Tiếng đàn trên núi Nhạn

PHÙNG HI 27/03/2012 08:03 GMT+7

TTCT - Tôi có người bạn ở con hẻm thành phố Tuy Hòa, anh là kỹ sư vi sinh của trung tâm y học dự phòng tỉnh. Anh nói công chức thành phố mỗi tuần nghỉ đến hai ngày, đi chơi xa thì không đủ tiền, còn ở nhà quanh quẩn không biết làm gì cho hết thì giờ.

Thích đàn hát nhưng sợ phiền hàng xóm nên mỗi tuần anh chạy xe lên núi Nhạn, cách nhà vài trăm mét, hát ca cho thỏa lòng. Lưng anh đeo cây đàn ghita, chở theo tấm tăng trải làm chỗ ngồi, gói theo chén đũa, đồ nhắm và chai rượu. Rủ vài người bạn đồng điệu nữa là có một cuộc vui, xả stress cuối tuần.

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

Để hát được trọn bài và hát được nhiều bài, anh in lời bài hát trên giấy A4 đóng thành tập. Nhạc tiền chiến, nhạc trữ tình, nhạc nước ngoài, nhạc cách mạng... anh chia từng tập riêng, có cả mục lục cho dễ tìm. Các nhạc sĩ anh ưa thích qua nhiều thời kỳ là: Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương, Trần Tiến, Thanh Tùng, Phú Quang...

Anh vừa đàn vừa hát hoặc đệm đàn cho bạn hát. Anh chơi đàn “chân phương” tròn tiếng, không cố tình “phăng” ra để lấp liếm chỗ đàn sai. Gặp người bạn hát hay, đúng nhịp đúng tông anh có thể đệm đàn liên tục, không nghe anh than mỏi. Tướng tá anh gồ ghề, không nghĩ anh biết chơi đàn, đằng này lại chơi hay. Bạn bè quý, coi anh như của hiếm thời nay.

Thanh niên lên núi la hét - quậy phá - xả rác, thấy “nhóm người lớn” đàn hát giản đơn nhưng sang trọng, họ chột dạ gọi khẽ nhau giữ im lặng và bỗng tốt bất ngờ lượm rác bỏ vô thùng. Tiếng đàn, tiếng hát như suối lành chảy xuống núi, như mây trời lãng du, như gió nồm thổi qua tầng tháp cổ những giai điệu phiêu bồng, réo rắt, thiết tha, triết luận... dễ chừng có thể làm dịu lại hồn ai đang xáo động.

Có tuần không rủ được bạn đồng điệu lên núi, anh buồn xo. Anh nói: “Thiên nhiên đã ưu đãi cho dân Tuy Hòa ngọn núi xanh tươi giữa lòng thành phố, mát mẻ quanh năm. Thiên đường đó chứ đâu, nhưng bình tâm một chút thì mới nhận ra”.

Phố ngủ gục

Thành phố trở nên lạ lùng khi tôi nhìn vào vòng xe của một người đạp xích lô. Vòng xe kẽo kẹt, gồng cứng vành, sít chặt trên lực đạp của ông lái. Gương mặt của một tay xe ôm Sài Gòn có lẽ là thứ bị thiêu đốt nhiều nhất của nắng trời Nam.

Khi gương mặt và làn da xám xịt ấy trải lên chiếc ghế xe mà ban ngày là đặc quyền của vị khách chễm chệ nhàn nhã, thì cả phố thị cũng đã ngưng nghỉ hơi thở dồn dập của mình. Người xích lô ngủ theo một công thức riêng của phố thị: không mái nhà + khí trời + sương đêm. Đó là giấc ngủ mang mùi vị của dòng chảy phố thị, theo kiểu ẩm thực của những người không nhà và thiếu những tờ tiền trong túi.

Có những người 20 năm đạp xích lô và quên hẳn ý niệm về cái gọi là “nhà”. Họ tắm trong nhà vệ sinh công cộng. Họ trải tấm chăn ra, cuốn tròn cả thân người, và lật mình nhói đau khi giấc ngủ vừa kịp say trên gờ khung xe.

Sài Gòn nhiều đèn quá, nhiều cả những khung đường nhuộm kín bởi các cao ốc đua nhau bung lên. Sài Gòn chắc không kịp nhớ ra tiếng vòng xe lạo xạo trôi qua phố, khi những ông tài xích lô gầy guộc và đen đúa nhấn hết lực bàn chân.

Đèn thành phố làm nét mặt họ sạm đen lại.

Nỗi buồn không nhà trở mình...

TTCT cảm ơn các bạn: Yên Mã Sơn, Trần Thị Vân, Nguyễn Thị Thư, Trúc Giang, Trần Thanh Tường, Vi Nguyen... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận