Thử thách của thế hệ Erasmus

HẰNG NGUYỄN 01/05/2017 20:05 GMT+7

TTCT - Tôi mua đồ của Hãng Uniqlo. Chi nhánh châu Âu của hãng này nằm tại Anh, người ta giao hàng từ Đức, gửi đến địa chỉ của tôi ở Pháp. Bạn có nghĩ đó là 3 tỉnh của một quốc gia?

Những người trẻ ở châu Âu của thế hệ Erasmus vẫn tin tưởng ở tương lai của sự hội nhập -huffpost.com
Những người trẻ ở châu Âu của thế hệ Erasmus vẫn tin tưởng ở tương lai của sự hội nhập -huffpost.com

 

Đây là Liên minh châu Âu (EU), mái nhà của 500 triệu người nói 24 ngôn ngữ, người ta học và làm việc, kết hôn và mua một ngôi nhà, gọi điện thoại mà không chịu cước chuyển vùng ở 28 quốc gia.

Người ta là gì trước khi nắm tay nhau?”. Tháng 5-1947, thủ tướng Anh Winston Churchill nói về châu Âu: “Một đống gạch vụn, nhà xác khổng lồ, nơi chứa đầy dịch bệnh và thù hận”. Cuộc chiến lớn nhất lịch sử nhân loại khi ấy vừa khiến 36,5 triệu người dân châu Âu thiệt mạng.

Ở nhiều nước, số người chết vì đói nhiều hơn số người bị giết dưới tay binh lính. Trước đó là những cuộc chiến tranh tôn giáo triền miên và đẫm máu không kém. Họ huy động mọi nguồn lực để liên tiếp xâm lược lẫn nhau, hai cuộc chiến tranh thế giới đều khởi đầu từ một châu Âu tham lam.

EU - Giấc mơ của châu lục nhiều xung đột

Để giải quyết hậu quả chiến tranh và cũng là để giảm nguy cơ xung đột, ngoại trưởng Pháp lúc bấy giờ Robert Schuman đã đặt viên gạch đầu tiên cho EU bằng Tuyên bố Schuman ngày 9-5-1950 tại Salon de l’Horloge - căn phòng nơi tầng trệt trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp.

Cộng đồng than - thép châu Âu sau đó hình thành, đặt việc sản xuất than và thép, vốn là nguyên nhân chính của các cuộc chiến tranh Pháp - Đức, dưới sự kiểm soát chung của 6 nước thành viên. Cuốn Hiệp ước Paris được in ở Pháp bằng giấy Hà Lan, mực Đức, bìa đóng ở Bỉ và Luxembourg, còn dây đánh dấu được làm từ lụa Ý - theo hồi ký của Jean Monnet, trợ lý của Schuman.

Đó là một giấc mơ thành hiện thực: Từ những năm 1848-1849, Victor Hugo đã nhắc không chỉ một lần về cộng đồng ấy, về một “Liên bang châu Âu” ước mơ được hình thành vào “một ngày sẽ tới khi vũ khí rơi xuống khỏi những bàn tay”.

Giã từ vũ khí, châu Âu nhanh chóng trở nên thịnh vượng và ngày càng gắn kết. Nếu Anh, Đức và Pháp là ba củ khoai tây hoàn toàn rời rạc, món hàng tôi mua đã bị đánh thuế nhập khẩu mỗi khi vượt biên từ Anh hay Đức sang Pháp.

Nếu việc hội nhập kinh tế dừng lại ở bước sơ khai, tức là họ ký kết một hiệp định thương mại tự do (FTA), nhà sản xuất sẽ chọn quốc gia có mức thuế nhập khẩu thấp nhất trong nhóm để đưa món hàng vào (sau đó chuyển tiếp qua các quốc gia còn lại với thuế suất bằng 0).

Để hạn chế nó, người ta lập ra các liên minh thuế quan (Customs Union), họ đặt chung một mức thuế nhập khẩu với cùng một món hàng, tuy nhiên người bán vẫn có thể chọn đưa nó vào quốc gia có hạn ngạch cao nhất (nếu hạn ngạch nhập khẩu của các quốc gia khác đã hết).

Trở lại với món đồ của tôi, nó sẽ chịu những ràng buộc nào từ một liên minh kinh tế như EU? Trước tiên, các ý tưởng về nó sẽ được bảo vệ, không ai được sao chép (một khi nó đã được đăng ký) dưới chính sách chung của EU về sở hữu trí tuệ.

Tiếp nữa, nó có an toàn cho tôi không, nó có thể làm tôi bị dị ứng hoặc ung thư, hoặc sâu xa hơn nó có thể làm từ cây bông bị biến đổi gen, chuyện này tiếp tục được quy định bởi chính sách về sức khỏe của EU.

Nếu không làm hại tôi, nó vẫn có thể gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, điều này được điều chỉnh bởi quy định chung của EU về môi trường, về rác thải và tái chế. Nó được bán ra sao là tuân theo các quy định cụ thể về cạnh tranh của EU.

Họ bán món đồ tại châu Âu (chứ không phải Pháp, hay Đức, hay Anh), các khoản phạt cũng là theo khuôn khổ châu Âu, ví dụ Ủy ban châu Âu đã phạt Microsoft hơn nửa tỉ euro vào năm 2013 do không cho phép người dùng được lựa chọn trình duyệt web mong muốn.

Và EU không chỉ là chuyện của 500 triệu công dân. Paris đổ lỗi cho sự hoành hành trở lại của loài chuột cống (4-6 triệu con trong nội ô) là bởi quy định mới của EU đã bắt họ phải thay đổi phương thức đặt bả trực tiếp vào đường đi của chuột (có thể ảnh hưởng tới nguồn nước hay thậm chí cả người và vật nuôi), họ chuyển sang chỉ được đặt bả chuột trong những trạm nhỏ, tức là các hộp nhựa màu đen (khiến loài chuột phải tìm ra bả trước khi ăn).

Ngả nghiêng nước Pháp

Chẳng con đường nào trải mãi hoa hồng. Ở lại hay rút khỏi châu Âu, cuộc bầu cử tổng thống Pháp với vòng 1 vừa diễn ra ngày 23-4 vừa rồi đã chứng kiến nước Pháp ngả nghiêng. Chỉ ba hôm trước ngày bầu cử, một vụ tấn công khủng bố diễn ra ngay đại lộ Champs-Élysées, 1 cảnh sát thiệt mạng và 3 người bị thương.

Để trả hận cho những gì đang diễn ra ở Syria” - hung thủ tiết lộ với người thân. Mối lo khủng bố cộng với suy thoái kinh tế kéo dài khiến cả hai đảng lớn vốn ngự trị Điện Élysées suốt nửa thế kỷ vừa qua (phe Cộng hòa và phe Xã hội) đều không có ứng viên lọt vào vòng 2.

Vòng chung kết tưởng chừng sẽ chỉ là cuộc đối đầu của cánh hữu cho đến khi ứng viên sáng giá François Fillon (phe Cộng hòa), vốn luôn kêu gọi sự liêm khiết, bị báo chí mỗi ngày khui ra một vụ, từ móc tiền trong ngân khố Pháp để trả lương khống cho vợ tới nhận quà hàng chục nghìn euro để sắm quần áo cho bản thân...

Còn ứng viên cực hữu Marine Le Pen (Đảng Mặt trận quốc gia) luôn mỉa mai và đòi lập tức rút Pháp khỏi EU thì bị phát hiện thụt két của EU để chi trả cho chiến dịch tranh cử của bà, và cũng lợi dụng tư cách thành viên Nghị viện EU để trốn tránh bị Pháp truy tố vì một loạt tội danh trước đó.

Càng về cuối, cánh tả càng nổi lên với ứng viên Jean Luc Mélenchon - nhà hùng biện tài ba kêu gọi bảo vệ sinh thái, thích ăn hạt diêm mạch và ngưỡng mộ Fidel Castro.

Nếu Le Pen thắng, bà có quyền trưng cầu ý dân rút nước Pháp ra khỏi EU. Nếu Macron thắng, ông tin tưởng rằng quốc gia này cần gắn kết chặt hơn với EU. Liệu những con chuột cống Pháp còn tiếp tục giành quyền bình đẳng với họ hàng của chúng tại EU?

Thế hệ Erasmus đại đồng kiểu mới?

Bà Le Pen từ Đảng Mặt trận quốc gia, 48 tuổi, nối tiếp sự nghiệp của cha là Jean-Marie Le Pen với câu nói nổi tiếng: “Những người nước ngoài ăn bánh mì của chúng ta”. Còn ông Macron, 39 tuổi, thì cả tiểu sử học hành và sự nghiệp, phát ngôn và chính kiến, đều cho thấy ông là một đại diện tiêu biểu của những công dân châu Âu “thế hệ Erasmus”.

Erasmus là một chương trình trao đổi giáo dục (European Region Action Scheme for the Mobility of University Students) cho phép các công dân EU được hưởng thụ nền giáo dục quốc tế từ châu Âu thống nhất và cả bên ngoài đó, không giới hạn tại một trường học hay tại đất nước của họ.

Ngoài cái tên được viết tắt, Erasmus cũng là triết gia nổi tiếng của Hà Lan thời thế kỷ 15-16, một người đấu tranh quyết liệt chống chủ nghĩa giáo điều, một trong những nhà nhân văn vĩ đại nhất và có lẽ là một trong những người tư duy “châu Âu đại đồng” đầu tiên.

Với độ tuổi trung bình của người tham gia chương trình này là 23,5; từ năm 1987 đến nay đã có 5 triệu công dân EU (trong đó có 3,3 triệu sinh viên, bao gồm 600.000 sinh viên Pháp) nhận học bổng.

Công dân thế hệ Erasmus Macron học hành xuất sắc nhưng không phải lúc nào cũng may mắn (ông thi trượt vào trường sư phạm - một “trường lớn” của Pháp với đầu vào “hơi bị khó”), trở thành bộ trưởng kinh tế, công nghiệp và kỹ thuật số vào năm 36 tuổi và hai năm sau gây bất ngờ khi thông báo sáng lập phong trào “Tiến bước” trong khi tổng thống đương nhiệm vẫn còn giữ ý định tái tranh cử.

Buổi ra mắt của “Tiến bước” thu hút 3.000 người, ba tuần sau nhà lãnh đạo tuyên bố từ chức bộ trưởng để “sẵn sàng gánh vác trọng trách lãnh đạo quốc gia”.

Từ tốn, luôn thận trọng tách biệt mình khỏi giới cai trị cũ đang bị tẩy chay (dù xuất thân từ đó), tuyên bố mình không phải phái hữu cũng chẳng phải tả, chậm đưa ra kế hoạch hành động chi tiết, ông Macron bị cho rằng đã nói suông để lấy lòng dân chúng.

Nhưng có lẽ là khắt khe nếu nói ông chỉ là một người mị dân. Giữa lòng nước Pháp với ám ảnh khủng bố, ông Macron kêu gọi rộng lượng với di dân, thuyền nhân, mong muốn họ được đón tiếp trong điều kiện tốt hơn hiện nay.

Đối mặt với tâm lý đổ lỗi cho EU ngày càng tăng cao do suy thoái kinh tế tại Pháp, ông Macron lại tin rằng chìa khóa để phát triển chính là kết nối chặt hơn nữa.

Là ứng viên tổng thống của quốc gia có tới 10% dân số thất nghiệp, ông Macron ngược lại đưa ra các chính sách được cho rằng có lợi cho người giàu (thực tế là giảm bớt gánh nặng để nhà tuyển dụng không ngần ngại khi cần tuyển dụng thêm nhân công).

Ứng viên này cũng đưa ra các tuyên bố “gây sốc”. “Chế độ thuộc địa là một phần của lịch sử Pháp - ông nói trong chuyến công du Algérie - Đây là tội ác, một tội ác chống lại loài người”.

Đối thủ của ông Macron ở vòng 2 từng không ngại ngần khai thác điều này, “đây là giọng điệu của bọn lưu manh ngoại ô khi chúng chống lại nước Pháp” - bà Le Pen mỉa mai.

Các đời tổng thống Pháp từng nhiều lần thừa nhận lỗi lầm của họ với chế độ thuộc địa, nhưng chưa có ai đi xa như ông Macron (để hiểu mức độ của cuộc tranh cãi, ứng viên từng rất sáng giá ở vòng 1 Fillon cho rằng chế độ thuộc địa chỉ là “trao đổi văn hóa”).

Vòng 1 đã diễn ra đúng dự đoán và nếu vòng 2 cũng vậy (khi các ứng viên còn lại từ sau 8h tối ngày 23-4 đã lần lượt kêu gọi dồn phiếu chống cực hữu), nước Pháp sẽ có tổng thống mới trẻ nhất trong lịch sử của mình, trẻ hơn cả Louis-Napoléon Bonaparte (sinh năm 1808, làm tổng thống giai đoạn 1848-1851).■

“Thế hệ Erasmus” chỉ thế hệ công dân EU lớn lên trong giai đoạn hội nhập đang diễn ra nhanh và sâu sắc nhất. Trẻ trung và cấp tiến, họ hưởng một nền giáo dục tiên tiến, có đầu óc khai phóng và kết nối rộng khắp (cứ 4 sinh viên Erasmus thì 1 người tìm thấy bạn đời trong thời gian trao đổi giáo dục tại nước ngoài và nhờ thế 1 triệu công dân mới đã ra đời). “Thế hệ Erasmus” tin tưởng tuyệt đối vào các giá trị nhân văn, hòa bình và mở rộng ra là hội nhập, tự do thương mại quốc tế.

Đây cũng chính là ý tưởng của Tuyên bố Schuman, khởi nguồn của châu Âu thống nhất. Những người viết tuyên bố đi tìm giải pháp cho xung đột quốc tế qua mở cửa thị trường. Sáu quốc gia đầu tiên đã nhận lợi ích từ đây, họ cũng muốn chia sẻ con đường này với các quốc gia khác, EU đã trở thành 12 và nay bao gồm 28 lá cờ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận