Thương hiệu Đức

LOAN PHƯƠNG 22/07/2014 08:07 GMT+7

TTCT - Đội tuyển bóng đá Đức đã chiến thắng như cách mà người Đức vận hành xã hội và các doanh nghiệp. Khi đội trưởng đội tuyển Đức Philipp Lahm nâng cao chiếc cúp vô địch thế giới thứ tư của người Đức ở sân Maracana, Rio de Janeiro, Brazil, anh và các đồng đội đã kiếm thêm được 300.000 euro (408.000 USD).

Các tuyển thủ Đức nâng cao cúp vàng World Cup 2014 - Ảnh: Reuters

Số tiền thưởng này của Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) chỉ là số lẻ so với những gì mà nền kinh tế Đức có thể được hưởng lợi từ danh hiệu trên, khi người tiêu dùng sẽ đổ xô đi tìm các nhãn hiệu “made in Germany”, theo đánh giá của Viện nghiên cứu Prognos ở Berlin.

“Thương hiệu Đức chắc chắn hưởng lợi lớn từ chiến thắng này. Chức vô địch sẽ giúp tăng cường sức ảnh hưởng của hàng xuất khẩu Đức” - Christian Boellhoff, giám đốc điều hành Prognos, nói với Hãng tin Bloomberg.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng là nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Những tập đoàn khổng lồ từ xe hơi Mercedes-Benz tới đồ thể thao Adidas sang công nghệ và kỹ thuật Siemens đều có hi vọng tăng doanh số mạnh vào năm tới, giúp cải thiện mạnh mẽ kim ngạch xuất khẩu 1.090 tỉ euro của Đức năm 2013, theo số liệu từ Văn phòng thống kê liên bang.

Giám đốc điều hành Herbert Hainer của Adidas - nhà tài trợ chính thức của đội tuyển Đức (và cả Argentina) - nói trận đấu hôm 13-7 là “sự kiện riêng lẻ giá trị nhất” của hãng từ trước tới nay. Trận đấu kết thúc với chiến thắng 1-0 cho Đức, và HLV Joachim Loew cuối cùng đã với được chiếc chén thánh sau tám năm dày công xây dựng đội bóng.

Xã hội Đức có lẽ cũng được vận hành như kiểu HLV Loew và các quan chức DFB vận hành bóng đá (hay là ngược lại?). Đó là một nền sản xuất tư bản chủ nghĩa có trách nhiệm, hướng tới dài hạn, ưu tiên công bằng, phúc lợi xã hội và đối xử tốt với người lao động. “Về mặt tâm lý, chiến thắng này tạo ra tác động tích cực lên lòng tin. Dù khó để định lượng, nhưng chức vô địch sẽ có ảnh hưởng lớn đến động cơ làm việc và sự tự tin vào chất lượng các sản phẩm Đức” - Boellhoff nói.

Trong quá khứ, chiến thắng ở World Cup thường trùng hợp với những giai đoạn kinh tế Đức tăng trưởng mạnh mẽ. Trận chung kết Đức thắng Hungary ở Bern, Thụy Sĩ, năm 1954 khởi đầu cho thời kỳ bùng nổ kinh tế hậu chiến ở Tây Đức. Chức vô địch năm 1974 trên sân nhà cũng là bình minh của một giai đoạn kinh tế tăng trưởng kéo dài.

Một năm trước đó, Tây Đức đã trở thành một trong các sáng lập viên của nhóm G6, nay là G8. Với danh hiệu năm 1990 giành được ở Rome, Ý (cũng thắng Argentina), ba năm sau nước Đức bùng phát kinh tế.

Cùng với thành công ở Brazil, kinh tế Đức đang trên đà tiến bộ vững chắc, bất chấp những khó khăn ở khu vực sử dụng đồng euro. Tăng trưởng của Đức trong quý 1-2014 đã cao hơn so với dự báo và ngay sau chức vô địch World Cup, Bundesbank đã nâng dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2014 từ 1,7% lên 1,9% so với dự báo hồi tháng 5, và 2% vào năm 2015.

Quả thật, khi người Đức đã định làm gì đến nơi đến chốn, không ai có thể làm tốt như họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận