Thượng đỉnh Nga - Trung: Một liên minh mới đã định hình?

DANH ĐỨC 28/03/2023 17:57 GMT+7

TTCT - Giữa lúc tình hình Nga - Mỹ và NATO đang căng như dây đàn, việc ông Tập Cận Bình sang thăm ông Vladimir Putin được báo chí Trung Quốc nhận định là nhằm "tăng cường tính ổn định toàn cầu" và "nâng cao hy vọng hòa bình".

Trên thực tế, chuyến thăm đã tăng độ gắn kết giữa hai đồng minh trong tình hình mới mà cuộc chiến Ukraine khiến đối thủ chung lộ ra chân tướng.

Ảnh: AP

Ảnh: AP

Tất nhiên, ông Putin không muốn thiên hạ nhìn thấy và nghĩ ông đang "kẹt" trong cuộc chiến Ukraine. 

Những ước tính nhiều nguồn, dù khó kiểm chứng và xác minh chính xác, đều nói Nga tổn thất binh lính chính quy và không chính quy từ nhiều đến rất nhiều ở Ukraine trong năm đầu tiên cuộc chiến. 

Trên bình diện kinh tế thì số liệu rõ ràng: Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, OECD… tính rằng GDP của Nga năm 2022 giảm từ 2,2 - 3,9%, với dự báo tiếp tục suy giảm vào năm 2023.

Vẫn ngạo nghễ

Thành ra, ông Putin phải cho thấy ông vẫn mạnh và không suy suyển trước cuộc gặp ông Tập vào hôm Chủ nhật vừa qua, mà báo chí nói là có bàn chuyện hòa bình ở Ukraine. 

Màn "trình diễn" có lẽ đã bắt đầu từ vụ máy bay Su-27 của Không quân Nga hôm thứ ba 14-3 "vờn" chiếc UAV MQ-9 Reaper của Mỹ trên biển Đen, khiến chiếc này bị rớt, nhằm chứng tỏ sức mạnh của ông Putin trước đối thủ Mỹ nay bị nắm thóp là "yếu cơ".

Thực tế, phía Mỹ quả đã không phản ứng gì hơn là la ó "thiếu chuyên nghiệp", rồi thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder ú ớ "Không, chúng tôi không yêu cầu phía Nga xin lỗi" khi được một nhà báo hỏi hôm 16-3. 

Vụ "Tom & Jerry" trên biển Đen, trong không phận quốc tế, cho thấy đó là một tính toán mạo hiểm chính xác của Nga.

Nhiều diễn biến khác ở Nga trước chuyến thăm của ông Tập, không biết vô tình hay hữu ý, cũng nhằm thể hiện rõ là ông Putin còn mạnh lắm. Ví dụ, ngày 13-3 bản tin Điện Kremlin chạy tít: "[Thủ lĩnh vùng Chechnya] Ramzan Kadyrov đã báo cáo tóm tắt với tổng thống về thành tựu kinh tế - xã hội của Chechnya trong năm 2022". 

Tối cùng ngày, thêm một bản tin nữa của Kremlin.ru: "Tổng thống Putin đã có cuộc gặp làm việc với người đứng đầu nước Cộng hòa Buryatia Alexei Tsydenov". Nhờ Google mới biết đây là một nước cộng hòa trong Liên bang Nga, với dân số hơn 900.000 người.

Nếu như trong nước ông Putin vẫn hoàn toàn làm chủ tình thế, từ Chechnya ở bắc Caucasus tới Buryatia ở Siberia xa xôi, thì nước ngoài, ông cũng không thiếu đồng minh. 

5 ngày trước khi ông Tập tới Matxcơva, chiều 15-3 ông Putin đã tiếp Tổng thống Syria Bashar al-Assad. 

Kremlin.ru tường thuật: "Nhờ những nỗ lực chung của chúng ta và đóng góp quyết định của lực lượng vũ trang Nga, Syria đã đạt được những kết quả rõ rệt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế". Thực tế là từng có lúc có tới 63.000 quân Nga ở Syria (The Arab Weekly 16-6-2022).

Chưa hết, qua hôm 16-3, tới lượt người đứng đầu "Nhà nước Nam Ossetia" Alan Gagloyev, "nước cộng hòa" ra đời vào tháng 8-2008 sau cuộc chiến 5 ngày Nga - Gruzia, qua diện kiến ông Putin. 

Cũng trong ngày hôm đó, lịch làm việc của tổng thống Nga còn ghi nhận các cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko.

Ông Putin và ông Assad ở Điện Kremlin. Ảnh: Reuters

Ông Putin và ông Assad ở Điện Kremlin. Ảnh: Reuters

Cao điểm của tuần lễ biểu dương lực lượng là chuyến thăm Crimea và vùng Donbass của ông Putin, nhân kỷ niệm 9 năm bán đảo Crimea trở lại Nga, đặc biệt chuyến ghé thị trấn - chiến trường cũ đẫm máu Mariupol. 

Báo Nga Vedomosti nhận xét là chuyến đi ghi dấu "quá trình hội nhập sâu sắc các khu vực mới vào không gian pháp lý, chính trị, kinh tế và xã hội của Nga". 

Cần nhắc, ông Putin đã dành thời giờ ghé qua địa điểm di tích cổ đại đã 2.500 năm tuổi Tauric Chersonesus ở Sevastopol, chớ không cần thị sát các căn cứ quân sự Nga - hẳn để cho thấy bán đảo Crimea đã "vững như bàn thạch". 

Ở Tauric Chersonesus, ông đã nhắc lại chủ đề rất hợp địa điểm: "Crimea là lãnh thổ Nga từ thời xưa".

 Thông tin thêm, hôm 17-3, trong cuộc họp trực tuyến với các quan chức Crimea và Sevastopol, ông Putin cho biết số tiền mà Matxcơva chi cho bán đảo sáp nhập năm 2014 này, tính đến 2027, dự kiến khoảng 1.600 tỉ rúp (26 tỉ USD), và riêng năm 2022 là 116 tỉ rúp (1,5 tỉ USD), theo Kremlin.ru.

Kết thúc tuần lễ vô cùng bận rộn đó là sự kiện mà cả thế giới phải dõi theo: "Vào các ngày 20 đến 22-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước tới Nga theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin".

Long thịnh hùng cường

Thế là ông Tập đến Matxcơva vào chiều 19-3. Đến chiều tối thứ ba (21-3), China Daily chạy tít: "Trung Quốc-Nga liên kết tạo ổn định cho thế giới bất ổn". 

Bài báo vạch ra hai chủ ý của phía khách: (1) "Chuyến thăm… diễn ra ngay sau một năm cuộc xung đột Nga - Ukraine, và nhiều người kỳ vọng ông Tập sẽ thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa Matxcơva và Kiev". Và (2) "Cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia được kỳ vọng sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Nga trong kỷ nguyên mới".

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Những kỳ vọng đó được thể hiện trong "Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược Nga - Trung trong kỷ nguyên mới" và "Tuyên bố chung về Kế hoạch thúc đẩy các yếu tố chính của hợp tác kinh tế Nga - Trung đến 2030". 

Cụm từ "kỷ nguyên mới" năm nay được nhắc lại và nhấn mạnh sau khi đã "trình làng" năm ngoái trong "Tuyên bố chung về quan hệ quốc tế bước vào kỷ nguyên mới phát triển toàn cầu vững bền".

"Kỷ nguyên mới" đó phải chăng là kỷ nguyên Trung - Nga, chớ không còn là kỷ nguyên cũ của Mỹ và phương Tây nữa? 7h tối 21-3, Điện Kremlin tổ chức họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh. 

Chủ nhà Putin mở lời: "Hai tuyên bố chung mà chúng tôi vừa ký đã đặt ra khuôn khổ và phản ánh đầy đủ tính chất đặc biệt của quan hệ Nga - Trung, đang ở mức cao nhất trong lịch sử của chúng ta, đưa ra mô hình về quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược thực sự".

Quả thật chưa bao giờ hai nước "thân hữu" như bây giờ! Ông Putin kể rằng ông và vị khách quý đã luôn giữ liên lạc và đếm được 40 lần gặp gỡ giữa họ từ khi ông Tập lên làm Chủ tịch Trung Quốc năm 2013. 

Chính nhờ "chúng tôi đã có thể giải quyết mọi vấn đề, ngay cả những vấn đề thách thức nhất, và theo dõi mọi vấn đề thời sự trong chương trình nghị sự song phương và quốc tế".

Trong số 40 lần gặp gỡ đó, nhất định phải kể đến cuộc gặp đầu tháng 2-2022, nhân Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh: Bắn pháo bông khai mạc Olympic hôm 4-2 thì 20 ngày sau đại pháo khai màn "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine! 

Quan hệ bằng hữu nay có cơ trở thành "chiến hữu", bước lên đỉnh cao lịch sử song phương.

Cụ thể, với vấn đề Ukraine, Bắc Kinh đưa ra "Lập trường của Trung Quốc về việc giải quyết chính trị cuộc khủng hoảng Ukraine" gồm 12 điểm chính, trong đó đáng chú ý nhất là:

(1) "Tôn trọng chủ quyền của các nước… Chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được bảo vệ một cách hiệu quả. Tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, đều là thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế…".

(2) "Từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh. An ninh của một quốc gia không nên được theo đuổi bằng sự trả giá của các quốc gia khác".

(8) "Giảm rủi ro chiến lược. Không được sử dụng vũ khí hạt nhân và không được tiến hành chiến tranh hạt nhân. Phản đối đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân".

Có thể thấy kế hoạch hòa bình đó về câu chữ là khá công tâm, nhưng không phải vô cớ mà Mỹ vẫn khăng khăng không chịu tin Trung Quốc sẽ đứng ra làm trung gian hòa giải. Một vấn đề quan trọng nữa là lời lẽ nói ra và cách hiểu của các bên vẫn còn khác biệt. 

Nói ví dụ, ông Putin phát biểu với báo chí sau hội đàm với ông Tập: "Chúng tôi tin rằng nhiều điều khoản trong kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đưa ra phù hợp với cách tiếp cận của Nga và có thể được coi là cơ sở cho một giải pháp hòa bình khi phương Tây và Kiev sẵn sàng. 

Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi chưa thấy sự sẵn sàng như vậy từ phía họ… Có vẻ phương Tây đã thực sự quyết định chiến đấu với Nga đến người Ukraine cuối cùng - không còn bằng lời nói mà bằng hành động".■

Một ưu tiên phát triển quan hệ Nga - Trung là kinh tế thương mại. Đã có những thành quả: năm ngoái, thương mại tăng 30% để lập kỷ lục mới 185 tỉ USD; năm nay, thương mại có thể vượt 200 tỉ USD, đây sẽ là một ngưỡng có ý nghĩa biểu tượng - ông Putin nhấn mạnh. Đặc biệt, 65% trao đổi thương mại giữa hai nước trong ba quý đầu năm 2022 là bằng đồng rúp và đồng nhân dân tệ.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận