GD-ĐT đang thực hiện nhiều đổi mới trong thi cử. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD-ĐT quyết tâm thực hiện hình thức thi trắc nghiệm với tất cả các môn học, trừ ngữ văn.

Nên kết hợp hai hình thức thi trắc nghiệm và tự luận với tỉ trọng phù hợp trong các bài thi những môn khoa học xã hội, để hai hình thức này có thể bổ sung những ưu nhược của nhau.


Hiệp hội các trường ĐH-CĐ VN và nhiều chuyên gia đã ủng hộ cách thi trắc nghiệm, kể cả môn văn và môn sử. Lý do là vì chất lượng thi tự luận phụ thuộc nhiều vào chất lượng người chấm, trong lúc chất lượng thi trắc nghiệm phụ thuộc việc ra đề.

Quả đúng như vậy, chất lượng thi tự luận phụ thuộc rất lớn vào trình độ, năng lực của người chấm, vì vậy khi thực hiện trên quy mô lớn như kỳ thi THPT quốc gia, khả năng sai lệch kết quả rất lớn trong bối cảnh nhận thức và trình độ của giáo viên còn nhiều khác biệt. Tuy nhiên, liệu chúng ta có nên bỏ phần thi tự luận vì lý do trên hay không?

Thi để làm gì?

Nhiều thầy cô giáo sẽ trả lời ngay: nếu không thi thì học trò không chịu học hành cho đàng hoàng. Nói cách khác, thi là công cụ để điều khiển hành vi của người học trong cả quá trình học, một “cây gậy và củ cà rốt” để bắt người học nỗ lực tiếp thu những gì được quy định trong chương trình học.

Đó là thực tế mà chúng ta khó phủ nhận. Nhưng quan điểm này là nguyên nhân khiến việc học của con em chúng ta biến thành cơn ác mộng: có em trầm cảm, thậm chí tự tử sau kỳ thi. Việc học thay vì là quá trình khám phá và nhận thức đầy hứng thú, lại là công việc khổ sai đầy áp lực.

Quan niệm này làm nảy sinh một thực tế ngược đời “thi gì học nấy”, trong khi lẽ ra phải là “học gì thi nấy”. Đồng thời biến việc vượt qua kỳ thi và lấy tấm bằng trở thành mục đích của việc học, mà lẽ ra việc tìm kiếm tri thức, rèn luyện kỹ năng, phát triển năng lực và nhân cách mới là mục đích thật sự của việc học.

Vì thế, cải cách thi cử nói chung và tìm kiếm các hình thức thi cử phù hợp nói riêng phải dựa trên việc trả lời lại câu hỏi “Thi để làm gì?”.

Thi cử là một trong những hình thức đánh giá kết quả học tập, quá trình thu thập thông tin về những gì người học đạt được và so sánh nó với mục tiêu đã được xác định trước của chương trình học hay là mục đích giáo dục nói chung, để biết mục đích đó đã đạt được đến mức độ nào.

Việc đánh giá kết quả học tập/thi cử phải được thực hiện thường xuyên trong cả quá trình học, để người học biết mức độ tiến bộ của mình và để người dạy điều chỉnh việc dạy học của mình nhằm đạt tới mục tiêu. Việc thi cử sẽ đạt được hiệu quả hữu ích nhất khi gắn chặt với mục tiêu của chương trình giáo dục.

Thi trắc nghiệm và thi tự luận

Hình thức thi trắc nghiệm được ưa thích một phần do tính khách quan của nó. Tuy nhiên, thi trắc nghiệm không đo lường được những gì mà một bài thi tự luận có thể đo, đặc biệt trong các bộ môn khoa học xã hội.

Mặc dù một bài thi trắc nghiệm được thiết kế tốt có thể đòi hỏi thí sinh phải suy luận để tìm được câu trả lời đúng, về cơ bản nó vẫn nhằm kiểm tra kiến thức và chỉ có thể đặt người thi vào một trong hai khả năng: đúng hoặc sai.

Trong khi đó, một bài thi tự luận được thiết kế tốt đòi hỏi thí sinh không chỉ có kiến thức mà còn là khả năng vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề. Nó không thể chỉ dựa trên trí nhớ về những thông tin đã biết, mà đòi hỏi người viết sử dụng những thông tin đó theo một trật tự logic chặt chẽ nhằm trình bày vấn đề đầy đủ.

Nó đòi hỏi khả năng tư duy, vì vậy bộc lộ mức độ thành thạo kỹ năng lập luận và sử dụng ngôn ngữ. Nó biểu lộ những gì người học thụ đắc qua quá trình học, chứ không chỉ là những kiến thức mà người học nhớ được.

Bài thi tự luận phải trình bày quá trình đi tới kết luận, chứ không chỉ nói lên kết luận ấy. Điều này đặc biệt cần nhấn mạnh đối với các môn như ngữ văn, lịch sử hay triết học.

Quá trình nhận thức này chính là cái chúng ta muốn người học trải nghiệm. Nó là quá trình mỗi người tự “cãi nhau” với chính mình, lật đi lật lại vấn đề với những quan điểm và lập trường khác nhau, tự chứng minh rồi lại tự phủ định, để rồi cuối cùng đi đến một kết luận nào đó.

Trong quá trình vật lộn ấy, người học hiểu được quan điểm của người khác, mài sắc khả năng lập luận cũng như rèn luyện khả năng khoan dung, biết chấp nhận sự khác biệt. Đó mới là cái mà nền giáo dục của chúng ta cần mang lại cho người học.

Thi trắc nghiệm không thể thể hiện được quá trình nhận thức và năng lực tư duy, cũng như kỹ năng trình bày của người học. Mà đó mới là những năng lực sống còn khi người học bước chân vào cuộc đời thực.

Nhưng để thi tự luận có thể mang lại ý nghĩa tích cực, giáo viên phải được huấn luyện kỹ cách đánh giá, nhất là phải hiểu thấu đáo mục tiêu của giáo dục. Các thầy cô cần được khích lệ tôn trọng những suy nghĩ độc lập, đa dạng của học trò và giúp đỡ người học trưởng thành từng bước trong quá trình tự nhận thức.

Chắc chắn chúng ta cần thời gian dài để điều đó thành hiện thực. Hiện tại với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nên kết hợp hai hình thức thi trắc nghiệm và tự luận với tỉ trọng phù hợp trong các bài thi những môn khoa học xã hội, để hai hình thức này có thể bổ sung những ưu nhược của nhau.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận