Thượng đỉnh Nga - Mỹ: Chưa thấy đột phá

TƯỜNG ANH 12/12/2021 06:00 GMT+7

TTCT - Chiều 7-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hội đàm video hai tiếng trong một cuộc gặp thượng đỉnh được cả thế giới quan tâm. Lần hội đàm thứ hai trong vòng một năm liệu có dẫn tới cải thiện mối quan hệ đang xấu đi “dưới mức trung bình”?

Từ dinh thự của mình ở Sochi, ông Putin đã trò chuyện video với Tổng thống Biden ở Nhà Trắng (Washington). Để liên lạc giữa lãnh đạo hai nước, từ phía mình, Kremlin đã cho vận hành một đường dây video mật, lắp đặt đã lâu nhưng chưa từng sử dụng trước đây, và báo giới không được mời tham dự.

Sau cuộc gặp, Washington đã phát đi một thông cáo báo chí, nội dung chính nói rõ: Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu “quan ngại sâu sắc về việc Nga gia tăng lực lượng xung quanh Ukraine”, cho biết “sẽ đáp trả bằng các biện pháp kinh tế và các biện pháp mạnh mẽ khác trong trường hợp leo thang quân sự”.

Ảnh: The Daily Beast

 

Tổng thống Biden nhắc lại “sự ủng hộ của ông với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, kêu gọi giảm leo thang và quay trở lại (các biện pháp) ngoại giao”. 

Ngoài ra , thông cáo cho biết “các tổng thống cũng thảo luận về đối thoại Mỹ - Nga, vấn đề ổn định chiến lược, phần mềm tống tiền, cũng như hợp tác chung về các vấn đề khu vực như Iran…”. 

Đáp lại, theo thông cáo báo chí từ điện Kremlin, ông Putin nhấn mạnh không nên đẩy hết trách nhiệm cho Nga vì NATO đang tiến hành những nỗ lực nguy hiểm nhằm xâm chiếm lãnh thổ Ukraine và xây dựng tiềm lực quân sự tại biên giới của Nga. 

Ngoài ra, Tổng thống Nga bày tỏ quan ngại nghiêm túc về “các hành động khiêu khích của Kiev ở Donbass”. 

Ông nhấn mạnh chiến lược của Kiev là nhằm phá bỏ hoàn toàn các thỏa thuận Minsk và đưa ra dẫn chứng cụ thể. 

“Do đó, Nga thực sự quan tâm đến việc có được những đảm bảo đáng tin cậy, cố định về mặt pháp lý, loại trừ việc NATO mở rộng về hướng đông và triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở các quốc gia tiếp giáp với Nga”, thông cáo viết. 

Các nhà lãnh đạo nhất trí “giao cho các đại diện của mình bắt tay vào tham vấn thực chất về những vấn đề nhạy cảm này” để dàn xếp mối quan hệ song phương đang ở mức “dưới trung bình” như Kremlin đánh giá.

Qua đó, có thể thấy thượng đỉnh này không có đột phá nào để giải quyết những tồn đọng trong quan hệ Mỹ - Nga, ngoại trừ việc công khai nói những yêu sách về nhau và một hứa hẹn đầy tính ngoại giao “giao tham vấn về những vấn đề nhạy cảm”.

“Cân bằng đã mất, chỉ còn sợ hãi”

Có thể diễn giải “quan ngại sâu sắc” của ông Biden với ông Putin qua những diễn biến mới nhất được báo chí hai bên phản ánh: 

Phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 90.000 quân gần biên giới Donbass; trong khi Nga khẳng định NATO đang gây sức ép khi xây dựng các căn cứ quân sự ngày càng tiến gần nước Nga - động thái được Ngoại trưởng Sergei Lavrov gọi là “biến các nước láng giềng thành bàn đạp để đối đấu với Nga”.

Ngày 4-12, theo Matxcơva, các máy bay chiến đấu của Nga đã phát báo động trên không sau khi một máy bay trinh sát của Mỹ được phát hiện trên Biển Đen. 

Rồi ngày 3-12, một máy bay trinh sát khác của NATO đã bay rất gần một máy bay của Aeroflot đang trên đường từ Tel Aviv đến Matxcơva. Phi công phớt lờ yêu cầu của điều phối viên không lưu và chỉ quay về sau khi máy bay chiến đấu của Nga bay lên bầu trời.

Về phía Mỹ và phương Tây, tờ The Washington Post dẫn nguồn tin tình báo Mỹ tuyên bố Nga có ý định phát động “một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine vào đầu năm 2022” với kế hoạch sử dụng tới 175.000 quân. 

Dẫn lời các chuyên gia Mỹ và Ukraine, tờ báo nói mục đích của cuộc “xâm lược” là nhằm đảm bảo an ninh ở phía tây nước Nga. 

Các quan chức và giới phân tích tin rằng, với kế hoạch này, “Nga sẽ buộc các lực lượng Ukraine chiến đấu trên nhiều mặt trận, tìm cách không chỉ xâm chiếm lãnh thổ mà còn khiến Kiev và những người ủng hộ phương Tây của họ phải đầu hàng, để mang lại sự đảm bảo an ninh mà Putin đang tìm kiếm”. 

Giới phân tích quân sự còn so sánh chiến lược này với “cuộc xâm lược của Matxcơva vào Gruzia năm 2008”.

Tờ The Times (Anh) số ngày 4-12 đã đăng phỏng vấn Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö, người cho rằng cuộc đối đầu Mỹ - Nga hiện nay nguy hiểm hơn nhiều so với thời Chiến tranh lạnh. 

Theo ông Niinistö, những năm 70 của thế kỷ trước, mà ông gọi là “thời kỳ lạnh giá nhất của Chiến tranh lạnh”, Hoa Kỳ và Liên Xô vẫn có thể dần tháo ngòi nổ bởi cả hai đều biết chỉ một bước bất cẩn có thể dẫn đến tận thế hạt nhân.

Trong khi đó, thế giới hiện đại nguy hiểm hơn nhiều. Vấn đề không chỉ là nền tảng của các thỏa thuận quốc tế về vũ khí hạt nhân được xây dựng cách đây nửa thế kỷ đã bắt đầu sụp đổ, mà còn là các loại vũ khí chiến tranh mới, không thể quan sát được đã xuất hiện. 

Niinistö liệt kê: “… chúng bao gồm trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái và các kỹ thuật chiến tranh lai, khi người di cư và thông tin sai lệch được sử dụng làm vũ khí…”. 

Tóm lại, ông Niinistö, 73 tuổi, nói thời Chiến tranh lạnh dù sao cũng có một sự cân bằng, kể cả nỗi sợ hãi cũng được cân bằng, còn “Bây giờ sự cân bằng đã mất, chỉ còn sợ hãi”.

Vì sao Nga cần giấy trắng mực đen

Trước hội đàm đã vang lên các cáo buộc của Nga về việc NATO tiến về phía đông. Trong các phát biểu Đại học Bộ Ngoại giao Nga và trong cuộc gặp các đại sứ nước ngoài hôm 1-12, Tổng thống Putin đã nói về sự cần thiết phải có các bảo đảm để tránh tình hình xấu hơn. 

Cụ thể, trong cuộc gặp với các đại sứ nước ngoài, ông Putin nói Nga cần những đảm bảo pháp lý về an ninh “… được ghi trên giấy tờ, bởi các đối tác phương Tây dễ dàng quên các cam kết bằng lời nói”.

Vì sao Nga cần một thỏa thuận pháp lý? Tổng thống Nga giải thích: 

“Các hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện đã được triển khai ở Ba Lan và Romania. Và các bệ phóng MK-41ở đó có thể được trang bị tên lửa Tomahawk và các hệ thống tấn công. Điều này tạo ra mối đe dọa cho chúng tôi". 

"Và để đáp lại, chúng tôi buộc phải… phát triển vũ khí siêu thanh. Những “lằn ranh đỏ” này ở đâu? Trước tiên, đó là các mối đe dọa với chúng tôi xuất phát từ vùng lãnh thổ này". 

"Nếu mọi thứ tiếp tục được mở rộng, nếu một số loại tổ hợp xung kích xuất hiện trên lãnh thổ Ukraine, thì thời gian bay đến Matxcơva sẽ là 7-10 phút và trong trường hợp đặt vũ khí siêu thanh là 5 phút”.

Ông Putin không giấu bài: người Nga sẽ không ngồi im mặc cho bị đe dọa. 

“Chúng tôi hiện đã thử nghiệm thành công, và từ đầu năm sau chúng tôi sẽ trang bị tên lửa siêu thanh mới tốc độ 9 Mach trên biển. Thời gian bay đến những ai phát lệnh (tấn công chúng tôi)… cũng là 5 phút”. 

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova bổ sung thêm một điều khoản Nga liệt vào “lằn ranh đỏ”: kết nạp Ukraine vào NATO.

Tuy nhiên, ngay trước cuộc thượng đỉnh, khi được hỏi về “lằn ranh đỏ” mà Nga đòi hỏi, ông Biden đã đáp: “Tôi không chấp nhận bất cứ lằn ranh đỏ nào”, ngụ ý Washington sẽ không thỏa hiệp. 

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, tại một cuộc họp báo khi được yêu cầu bình luận về lời hứa của Ngoại trưởng Mỹ James Baker với Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev năm 1990 khẳng định Hoa Kỳ không có ý định mở rộng NATO “một inch nào về phía đông”, đã giải thích: Washington không coi thỏa thuận 30 năm tuổi này bị vi phạm, mà chỉ là Hoa Kỳ đang theo đuổi “chính sách mở cửa”, theo tường thuật của Ria Novosti.

Bình luận về cuộc gặp thượng đỉnh, tờ Sự thật Komsomol nhận định: tuy là đề tài chính của cuộc gặp nhưng Ukraine không hề được mời tham dự hoặc được Washington tham vấn. 

Dẫu vậy, tờ này nhắc lời Nhà Trắng nói: “Tại cuộc gặp, ông Biden cũng không hứa hẹn với ông Putin là Ukraine sẽ nằm ngoài NATO”. 

Theo ghi nhận của TASS, ngay sau khi kết thúc thượng đỉnh, đã có thay đổi trong dự thảo ngân sách quốc phòng Mỹ. Các điều khoản về trừng phạt với dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 và lệnh cấm các nhân vật Mỹ sở hữu nghĩa vụ nợ của Nga đã được xóa bỏ. 

Nhưng đồng thời, dự thảo ngân sách đề cập đến việc phân bổ 300 triệu USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine và 4 tỉ USD cho “Sáng kiến châu Âu” để kềm chế Nga.

Các vấn đề khác được thảo luận tại hội đàm 7-12: an toàn thông tin (hai bên bày tỏ sẵn sàng tiếp tục hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực tố tụng hình sự và kỹ thuật của cuộc chiến chống tội phạm mạng), quan hệ song phương sau “cuộc chiến đại sứ” (cách đây 5 năm Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế quy mô lớn, cấm và trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga, buộc Nga phải đáp trả tương tự). 

Phía Nga đề xuất hủy bỏ tất cả hạn chế với hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao, phục vụ cho việc bình thường hóa các khía cạnh khác của quan hệ song phương. 

Chương trình hạt nhân Iran, duy trì an ninh và ổn định quốc tế cũng được hai nguyên thủ bàn luận. Thông cáo của Điện Kremlin nói “Nga và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đối thoại và tiếp xúc cần thiết”, đánh giá cuộc trò chuyện 7-12 diễn ra “thẳng thắn và mang tính chất công việc”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận