Thương mại với Trung Quốc: Từ nông sản ùn ứ tới viễn cảnh RCEP

NAM MINH 11/01/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Bên cạnh điệp khúc “ùn ứ cửa khẩu”, hiệp định RCEP có thể đào sâu hơn nữa thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc nếu không có chiến lược phù hợp.

Lấy lý do kiểm soát dịch, Trung Quốc đã bất ngờ đóng cửa khẩu thông quan với Việt Nam thời gian qua. Hệ quả là hàng nghìn container nằm vật vã tại Lạng Sơn. 

Trong nước, giá nhiều mặt hàng nông sản từ thanh long, xoài, mít đến dưa hấu ngay lập tức rớt thảm khiến nông dân lao đao vào những ngày cận Tết. Đây không phải là hành động gì mới của phía Trung Quốc, nhưng đa số doanh nghiệp và người dân vẫn rơi vào thế bị động.

 
 Ảnh: ft.com

Rủi ro tăng nhập siêu

Theo Bộ Công thương, các biện pháp phòng dịch theo chính sách “zero covid” mà Quảng Tây đang áp dụng, như dừng hoạt động cửa khẩu hay dừng nhập khẩu một số chủng loại trái cây là quá mức cần thiết. 

Việc này gây đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực đến sự phát triển của thương mại song phương và gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp, người dân của cả hai bên.

Nhưng phải thấy rằng tình trạng ùn ứ có lý do quan trọng là sự bị động, hạn chế trong khâu nhận diện điểm nghẽn và thiếu kế hoạch hành động quyết liệt từ phía Việt Nam. 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết tình trạng ùn ứ ở các cửa khẩu sang Trung Quốc là mối quan tâm rất lớn của Chính phủ, doanh nghiệp và người nông dân, đòi hỏi một tổ hợp đa chức năng để tập kết, bảo quản, sơ chế, bao gói phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

Ví dụ qua thực tế kiểm tra tại Quảng Ninh, nếu không có một trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản đa chức năng thì dễ dẫn đến tình trạng càng sản xuất càng rủi ro.

Bên cạnh câu chuyện ùn ứ nông sản, một sự kiện khác đáng chú ý đầu năm là hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), trong đó Việt Nam là một thành viên, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2022. 

Một số phân tích lạc quan cho rằng hiệp định sẽ mang lại lợi ích cả ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là những lợi ích liên quan đến thương mại và đầu tư, cho Việt Nam, vốn rất cần nguồn lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID.

Hy vọng đang đặt vào thành viên quan trọng nhất Trung Quốc, nước đi đầu trong việc phê chuẩn RCEP. Với hơn 1,4 tỉ người tiêu dùng, thị trường Trung Quốc rõ ràng là chiếc bánh quá lớn cho các doanh nghiệp khai phá.

Nhưng người Trung Quốc hiểu rất rõ vị thế của họ và hẳn đã có những toan tính riêng. 

Trong cuộc chơi hai chiều này, cán cân lợi ích đang nghiêng hẳn về phía Trung Quốc nhờ khả năng thống lĩnh phần lớn chuỗi giá trị ở nhiều ngành sản xuất, cũng như năng lực áp dụng tích cực và hiệu quả các công cụ kiểm soát, hạn chế hàng nhập khẩu thông qua các nguyên nhân “bất khả kháng” hay “kỹ thuật” như COVID.

Năm 2021, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỉ USD, đưa con số nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 54 tỉ USD, tăng 53% so với năm trước. 

Có lý do để tin rằng RCEP có thể khiến Việt Nam càng gia tăng nhập siêu và lệ thuộc vào bạn hàng Trung Quốc trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp trong nước không đủ nguồn lực để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Một số nước đã e ngại hoặc rút khỏi RCEP chính vì lo ngại này. Ấn Độ cuối cùng đã bỏ ngang việc đàm phán do họ thấy hiệp định không giải quyết được các mối quan tâm cốt lõi của giới doanh nghiệp và người dân trong nước. 

Các quan ngại của Ấn Độ là khả năng hàng hóa Trung Quốc lách quy tắc xuất xứ, sự khác biệt về thuế quan, các thỏa thuận công bằng để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại và việc mở cửa thực sự của nhiều lĩnh vực ở thị trường Trung Quốc. 

Một số ngành công nghiệp Ấn Độ cũng lo ngại việc giảm thuế hải quan trong RCEP sẽ dẫn đến lượng lớn hàng nhập khẩu tràn vào, đặc biệt là từ Trung Quốc - quốc gia mà họ có thâm hụt thương mại lớn. Thêm nữa, thâm hụt thương mại của Ấn Độ với các nước khác trong RCEP cũng đang trong chiều hướng tăng.

Tại Philippines, Thượng viện vẫn lưỡng lự và chưa đặt bút phê chuẩn chính thức RCEP do vấp phải sự phản đối gay gắt của một số nhóm, chủ yếu là các nhà sản xuất nông nghiệp và tổ chức phi chính phủ. Các nhóm này cho rằng thỏa thuận sẽ dẫn đến nhập khẩu tăng mạnh và khan hiếm việc làm.

Cũng cần nhắc rằng Trung Quốc có lịch sử tận dụng công cụ thương mại như một vũ khí để trừng phạt các quốc gia mà họ có mâu thuẫn. Gần đây nhất, Bắc Kinh gây căng thẳng thương mại với Úc khi hạn chế nhập khẩu quặng sắt từ nước này. 

Thiệt hại của Úc là rất lớn khi mỗi năm Canberra xuất khẩu đến 80 tỉ đôla Úc (58 tỉ USD) giá trị các loại khoáng sản sắt sang Trung Quốc. Họ cũng không thể nhanh chóng tìm ra được các khách hàng khác để lấp vào chỗ trống mà Trung Quốc để lại. 

Không chỉ có quặng sắt, lệnh trừng phạt của Trung Quốc với Úc còn nhắm đến lúa mạch, rượu vang, thịt bò, bông và than đá.

Cửa thoát hiểm

Câu chuyện giảm thâm hụt và tránh lệ thuộc thương mại quá mức vào Trung Quốc là vấn đề đã được thảo luận từ rất lâu ở Việt Nam. Điều đáng ngại là hiện chưa có giải pháp khả dĩ nào được triển khai, ngoại trừ kỳ vọng vào các hiệp định thương mại khác, như CPTPP hay EVFTA, mà Trung Quốc không là thành viên.

Theo Viện nghiên cứu CSIS, Việt Nam tiếp tục phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc do một số yếu tố thúc đẩy. Thứ nhất, giá cả tương đối thấp của các sản phẩm Trung Quốc, có được nhờ quy mô kinh tế và chuỗi cung ứng phát triển của họ. 

Thứ hai, sự gần gũi về địa lý giữa hai nước tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam. Trên thực tế, Trung Quốc từ lâu đã trở thành nguồn cung cấp tư liệu sản xuất và hàng hóa trung gian cho nhiều quốc gia chứ không chỉ Việt Nam. 

Sẽ là thách thức đối với Việt Nam trong việc tìm kiếm thị trường nhập khẩu thay thế hoặc phát triển nguồn cung ứng trong nước, ít ra là trong ngắn hạn.

Vì cả CPTPP và EVFTA mới chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn, Việt Nam có thể mất nhiều thời gian hơn để hưởng lợi một cách hợp lý từ các hiệp định này, bao gồm cả tác dụng phụ kỳ vọng của việc giảm phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc. 

Điều quan trọng hiện giờ của những người ra quyết định và làm chính sách là cần chủ động tận dụng tốt hơn những hiệp định thương mại lớn này. Ví dụ, các cơ quan chức năng của Việt Nam phải thông tin tốt hơn cho doanh nghiệp trong nước về các hiệp định, đặc biệt là về những cơ hội mà chúng mang lại.

Việt Nam cũng cần đẩy mạnh cải cách thể chế và kinh tế trong nước phù hợp với các cam kết nhằm tăng cường khả năng phục hồi kinh tế tổng thể. 

“Nếu Việt Nam thành công trong những nỗ lực này thì sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc, vốn có khả năng kéo dài trong ngắn hạn đến trung hạn, sẽ không còn là mối lo ngại về an ninh đối với nước này”, Viện CSIS nhận định.

Dù sao áp lực hiện tại buộc cấu trúc kinh tế trong nước sẽ phải thay đổi mạnh mẽ để thích ứng. Đây còn là cơ hội để củng cố các ngành công nghiệp quốc nội và hướng tới giấc mơ tự chủ. 

Với các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu, việc tiếp cận ban đầu các thị trường mới trong CPTPP và EVFTA có tiêu chuẩn cao có thể khiến chi phí tăng lên. 

Nhưng nhìn về dài hạn, đó là những khoản đầu tư hợp lý để hạn chế rủi ro bỏ hết trứng vào một giỏ là thị trường có lịch sử thất thường như Trung Quốc, trong khi có thể thu được biên lợi nhuận tốt hơn tại các thị trường châu Âu hay Nhật Bản.

Thặng dư thương mại với Trung Quốc, được không?

Theo các kinh tế gia, những nước có thặng dư thương mại với Trung Quốc có thể chia làm 3 nhóm: Các nước xuất khẩu tài nguyên (Saudi Arabia, Iran, Úc); xuất khẩu hàng hóa xa xỉ cao cấp (Thụy Sĩ); và những nền kinh tế công nghiệp hóa cao chiếm các vị trí trên của chuỗi cung ứng (Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản). 

Có thể thấy xuất khẩu tài nguyên và hàng hóa xa xỉ đều không phải là lựa chọn đáng hoặc có thể mong muốn với Việt Nam. 

Vì vậy, để giảm bớt thâm hụt thương mại với Trung Quốc, việc thúc đẩy chất lượng sản xuất và dịch vụ trong nước để leo lên cao hơn trên chuỗi giá trị xuất khẩu sẽ là hướng đi phù hợp nhất.

Nhìn vào một bảng cấu phần chi phí sản xuất một chiếc điện thoại iPhone chẳng hạn, mang lại nhiều gợi ý quan trọng về thương mại với Trung Quốc. 

Theo nghiên cứu của Hãng HIS thì một chiếc điện thoại iPhone có cấu phần chi phí như sau: lắp ráp (4% tổng chi phí, Trung Quốc), bộ nhớ (14%, Hàn Quốc), màn hình (19%, Đài Loan), bộ xử lý (8%, Mỹ - Đài Loan), máy chụp hình (9%, Đức - Nhật), phần mềm baseband (12%, Đức), các linh kiện khác (34%, nhiều nước, bao gồm Trung Quốc). 

Có thể thấy rằng nếu Việt Nam chen được vào chuỗi cung ứng đó thì mới có hy vọng giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, và càng leo cao trên chuỗi cung ứng thì thâm hụt sẽ lại càng giảm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận