Thương mùa nước nổi!

PHAN TRƯỜNG SƠN 08/11/2010 21:11 GMT+7

TTCT - Mấy hôm nay, trước hàng ba nhà nhìn ra sông lớn thấy nước bò lên gần mé bờ, nước ngập cái sàn lảng, nước mênh mông làm dòng sông lớn thêm ra, biết ngay là nước nổi đã về, lòng rộn rã.

Phóng to
Ảnh: Nguyễn Trần Hùng

Cô bạn ở Sài Gòn điện nói muốn về miền Tây chơi, hỏi miền Tây có gì hay không, tôi xuống ông tiếp tôi nghe, cho tôi đi chỗ nào vui vui mà khác khác. Ừ, mình hồ hởi bảo xuống đi, mùa nước nổi về rồi. Cô bạn là người của phố nên thường nghe ra rả trên các phương tiện truyền thông những thông tin về lũ. Khi tôi nói nước về, cô ấy hoảng hốt, thôi tôi không xuống đâu, tôi không biết lội, lỡ lũ cuốn trôi thì sao!

Bỗng dưng lòng bàng bạc buồn khi nghe cô bạn nói thế. Thương mùa nước nổi quá chừng vì bao năm trời phải chịu tiếng oan. Tôi có một biệt lệ không thích dùng địa danh đồng bằng sông Cửu Long, mà yêu thiết tha hai từ châu thổ. Bởi lẽ, châu thổ là vạt cát bồi ở cửa sông, là nơi cát liền cát, sông liền sông, mỗi ngày có hai con nước lớn - ròng, mỗi tháng có hai con nước rong - nước kém và mỗi năm có một mùa nước nổi tràn ngập các cánh đồng. Chính mùa nước nổi đã làm nên nhịp sống của đất và người châu thổ. Nhịp thủy triều mùa nước nổi cứ lững lờ, phân biệt rạch ròi với nhịp thủy triều của các con sông khác như sông Hương, sông Hồng, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc...

Những nơi đó sông và núi kề nhau nên mỗi năm rạch ròi một mùa nắng và một mùa mưa lụt. Chữ “lũ” và chữ “lụt” không có trong gốc từ của người Nam bộ, nó được mang theo trong quá trình mở đất của đoàn người Nam tiến và cũng là hậu quả của sự tàn phá môi sinh!

Thuở nhỏ, nhà ở quê, hễ gần tới ngày hè là lòng hồ hởi. Một phần vì nghỉ hè ngày xưa không có học thêm, trẻ con được hưởng trọn 90 ngày tha hồ tung tăng chơi các trò chơi con trẻ như đánh trận, bắt cướp trên sông hay đua bè chuối. Mặt khác, cái mà đứa nhỏ nào ở quê cùng lứa với chúng tôi cũng mong đợi, khắc khoải trông là nước nổi về.

Có năm nước về nhanh, ngủ một đêm sáng thức dậy bước khỏi giường là nghe “bõm” vì nước đã ngập nhà. Con nước năm trước và con nước năm sau không chênh lệch nhau mấy. Vì sống ở sông nước nên ba dạy chúng tôi tập lội từ nhỏ, và mùa hè là cả một thế giới nên thơ của chúng tôi với trời với nước - có lẽ vì thế mà tôi yêu châu thổ quê mình hơn bất kỳ thứ gì, hơn bất kỳ nơi đâu. Nước nổi về mênh mông châu thổ, bờ thành sông, ruộng đồng như biển cả. Nước nổi về mang theo bao nhiêu là tôm cá, thích nhất là giăng lưới trên bờ, trên sân vì chỗ nào cũng có cá.

Nhiều khi ngồi ngay trên bộ vạc tre bên hiên nhà câu cũng có cá. Ba nói nước nổi mang về rất nhiều nguồn lợi, tôm cá đầy đồng, bông điên điển vàng đồng, cái gì cũng ngon, cái gì cũng thích. Khi nước nổi rút đi, cái còn lại là phù sa sẽ là chất hữu cơ rất tốt cho cây trái, cho lúa, cho màu và cá còn lại trong ao hồ có thể sinh sôi đến cả năm sau. Có lẽ vì thế mà ngày xưa gạo ăn rất ngon, không như bây giờ gạo cao sản mà ăn dở òm! Tôm cá ngày xưa con nào cũng mập mạp, ú mền, trông là thấy thích.

Ngày xưa ba không cho be bờ, đắp đê ngăn nước nên nước cứ vô tư muốn bò tới đâu thì bò. Sau khi nước rút, tuy có chút vất vả phải lau nhà, dọn vườn nhưng bù lại được nhiều hơn thiệt. Và nước nổi cũng là những kỷ niệm ấu thơ mang đậm chất hồn nhiên cùng châu thổ mà chúng tôi gói vào hành trang mang theo suốt nẻo đường đời. Phù sa nơi đây kết tinh tình yêu của người với đất. Ba nói nước nổi mang đến lợi nhiều hơn thiệt, nên yêu.

Giờ đây người ta làm đập chặn dòng, lấy nước như lấy tài nguyên, hoặc ngăn nước như ngăn kẻ thù. Rồi biến đổi khí hậu làm người ta sợ nước. Đi khắp châu thổ thấy buồn nhiều hơn vui. Dân nghèo đợi nước nổi về để được hưởng nguồn lợi thủy sản, còn nhà vườn thì ghét cay ghét đắng vì nước nổi làm ngập úng vườn cây.

Mặt khác, bây giờ đô thị hóa nhiều quá, nhanh quá, nhiều người trẻ không biết lội nên nhìn dòng nước như nhìn một tên sát thủ hung tợn, không dám hòa mình vào thì sao có thể yêu thương? Ngồi quán cà phê ven sông sáng nay thấy dòng nước cô đơn chảy mải miết đi về phía biển, cô đơn vô cùng vì ghé nơi nào cũng bị chối từ. Một phần người đã phụ lòng mùa nước nổi. Nghĩ thấy mà đau.

Sáng nay, dòng sông lại cô đơn mang phù sa ngậm ngùi đi về phía biển. Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong, câu nói của cổ nhân tới bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận