Thượng đỉnh Mỹ - Trung San Francisco: Sau một năm lấn cấn

DANH ĐỨC 17/11/2023 10:55 GMT+7

TTCT - Đúng một năm và một ngày sau cuộc gặp Bali năm ngoái, hai ông Tập Cận Bình và Joe Biden gặp lại nhau ở San Francisco cũng nhân dịp thượng đỉnh APEC. Những trục trặc mới trong 12 tháng qua vẫn còn tồn đọng.

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Sau cuộc gặp ở Bali một năm trước, quan hệ hai nước vẫn không sáng sủa hơn chút nào, do mỗi bên gắn chặt với những lợi ích của mình. Thậm chí từ đó tới nay, mâu thuẫn càng lớn hơn trên đủ các lĩnh vực, mà trên hết là vấn đề an ninh và kinh tế, dẫn đến bế tắc trong liên lạc.

Không liên lạc quốc phòng nữa

5 ngày trước cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh APEC San Francisco, thông cáo của thư ký báo chí Nhà Trắng khởi đầu bằng việc nêu ra chuyện đầu tiên hai ông Tập và Biden thảo luận là "tầm quan trọng của việc duy trì liên tục các đường dây liên lạc mở". 

Các kênh ngoại giao và thương mại thì hai bên thật ra vẫn tiếp xúc khá đều đặn. Nếu có đường dây liên lạc nào không được "duy trì liên tục", thì đó chính là quốc phòng, vốn vẫn đang bị cắt sau vụ Trung Quốc thử khinh khí cầu và bị Mỹ bắn rơi hôm 4-2-2023.

Lần đó, Mỹ cáo buộc Trung Quốc không chỉ đã cho khí cầu bay một, mà là nhiều lần, qua không phận nước họ trong khuôn khổ chương trình do thám toàn cầu. Đích thân Tổng thống Biden cho biết tình báo Mỹ đã tìm hiểu ba vật thể không xác định được, một cái bị bắn rơi ở Alaska, cái nữa ở Canada, và cái thứ ba rơi xuống hồ Huron (Reuters 16-2). 

Sau sự cố, Mỹ còn ra lệnh trừng phạt một số công ty Trung Quốc có tên trong danh sách đen. Trung Quốc phản pháo rằng Mỹ cũng chẳng tốt lành gì khi cứ tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan, mà đáng kể nhất là vụ Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đích thân sang Đài Loan, nên Bắc Kinh đã cắt giao lưu quốc phòng.

Paul Haenle của tổ chức Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế giải thích quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và Trung Quốc gồm những gì và như thế nào trước kia: "Trước kia, quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng tham gia hàng chục cuộc trao đổi cấp cao, định kỳ nhằm thúc đẩy tính minh bạch và giảm bớt ngờ vực. Ngoài việc liên lạc thường xuyên, quân đội hai nước còn tiến hành các cuộc tập trận chung thường xuyên, tập trung vào hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai".

Nhưng dưới thời tổng thống Trump, "Do quan hệ song phương nói chung cứ xấu đi, không có gì ngạc nhiên khi trao đổi quân sự Mỹ - Trung đã chuyển trọng tâm từ nỗ lực chung nhằm giải quyết khủng hoảng nhân đạo và thảm họa sang nhấn mạnh vào giảm leo thang và tránh xung đột". 

Ông Haenle liệt kê: "Từ mức cao nhất là 41 cuộc trao đổi vào năm 2014, qua thời cựu tổng thống Donald Trump xuống dưới 20 lần mỗi năm. Đó là chưa kể chuyện Đối thoại Ngoại giao và an ninh cấp cao định kỳ được thiết lập vào năm 2017 đã bị chính quyền Trump hủy từ năm 2019".

Giờ đây, 9 tháng sau vụ bắn hạ các khinh khí cầu của Trung Quốc, phía Mỹ ngỏ ý muốn giải quyết điều mà thư ký báo chí Nhà Trắng gọi là "các vấn đề trong mối quan hệ song phương Hoa Kỳ - Trung Quốc và một loạt vấn đề khu vực và toàn cầu", gồm việc tái lập liên lạc quốc phòng. 

Mới nhất, ở họp báo hôm 14-11, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ed Sullivan nhắc lại ý này: "Hoa Kỳ đã sẵn sàng duy trì liên lạc giữa quân đội với quân đội vì chúng tôi nghĩ rằng như vậy mới là hành xử có trách nhiệm. Việc quân đội hai nước liên lạc với nhau là cách để giảm thiểu sai lầm, tránh leo thang, quản lý cạnh tranh để không chuyển sang xung đột".

Có thể thấy phía Mỹ không "thoải mái" trong tình hình không quan hệ quốc phòng này, và e ngại những bất trắc không nhìn thấy được. "Bất kể điều gì khác đang xảy ra trong mối quan hệ, những mối liên kết giữa quân đội với quân đội vẫn phải được giữ nguyên. Đó là lập trường của chúng tôi khi tới San Francisco", cũng lời ông Sullivan.

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Điều kiện hàn gắn

Trên thực tế, sau các sự cố tháng 2, thấy tình hình căng thẳng không dẫn tới đâu, để khai thông bế tắc, phía Mỹ ra sức phái hết đoàn cấp bộ này tới đoàn cấp bộ khác sang Trung Quốc. 

Cũng ông Sullivan, chỉ ít giờ trước cuộc gặp Tập - Biden, đã liệt kê các nỗ lực đó: "Mấy tháng gần đây, tôi đã có cơ hội gặp ngài Vương Nghị (chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản kiêm bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc) ba lần... Các bộ trưởng ngoại giao, tài chính và thương mại của chúng tôi đều đã tới Bắc Kinh".

Theo truyền thông Mỹ, danh sách các đề tài được thảo luận rất dài, bao gồm nhiều lĩnh vực bất đồng và căng thẳng lớn, như vấn đề Đài Loan, vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, và những chủ điểm hợp tác tiềm tàng, bao gồm nỗ lực chống buôn lậu ma túy. Cũng trong nghị trình còn có hoạt động phát triển hạt nhân của Trung Quốc, các vấn đề kinh tế và hợp tác chống biến đổi khí hậu.

Về Đài Loan, hai nhà lãnh đạo có lẽ khó thể đạt được thỏa thuận lớn nào. Quan điểm nhất quán của Trung Quốc cho rằng Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời, là lợi ích cốt lõi của họ. Chính quyền Biden trong khi đó đã nhiều lần nói sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ Đài Loan nếu cần thiết. Đài Loan sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 1-2024, khiến vấn đề này thêm nhạy cảm.

Ngay trước cuộc gặp, ông Biden cũng nói Trung Quốc đang gặp những vấn đề nghiêm trọng. "Chủ tịch Tập là một ví dụ nữa về hoạt động tái thiết lập quyền lãnh đạo của Mỹ trên thế giới đang diễn ra thế nào", ông Biden nói vào tối 14-11 ở San Francisco, theo Đài CNN. "Họ đang gặp nhiều rắc rối lắm".

Trong khi đó, báo Trung Quốc Global Times dẫn lại Hãng tin AP nói "nền kinh tế thế giới chắc chắn sẽ hưởng lợi nếu quan hệ Mỹ - Trung được hàn gắn", kèm lưu ý rằng Mỹ và Trung Quốc hiện đang sản xuất ra 40% tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ của thế giới. Global Times cũng dẫn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết hai nền kinh tế số 1 và 2 thế giới sẽ đóng góp vào hơn 30% tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới.

"Trung Quốc và Mỹ là những động lực ổn định và động cơ của nền kinh tế toàn cầu, nên cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo chắc chắn sẽ mang lại nhiều điểm tích cực và ổn định cho kinh tế thế giới trong một giai đoạn nhiều rủi ro nghiêm trọng", Global Times dẫn lời Liu Ying, nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương, Đại học Nhân dân Trung Quốc.

Trước cuộc gặp thượng đỉnh, nhiều quan chức cấp cao Mỹ cũng đã gặp nhau liên tục, mới nhất là khi Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gặp nhau ở San Francisco tuần trước. 

Cả hai đã mô tả cuộc gặp gỡ là thẳng thắn và bổ ích. Hai bên đồng ý tăng cường đối thoại và nhấn mạnh Trung - Mỹ không tìm cách "tách rời kinh tế", theo Bộ Tài chính Trung Quốc. Hai bên cũng bày tỏ mong muốn hợp tác xử lý các thách thức chung, như những vấn đề gây bất ổn kinh tế và tài chính, biến đổi khí hậu, nợ của các nước đang phát triển, và cải cách các cơ cấu tài chính đa phương, theo Global Times.

Tuy nhiên, báo này cũng nói "còn nhiều khác biệt lớn" giữa hai phía, trong đó Mỹ nhấn mạnh vào "cạnh tranh" và vẫn nhắc lại quan điểm lâu nay của họ về bảo vệ "an ninh quốc gia". 

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói cạnh tranh giữa các nước lớn "đi ngược xu hướng thời đại" và "sẽ không giúp Mỹ giải quyết những vấn đề của chính họ hay những thách thức toàn cầu". "Trung Quốc không sợ cạnh tranh, nhưng không cho rằng quan hệ Trung - Mỹ nên được định nghĩa qua cạnh tranh", bà Mao nói.■

Một vấn đề mà phía Mỹ có vẻ cũng sẽ coi trọng trong cuộc gặp song phương sắp tới có vẻ là tình hình Trung Đông, cụ thể là liên quan tới Iran, theo lời ông Sullivan:

"Tổng thống Biden sẽ nói rõ với Chủ tịch Tập rằng Iran hành động theo hướng leo thang, gây mất ổn định nhằm làm suy yếu sự ổn định khắp Trung Đông rộng lớn hơn không có lợi cho lợi ích của Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia có trách nhiệm nào khác. Trung Quốc có mối quan hệ với Iran và có khả năng, nếu muốn, làm rõ điều đó trực tiếp với Chính phủ Iran".

Tình cảm chung của dư luận Trung Quốc với Mỹ có vẻ cũng đã mềm mỏng hơn trong những tháng qua. Theo cuộc thăm dò tiến hành hằng tháng của công ty tư vấn kinh doanh Morning Consult, từ tháng 4 tới tháng 10-2023, tỉ lệ người trưởng thành ở Trung Quốc nhìn nhận Mỹ là "địch thủ hoặc không thân thiện" đã giảm 9 điểm phần trăm xuống còn 48%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận