Thói quen tiêm văcxin: Phải thay đổi!

LAN ANH 17/02/2020 22:02 GMT+7

TTCT - Thói quen chờ đến dịch mới đổ xô đi tiêm chủng văcxin ngừa bệnh diễn ra ở nhiều nơi tại VN, gây ra tình trạng quá tải hoặc khan hiếm cục bộ văcxin ở một số thời điểm. Theo các bác sĩ, điều này cần phải thay đổi.

 

Căn bệnh nguy hiểm bị lãng quên

Những ngày này, chị Nguyễn Thị Minh H. ở Nam Định đang chống chọi với cơn bạo bệnh. Tại khoa điều trị tích cực Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), để cứu tính mạng cho chị, các bác sĩ đã phải dùng tới 9 loại thiết bị, trong đó có những thiết bị tối tân nhất như ECMO (thiết bị tim phổi ngoài cơ thể), vì chị H. suy hô hấp, thai nhi cũng buộc phải chào đời sớm khi tuổi thai mới 27 tuần.

Khi chào đời, bé đã bị ngừng tim và đang phải cấp cứu đặc biệt. Tổng chi phí điều trị cho chị H. đến nay đã lên tới 400 triệu đồng. Nhưng ít ai biết rằng ban đầu chị H. chỉ bị cúm.

Theo bác sĩ Phạm Thế Thạch - khoa điều trị tích cực BV Bạch Mai, chị H. là một trong số những thai phụ bệnh chuyển biến nghiêm trọng, trong khi ban đầu bệnh cúm là loại bệnh hay gặp nên thường bị chủ quan và bỏ qua.

“Hầu như năm nào chúng tôi cũng gặp những bệnh nhân là thai phụ bị viêm phổi nặng, khó thở, tử vong cả mẹ và con mà ban đầu chỉ mắc bệnh cúm. Hơn 1 tháng trước, chúng tôi cũng điều trị cho một thai phụ có con sinh đôi, cũng bệnh chuyển rất nặng trong khi ban đầu chỉ mắc cúm”, bác sĩ Thạch cho biết.

Theo bác sĩ Thạch, một trong những lý do khiến bệnh ở người có thai dễ chuyển nặng là các chị em e ngại...thuốc tây, cho rằng uống thuốc tây trong thai kỳ thì con dễ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, danh mục thuốc của BV và thị trường đều đã có những loại thuốc chỉ định được cho phụ nữ có thai.

“Nếu không được điều trị phù hợp và kịp thời, bệnh chuyển nặng thành viêm phổi nặng, suy hô hấp nặng và nhiều diễn biến khó lường khác và đã có nhiều cặp mẹ - con tử vong vì lý do này”, bác sĩ Thạch nói.

Ở VN mỗi năm có trên 1 triệu người mắc hội chứng cúm mùa. Do giao lưu, đi lại nhiều nên khả năng mắc cúm mùa ở mỗi người dân là rất lớn. Việc chích ngừa cúm có hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh này, do vậy người dân nên đi chích ngừa cúm, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, nhân viên y tế và những người mắc các bệnh mãn tính.

Đối với người chưa tiêm văcxin này thì cần tiêm trong thời gian sớm nhất. Do hằng năm chủng của văcxin cúm mùa được cập nhật nên để phòng ngừa cúm tốt nhất, người dân nên đi chích ngừa cúm vào tháng 4, tháng 5 hằng năm.

Trong đợt dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona chủng mới (2019-nCoV) này, đã có những báo cáo cho thấy người Mỹ còn sợ cúm hơn cả 2019-nCoV. Theo bác sĩ Thạch, số liệu cho thấy tử vong do cúm năm 2019 tại Mỹ lên tới 20.000 ca.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN chia sẻ chỉ số lây lan của virus corona là 2,2, tức một người bệnh có thể lây ra 2,2 người, trong khi bệnh sởi, cúm, thủy đậu (trái rạ) có chỉ số lây cao hơn nhiều, như bệnh sởi là 12-18. Lo sợ chứng viêm phổi Vũ Hán do virus corona, nhưng có những căn bệnh khác cũng dễ lây và nguy cơ cao không kém, quan trọng là phải phòng bệnh từ sớm.

 

Tiêm văcxin ngừa cúm mùa, viêm phổi do phế cầu tăng

Theo khảo sát của TTCT tại một trung tâm tiêm chủng thuộc loại lớn nhất của VN, từ cuối năm 2019 và đặc biệt là từ đầu 2020, số người đến tiêm chủng văcxin ngừa cúm mùa đã gia tăng khoảng 300% so với bình thường, văcxin ngừa viêm phổi do phế cầu tăng hơn 200% so với trước.

Có những thời điểm người đến đợi tiêm chủng phải chờ nhiều giờ mới đến lượt, trong khi bình thường thời gian chờ chỉ dưới nửa giờ. “Có sự gia tăng người đến tiêm chủng ở nhóm người trưởng thành, phụ nữ chuẩn bị mang thai, trong khi trước đây chỉ người già mới chú ý tiêm văcxin này”, đại diện trung tâm trên cho biết.

Theo vị đại diện trên, do trung tâm đã tích lũy nguồn văcxin từ trước nên đến thời điểm này chưa xảy ra khan hiếm văcxin. Nhưng thời gian sắp tới, nếu dịch do 2019-nCoV vẫn kéo dài và lượng người đến tiêm các văcxin này vẫn tăng cao, trung tâm phải chuẩn bị nguồn văcxin để phục vụ, tránh tình trạng khan hiếm văcxin phải xếp hàng và tranh chỗ tiêm chủng như đã từng xảy ra.

Trong khi đó, ông Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, giám đốc Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia - cho biết ngoài văcxin cúm mùa nhập khẩu, từ năm 2019 Viện Văcxin và sinh phẩm y tế Nha Trang đã sản xuất được văcxin ngừa cúm mùa trên dây chuyền công nghệ do Nhật Bản hỗ trợ.

Hiện dây chuyền và quy trình sản xuất tại đây đã được công nhận, có thể sản xuất nhiều loại văcxin ngừa cúm. VN cũng đã sản xuất được nhiều văcxin khác như văcxin ngừa sởi - rubella rất cần tiêm chủng cho người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ chuẩn bị mang thai. Năm 2019 vừa qua, riêng Trung tâm Bệnh nhiệt đới (BV Bạch Mai) đã tiếp nhận hơn 200 bệnh nhân sởi người lớn, gấp đôi so với năm 2014 - là năm có dịch sởi lớn nhất trong 10 năm gần đây.

“Có điều tôi e ngại là người Việt mình ít chịu đi tiêm chủng hoặc sử dụng các biện pháp phòng dịch tích cực. Thường đến khi dịch bùng nổ, mọi người sợ hãi mới bắt đầu đổ xô đi mua đồ chống dịch. Những cơn sốt khẩu trang, nước rửa tay hay tình trạng gia tăng người tiêm văcxin ngừa cúm và viêm phổi cho phế cầu thời gian qua minh chứng điều này” - ông Đức Anh nói.■

Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, PGS.TS Phan Trọng Lân.-Ảnh: DUYÊN PHAN
Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, PGS.TS Phan Trọng Lân.-Ảnh: DUYÊN PHAN

Nên chích ngừa cúm tháng 4-5 hàng năm

Trước dịch bệnh do virus corona, nhiều người dân đã lo sợ đi chích ngừa cúm vì cho rằng chích ngừa cúm sẽ giúp họ giảm nguy cơ lây nhiễm virus này. Ông Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, bác bỏ niềm tin này:

“Phải khẳng định cho đến nay chưa có nghiên cứu nào cho thấy chích ngừa cúm mùa giúp người dân giảm hay tránh được nguy cơ bị nhiễm virus corona chủng mới. Các nhà khoa học trên thế giới đều đang tìm hiểu về loại virus này và cũng chưa có thuốc đặc trị hay văcxin phòng ngừa loại virus này”.

Văcxin cúm đang được chích ngừa trong thời gian này vẫn là loại văcxin cúm chủng cũ? Hằng năm thế giới sản xuất ra văcxin cúm chủng mới dựa trên những cơ sở dữ liệu thông tin nào?

Hằng năm, WHO sẽ có 2 đợt ra các khuyến cáo chủng virus cúm mùa nào đang lưu hành cho từng khu vực (khoảng cuối quý 1 cho Bắc bán cầu và quý 3 cho Nam bán cầu). Dựa vào đó, các nhà sản xuất văcxin sẽ cho ra các văcxin cập nhật chủng này và đưa văcxin ra thị trường phục vụ cho mùa dịch cúm mùa vào tháng 10-12 tại Bắc bán cầu hay tháng 4-5 tại Nam bán cầu hằng năm.

Tuy nhiên, việc sử dụng văcxin chủng cúm nào còn tùy thuộc số liệu dịch tễ, giám sát chủng cúm lưu hành của từng quốc gia. VN nằm trong nhóm nước được WHO khuyến cáo chủng cúm mùa Nam bán cầu.

Trên toàn thế giới, WHO hiện có hơn 110 trung tâm cúm quốc gia. Hằng năm, dựa trên số liệu giám sát, phân tích của các trung tâm cúm quốc gia, WHO sẽ cập nhật, xem chủng cúm nào lưu hành nhiều nhất, từ đó khuyến cáo các nhà sản xuất ra văcxin chủng phù hợp.

Người dân sẽ được chích ngừa chủng cúm lưu hành phù hợp này để phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả hơn. Văcxin cúm sẽ phòng ngừa được bệnh cúm trong một năm nên năm sau lại phải chích ngừa tiếp. Với một người không chỉ ở VN mà đi đến nhiều nơi trên thế giới nên chích thêm văcxin cúm có chủng Nam bán cầu, Bắc bán cầu tùy theo khuyến cáo của cơ quan quản lý nước đó.

VN có trung tâm cúm quốc gia trong tổng số 110 trung tâm cúm quốc gia của thế giới. Một trung tâm đặt tại Viện Pasteur TP.HCM và một trung tâm đặt ở Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

Nếu thời điểm tháng 4-5, khi có văcxin cúm chủng cập nhật, người dân đổ dồn đi chích ngừa thì các cơ sở chích ngừa, đặc biệt là Viện Pasteur TP.HCM, có đáp ứng được nhu cầu không?

Hiện nay có nhiều điểm tiêm dịch vụ ở cả các đơn vị y tế dự phòng, các bệnh viện, phòng khám cả công và tư. Tôi hi vọng nếu người dân đi tiêm phòng ổn định hằng năm, tránh đến khi có dịch mới đổ xô đi tiêm, thì các nhà sản xuất, nhập khẩu... sẽ có kế hoạch phù hợp để đáp ứng.

                                                                                   Thùy Dương

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận