Thực hư chuyện thuốc chữa bệnh AIDS

TS TRẦN NGỌC HÂN 21/12/2011 03:12 GMT+7

TTCT - “Đã tìm được thuốc trị bệnh AIDS”, dòng thông tin này đã tạo nên cơn sốt không chỉ trên mặt báo mà trong nhiều cộng đồng mạng. Thực hư câu chuyện thuốc trị bệnh này là gì?

Tìm kiếm theo các nguồn tin trên báo chí, chúng tôi nhận diện được Rodionov Sergey Yuryevich (1), tiến sĩ y khoa, thành viên của Viện hàn lâm Khoa học tự nhiên Nga, giám đốc Viện Miễn dịch học và sinh lý học, Sở Khoa học Ural thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, Chi nhánh Perm, người có công trình về chế phẩm profetal.

Chế phẩm Profetal là gì?

Tóm lại, cho đến nay bằng những thông tin khoa học hiện có thì chưa có một bằng chứng nào cho thấy alpha-fetoprotein có thể chữa được bệnh AIDS.

Công trình thứ nhất của GS Rodionov và cộng sự đăng trên tạp chí Bulletin of Experimental Biology and Medicine năm 2006 đã nghiên cứu về ảnh hưởng của profetal lên sự biệt hóa và hoạt động chức năng của bạch cầu đơn nhân của người (2). Chế phẩm profetal có thành phần chủ yếu là alpha-fetoprotein từ người được viết tắt là HAFP (human alpha-fetoprotein). Kết quả nghiên cứu của công trình này cho thấy human al

pha-fetoprotein có thể kích thích các bạch cầu đơn nhân tăng sinh và chuyển dạng “trẻ hóa” (blast transformation). Tác giả của công trình này cũng chỉ thảo luận ở mức là chế phẩm alpha-fetoprotein “có thể” được sử dụng để tạo ra văcxin chống ung thư (antitumor vaccine).

Alpha-fetoprotein là một trong các protein huyết thanh chính, được sinh ra ở bào thai, đôi khi nó còn được biết với cái tên khác là protein phôi thai “oncofetal protein”. Protein này với cấu trúc phân tử bao gồm 609 amino acid. Trước đây, alpha-fetoprotein được biết đến như là chất chỉ thị huyết thanh (serum marker) trong việc chẩn đoán các bệnh như xơ gan, ung thư gan, ung thư tụy hoặc ung thư dạ dày. Tuy nhiên, sau này người ta còn sử dụng alpha-fetoprotein như chất chỉ thị để phát hiện những khuyết tật của thai nhi trong nghiên cứu lâm sàng (3).

Công trình thứ hai được đăng trên tập san Doklady Biological Sciences (4) bàn về việc sử dụng profetal trong việc điều trị những biến đổi gây ra bởi căng thẳng (stress) và chấn thương trong đáp ứng miễn dịch chống lại kháng nguyên khác loài trên chuột bị thương ở mắt. Kết quả nghiên cứu của công trình này có đề cập chế phẩm profetal “có thể” được sử dụng để kìm hãm các đáp ứng miễn dịch ở giai đoạn sau chấn thương (posttraumatic period).

Cả hai công trình này cũng như các công trình khác của GS Rodionov đều không nhắc đến hay trưng ra bằng chứng gì về vai trò của chế phẩm profetal hoặc cấu tử alpha-fetoprotein đến việc điều trị AIDS. Cả hai công trình đều được đăng trên tập san có hệ số ảnh hưởng rất thấp, do vậy mức độ tin cậy từ số liệu lẫn kết quả nghiên cứu chỉ nên được sử dụng dè dặt khi cần thiết, đặc biệt số lần trích dẫn từ những công trình này kể từ khi xuất bản (4-5 năm) dường như không có. Trong khoa học, một công trình nghiên cứu được gọi là tốt/khả tín nếu nó được đăng ở tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao và công trình đó được trích dẫn nhiều lần kể từ sau khi xuất bản.

Thật ra, những nghiên cứu liên quan đến vai trò, chức năng và ứng dụng của alpha-fetoprotein đã được triển khai và công bố bởi các nhóm nghiên cứu có tên tuổi trên thế giới từ rất sớm, với số công trình khoa học liên quan đến human alpha-fetoprotein ước tính trên 3.000 công trình. Trong đó hơn 50 công trình nghiên cứu về mối tương quan giữa hoạt tính sinh học của alpha-fetoprotein đến việc giảm xâm nhập của virut HIV vào thai nhi của người mẹ mang virut HIV. Tuy nhiên, hầu hết công trình này đều không trưng ra được bằng chứng đủ thuyết phục để có thể kết luận rằng alpha-fetoprotein có thật sự vai trò kìm hãm sự xâm nhập của virut HIV hay không.

Đừng vội tin

Đến nay việc sử dụng tổ hợp ba hay nhiều loại thuốc kháng virut (ART-antiretroviral therapy) vẫn được xem là liệu pháp duy nhất hiện được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận (5). Tuy nhiên, liệu pháp kháng virut không có nghĩa là có thể tiêu diệt/giải trừ được các virut ra khỏi bệnh nhân, mà nó chỉ kiểm soát được sự tăng sinh của virut trong cơ thể, nhờ vậy mà hệ miễn dịch của bệnh nhân sẽ được hồi phục để chống chọi lại một số mầm bệnh ngoại lai.

Tóm lại, thiết nghĩ trước thông tin chưa có nguồn chính xác về việc các nhà khoa học Nga tìm được thuốc chữa bệnh HIV/AIDS thì các báo trong nước nên thận trọng và dè dặt khi đưa tin. Việc đưa tin sai lệch hoặc đưa những thông tin không có đủ bằng chứng rõ ràng, chưa được giới khoa học thẩm định cũng như chưa được WHO xác nhận có thể gây ra những ngộ nhận và hậu quả không đáng có, đặc biệt có thể làm tổn thương các bệnh nhân có HIV và ảnh hưởng lớn đến việc phòng dịch.

Và liệu có hay chăng ai đó đang đứng sau lợi dụng báo chí và lợi dụng sự cả tin của người dân để đục nước thả câu?

__________

(1) http://limbt.com/page/35/
(2) Lebedinskaya OV, Velizheva NP, Donenko FV, Chereshnev VA, Rodionov SY, Akhmatova NK, Shubina IZh, Lebedinskaya EA, Kiselevskii MV. Effect of “Profetal” on differentiation and functional activity of human mononuclear leukocytes. Bull Exp Biol Med. 2006 Apr. 141(4):536-43.
(3) Gerald J. Mizejewski. Biological roles of alpha-fetoprotein during pregnancy and perinatal development. Experimental Biology and Medicine 2004, 229:439-463.
(4) Chereshnev VA, Faizrakhmanov RR, Gavrilova TV, Chereshneva MV, Shilov YI, Rodionov SY. The use of Profetal for correction of the stress- and trauma-induced changes in the immune response against a xenogeneic antigen in rats with a penetrating wound of the eye. Dokl Biol Sci. 2007 Nov-Dec; 417: 420-2.
(5)
http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs360/en/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận