Tiếng cuốc, nhánh nè

PHI TÂN 15/08/2017 02:08 GMT+7

TTCT ... Chuồm nhánh nè trước ngõ là một dấu hiệu đơn sơ của chủ nhà để ai có tới chơi thì đừng vào, nhưng nếu cần mượn giần, sàng, cuốc, cào... thì cứ việc kéo nhánh nè ra...

Minh họa: VIIP
Minh họa: VIIP

 

Anh về nhà, ngồi trước hiên ngó ra hàng rào. Cái hàng rào của nhà anh trước đây là những lũy tre dày xanh um bây chừ được thay bằng những tấm lưới thép màu xám lạnh. Mà không chỉ nhà anh, cả cái làng ven phố của anh chừ đều rứa cả.

Những lũy tre bị chặt đi để thay bằng những hàng rào ximăng, thép kẽm như để chứng tỏ làng đã lên phố...

Anh nhớ những buổi chiều hè năm nao, ngồi tán dóc với mấy đứa bạn hàng xóm về mấy chuyện chim chuột. Thằng Dỏ bạn anh giải thích về tiếng con chim cuốc kêu cũng hay lắm:

“Nó kêu: Cuốc! Cuốc! Cào! Cào! là nó nói về công việc hằng ngày của nhà nông đó. Ba tau nói con chim ni là con chim của ruộng, của vườn! Xa ruộng xa vườn chúng sống mô có được!”.

Làng anh có hai anh em chú Cào, chú Cuốc. Không biết cái tên có vận vào người không mà cả hai chú đều biết làm ruộng từ nhỏ. Cũng là chuyện từ cái miệng lay lảy của thằng Dỏ: “Ba tau hay nói với anh em tau là lo học hành cho giỏi mà ra khỏi làng để biết đó biết đây, còn đứa mô ưa ở làng thì làm ruộng với thằng Cào, thằng Cuốc...”.

Mà chú Cào, chú Cuốc làm ruộng giỏi thiệt. Vì mồ côi cha nên hai chú đã thành những nông dân nhí khi tóc còn để chỏm. Lớn lên hai chú làm ruộng giỏi nhất làng, việc mô ra việc nấy từ cầm cày, đứng bừa theo trâu trên ruộng đều ngon ơ, gánh lúa từ ruộng về nhà thì cứ ụi ụi.

Ngoài công việc làm nông, chú Cào, chú Cuốc còn là thầy cúng của khuôn hội chùa làng. Việc hiếu, cúng giỗ chay nhà mô hai chú đều vui vẻ, nhiệt tình và nghiêm cẩn tụng kinh, làm việc nghĩa cho làng cho xóm chứ tuyệt nhiên không phải là cái nghề để kiếm tiền...

Có lẽ lũ cuốc cũng đã bay mất từ lâu khi những bờ, những bụi là nơi sinh sống của chúng không còn. Chiều xuống, anh nhớ quá tiếng cuốc kêu mà không còn nghe được nữa.

Nhớ chuyện chú Cào, chú Cuốc và nhớ cả lời thằng Dỏ là cuốc kêu bởi nó nhớ đồng, nhớ nghề làm nông cứ cào cào cuốc cuốc không thôi...

Thằng Dỏ bạn nối khố với anh bây chừ đang ở cách xa quê nhà cả nửa vòng trái đất. Biết anh về thăm quê, hắn nhắn: Về làng nhớ kiếm cho tau mấy nhánh nè.

Lời nhắn của hắn làm anh nhớ hồi nhỏ, nếu cả nhà đều vắng nhà hết, mệ nội anh thường kéo một nhánh nè “chuồm” (rào lại, ngăn lại) trước ngõ. Anh hỏi mệ: “Mệ chặn rứa ăn thua chi, họ cũng vô ăn trộm được à!”, mệ cười: “Ai mà trộm cắp chi con, để cho bà con chòm xóm họ biết là nhà mình không có ai ở nhà!”.

Chuồm nhánh nè trước ngõ là một dấu hiệu đơn sơ của chủ nhà để ai có tới chơi thì đừng vào, nhưng nếu cần mượn giần, sàng, cuốc, cào... thì cứ việc kéo nhánh nè ra, vô nhà mà tìm lấy rồi nhắn với nhà bên cạnh, hoặc làm xong công việc thì tự đem trả khi chủ nhà vẫn chưa về, hôm sau gặp chủ nhà sẽ nói lại sau...

Mà chuyện quanh mấy nhánh nè ở cái làng ngoại ô của anh hồi trước thì nhiều lắm. Nè là nhánh của cây tre vốn có nhiều công dụng với người quê nên chi cũng gần gũi vô cùng.

Trồng đậu, trồng mướp hay bầu bí phải thả mấy nhánh nè cho nó leo lên giàn. Mấy cái ao hồ đìa nho nhỏ thì thả mấy nhánh nè còn tươi mới chặt xuống gọi là thả chuôm để cho tôm cá tới ở mà tát. Bụi nè còn là nơi lũ chim làm tổ...

Còn nữa, ở quê anh ranh giới giữa hai nhà sát cạnh nhau chỉ là một cái hàng rào bằng chè tàu thấp lé đé. Vì thế hai nhà qua lại cho nhanh bằng cách trổ đường băng qua hàng rào mà đi.

Rồi cũng có khi có thì hàng xóm xích mích lời qua tiếng lại. Rứa là hai bên giận nhau mà dấu hiệu đầu tiên là bỏ mấy nhành nè chuồm cái đường băng thông hai nhà.

Nhưng chuyện liên quan đến mấy nhành nè mà anh nhớ nhất đó là chuyện con trai mà đi dạm hỏi vợ thì người ta gọi là đi “bỏ nhánh nè”, nghĩa là từ đây cô gái đã có chủ; cũng như chuyện người làng bỏ nhánh nè trước ngõ báo cho bà con chòm xóm là chủ nhà đã đi vắng...

Còn nữa là một câu hát ru rất quen thuộc mà anh mãi nhớ: “Nghe rằng củi đậu nấu chè, củi săn nấu bánh, củi nè nấu cơm”. Củi nè nấu cơm là ngon nhất!

Ở ngay quê nhà, bỗng dưng anh nhớ quá mấy nhánh nè, thèm được nghe một tiếng cuốc!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận