Tiêu thụ thịt động vật hoang dã: Không chỉ mỗi loài thú lâm nguy

NGUYỄN ĐẮC THÀNH 19/08/2024 16:11 GMT+7

TTCT - Thú "ăn sang" của một số không nhỏ người Việt không chỉ đe dọa động vật hoang dã mà còn có thể gây ra các mối nguy lớn hơn: bệnh lây truyền từ động vật hoang dã sang con người.

Tiêu thụ thịt động vật hoang dã: Không chỉ mỗi loài thú lâm nguy- Ảnh 1.

Một con chim hoang dã bị vướng bẫy. Nguồn: Kiểm lâm Thừa Thiên Huế

Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) cho biết trong vòng 60 năm qua đã có 144 bệnh lây truyền từ động vật hoang dã sang con người. Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 75% bệnh truyền nhiễm mới ở người trong ba thập niên qua có nguồn gốc từ động vật.

Theo WHO, các bệnh truyền nhiễm từ động vật có thể gây ra tác động tàn phá với hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho các quốc gia thông qua việc mất thương mại, du lịch và lòng tin của người tiêu dùng. 

Lấy ví dụ, sự xuất hiện của SARS vào năm 2003 (có nguồn gốc cầy hương) đã khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại hơn 50 tỉ USD do chi phí điều trị y tế và mất doanh thu liên quan đến việc dừng đột ngột của ngành du lịch hay bùng phát RVF (sốt thung lũng Rift, truyền từ vật nuôi sang người với trung gian là muỗi) khiến mỗi hộ gia đình ở Kenya mất trung bình 500 USD do năng suất thấp và chi phí liên quan đến việc kiểm soát bệnh.

Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm nóng trung chuyển và tiêu thụ thịt rừng cùng các sản phẩm từ động vật hoang dã khác. Cứ để tình trạng này tiếp diễn thì không chỉ tận diệt thú rừng, chim trời mà còn có nguy cơ bùng phát bệnh lây truyền từ động vật hoang dã sang con người.

Người "ăn sang", thú bất an

Trong thông cáo mới tháng trước (17-7), Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho biết Việt Nam là một trong 25 quốc gia có hệ chim hoang dã phong phú nhất trên thế giới, song tình trạng săn bắt và buôn bán trái phép đã và đang đe dọa đến sự tồn tại của hàng trăm loài chim hoang dã và chim di cư tại nước ta.

Theo ước tính của ENV, mỗi năm có đến hàng triệu con chim bị săn bắt và buôn bán để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt để làm thức ăn ngày một cao. Chỉ riêng trong năm 2023, ENV đã ghi nhận 1.006 vụ vi phạm trên Internet với 163.185 con chim bị quảng cáo và buôn bán trái phép. Con số vi phạm thực tế về chim có lẽ còn lớn hơn rất nhiều. "Không loài chim nào có thể sống sót với tốc độ săn bắt và giết hại nhanh như vậy" - phó giám đốc ENV Bùi Thị Hà nói trong thông cáo.

Đó là chưa kể nạn săn bắt động vật hoang dã để phục vụ sở thích ăn "thịt rừng". Theo chuyên gia của WWF Việt Nam, có đến 4.000 tấn thịt rừng được buôn bán bất hợp pháp qua thị trường Việt Nam. Ước tính Việt Nam tiêu thụ hơn 2.000 tấn thịt rừng hằng năm.

Lợi nhuận lớn và tâm lý thích thể hiện đẳng cấp là hai thứ đang dần giết chết các loài động vật hoang dã.

Tiêu thụ thịt động vật hoang dã: Không chỉ mỗi loài thú lâm nguy- Ảnh 3.

Kiểm lâm Thừa Thiên Huế tiêu hủy những con cò giả, dùng để dẫn dụ săn bắt cò của người dân. Nguồn: Kiểm lâm Thừa Thiên Huế

Ông Lê Ngọc Tuấn, chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng các cơ sở cung cấp thịt thú rừng bây giờ tinh vi hơn, không công khai bày bán nhưng vẫn cung cấp không giới hạn cho những ai có nhu cầu này. "Một số quán, nhà hàng vẻ ngoài là bán các món nhậu bình dân, hải sản nhưng ai có nhu cầu về món rừng họ vẫn đáp ứng" - ông nói.

Vì sao một số người vẫn thích ăn thịt thú rừng? "Đó là để thể hiện đẳng cấp. Họ đinh ninh rằng thịt được gắn mác thú rừng, chim rừng đẳng cấp và ngon hơn thịt gà, thịt heo…" - ông Tuấn nhận xét "nhưng họ không biết nhiều nguy cơ bệnh tật từ thịt thú rừng".

Một miếng ăn, vạn điều lo

Để giữ được thịt tươi sau khi hạ gục một con thú, thợ săn sẽ dùng formaldehyde. Chất này rẻ tiền và có thể giữ thịt tươi cả tuần, giúp kéo dài cuộc đi săn của họ. Formaldehyde là một chất cực độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế (CIFOR), thịt rừng có mối liên hệ với bệnh béo phì, bệnh tiểu đường, các chứng rối loạn về tim và mạch máu. Quá trình giết mổ động vật hoang dã là nguyên nhân chính dẫn đến lây lan các bệnh sang con người.

Theo nghiên cứu này, thịt và sản phẩm từ các loài linh trưởng và dơi mang chín mầm bệnh phổ biến có thể truyền nhiễm sang con người: SIV (dẫn đến HIV ở người), T-lymphotropic (HLTV) gây ung thư, simian foamy (SVF, có thể lây từ linh trưởng sang người), đậu mùa khỉ, Marburg và Lassa (đều gây sốt xuất huyết), Ebola, Nipah và Herpes.

Tiêu thụ thịt động vật hoang dã: Không chỉ mỗi loài thú lâm nguy- Ảnh 2.

Thả động vật quý hiếm được người dân giao nộp về tự nhiên. Nguồn: Kiểm lâm Thừa Thiên Huế

Tương tự, nghiên cứu của Hilderink và Winter (Đại học Utrecht, Hà Lan) công bố trên tập san Heliyon tháng 7-2021 cho biết quá trình săn bắt, bẫy động vật hoang dã có nguy cơ lây lan nhiều mầm bệnh như đậu mùa khỉ và vi rút T-lymphotropic thông qua dịch cơ thể, các vết thương hở do động vật hoang dã cào, cắn. 

Việc vận chuyển động vật hoang dã (còn sống hay đã làm thịt) cũng mang mầm bệnh từ nước ngoài đến địa phương, làm lây lan nhiều mầm bệnh có khả năng chống chọi cao với môi trường như vi rút dịch tả heo châu Phi và bệnh than (Anthrax).

"Việc mua bán thịt rừng và chim trời ở chợ truyền thống làm lây lan nhiều bệnh truyền nhiễm như cúm gia cầm và SARS sang nhiều loài. Không chỉ thịt rừng, các sản phẩm khác từ động vật hoang dã cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy như bệnh ký sinh trùng sán nhái" - nghiên cứu viết.

Vận động và hy vọng

Một trong những hạn chế lớn nhất trong việc kiểm soát các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người liên quan tới săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã là thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa ngành y tế động vật và y tế con người theo khái niệm tiếp cận "Một sức khỏe" (One health). 

Đây là sáng kiến liên kết ngành y tế động vật với con người bằng cách tích hợp hệ thống giám sát và ứng phó dịch bệnh ở động vật và con người, giúp kiểm soát các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người ở các ổ chứa động vật, phát hiện sớm các đợt bùng phát, ngăn ngừa các dịch bệnh và đại dịch chết người.

Để hạn chế nguy cơ dịch bệnh và đảm bảo sự an toàn cho muông thú đồng thời giữ gìn đa dạng sinh học và an toàn cho con người, cơ quan hữu trách vẫn dựa chủ yếu vào tuyên truyền và xử phạt. Tuy nhiên, lợi nhuận từ thịt thú rừng quá lớn khiến người ta không từ bỏ việc săn bắt và mua bán và việc xử phạt chỉ như muối bỏ bể.

Khảo sát của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cho thấy ngoài giá trị thực phẩm, người dân địa phương còn săn bắt, bẫy thú để bán cho những người buôn bán động vật hoang dã, thương lái hoặc người quen. Bên cạnh các loài gặm nhấm (chuột, sóc, dúi), một số loài thú lớn (lợn rừng, sơn dương) cũng bị săn bắt và buôn bán gần các khu bảo tồn.

Chúng tôi khuyến khích mọi người trở thành những nhân tố tích cực trong công tác bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã thông qua giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã
Annie Wallace - giám đốc chương trình Biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường thuộc USAID

Ở Thừa Thiên Huế, sau khi được vận động đã có hơn 150 nhà hàng, quán nhậu ký cam kết không bán, tiêu thụ động vật hoang dã. Từ lúc ký cam kết năm 2022 đến nay, đã có 192 cá thể động vật được người dân giao nộp, trong đó có 176 động vật nguy cấp quý hiếm nhóm IB.

Chính quyền hy vọng vào sự thay đổi của người dân. "Không có người mua, không còn kẻ giết. Chúng tôi hy vọng cộng đồng sẽ hiểu thêm các nguy cơ từ việc tiêu thụ thịt rừng, từ đó loại bỏ được thịt rừng ra khỏi thực đơn các quán đặc sản, nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân và góp phần bảo tồn động vật hoang dã" - ông Trần Thanh Kim Tiền, quản lý truyền thông tại Tổ chức cứu trợ hoang dã WildAid, nói.

Quảng Nam lên kế hoạch xây dựng các mục tiêu giảm triệt để các hành vi buôn bán, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã đến mức thấp nhất và tiến tới chấm dứt hoàn toàn vào năm 2030. 

Theo đó, các cơ quan đơn vị thuộc thành phố và các cơ quan đơn vị hoạt động trên địa bàn thành phố cam kết không tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã; 100% các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn thành phố cam kết không buôn bán trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Khảo sát của WWF ở Quảng Nam năm 2020 cho thấy 44% tổng số người được hỏi sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã, trong đó 93,5% cho biết thịt thú rừng là loại sản phẩm dùng nhiều nhất.

Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) cũng đã được triển khai tại nhiều tỉnh như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Quảng Trị và Quảng Bình với lời kêu gọi "Không ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời".

Dù gì đi nữa, thông điệp chính vẫn là nếu cứ tiêu thụ thịt động vật hoang dã, không chỉ mỗi loài thú lâm nguy, mà cả con người cũng vậy.

WHO chỉ ra một loạt thách thức trong việc dịch bệnh lây từ động vật hoang dã sang người: Mức độ nhận thức kém của những người hoạch định chính sách và ra quyết định về bản chất nghiêm trọng của căn bệnh này. Thông tin không đầy đủ về gánh nặng, xu hướng và rủi ro của các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Thiếu nguồn lực và nhân lực có kỹ năng để kiểm soát các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Khó khăn trong việc tiến hành điều tra thực địa ở những vùng xa xôi, nơi xảy ra hầu hết các đợt bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người. Ngoài ra, các quốc gia không minh bạch trong việc báo cáo sự xuất hiện hoặc xảy ra của bệnh truyền nhiễm từ động vật vì sợ hậu quả.

Theo một nghiên cứu về tiêu thụ thịt động vật hoang dã do WWF thực hiện năm 2021, động cơ chính khiến người dân ăn thịt thú rừng là bởi họ tin đây là món ăn tươi, ngon, giúp chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội, hoặc để bồi bổ sức khỏe. Trong đó, đối tượng có nhu cầu cao nhất thường nằm ở các đô thị lớn.

"Khoảng 90% thú rừng bị săn bẫy trái phép được tiêu thụ qua kênh nhà hàng, quán nhậu ở khu vực thành thị và số lần tiêu dùng thịt động vật hoang dã trung bình lên tới 7 lần/ năm/ khách hàng" - nghiên cứu viết.

Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam chia sẻ: "WWF-Việt Nam tin rằng chúng ta vẫn còn cơ hội để đảo ngược quá trình suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam và trên phạm vi toàn cầu. Dẫu vậy, để đạt được mục tiêu khôi phục hệ sinh thái, bảo tồn các loài hoang dã, chúng ta cần gấp rút hành động, và hành động hiệu quả".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận