Tiếng cú rơi đêm

TTCT - Ban đầu chỗ đó chỉ có chị và thằng cắt lúa. Buổi nhậu bắt đầu bằng nghi lễ buồn. Những câu nói buồn ủ men màn đêm. Thằng cắt lúa nói: “Mình khó có duyên với nhau, tui nghèo mà!”. Chị cãi lại liền. Nhưng sau khi nghe tiếng cú mèo kêu ở xa vọng lại thì chợt thấy bất lực, buồn ghê gớm.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần


 Chai rượu ai đó để trong bụi tre quá đúng lúc, chị lấy uống một hơi sặc sụa. Mấy bận lắc lư, chai rượu lưng bầu, trái xoài còn cái cùi trơ trọi. Trước khi lạc vào cơn mơ, chị còn nói một câu mùi mẫn:

- Nhứt tửu á, nó giải cả thiên (ực) cái mà... sầu (ực).

Bụi tre tàu cọt kẹt, lá rơi trên lưng nghe ngứa ngáy. Có ai đó gãi giùm, dễ chịu ghê. Nên chị bị giấc ngủ rủ rê, khi muỗi vẫn vo ve, vô tư. (Chậc... Kệ!)

***

Sau mùa giáp hạt, thằng nhỏ cất tiếng khóc chào đời. “Thằng nhỏ khóc thấy cưng ghê. Nhìn cái mặt nó kìa, giống hệt anh!” - anh chồng tên Săn Cú Mèo nói vậy. Chị cũng ừ, nhưng nói không giống anh thì tội nghiệp. Biết là thấy không giống, nhưng cha con với nhau, nói không giống thì ngược đời quá. Mỗi lần nhìn thằng nhỏ, chị thấy lòng đau xót, như ai đó chơi ác lấy tấm lòng mình chà trên lộ đá.

Không đau dữ dội, nhưng dai dẳng. Vậy mới bất an. Nhưng những ý nghĩ ấy được dập tắt ngay: đám lúa sau nhà đang mùa cắt tới.

Vụ ra đồng đầu tiên trên mảnh đất nhà chồng, chị thấy mình cần tìm ai đó trong đám người bịt khăn rằn kín mặt. Thấy ai cũng đáng nghi. Thấy ai cũng giống một người nào đã bỏ đi mất biệt. Nghĩ tới đó rồi thôi. Là mẹ, chị không được nghĩ thêm một chữ nào nữa.

Ý nghĩ như một cái chồi non, đã vô tình (có khi là cố tình cũng không chừng) cấy vào suy nghĩ của chị. Mỗi lúc rảnh rang, ý nghĩ lại trở về. Nó không hành hạ, nhưng chị thấy mình đang tự hành hạ mình. Thấy sao mình đãng trí quá. Lòng cứ đau, như tố cáo nhau đang âm thầm dối gạt.

Thằng nhỏ con chị đi trên đường đê, líu lo giọng chim hót. Nó giả giọng tài tình từ khi lên năm tuổi. Từ đó chồng chị bỏ nghề săn cú mèo. Vì thằng con trai cưng khoái... cú. Hôm chồng tuyên bố bỏ nghề săn cú, con chim cú (chắc mừng) kêu dội dội làm chị thấp thỏm suốt đêm.

Chị ám ảnh tiếng chim cú kêu, tiếng chim mỗi lần về là mỗi lần có một hơi thở tắt. Tiếng chim cú đã cướp đi những người thân của chị vào bóng đêm mịt mùng và không bao giờ trả lại.

Mấy lần sau đó chị không thấp thỏm nữa vì chị bắt gặp thằng con trai núp trong bồ lúa giả tiếng chim. Nhưng có một điều chị không biết, thằng nhỏ chỉ giả tiếng chim đôi ba lần thôi, còn những lần khác là cú mèo kêu thật.

Một bữa không thấy chiếc xuồng câu của chồng về nhà như thường lệ. Và chị phát hiện trên cành cây me nước có con chim mặt như con mèo. Lúc đó ý nghĩ “lần này chắc chồng đi luôn, không về” bắt đầu ngoi lên khỏi mặt nước và chui vào trong chị.

Chợ nổi đầy ghe, lòng chị đầy như muốn ngộp. Nghe người xóm trên nói mới gặp anh ở đó. Chị bỏ nồi cơm đang nấu, chèo xuồng lại chợ nổi liền, tìm anh cho bằng được. Nhưng đến trưa, khi chợ đã tan, chị vẫn không sao thấy được bóng người cần tìm. Xuồng về giữa đường, gặp ông già cào cá đêm đang ngồi trong chòm xoài vá lưới. Chị tấp vào hỏi thăm. Ông già nói hồi tối thấy xuồng Săn Cú Mèo ra giữa sông, đèn chớp chớp rồi tắt, ông già tưởng hết bình.

Chị chợt nhớ, trời ơi. Hồi đêm thằng nhỏ ngủ với chị ngon lành. Nó ngáy kho kho, vậy mà vẫn có tiếng chim cú kêu. Sao chị không nghĩ ra ngay là không phải thằng nhỏ chớ!

Mấy chiếc ghe cào chạy quần muốn nát đoạn sông nhưng không tìm được một manh mối nào. Ông già ngồi trên ghe cào thở dài: “Thôi đợi ba bữa, coi nó nổi ở đâu, chớ con nước đổ như vầy, trôi đi chắc cũng xa lắm”. Chị như muốn khóc, nhưng cố nén lại. Chị mà khóc thì thằng nhỏ sẽ khóc theo ngay.

Ba ngày đi qua chậm chạp như bà già đi âm phủ. Chị bắt đầu thấy được viễn cảnh của ba ngày sau. Có lẽ bữa tìm được anh sẽ buồn lắm. Bàn tay anh, cái bàn tay chai cứng mà dịu dàng ấy sẽ nở to, xanh lè và thối rữa. Và sau bữa đó nữa, nhà sẽ trống thêm một cái chén, một bờ vai.

Nhưng điều đó không làm chị hối hận. Điều hối hận lúc này là giá như đêm hôm đó chị không nói điều chị thắc mắc cho anh nghe. Giá như chị không im lặng khi anh hỏi: “Coi bộ em còn thương người ta?”. Chị nhớ anh hỏi câu đó ba lần, ba lần chị đều im lặng. Lúc đó anh trở nên vô cảm, ngó đăm đăm một chỗ. Như dưới chân là thăm thẳm nỗi lòng.

Chắc anh buồn lắm! Nỗi buồn như kéo hồn anh ra khỏi xác, nỗi buồn đã ngốn ngấu anh. Bây giờ chị muốn gặp anh, để chị nói lại rằng ý nghĩ của chị cũng chỉ là ý nghĩ mà thôi, nó không phải là sự thật, nên anh không phải bận lòng làm chi. Nhưng có muộn màng hay không? Khi lúc này chắc thân xác anh đang lơ lửng cùng bầy cá?!

Chị hỏi mình mấy lần có phải thấy anh buồn nên nói đại vậy cho anh vui. Chứ thật ra chị rõ hơn ai hết, biết thằng nhỏ đâu giống cha. Khác xa nhiều. Kẻ đen người trắng, kẻ mắt một mí người mắt hai mí, kẻ mặt chữ điền người mặt bầu. Nhưng có chắc không. Đêm đó gió mát quá, giấc ngủ cũng mát rượi. Biết có đúng như anh nói?

Cuối cùng thì người thứ ba (cũng là thằng cắt lúa của những năm xa) xuất hiện sau mấy năm trời trốn biệt. Thằng cắt lúa nói nó đi làm, chớ không phải trốn. Nhưng chị không tin, đi làm gì mấy năm trời không về thăm chốn cũ? Thấy thằng nhỏ không, nó lớn rồi đó, có biết mặt mấy người là ai đâu?

Thằng cắt lúa kể chồng chị có ghé qua nhà nó, biểu hai mươi mốt tháng này đón xe đò lên nhà anh có việc. Đáng lẽ ngày mai mới là ngày hai mươi mốt, nhưng nóng ruột quá nên nó lên đây sớm. “Anh em với nhau, ảnh nhắn có việc, không đi sao được?”. Chị cãi lại, mắt như muốn khóc, khóc vì ức:

- Ảnh chết rồi, giờ không biết xác ở đâu?

Thằng cắt lúa nghe hú hồn, mới rành rành hôm trước ghé nhà nó nhắn gửi, còn hẹn lên cho kịp ngày, vậy mà sao hôm nay người đã hóa ma rồi. Dù gì thì cũng tình với nghĩa, thôi thì ở lại đây, chờ vớt anh lên.

Bỗng dưng giữa nỗi lo buồn bấn ruột, chị chợt nhớ mình có điều cần hỏi người đối diện này:

- Nè, sao đêm đó bỏ tui ở giữa đồng? May mà có anh Săn Cú Mèo, chớ thôi chắc tui đã chết vì lạnh.

Thằng cắt lúa gãi cằm:

- Ừ, thì, lúc đó kẹt quá, nên...

Chị phát quạu: “Kẹt gì mà kẹt, kẹt cỡ nào cũng không được bỏ tui chớ, không thương chút nào sao?”.

Người đối diện nói một câu, nghe nhẹ nhàng nhưng không ngờ câu đó nặng như núi:

- Ờ, thì đâu có yêu chị hồi nào đâu.

Lúc này thì chị khóc thiệt, khóc từ tốn, nước mắt cũng biết xếp hàng ngay thẳng để đi ra, mỗi giọt mang một ý nghĩ riêng. Đây là buồn cho năm tháng vô tình, đây là buồn cho người vô tâm, đây là buồn cho những nỗi nhớ vô cớ. Trong những giọt nước mắt ấy, có một giọt nước mắt không tên, nó mang ý nghĩa cho thằng nhỏ - con chị.

Chung quanh, chỉ tiếng khóc, tiếng quạt và tiếng gió.

- Tại sao sau đó mấy người không gặp tui, để tui hỏi cho ra lẽ, chớ có đâu để tui khổ tâm như bây giờ.

- Nhưng gặp lúc đó lỡ bể chuyện, năm triệu đồng chớ ít sao trời!

Chị chưng hửng, sao tự dưng có chuyện tiền bạc lọt vô đây.

Là vầy, anh Săn Cú Mèo, người mà bây giờ chị kêu bằng chồng, lúc đó thương chị biết bao nhiêu, nhưng chị ngó lơ, chị đi thương thằng cắt lúa nghèo mà còn nhỏ hơn chị cả con giáp nữa chứ. Thằng cắt lúa mặt non choẹt, nghe Săn Cú Mèo kêu: “Tao cho mày năm triệu, mày rù con nhỏ ra bụi tre tàu. Rủ nó nhậu cho say, rồi kêu nó bịt mắt lại, để đó tao. Mày về xứ mày, đợi khi nào tao hú thì mới được trở lên đây”.

Thằng nhỏ thấy tiền, xúc động muốn khóc, năm triệu bổ được mấy chục thang thuốc cho má nó. Nó mừng húm, gật đầu, ừ ngay, kể ra thì nó đâu có mất gì. Kế hoạch được diễn ra suôn sẻ.

Nhưng chị, người đàn bà xỉn mèm đêm đó đó, vẫn nghĩ người ấp ủ da thịt mình cả khuya là thằng cắt lúa, đến khi mở mắt ra mới khóc một trận mịt mù sương khói. “Trời ơi, sao mấy người gạt tui, trời, trời ơi!”.

Thằng cắt lúa lúc đó chắc đã đi xa lắm, nên gọi mãi, gọi mãi cũng không nghe tiếng người vọng lại trả lời. Chỉ có Săn Cú Mèo ngồi bên cạnh, không nệ nắng mưa vỗ về, an ủi.

Mặc dù chị ghét, ghét và rất ghét, nhưng chị vẫn không nỡ đuổi Săn Cú Mèo đi. Chị dứt khóc sau một ngày thức dậy. Rồi thấy mình từ nỗi hoang mang này đi đến một nỗi hoang mang khác: Cái bụng như có con thằn lằn ngọ quậy.

Câu chuyện không được kể, nhưng Săn Cú Mèo tự thú “của anh đó, đêm đó là anh”. Chị khóc thêm một trận. Và sau mùa mưa: đám cưới! Lúc đó chị vẫn còn nghĩ, mùa mưa này chắc bụi tre tàu buồn lắm.

Ý nghĩ ấy cứ neo đậu vào chị mãi không rứt ra được. Ban đầu có gì đó hơi giận thằng cắt lúa ấp ôm xong phủi đít trốn mất. Nhưng nghĩ cho kỹ thì thấy không nên giận, “nó vô tình để mình có thằng chồng quá ngon lành mà”. Chỉ sau khi sinh thì giận thiệt, “rõ ràng thằng nhỏ không giống cha!”.

Ý nghĩ ấy cứ lớn lên từng ngày, thằng nhỏ cũng lớn theo cùng với nhiều chỗ khác biệt mà chị thấy càng ngày càng nhiều thêm. Bà nội nó chỉ: “Cái tay này y chang thằng cha nó lúc nhỏ, chỉ tay cũng y hệt, cái mũi này giống hệt ông nội, còn tóc đen y hệt bà nội”. Nhưng chị không quan tâm những điểm giống đó.

Chị như người đi soi mói, soi từng chỗ thằng nhỏ khác cha. Ban đầu thì vô tư thấy vậy, sau thấy hơi có lỗi. Chị không được làm vậy, không được nghĩ vậy. Nhưng cuối cùng mọi thứ cũng bùng ra đêm đó: chị nói thiệt với anh những gì chị nghĩ. Thằng nhỏ chắc không phải con anh, nó không giống anh.

Nhưng lúc này đây, thằng nhỏ ngồi buồn hiu ngay trước mặt chị. Nó hỏi ba nó đâu, sao không cõng nó đi chơi? Lúc đó ý nghĩ thằng nhỏ không giống cha bị đè chìm đâu mất. Cảm giác căn nhà này trống một bóng người, thằng nhỏ sẽ thiếu hơi ấm của một người cha, chị sẽ thiếu một bờ vai để dựa vào mà khóc.

Lúc này chị thấy thằng nhỏ giống cục gạch đi nữa thì có sao đâu, miễn là nó (và chị) được yêu thương, được hạnh phúc trong căn nhà này là đã đủ.

***

Ba ngày sau đêm cú kêu, anh không nổi lên, nhưng thân xác anh trôi về nhà. Sống nhăn, đầy hơi ấm. Nhìn thấy vẻ mặt hốc hác phờ phạc của chị, anh biết cái tờ giấy xác nhận huyết thống nằm trong túi mà mấy rày anh ngồi xe đò đi giám định chẳng có ý nghĩa gì nữa. Có hay không thì chị và thằng nhỏ cũng thương anh nhất.

Thằng con ôm cha thiệt chặt, gỡ mấy cũng không buông, chị không cách nào xáp lại ôm chồng, đành đứng ngó mà nước mắt lưng tròng. Thằng cắt lúa nhìn chị cười: “Đó, chị thấy chưa, thằng nhỏ là con của ảnh chớ đâu phải con tui!”. Lúc đó có một tiếng cú rơi, nhưng chị không quan tâm. Chị vẫn liếc thằng cắt lúa, với ánh nhìn của con gà mái mẹ sửng lông bảo vệ đàn con:

- Ai nói con của mấy người hồi nào. Con của ảnh! Tui sanh nó tui biết. Là con của ảnh!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận