Thuốc giả lộng hành khắp thế giới

YÊN LAM 13/09/2017 02:09 GMT+7

TTCT - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa thuốc giả là sản phẩm “được thiết kế để trông giống hệt thuốc thật và có thể không gây ra tác hại gì rõ rệt. Tuy nhiên, thuốc giả thường không thể trị bệnh hay các triệu chứng hiệu quả”.

ảnh: Waking Times
ảnh: Waking Times

 Thuốc giả là gì?

Thuốc giả có thể không có bất kỳ hoạt chất (còn gọi là dược chất, tức các chất có hoạt tính điều trị) nào; chứa không đúng hoạt chất hoặc không đúng liều lượng hoạt chất (so với thuốc thật).

Vẫn theo WHO, thuốc giả “cũng thường chứa bột bắp, bột khoai tây hay bột phấn”. Có những loại thuốc giả thực chất rất độc hại do liều lượng của hoạt chất (không đúng với công thức thuốc thật) hoặc của các hóa chất khác được trộn vào cao đến mức nguy hiểm chết người.

Thuốc giả thường được sản xuất trong điều kiện tồi tàn, không vệ sinh bởi những người không có chuyên môn, vì thế thường rất bẩn và có thể bị nhiễm khuẩn” - trang thông tin của WHO viết.

Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng định nghĩa thuốc giả với các đặc điểm trên, kèm theo thông tin thuốc giả thường đóng gói vào bao bì nhái và có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

FDA gọi thuốc giả là “sản phẩm chứa những lời hứa hão”, tức không bao giờ chữa được bệnh. Trang tin khoa học Popular Science ngày 2-3 cho rằng “thuốc giả đang khiến cả thế giới gặp nguy” và gọi đây là vấn nạn toàn cầu.

Thuốc không đạt chuẩn và thuốc giả được bào chế ở mọi quốc gia và (cũng) có mặt ở mọi quốc gia tùy theo mức độ, nhưng cơ bản là ai cũng gặp phải (vấn nạn này)” - Popular Science dẫn lời Pernette Bourdillon Esteve - chuyên gia theo dõi sức khỏe toàn cầu thuộc WHO.

Trang thông tin của WHO cũng cho rằng hiện không có quốc gia nào trên thế giới chưa gặp phải nạn thuốc giả, từ Bắc Mỹ và châu Âu đến châu Phi Hạ Sahara, Đông Nam Á và châu Mỹ Latin.

Vấn đề vốn được xem là chỉ có quốc gia đang phát triển hoặc nước nghèo gặp phải giờ đây đã là vấn đề của toàn thế giới” - WHO khẳng định.

Gọi là đe dọa thế giới bởi thuốc giả không những không mang lại hiệu quả chữa bệnh, mà còn gây hại thêm cho người dùng. Thuốc trị bệnh truyền nhiễm giả - vẫn có đúng các hoạt chất như thuốc thật nhưng khác liều lượng - có thể khiến người uống kháng thuốc kháng sinh.

Trong nhiều trường hợp, thuốc giả có thể gây chết người và các nước nghèo, nơi người dân không thể tiếp cận thuốc giá rẻ và an toàn, là nơi gánh chịu hậu quả đau thương này nhiều nhất.

Tuy nhiên, trong thời Internet ngày nay, nhiều nước giàu như Anh và Mỹ, nơi dược phẩm thường xuyên được kiểm tra gắt gao, nhiều người cũng dùng phải thuốc giả dù nguyên nhân không phải thiếu tiền, mà là tin vào “bác sĩ mạng”.

WHO cho biết thói quen “tự chẩn đoán, tự kê toa” rồi đặt mua thuốc trên mạng đã khiến nhiều người tự rước họa vào thân.

Theo tạp chí Newsweek, một số nghiên cứu cho thấy 90% dược phẩm được mua qua mạng ở Mỹ có nguồn gốc kiểu “treo dê bán chó”, tức người bán khẳng định sản xuất ở nước A trong khi chúng thực chất được làm ở nước B.

“Các “nhà thuốc trên mạng” thường nhập hàng từ những quốc gia có luật kiểm soát dược phẩm lỏng lẻo” - Newsweek viết.


Không có nước nào, dù giàu hay nghèo, thoát khỏi nạn thuốc giả, mà nguyên nhân chính là do hình phạt cho tội sản xuất, buôn bán dược phẩm giả còn quá nhẹ

Đường dây phức tạp và rộng lớn

Theo Popular Science, không có loại dược phẩm nào, từ thuốc đắt tiền và là sản phẩm của nghiên cứu đột phá đến thuốc dùng hằng ngày như kháng sinh hoặc thuốc ngừa thai, thoát khỏi tay bọn làm thuốc giả.

WHO cho biết thuốc giả được làm ở nhiều nước và khu vực khác nhau, quy mô từ đường dây lớn đến sản xuất nhỏ lẻ.

Hoạt động này ngày càng rầm rộ và dễ dàng vì việc tiếp cận máy dập thuốc, đóng gói hay các thiết bị chuyên dụng khác, cũng như thành phần bào chế thuốc, không phải là chuyện gì quá khó. Internet cũng giúp giới làm thuốc giả tổ chức mạng lưới phân phối toàn cầu.

Tuy các quốc gia vẫn thường công bố triệt phá được nhiều đường dây làm thuốc giả, hoạt động này ngày càng tinh vi và khó phát hiện.

Ngoài ra, tính toàn cầu hóa của ngành dược thế giới cũng vô tình tiếp tay cho tội phạm làm thuốc giả.

Tờ Newsweek lý giải một viên thuốc có thể trải qua nhiều khâu sản xuất, mỗi khâu thực hiện ở một nước khác nhau, tạo điều kiện cho bọn tội phạm tuồn hàng giả vào chuỗi sản xuất.

Chẳng hạn, hóa chất tổng hợp tại Trung Quốc sẽ được kết hợp với tá dược ở Ấn Độ, rồi đóng gói thành phẩm ở Mexico trước khi đem vào bán tại các quầy thuốc ở Canada.

Trong bài viết có tựa “Ngày nào cũng có người chết vì thuốc giả” hồi tháng 9-2016, BBC dẫn lời doanh nhân xã hội Bright Simons cho biết các nỗ lực ngăn chặn thuốc giả chẳng là gì so với tính phức tạp của vấn đề này.

Theo Simons, đa số thuốc giả được làm ở châu Á rồi tuồn vào châu Phi. Điều này được Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) xác nhận trong một báo cáo phát đi hồi tháng 1-2017.

minh họa
minh họa

 Tội kinh doanh thuốc giả xử thế nào?

Với những tác hại mang lại, có thể xem kinh doanh, vận chuyển thuốc giả là tội phạm nguy hiểm cần trừng trị thích đáng.

Theo số liệu của WHO, mỗi năm có hơn 120.000 người dân châu Phi thiệt mạng vì thuốc sốt rét giả (không hề có hoạt chất hoặc sản xuất không đúng tiêu chuẩn), chưa kể thuốc trị các loại bệnh khác.

Buôn thuốc giả cũng thường có liên quan đến các tội phạm nghiêm trọng hơn như rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.

Trang tin Eurativ (Anh) ngày 23-1 chỉ thẳng “sự can thiệp yếu ớt của chính quyền” và “hình phạt cho bọn buôn thuốc giả quá nhẹ” là nguyên nhân khiến châu Phi khốn đốn vì thuốc giả.

Luật pháp (ở các nước châu Phi) thường ra các bản án nhẹ đến buồn cười vì buôn thuốc giả thường được xử tội vi phạm sở hữu trí tuệ, chứ không phải vì chúng có thể gây hại cho sức khỏe con người” - Eurativ dẫn lời chuyên gia Ana Hinojasa của WCO.

Tội phạm thuốc giả cũng nắm rõ quy định của các nước để lách luật. Chẳng hạn, một số nước quy định hải quan dù có nghi ngờ trong container có hàng cấm cũng không được tự ý mở ra kiểm tra nếu không có mặt chủ hàng cùng chứng kiến.

Vì vậy, đa số bọn buôn lậu chỉ cần không ra mặt là quy trình kiểm tra đi vào ngõ cụt” - Hinojasa giải thích.

Đừng tưởng chỉ có châu Phi mới thế. Lục địa già với các nước phát triển cũng không khá hơn.

Trong bài viết hồi tháng 2-2016, Euronews dẫn thông tin từ Viện Nghiên cứu quốc tế về chống dược phẩm giả (IRACM) cho biết đa số các nước đều có hình phạt dành cho tội buôn bán thuốc giả “nặng” tương đương hành vi bán áo thun hay DVD rởm.

Các hình phạt dành cho tội buôn thuốc giả nhẹ hơn rất nhiều so với việc buôn ma túy hay cần sa. IRACM lấy ví dụ năm 2001, 10 tay buôn lậu ở Bogotá (thủ đô Colombia) bị bắt vì vận chuyển 20.000 viên thuốc giả và tất cả đều được bảo lãnh tự do chỉ vài ngày sau đó.

Năm 2013, một người đàn ông ở Puerto Rico bị bắt vì bán hàng trăm ngàn viên thuốc giả trên mạng nhưng sau đó chỉ bị tuyên phạt 2 năm tù.

Cùng quan điểm, Paul Newton, giáo sư dược ĐH Oxford, nói với Newsweek nạn thuốc giả ngày càng tăng vì tội phạm đã chuyển sang buôn dược phẩm thay vì những “mặt hàng” khác bởi hai lý do: ít rủi ro mà lợi nhuận khủng.

Hình phạt cho tội phạm thuốc giả nhẹ hơn so với buôn người hay ma túy - Newton nói - Trong khi đó, bọn tội phạm có thể kiếm hàng đống tiền bằng cách làm giả các loại thuốc đang khan hàng trên thị trường hoặc những loại quá đắt tiền”.

Năm 2010, Hội đồng châu Âu thông qua Công ước MediCrime, cung cấp khung luật pháp để chống tội phạm sản xuất và buôn lậu dược phẩm giả. Vậy nhưng mãi đến tháng 7 năm nay, Burkina Faso mới là nước thứ 10 phê chuẩn công ước này.

Trang web của Hội đồng châu Âu cho biết còn 23 nước hoặc đã ký, hoặc được mời tham gia nhưng chưa đồng ý phê chuẩn.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận