Tiết kiệm để tìm vui

THANH NHI 07/01/2025 10:05 GMT+7

TTCT - Từ khóa của năm 2025 về tiêu dùng cá nhân, nếu có thể lấy trào lưu TikTok làm gợi ý, là tiết kiệm. "Bỏ ống heo" khi đã trưởng thành mang lại niềm vui, cả khi bỏ tiền lẫn lúc tiêu tiền.

Tiết kiệm để tìm vui - Ảnh 1.

Cắt streaming, tìm dịch vụ miễn phí. Quý này ta không mua hàng, sang tháng 4 ví sẽ nặng hơn một chút. Ảnh: Nina Uhlikova

Năm năm sau đại dịch, khi đã thỏa sức "chi tiêu báo thù", người ta phải quay về thực tại, không thể tiêu dùng theo kiểu ta chỉ sống một lần (YOLO) được nữa. Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh, còn mấy chục năm trước mắt (dù vẫn chỉ sống có một lần), cứ vun vén cho ngày mưa gió - dịch nghĩa đen cụm từ tiếng Anh, saving for a rainy day - vẫn hơn.

Đầu năm là dịp hạ quyết tâm (dù thường không thực hiện được), và dân mạng đang bày nhau thử thách No-Buy Quarter, quý này ta không mua hàng. Trang GOBankingRates.com gọi phong trào TikTok này là "cách hay ho để bắt đầu các mục tiêu tiết kiệm cho 2025". 

Phong trào này không nhằm can ngăn ai mua đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống. Chỉ là xem xét lại việc mua sắm những món hàng không quá cần thiết. Có thể lên kế hoạch hành động theo những đầu mục nho nhỏ như: không mua thêm đồ ăn nếu tủ lạnh vẫn còn đầy, nấu ăn tại nhà thay vì ăn ngoài, mượn sách ở thư viện để tránh sách mua về đọc một lần rồi bị quẳng ở góc nhà… Đây cũng là cách để tiết kiệm tiền có kế hoạch và hợp lý hơn.

Nếu ai đó bảo đừng tiết kiệm vì tiết kiệm thì có gì vui, hãy dõng dạc trả lời ngay rằng tiết kiệm vui hơn họ tưởng. Theo nghiên cứu công bố hồi tháng 7-2024 của Đại học Bristol (Anh), những người có tiền để dành có khả năng đạt được điểm cao hơn ở các chỉ số hạnh phúc về sức khỏe tinh thần, sự hài lòng với cuộc sống, sự lạc quan, ngủ ngon, cảm thấy thư giãn và gần gũi với người khác.

Khi bạn đã bắt đầu muốn tiết kiệm, người khác lại nói: nếu chỉ giữ lại được một ít cũng chẳng vui, thôi thì cứ tiêu đi cho niềm vui ngắn hạn. Bạn lại thấy hơi phân vân bởi thu nhập bạn cũng chẳng nhiều, liệu có nên để dành không? Đúng là càng tiết kiệm được nhiều tiền, chúng ta càng hạnh phúc, song không phải cứ đến khi trở thành triệu phú, tiền để dành mới có tác động lên niềm vui.

Nghiên cứu cho thấy khi bạn chuyển từ trạng thái 0 đồng trong tài khoản tiết kiệm lên một con số be bé, bạn sẽ đạt được trạng thái hạnh phúc cao hơn so với những người có mức tiết kiệm từ ít lên trung bình hoặc từ trung bình lên cao. 

Theo khảo sát tháng 11-2024 của công ty bưu chính Post Office (Anh) trên 2.000 người trẻ, hơn phân nửa cảm thấy hứng thú với việc tiết kiệm tiền. Như vậy, hành động tiết kiệm đơn giản đã mang lại niềm vui và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tiết kiệm thường xuyên còn có thể giúp ta có lại niềm vui thơ bé - thích một thứ gì đó, dành dụm để mua, và niềm vui tràn ngập khi cuối cùng cũng có được nó. Khi trưởng thành, tự "bỏ ống" rồi dành tiền đó chiêu đãi bản thân mỗi khi mệt mỏi hay buồn chán cũng mang lại cảm giác tưởng thưởng tương tự, giúp ích cho sức khỏe tinh thần.

Khảo sát nói trên của Post Office còn một phát hiện thú vị: khác biệt quan điểm giữa các thế hệ về chuyện tích cốc phòng cơ. Không giống thế hệ xưa với khuynh hướng tiết kiệm cho tuổi già, kiểu tiết kiệm hiện nay hướng tới nâng cao giá trị sống. Do đó, khi "bỏ ống heo", giới trẻ nghĩ đến những niềm vui thay vì một tình huống bất trắc.

Gần 1/3 số người được Post Office hỏi cho rằng tiết kiệm cho những việc khẩn cấp đã quá lỗi thời, họ muốn để dành tiền cho những thứ xứng đáng chờ đợi hơn. Tương tự, thay vì mang tâm lý để dành với nỗi lo về một tương lai vào viện dưỡng lão hay cho những đợt chữ bệnh dài kỳ, người trẻ hiện nay muốn sớm xài chỗ tiền tiết kiệm được, một cách xứng đáng. 

Nói như nhà cố vấn tài chính và sáng tạo nội dung Mr MoneyJar, người xưa cắc củm cho "ngày mưa" thì giới trẻ giờ dành tiền cho "ngày nắng". "Ngày nắng" ở đây có thể là một chuyến đi du lịch, chi phí tham gia nhạc hội, tiệc đám cưới, tiệc độc thân... nói chung là mang lại khuây khỏa chứ không phải lúc khó khăn.

Dù trẻ hay già, giàu hay nghèo, tiết kiệm không bao giờ là thừa. Nếu vẫn còn chút nghi ngờ với lợi ích của tiết kiệm, thôi thì hãy khởi động năm 2025 bằng một thói quen mới vô hại. Bắt đầu từ tháng lương lần này, hãy để dành một phần tiền cho "mong ước ngày nắng" của riêng mình, thử xem đến cuối năm nay (hay cuối quý hoặc tháng), tiết kiệm có thật sự giúp ta hạnh phúc hơn hay không? 

Cho dù bạn nghĩ mình không hạnh phúc hơn, chí ít số dư nhiều hơn trong tài khoản khẳng định có thể vẽ lên trên khuôn mặt của bạn một nụ cười.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận