Thi tuyển lãnh đạo cấp phòng: phân biệt chính trị và hành chính

ANH TUẤN 15/01/2023 14:53 GMT+7

Thi tuyển lãnh đạo cấp phòng là cách nhà nước mời người giỏi về làm chuyên môn. "Mời" được rồi thì cần trao quyền đầy đủ cho họ.

Thi tuyển lãnh đạo cấp phòng: phân biệt chính trị và hành chính - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông - IPS - Ảnh: D.N.HÀ


Trao đổi với TTCT, ông NGUYỄN QUANG ĐỒNG (Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông - IPS) cho rằng TP.HCM nên tăng cường thi tuyển lãnh đạo cấp phòng tìm người giỏi, có tâm phục vụ việc công cho nền hành chính địa phương.

Thi tuyển lãnh đạo là tìm người giỏi có tâm làm việc công

"Họ không nhất thiết phải là đảng viên để có thể đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo cấp phòng ban mang tính kỹ thuật chuyên môn như giám đốc bệnh viện, trưởng các phòng ban chuyên môn cấp sở, kể cả giám đốc trung tâm dịch vụ hành chính công, trung tâm quy hoạch, trung tâm phát triển quỹ đất và thậm chí là phó giám đốc sở…" - ông Đồng đề xuất -

"Người trúng tuyển được bổ nhiệm mà không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ xử lý theo hợp đồng. Về chuyên môn kỹ thuật, thực tế cho thấy khu vực ngoài nhà nước đang có nhiều người giỏi, tuyển được người giỏi nhất để phục vụ công việc hiệu quả là thành công. Đó là lối ra để TP.HCM có đủ đội ngũ quản lý ở cấp trung nhằm hoàn thành chức năng hành chính".

Nhưng theo ông, cần những tiêu chí cụ thể gì để chọn được người làm tốt vị trí cần tuyển?

- Người đứng đầu hội đồng thi tuyển phải nắm rõ tính chất, yêu cầu của vị trí cần tuyển để thiết kế điều kiện dự thi và câu hỏi cho từng phần thi. Hội đồng giám khảo phải có những người làm chuyên môn ngoài nhà nước với vị trí tương đương, ví dụ tuyển giám đốc bệnh viện thì phải có những giám đốc bệnh viện tư nhân làm giám khảo.

Các chức danh lãnh đạo, quản lý cần năng lực về quản trị, tư duy, kỹ năng quản lý chứ không buộc giỏi chuyên môn vì nhiệm vụ chính của họ là cung ứng dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Vậy nên chỉ cần người am hiểu lĩnh vực phụ trách, chứ không phải bằng cấp cao. Ví dụ, người thi tuyển vào vị trí giám đốc Bệnh viện Mắt TP có thể là một dược sĩ hoặc chỉ là người có bằng cấp về quản trị kinh doanh nhưng hoạt động và am hiểu trong lĩnh vực quản lý bệnh viện, không nhất thiết phải là bác sĩ chuyên khoa 2 hay tiến sĩ ngành y. Bên cạnh đó, ứng viên phải nắm định hướng chiến lược của TP phát triển lĩnh vực mình phụ trách, sau đó phải có đề án, kế hoạch phát triển cho phòng, ban, trung tâm mà mình sẽ quản lý.

Thi tuyển lãnh đạo cấp phòng: phân biệt chính trị và hành chính - Ảnh 2.

Ứng viên làm thủ tục vào phòng dự thi tuyển chức danh phó phòng Quản lý đô thị quận 1. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG

Làm việc trong khu vực nhà nước có mức lương không cao như khu vực tư nhân, lại là môi trường dễ phát sinh tiêu cực. Vậy ngoài năng lực về chuyên môn thì người ứng tuyển vị trí lãnh đạo phòng ban phải có thêm điều kiện về đạo đức hay nhân cách?

- Ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, lương bổng ở khu vực công thấp hơn khu vực tư, nên nhìn từ động lực lợi ích vật chất thì khu vực công không tốt hơn. Người ứng tuyển phải có mong muốn, tâm huyết phát triển khu vực công, phục vụ cho lợi ích công, có lý tưởng phụng sự việc chung và làm việc vì cộng đồng. Người nào đặt mục tiêu tiền bạc, vật chất thì không phục vụ cho lợi ích công được nên người phỏng vấn phải đủ tinh tế để chọn được ứng viên có lý tưởng, mong muốn cống hiến cho khu vực công.

Ở TP.HCM từng có trường hợp tuyển người ngoài vào làm lãnh đạo nhưng sau đó công việc không hiệu quả, cuối cùng họ phải "chia tay" khu vực công. Vấn đề nằm ở đâu?

- Việc người ngoài vào làm khu vực nhà nước phải có tương tác hai chiều. Bên nhà nước đòi hỏi người được tuyển có năng lực cao, nhưng bên vào làm việc cũng cần môi trường làm việc phù hợp. Người quản lý cần được trao cho một số quyền tự chủ nhất định để quyết định về mặt nhân sự, bộ máy hoặc cơ cấu tổ chức để công việc được hiệu quả.

Ví dụ họ được giao việc, được tuyển thêm hay cho nhân viên dưới quyền thôi việc, và họ tự chịu trách nhiệm về điều đó. Chính quyền phải có cách để trao cho người được tuyển những quyền đó, phải song hành và khuyến khích để họ phát huy được khả năng.

Việc thi tuyển lãnh đạo, quản lý không thể dàn hàng ngang ở tất cả các đơn vị, chỉ nên thí điểm ở đơn vị thuộc lĩnh vực cần đột phá thay đổi. Mỗi thời điểm chỉ nên chọn thí điểm tối đa ba lĩnh vực, vì nếu chọn nhiều đơn vị thí điểm thì sẽ không đủ sức để tập trung và hỗ trợ cho mô hình thành công.

Ví dụ, TP.HCM đang ưu tiên cải thiện công tác quản lý đô thị, trật tự đô thị, quản lý hạ tầng thì tổ chức thi tuyển trưởng, phó phòng quản lý đô thị ở một, hai quận huyện nhất định. Sau khi tuyển được người thì TP có cơ chế tăng quyền tự chủ, tự quyết cho lãnh đạo phòng để bộ máy "chạy" được theo ý đồ quản lý của lãnh đạo mới. Nếu mô hình phát huy hiệu quả thì phải tính toán đến việc đổi mới toàn diện các phòng quản lý đô thị. ■

Phân biệt hành chính và chính trị

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, bộ máy hành pháp của nước ta lâu nay vẫn nhầm lẫn giữa chính trị và hành chính. Có những vị trí mang tính chính trị như giám đốc sở phải thực hiện theo nghị quyết của Đảng, của HĐND, phải quyết những vấn đề mang tính lợi ích, chia ngân sách… thì phải được bổ nhiệm để bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo. Còn những đơn vị chỉ thực hiện nghĩa vụ hành chính công vụ, chỉ tuân theo định hướng lãnh đạo đã quyết như trưởng phó phòng hoặc phó giám đốc sở thì hoàn toàn có thể tuyển người ngoài Đảng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận