TTCT - Tâm sự của một tiến sĩ triết học người Úc đã học tiếng Việt được 8 năm, một trong rất nhiều người nước ngoài tham gia hành trình Việt Nam học. Người nước ngoài học tiếng Việt ở Việt Nam vì nhiều lý do: một số người chắc vì tìm công việc ở đây, một số người vì đã đến thăm vài lần và muốn quay lại ở lâu hơn, một số người khác nữa vì tình yêu. Lý do sau cùng này cũng là lý do tôi bắt đầu học tiếng Việt ở Úc rồi qua Việt Nam học tiếp 8 năm trước. Ảnh: cmego.com Học tiếng Việt 2 - 3 tháng ở Việt Nam, tôi thấy tiếng Việt khó - khó hơn mấy tiếng châu Âu tôi từng học rất nhiều. Nhưng tôi vẫn học được nhờ Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cụ thể là nhờ sự kiên nhẫn và khéo léo trong việc thôi thúc học trò thực hành và giao tiếp của thầy cô ở đó.Công nhận phương pháp dạy ở khoa Việt Nam học (chương trình học tiếng Việt dành cho người nước ngoài) ở trường nhân văn những năm ấy không tân tiến lắm. Được cái tôi chẳng màng, thậm chí bài tập càng khô khan thì càng thấy thích thú. Thầy cô có óc hài hước, là người hiểu biết, với tôi là đủ.Tôi học được tiếng Việt, bởi vậy, là nhờ các thầy cô ở trường nhân văn hiểu học trò nước ngoài muốn nói gì, mặc dù bọn tôi nói sai bét 6 dấu thanh tiếng Việt (về sau tôi mới biết khả năng đó hiếm thế nào). Một yếu tố quan trọng nữa có lẽ là vì tôi sống ở Việt Nam thì bắt buộc phải nói chuyện với người Việt mỗi ngày. Phần lớn những người tôi tiếp xúc không hướng dẫn tôi hay bán đồ ăn cho tôi bằng tiếng Anh được, nên tiếng Việt của tôi tiến bộ khá là nhanh. Nhiều lúc trong ngôn ngữ, khó cũng sinh khéo.Nhưng học tiếng Việt ở Việt Nam cũng nhiều vất vả, ngay cả không tính tới 6 dấu thanh quỷ quái kia. Một vấn đề lớn là môi trường sống ở Việt Nam ồn ào, nên chuyện học nghe với người nước ngoài như tôi là một thử thách lớn.Tôi ở Việt Nam càng lâu thì càng nhận ra rất nhiều người Việt không nghe ra được người nước ngoài nói gì bằng tiếng Việt, thậm chí cả khi chúng tôi nói đúng dấu. Hình như khả năng nghe của họ tùy thuộc một phần vào việc “chuẩn bị tinh thần” để nghe.Thứ ba có vấn đề liên quan đến cả văn hóa lẫn ngôn ngữ. Khá nhiều người Việt có vẻ ngại nói chuyện với người ngoại quốc, thậm chí khi đã biết người ngoại quốc đó đủ rành tiếng Việt để hiểu và tự nói. Bao nhiêu lần câu hỏi duy nhất người Việt nghĩ ra để hỏi tôi là “Bạn ở Việt Nam bao lâu rồi?”, sau đó im thin thít?! Nhiều đến độ có người đặt câu hỏi hay hơn khiến tôi bối rối. “Biết nói tiếng Việt em có thấy… sướng không?”, một cô thu ngân ở siêu thị hỏi tôi gần đây. Vì bận nín cười nên tôi chỉ có hai từ nhạt nhẽo để trả lời là “Có chị”, dù câu đáp thành thật hơn lẽ ra là “Có chị, nhưng vẫn có lúc phải loay hoay nên lâu lâu vẫn thấy khổ chút”.Tôi vẫn nghĩ học tiếng Việt bằng cách đến và ở Việt Nam, học tập trung những năm đầu, là phương án hiệu quả nhất. Chỉ có chút luyến tiếc: sau khi ra trường nhân văn, tôi không kiếm được đúng người địa phương để “trao đổi ngôn ngữ”, điều lẽ ra đã giúp tôi nói tiếng Việt tự nhiên hơn. Ở trường thì học “xa thực tế” là không tránh khỏi, nên sau khi có trình độ kha khá thì phần lớn người nước ngoài cần học thêm: họ cần biết người Việt sử dụng từ ngữ nào, đặt câu ra sao cho hay trên thực tế. Tôi không có người hướng dẫn chuyện này nên luôn có cảm giác tiếng Việt của mình còn hơi “cứng”.Vậy về ưu điểm của việc học tiếng Việt, cơ hội tôi nắm bắt được thì sao? Câu trả lời là tôi có nhiều bạn Việt Nam khá thân thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Tôi có cơ hội nói chuyện với nhiều người Việt bằng tiếng mẹ đẻ của họ.Nhưng ưu điểm lớn nhất của việc học tiếng Việt ở Việt Nam là có công việc mới. Nhờ học tiếng Việt đến trình độ cao, ngày nay tôi viết sách nói về Việt Nam từ góc nhìn một người Tây và viết bằng tiếng Việt. Đó là một công việc xuyên văn hóa mà tôi thấy không thể thú vị hơn, cả khía cạnh ngôn ngữ, tri thức và tâm lý.Tôi đến Việt Nam 8 năm trước, và cũng giống như mọi nơi khác trên thế giới, nhiều người ở đây coi công việc đơn thuần chỉ là sinh kế; họ hài lòng ít nhiều với khoản tiền kiếm được bằng công việc mình làm, nhưng đam mê với nó thì ít ai có. Còn tôi thì biết tiếng Việt và “làm việc với nó”: Tôi không coi nó chỉ là công cụ kiếm tiền, mà như phương tiện để biểu đạt suy nghĩ, bày tỏ ý kiến, gần như một góc nhìn khác để ghi lại những ấn tượng đời sống phong phú.Có lúc tôi vẫn thấy hơi… khổ chút vì không biết biểu đạt điều muốn nói một cách đẹp, đầy đủ, tự nhiên, nhưng những niềm vui vượt qua trở ngại đó cũng có gần như mỗi ngày. Như bài này, tôi viết hoàn toàn bằng tiếng Việt, kể cũng đáng tự hào chút chút nhỉ.Thôi thì cứ nói sống bằng cách viết tiếng Việt thì lúc vui, lúc khó. Hay có lẽ tốt hơn là nói nó khổ đau một cách sung sướng đi.■ Tags: Khổ đauHọc tiếng ViệtSung sướng
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
Mưa tối trời tối đất, phố phường Đà Nẵng chìm trong biển nước ĐOÀN CƯỜNG 05/07/2025 Trận mưa tối trời tối đất ở trung tâm thành phố Đà Nẵng đã khiến nhiều con phố chìm trong nước, nhiều người dân phải bì bõm đẩy xe trong nước ngập.
Thủ tướng tới Rio de Janeiro, bắt đầu dự Hội nghị BRICS mở rộng và làm việc tại Brazil TTXVN 05/07/2025 Chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân đã đáp xuống thành phố Rio de Janeiro, Brazil lúc 15h45 ngày 5-7 (giờ Việt Nam).
Lực lượng vệ binh Iran đã tiếp cận thủ tướng Israel ở cự ly siêu gần? LIÊN AN 05/07/2025 Hình ảnh được cho là quay lén ông Netanyahu tại văn phòng lan truyền trên mạng, gây đồn đoán đây là “thông điệp cảnh cáo” từ Iran.
Bắt giang hồ cộm cán Hạnh 'Sự', công an kêu gọi người bị hại cung cấp thêm thông tin DANH TRỌNG 05/07/2025 Giang hồ Nguyễn Thị Hạnh (còn gọi là Hạnh 'Sự') và 4 đồng phạm bị cảnh sát hình sự Hà Nội bắt giữ với cáo buộc cưỡng đoạt tài sản.