Tiêm vaccine COVID-19: Lời nhắc nhở từ Seychelles và Pakistan

HỒNG VÂN 27/05/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Hiện tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 trung bình trên thế giới là 19/100 người và con số này có sự chênh lệch rất lớn giữa các nước. Tuy nhiên, với những nước có tỉ lệ tiêm vaccine cao vẫn đang đau đầu với số ca nhiễm mới gia tăng đáng lo ngại.

Có tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 cao nhất thế giới nhưng số ca nhiễm ở Seychelles cũng đáng lo ngại. Ảnh: GETTY IMAGE

 

Theo dữ liệu của dự án “Thế giới qua dữ liệu” của Đại học Oxford (Anh), hiện có ít nhất 206 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 với hơn 1,43 tỉ liều. 

Tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới thuộc về thiên đường du lịch Seychelles, ở Đông Phi, với 71% người dân được tiêm (tương đương 131.068 người), trong đó 63% người dân được tiêm đủ 2 liều. Những quốc gia rộng lớn và đông dân như Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ đang dẫn đầu thế giới về số người được tiêm. 

1/3 số người đã tiêm đủ liều vẫn nhiễm bệnh

Có tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 cao nhất thế giới nhưng Seychelles cũng đang có tỉ lệ gia tăng số ca nhiễm mới trong số những người được tiêm, theo CNN.

Ngày 11-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết sẽ kiểm tra số liệu về dịch bệnh COVID-19 của Seychelles, sau khi Bộ Y tế nước này xác nhận có 1/3 số người đã được tiêm vaccine đầy đủ lại dương tính với virus SARS-CoV-2 trong tuần đầu tháng 5.

Đến cuối tháng 4-2021, Seychelles vẫn được xem là thành công trong việc tiêm chủng diện rộng, chủ yếu bằng vaccine Sinopharm (Trung Quốc) mà WHO cho phép sử dụng khẩn cấp ngày 7-5 và vaccine AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất (43%). 

Nhưng ngày 10-5, Bộ Y tế Seychelles thông báo số ca nhiễm tăng vọt bất thường. Từ 120 ca ghi nhận ngày 30-4, một tuần sau, ngày 7 và 8-5, mỗi ngày nơi này có hơn 300 ca nhiễm.

Trong số những ca nhiễm mới, 63% là những người chưa hoặc đã được tiêm một liều vaccine Sinopharm hay AstraZeneca, 37% còn lại xảy ra ở những người đã tiêm đủ liều. 

Trong số những người phải nhập viện điều trị, 80% là chưa tiêm vaccine và có bệnh lý nền. Không có bệnh nhân đã tiêm đủ vaccine nào tử vong.

Tuy nhiên, hiện chưa có thống kê cụ thể trong số những người đã tiêm đủ nhưng vẫn mắc COVID-19 được tiêm vaccine gì. Bộ Y tế Seychelles xác nhận tỉ lệ lây nhiễm cao và dương tính ở những người đã tiêm vaccine là điều đáng lo ngại.

Bác sĩ Kate O’Brien, giám đốc bộ phận miễn dịch - tiêm chủng và sinh phẩm của WHO, nhận định đây là “tình huống phức tạp” và cho biết đang liên lạc với Bộ Y tế Seychelles. Bà O’Brien nói: “Ở Seychelles, hơn 80% người trưởng thành đã được tiêm vaccine nhưng nhiều trường hợp mắc COVID-19 sau mũi tiêm thứ nhất, sau mũi tiêm thứ hai”. 

Theo bà, cần xác định chủng virus nào đang lưu hành ở Seychelles, các trường hợp mắc COVID-19 ở người được tiêm xảy ra khi nào và mức độ nghiêm trọng của bệnh. “Chỉ khi có đánh giá này mới có thể kết luận các trường hợp nhiễm COVID-19 sau tiêm là do vaccine không hiệu quả hay do đặc thù của mỗi ca bệnh”, bà O’Brien nói.

Cassie Berry, giáo sư về miễn dịch học tại Đại học Murdoch (Úc), nói rằng những gì Seychelles đang trải qua không hẳn sẽ xuất hiện ở các quốc gia khác. Tỉ lệ nhiễm bệnh sau tiêm phụ thuộc vào nhiều yếu tố: loại vaccine được tiêm, đặc điểm di truyền của dân số...

 Với dân số 97.000 người, Seychelles chỉ ghi nhận 9.118 ca dương tính và 32 ca tử vong từ đầu dịch đến nay. Tuần trước, Seychelles đã hạn chế một số hoạt động tập trung đông người ở không gian công cộng nhằm kiểm soát sự lây lan của virus.

Lại rơi vào vòng xoáy COVID-19 do vội mở cửa

Trong nhóm 10 nước có tỉ lệ tiêm vaccine cao, Chile và Maldives xếp ở vị trí thứ 6 và thứ 7, cũng là những bằng chứng sống động về trường hợp đã tiêm nhiều nhưng số ca nhiễm mới cũng lắm. Tỉ lệ người đã được tiêm ít nhất 1 mũi của Chile là 48%, của Maldives là 57%, tỉ lệ đã tiêm đủ 2 mũi của Chile là 39% và của Maldives là 26%. 

Theo BBC, Chile đã ngủ quên trong chiến thắng ban đầu, sau khi chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 cuối tháng 12-2020 diễn ra thuận lợi.

Sự gia tăng số ca nhiễm ở Chile do nhiều yếu tố, nhưng có một yếu tố quan trọng là biến thể mới của virus dễ lây lan hơn. Dư luận cũng đặt câu hỏi về hiệu quả của vaccine khi hơn 93% liều vaccine được triển khai ở Chile là vaccine CoronaVac, do Công ty Sinovac (Trung Quốc) sản xuất. 

Hiệu quả của vaccine này chỉ đạt 50,4% tại Brazil nhưng đạt 65% ở Indonesia và 83% ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, dịch bệnh tăng còn do Chile nôn nóng mở cửa lại từ tháng 11-2020 để đón du khách quốc tế; khẩu trang, rửa tay bị lơ là.

Tương tự, Maldives là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới mở cửa trở lại đón khách du lịch vào tháng 7 năm ngoái. Cập nhật mới nhất cho thấy quốc gia này có 443.176 người được tiêm, tương đương 57% dân số. 

Maldives ghi nhận mức tăng kỷ lục 1.572 ca trong một ngày vào 12-5, trong khi tháng trước chỉ gần 100 ca. Bộ Du lịch Maldives đã tạm ngừng cấp thị thực du lịch cho khách đến từ các quốc gia Nam Á và những người quá cảnh tại các quốc gia này để né biến thể từ Ấn Độ.

Trong khi đó, tình hình lại có vẻ sáng sủa ở các nước Âu, Mỹ. Với hơn 55,4 triệu liều vaccine đã được tiêm, tương đương 54% dân số, từ ngày 17-5 phần lớn người dân Anh được trở về những thói quen thân thương cũ: ôm chào bạn bè khi gặp mặt, uống bia tại quán, ngồi ăn tại nhà hàng, đi xem phim… sau 4 tháng phong tỏa toàn quốc do COVID-19.

Theo Reuters, người dân mừng vui đến độ nhiều người muốn ôm tất cả mọi người họ gặp. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Boris Johnson, người phải 3 lần ra lệnh phong tỏa toàn quốc, kêu gọi người dân lạc quan một cách thận trọng, ôm nhau cẩn trọng vì biến thể ở Ấn Độ vẫn là mối đe dọa không thể bỏ qua.

Đứng thứ 10 trong nhóm các nước tiêm vaccine nhiều nhất thế giới, Mỹ cũng đang tận hưởng vị ngọt của thành công khi chứng kiến số ca bệnh giảm nhiều và có thể bỏ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ, theo CNBC.

Một người đàn ông được tiêm vaccine COVID-19 ở Karachi, Pakistan ngày 28-4-2021. -Ảnh: REUTERS

 

Pakistan: 10 năm mới tiêm xong vaccine?

Những nước đội sổ về tỉ lệ tiêm vaccine thấp chủ yếu là các nước châu Phi, một số nước ở Mỹ Latinh và châu Á. Theo tờ báo Đức Deutsche Welle, ở Pakistan, đằng sau tỉ lệ tiêm chủng 1,4% dân số của nước này (tính đến ngày 16-5) là sự mờ nhạt về truyền thông khuyến khích tiêm chủng và hạn chế về nguồn cung vaccine.

Kết quả là Pakistan, với hơn 224 triệu dân, lại chứng kiến đến 9.883 ca nhiễm mới trong ngày 17-5. Tổng ca nhiễm từ đầu dịch đến 17-5 ở Pakistan là 877.130 với 19.543 người tử vong. Càng chậm tiêm vaccine, các biến thể mới từ Brazil, Nam Phi, Anh, Ấn Độ càng có thể làm tình hình thêm phức tạp.

Theo một nghiên cứu mới công bố dựa trên giải trình tự gen từ các mẫu thu thập từ tháng 2-2021 đến nay, biến thể có nguồn gốc từ Anh chiếm 90% trong làn sóng dịch thứ 3 hiện nay tại Pakistan

Mặc dù chính quyền trung ương lẫn chính quyền các địa phương đều thành lập hàng trăm điểm tiêm chủng nhưng với tốc độ tiêm chủng “rùa” hiện nay, theo bác sĩ Abdul Ghafoor Shoro thuộc Hội Y học Pakistan, đất nước này sẽ cần một thập niên để tiêm vaccine cho toàn bộ người dân.

Khó khăn của Pakistan là tin đồn về hiệu quả của vaccine, đặc biệt là vaccine AstraZeneca, đang rầm rộ trên mạng xã hội, trong khi nỗ lực cung cấp thông tin khoa học, giải thích vì sao người dân cần tiêm vaccine, kể cả của AstraZenaca, của chính phủ là không đủ. 

Một số giáo sĩ và cá nhân có ảnh hưởng công khai kêu gọi người dân không đi tiêm vaccine. Những lời xuyên tạc này không mới.

Nhiều năm qua, các giáo sĩ và những người Hồi giáo cực đoan vẫn phản đối vaccine bại liệt khiến Pakistan là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới vẫn còn lưu hành căn bệnh này.

Hệ thống đăng ký tiêm chủng chập cheng càng không giúp cải thiện tốc độ tiêm chủng ở Pakistan. Chưa nói đến việc hệ thống đăng ký tiêm chủng được triển khai quá chậm, cách thức đăng ký trên web khó khăn...

Nếu có lý do khiến người Pakistan cảm nhận tầm quan trọng của vaccine thì đó chính là nỗi đau mất đi người thân của họ ở Ấn Độ - quốc gia bị dịch bệnh COVID-19 tàn phá từ tháng 4-2021 đến nay.

Nguyên nhân cuối cùng và lớn nhất khiến việc triển khai chậm ở Pakistan, theo bác sĩ Abdur Rashid, thuộc Cơ quan Quản lý thuốc của Pakistan, là do thiếu vaccine trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang tranh giành nguồn cung.

Một số chuyên gia y tế hi vọng Pakistan sẽ sớm giải quyết được tình trạng này, họ đang liên hệ với Trung Quốc và các nhà sản xuất vaccine khác.

Tuần đầu tháng 5-2021, chính quyền liên bang Pakistan cho biết tốc độ tiêm vaccine đang tăng lên với khoảng 200.000 người được tiêm mỗi ngày. Họ cũng tổ chức các đơn vị tiêm chủng di động để phục vụ những người bị bệnh liệt giường và người khuyết tật. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận