TikTok: Dù ai nói ngả nói nghiêng

PHAN BẢO 29/12/2022 06:07 GMT+7

TTCT - TikTok ban đầu chỉ là một app để người dùng nhép miệng theo các bài hát, nhưng chỉ sau vài năm đã trở thành ứng dụng phổ biến nhất thế giới, khiến các đối thủ lớn phải lo ngại và nháo nhào bắt chước mô hình hoạt động của nó.

TikTok: Dù ai nói ngả nói nghiêng - Ảnh 1.

Ảnh: chsprospector.com

TikTok ban đầu chỉ là một app để người dùng nhép miệng theo các bài hát, nhưng chỉ sau vài năm đã trở thành ứng dụng phổ biến nhất thế giới, khiến các đối thủ lớn phải lo ngại và nháo nhào bắt chước mô hình hoạt động của nó. Viễn cảnh TikTok trở thành vị vua mới của mạng xã hội ngày càng rõ hơn bao giờ hết trong năm 2022.

Theo Hãng nghiên cứu AppFigures, TikTok là app được tải nhiều nhất toàn cầu - đều trên 50 triệu lượt trong cả tháng 10 và 11 - hai tháng gần nhất có dữ liệu. Một khảo sát trực tuyến trên 3.273 người từ 15 tuổi trở lên ở Mỹ hồi tháng 10 có nhiều phát hiện đáng chú ý: 26% người trả lời thuộc Gen Z cho biết nếu phải chọn nền tảng giải trí duy nhất khi mắc kẹt trên hoang đảo, họ sẽ chọn TikTok, và 43% tổng số người được hỏi nói rằng họ sử dụng TikTok để giải trí mà không cần suy nghĩ nhiều.

Người dùng TikTok dành trung bình 96 phút mỗi ngày cho ứng dụng này - gần gấp năm lần so với thời gian họ dành cho Snapchat, gấp ba thời gian cho Twitter và gần gấp đôi thời gian cho Facebook và Instagram, theo Công ty phân tích dữ liệu Sensor Tower.

TikTok: Dù ai nói ngả nói nghiêng - Ảnh 2.

Ảnh: sheknows.com

Thay báo chí, bác sĩ tư vấn

Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), 33% người dùng TikTok hiện nay cho biết họ thường xuyên nhận tin tức trên ứng dụng này, tăng 11% so với năm 2020, trong khi lượng tiêu thụ tin tức trên các nền tảng truyền thông xã hội đối thủ hầu như không thay đổi hoặc thậm chí giảm sút. Tỉ lệ này cao thứ 4, chỉ sau các nền tảng lâu đời khác như Twitter, Facebook và Reddit.

Ngoài xem tin tức, theo tờ New York Times, người dùng, nhất là những người trẻ tuổi, còn lướt TikTok vì một công năng khá bất ngờ khác - đó là tự khám sức khỏe tâm thần. TikTok có đầy rẫy video gắn hashtag #mentalhealth (sức khỏe tâm thần), nhiều trong số đó có nội dung nói về chứng rối loạn nhân cách (một dạng rối loạn tâm thần có thể khiến người bệnh cảm thấy như thể cơ thể của họ bị tách rời khỏi suy nghĩ, gần giống như đang ở trong một giấc mơ).

100 video được xem nhiều nhất của hashtag này có tổng cộng hơn 1 tỉ lượt xem, cho thấy người trẻ dường như đang tìm đến TikTok như một nguồn hỗ trợ và nơi tìm kiếm lời khuyên về các vấn đề tâm thần. Những hỗ trợ này không đến từ các chuyên gia trong ngành, mà được ‘đúc kết’ từ chia sẻ chủ quan của người đăng tải video hay bình luận của chính những người dùng.

New York Times lý giải rằng thanh thiếu niên thường mong muốn tìm kiếm một cộng đồng nơi mình thuộc về và cũng có người giống mình để khỏi thấy bản thân cá biệt. Và một trong những cách hòa nhập là dùng các triệu chứng liên quan đến sức khỏe tâm thần để tìm ‘đồng minh’ trên mạng xã hội.

Mặc dù xu hướng này có thể giúp giảm bớt sự kỳ thị đối với bệnh tâm thần, song các chuyên gia sức khỏe tâm thần cảnh báo ngày càng có nhiều thanh thiếu niên tự chẩn đoán mình mắc bệnh tâm thần, bao gồm cả các chứng rối loạn hiếm gặp, sau khi tìm hiểu về các tình trạng bệnh trên mạng. Điều này hoàn toàn có thể dẫn đến chẩn đoán sai và khiến các em không nhận được những phương pháp điều trị phù hợp.

TikTok: Dù ai nói ngả nói nghiêng - Ảnh 3.

Ảnh: Marijan Murat/picture alliance/Getty Images

Thay cả Google

Cũng vấn đề sức khỏe tâm thần, nếu là các thế hệ trước đây, người dùng chắc chắn sẽ mở ngay Google để tìm hiểu về những triệu chứng như trên. Nhưng với Gen Z, họ mở TikTok. Bloomberg khẳng định trong một bài viết hồi tháng 7: "Với thế hệ thanh thiếu niên hiện nay, TikTok đang trở thành nơi để tìm kiếm thông tin, đảm nhiệm cả chức năng của những gã khổng lồ tìm kiếm lâu đời như Google".

Prabhakar Raghavan, phó chủ tịch cấp cao của Google, cho biết khoảng 40% thanh niên ngày nay sử dụng TikTok hoặc Instagram thay vì Google khi tìm kiếm các gợi ý về bữa trưa. Dữ liệu trên đến từ một cuộc khảo sát người dùng Mỹ từ 18 đến 24 tuổi. Lý do, theo New York Times, là vì tìm kiếm trên TikTok mang tính trực quan cao hơn so với hỏi Google. Các video hấp dẫn, chỉ dài từ 15 đến 60 giây giúp Gen Z không mất nhiều thời gian đọc hàng ngàn chữ, hết tab này đến tab khác, mà vẫn tìm được thông tin mong muốn. Đa số người dùng Gen Z cũng cho rằng kết quả tìm kiếm trên TikTok sát với những gì họ cần hơn, và nếu muốn xác thực thông tin, họ có thể đọc các bình luận trên video.

Điều này đúng với Ja’Kobi Moore. Cô nữ sinh cấp II ở New Orleans (bang Louisiana, Mỹ) xem hai video ngẫu nhiên từ kết quả tìm kiếm trên TikTok để học cách ngỏ lời nhờ giáo viên viết thư giới thiệu vào trung học phổ thông. Cả hai video đều do những người dùng là giáo viên tạo nên, một hướng dẫn cách xin thư giới thiệu và một chỉ cách trình bày bức thư. Quan trọng là chúng đều dễ hiểu hơn kết quả tìm kiếm trên Google hoặc video trên YouTube.

Một sinh viên Đại học California, cũng là một người dùng TikTok thường xuyên, chia sẻ với Bloomberg: "Chúng tôi giống những đứa trẻ không thích đọc sách nhưng khi được đưa cho một cuốn sách ảnh, chúng tôi trở nên hứng thú hơn rất nhiều".■

TikTok có khả năng tăng gấp đôi doanh thu quảng cáo lên 10 tỉ USD vào năm nay, trái ngược với sự sụt giảm đầu tư quảng cáo tại Meta hay Snap, theo một báo cáo được Tập đoàn truyền thông GroupM công bố hồi đầu tháng. Không giống như các nền tảng truyền thông xã hội khác, TikTok cho phép quảng cáo xuất hiện giống như bất kỳ video nào khác trên ứng dụng, vì vậy người xem không phải lúc nào cũng có thể nhận ra ngay mình đang xem quảng cáo. Ứng dụng này thúc đẩy các thương hiệu hợp tác với những người sáng tạo nội dung của mình, sao cho quảng cáo có vẻ tự nhiên hơn. TikTok đã nói với các thương hiệu: "Đừng làm quảng cáo, hãy làm video TikTok".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận