​Thuốc nội cạnh tranh bằng gì?

Thị trường thuốc thú y đang bị các công ty nước ngoài “làm mưa làm gió”. Nhiều công ty sản xuất trong nước đang vực dậy nhưng vấp phải khó khăn khác: phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.

Việc truy xuất nguồn gốc, chất lượng thuốc thú y đang gặp nhiều khó khăn - Ảnh: A Lộc

Dùng tình cảm thuyết phục

Xác định phân khúc của mình là những người chăn nuôi quy mô nhỏ, các nhà sản xuất thuốc thú y trong nước phải dùng tình cảm và đưa ra mọi cách cam kết chất lượng. Để tiếp cận, các công ty thuốc thú y trong nước cũng dùng “chiêu” tăng thêm chiết khấu cho các đại lý và tăng cường nhân viên nắm kỹ thuật tốt đến từng khách hàng để thuyết phục. Giám đốc một công ty sản xuất thuốc thú y tại TP.HCM cho biết nhân viên của mình gặp từng nông dân và đưa ra cam kết nếu dùng sản phẩm nội địa mà không có hiệu quả thì thiệt hại bao nhiêu sẽ đền bấy nhiêu.

Bà Lâm Thúy Ái - phó tổng giám đốc Công ty thuốc thú y Mebipha - cho biết hiện nay tất cả nhà máy sản xuất thuốc thú y của VN đều đã đạt chuẩn Thực hành sản xuất tốt (GMP) và nguồn nguyên liệu chế biến đều là hàng nhập khẩu, tương tự các công ty nước ngoài. Do đó, chất lượng sản phẩm làm ra của các công ty trong nước không thấp hơn hàng nhập khẩu. Vấn đề còn lại là nếu có phương thức tiếp cận nông dân đúng thì sẽ được chọn.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Tấn Đà, phó tổng giám đốc Công ty Bio-Pharmachemie (TP.HCM), cho rằng ngành sản xuất thuốc thú y trong nước được hình thành trong khoảng 20 năm trở lại đây với số lượng doanh nghiệp không nhiều. Khi Nhà nước đưa ra quy định doanh nghiệp sản xuất không đạt tiêu chuẩn GMP sẽ bị đóng cửa (năm 2011), số lượng doanh nghiệp giảm từ 150 xuống khoảng 50. Những doanh nghiệp “sống sót” sau quy định này đều có tiềm lực và có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Theo ông Phạm Tấn Đà, thị phần của các loại thuốc thú y nhập khẩu (trừ văcxin) đang dần bị thu hẹp trước sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Bà Lâm Thúy Ái hi vọng một khi sản phẩm trong nước được kiểm chứng chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu mà giá lại thấp hơn, nông dân sẽ chuyển sang dùng hàng nội địa.

Phụ thuộc nguyên liệu

Xét về chủng loại, các loại thuốc sản xuất trong nước đang chiếm áp đảo so với thuốc nhập ngoại. Tuy nhiên, gần như 100% thuốc thú y sản xuất nội địa đều phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài về pha chế theo các công thức khác nhau. Đây là điều khó khăn không dễ vượt qua của các công ty trong nước.

Theo các công ty sản xuất thuốc thú y, sản xuất nguyên liệu đòi hỏi hai yếu tố là công nghệ cao và không gây ô nhiễm môi trường. Cả hai yếu tố này doanh nghiệp trong nước đều khó đáp ứng. Do đó, công việc của các nhà máy sản xuất của VN là từ các nguyên liệu nền sẵn có phải tạo ra các công thức phối trộn khác nhau cùng với công nghệ pha chế, tá dược để cho ra loại thuốc phù hợp.

Nếu chỉ tính riêng các loại thuốc chữa bệnh thì doanh số mỗi năm ước đạt 1.000 tỉ đồng, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 20% thị phần, 80% còn lại nằm trong tay các tập đoàn đa quốc gia hoặc các công ty liên doanh đang hoạt động tại VN.

Nhập khẩu nhiều nhất trong nhóm thuốc thú y là các loại văcxin phòng bệnh cho vật nuôi. Hiện nay, tại VN có khoảng 530 loại văcxin sử dụng trong chăn nuôi với khoảng 51 đơn vị sản xuất và nhập khẩu (chiếm 80% loại văcxin được cấp phép lưu hành tại VN). VN nhập khẩu văcxin chăn nuôi từ 17 quốc gia khác nhau, đứng đầu là Hà Lan với hơn 80 loại, tiếp đến là Mỹ và Pháp với số lượng văcxin được cấp phép lần lượt là 77 và 69. Doanh thu từ việc sản xuất văcxin trong nước hiện nay chỉ chiếm chưa tới 5% thị phần, còn lại 95% thị phần là văcxin nhập khẩu.

Điều đáng chú ý là cùng một loại hoạt chất, chữa cùng một loại bệnh, nhưng giá bán thuốc ngoại cao hơn trung bình 2-4 lần so với thuốc nội, cá biệt có loại cao gần 10 lần nhưng vẫn được nhiều người chăn nuôi VN lựa chọn. Tuy một số nhà sản xuất thuốc thú y trong nước khá tự tin về thị trường, nhưng khi phóng viên TTCT gặp và phỏng vấn người nuôi, thông tin có phần khác biệt.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, người nuôi vẫn e dè trong việc chọn lựa sử dụng văcxin nội. Nguyên nhân, theo ông Đoán, một phần do chất lượng văcxin ngoại tương đối tốt hơn và tâm lý người nuôi chưa an tâm vì có nhiều công ty nhỏ trong nước cung cấp sản phẩm không đạt chuẩn. Cách làm của công ty nước ngoài cũng thuyết phục người nuôi hơn, như hai loại văcxin tụ huyết trùng và thương hàn, các công ty nước ngoài không sản xuất riêng lẻ mà ghép chung nhiều loại văcxin. Mặc dù giá thuốc ngoại cao hơn nhưng khi tiêm thì tiết kiệm hơn.

Hệ thống dịch vụ thú y công kém hiệu quả và dịch vụ thú y do các công ty tư nhân kiểm soát. Dịch vụ thú y bị chi phối bởi các công ty tư nhân từ khâu cung cấp, tư vấn thông tin, đào tạo và bán thuốc, dẫn đến nguy cơ thị trường bị thiên lệch, tạo ra quá nhiều loại thuốc, giá đắt và gây thiệt hại cho nông dân chăn nuôi nhỏ. Trong giai đoạn 2002-2013, giá trị nhập khẩu văcxin dùng cho thú y tăng từ hơn 6 triệu USD lên gần 60 triệu USD, gần gấp 10 lần. Thị trường thuốc thú y và văcxin chăn nuôi có giá trị ước tính hơn 3.280 tỉ đồng, trong đó cho gia cầm chiếm khoảng 920 tỉ đồng, cho heo khoảng 2.150 tỉ đồng và trâu bò khoảng 210 tỉ đồng.

(Nguồn: Báo cáo cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi nhỏ Việt Nam - OXFAM)

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận