Thiếu gia

XUÂN GIANG 15/01/2011 11:01 GMT+7

TTCT - Phương thức giáo dục thay đổi, con người ta cũng phải đổi theo. Lúc trước, bọn trẻ phải học kiến thức tổng quát trước sau đó mới định nghề. Bây giờ, trước tiên phải xác định xem tương lai chúng sẽ làm gì rồi từ đó mới đề ra biện pháp giáo dục phù hợp.

Phóng to

Tất nhiên, không phải trường nào cũng có khả năng xác định tương lai và thực hiện tốt việc cắt gọt chương trình cho phù hợp. Sau khi tốn hết vài trăm ngàn đồng tham khảo ý kiến các chuyên gia tư vấn giáo dục qua tin nhắn và mất rất nhiều công sức lùng sục trên mạng, tôi quyết định chọn trường quốc tế @, nơi duy nhất chưa có clip nào được tung lên mạng.

Ở trường @ việc đăng ký ghi danh nhập học cũng rất @! Không cần tới lui, xin xỏ, chầu chực... Chỉ mất hai chục ngàn đồng nhắn tin ngay lập tức tôi đã nhận được số thứ tự và lịch hẹn.

Đúng 8 giờ 30. Bảng điện tử nhấp nháy số 12 đỏ chót cùng lúc với lời mời ngọt ngào đã được lập trình. Tôi hãnh diện nắm tay thằng bé, ưỡn ngực bước vào văn phòng trong lúc hai bố con số 11 lầm lũi bước ra.

Cũng bàn ghế, cũng kệ hồ sơ, cũng máy vi tính... Không hiểu sao văn phòng của trường quốc tế luôn có vẻ sáng sủa. Gương mặt cô thư ký cũng thế. Không chút cau cau có có.

- Xin chào! Hai bố con đã sẵn sàng chưa?

Việc luyện game thường xuyên rõ ràng cũng có mặt tích cực của nó. Nhìn thằng con 5 tuổi thoải mái kéo bàn phím ra chỉnh vừa tầm với mình, tôi lóng ngóng bắt chước làm theo và suýt làm rơi con chuột. Dường như nhận thấy tôi và dàn máy vi tính có vẻ không thân thiện với nhau cho lắm, cô thư ký nhẹ nhàng bước qua hướng dẫn tôi cách sử dụng.

- Anh cứ bấm một trong các phím 1, 2, 3, 4, xong nhấn enter để trả lời các câu hỏi trong phiếu điều tra gia cảnh này nhé!

Thì ra sử dụng máy vi tính không khó. Tôi kéo ghế ngồi trước dàn máy và hồi hộp chờ xem chúng sẽ hỏi gì. Thật may, nó giống như một bản kê khai tài sản mà tôi đã làm nhiều lần. Tất nhiên lần này để chứng minh tài chính nên đáp án tôi chọn là những con số cao hơn thực tế rất nhiều. Sau một lúc cắm cúi tôi hoàn tất bản kê khai. Bên kia, thằng con tôi cũng vừa xong bài trắc nghiệm.

- Xin chúc mừng! Tài sản và thu nhập kê khai của anh xấp xỉ đại gia.

Tôi nóng ruột ngắt lời:

- Thế của cháu thế nào?

- Rất tốt! Cháu cũng đủ điểm vào lớp thiếu gia.

Con của đại gia tất nhiên là thiếu gia rồi. Nhưng con của một đại gia... giấy như tôi sẽ là gì? Dường như đoán biết được sự lấn cấn của tôi, cô thư ký nhoẻn miệng tươi roi rói:

- Thiếu gia là người sẽ trở thành đại gia! Anh đừng lo.

Tôi liếc xem cô thư ký “lật” lại bài thi của thằng bé.

- Đây anh xem, bài thi thể hiện cháu rất thích cưỡi máy bay. Đúng với tư chất đại gia!

Chẳng ai buồn khi người khác khen con của mình. Tôi cũng thế!

- Còn nữa, cháu còn thích du thuyền...

Mấy thứ đó ai mà chẳng thích! Tôi nhướng mắt nghi ngờ.

- Đặc biệt về tiêu xài cháu đã thể hiện rất... đại gia. Chẳng hạn như cháu đã lấy hình cái bếp gas để châm... điếu thuốc.

Tất nhiên tiêu tiền dễ hơn kiếm tiền rất nhiều, tôi hỏi:

- Thế còn năng khiếu kiếm tiền?

- Thiếu gia đâu cần kiếm tiền! Chúng tôi không trắc nghiệm kỹ năng đó!

Con của một đại gia trên giấy không bao giờ là thiếu gia!

Tôi thất vọng lầm lũi dắt thằng bé trở ra trong lúc cặp bố con số 13 hớn hở bước vào.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận