TTCT - Nếu kỳ SEA Games 29 ở Malaysia năm 2017 gần như không có vụ việc nào đáng kể liên quan đến fake news (tin tức giả), thì mọi chuyện hoàn toàn ngược lại ở lần đại hội thứ 30 do Philippines làm chủ nhà năm nay. Tin tức giả tràn ngập trước ngày khai mạc SEA Games 2019. Ảnh: Rappler Hàng loạt bê bối về khâu hậu cần và chuẩn bị của nước chủ nhà đã diễn ra từ trước khi đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á chính thức khai mạc hôm 30-11, kèm theo đó là hàng loạt thông tin “có mùi” fake news lan truyền trên mạng, buộc các cơ quan hữu trách Philippines phải lên tiếng bác bỏ. Chẳng hạn như chuyện quốc kỳ Philippines bị lấy làm khăn trải bàn ăn, vận động viên theo đạo Hồi không được phục vụ thực phẩm Halal (thức ăn và đồ uống được phép dùng theo luật Hồi giáo), sân vận động còn ngổn ngang dù ngày thi đấu đã gần kề... Tất cả thông tin nói trên đều được chia sẻ kèm hình ảnh “bằng chứng” và lan truyền trên mạng xã hội, thậm chí được một số trang tin và báo chí trong nước và quốc tế đăng tải, mang đến cơn mưa chỉ trích cho công tác tổ chức của Philippines, dù đây là lần chủ nhà SEA Games thứ tư của quốc gia này. Thế nhưng, Alan Peter Cayetano, chủ tịch Ủy ban tổ chức SEA Games 30 (Phisgoc), nói với CNA rằng 95% các câu chuyện kiểu “khó tin” như kể trên là tin tức giả. Cayetano lấy ví dụ bức ảnh sân vận động được cho là để phục vụ SEA Games nhưng chưa kịp hoàn thành do một cơ quan tin tức đăng tải thật ra là ảnh chụp ở nước khác chứ không phải Philippines. Tương tự, trang mạng Rappler cũng cho biết thông tin cờ Philippines bị lấy làm khăn trải bàn ăn phục vụ cho các vận động viên là giả. Bức ảnh được chia sẻ đến hơn 2.600 lần từ khi được nhà báo Ricky Velasco đưa lên Twitter. Rappler đã liên hệ với người được cho là chụp tấm ảnh đó để xác minh, và phát hiện ra thực tế bức hình được chụp từ năm 2015 trong một sự kiện không liên quan gì đến SEA Games. Một tin giả gây xôn xao khác là đoạn video được cho là quay cảnh nhà vệ sinh “có một không hai” tại một sân vận động ở thủ đô Manila với hai bồn cầu đặt cạnh nhau và không có vách ngăn. Video này được hàng trăm ngàn lượt chia sẻ, bất chấp Ủy ban Thể thao Philippines đã lên tiếng khẳng định đoạn băng là giả. Cơ quan này cáo buộc nhà báo địa phương Angel Movido, làm việc cho Đài ABS-CBN, đã dùng “một đoạn video quay trước đó đã lâu” để dựng nên câu chuyện xây dựng bê bối của nước chủ nhà SEA Games 30. Tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong cũng được cho là đăng tin giả về chuyện ăn uống của các vận động viên Hồi giáo. SCMP ngày 26-11 đưa tin Juliana Seow, trưởng đoàn thể thao Singapore, đã gửi thư khiếu nại lên Phisgoc vì các vận động viên Hồi giáo bị cho ăn kikiam, một món ăn từ thịt lợn, trái với quy định về thực phẩm của tôn giáo này. Tuy nhiên, theo CNA, Ủy ban Olympic quốc gia Singapore đã bác bỏ thông tin này. Cần lưu ý những tin tức nói trên được phủ nhận không đồng nghĩa với toàn bộ những thông tin về bê bối trong khâu chuẩn bị của nước chủ nhà cũng là giả. Những sự cố xảy ra trong khâu đón tiếp các đại diện khu vực tới Philippines dự giải là có thật. Chính Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã phải gửi lời xin lỗi đến tất cả các đoàn và vận động viên tham gia vì công tác quản lý kém đã gây bất tiện cho họ. Trả lời phỏng vấn CNN Philippines hôm 29-11, ông Duterte nói đại ý các đoàn thể thao nên hiểu rằng Chính phủ Philippines cũng không vui với những lùm xùm đó và bản thân “tổng thống của đất nước mà quý vị đang có mặt để thi đấu” đã yêu cầu điều tra vụ việc. Trang SportBusiness nhận định tin tức giả về SEA Games là một phần của cuộc chiến thông tin, khi phe đối lập ở Philippines muốn hạ uy tín chính quyền tổng thống Duterte tập trung “khuếch đại” tin giả, trong khi phe ủng hộ chính phủ kêu gọi người dân phớt lờ các thông tin này để đại hội thể thao Đông Nam Á được thành công. Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Duterte, nhìn nhận vấn đề khá công tâm trong một thông cáo phát hôm 28-11, khi yêu cầu truyền thông phải “cẩn trọng hơn” trong việc đưa tin, đồng thời nhắc Phisgoc phải cải thiện khâu tổ chức, vì “những người phê bình cũng có ý đúng”. Trong khi đó, vẫn còn phải chờ xem trong thời gian diễn ra đại hội, liệu có còn chỗ nào cho tin tức giả “nhảy” vào không.■ Tags: Tin giảSEA Games 30Bê bối hậu cầnChỉ trích Philippines
Ông Trump công bố thêm 'thư áp thuế' từ 20-30% với 6 nước THANH HIỀN 09/07/2025 Ông Trump công bố sẽ áp thuế từ 20% đến 30% với 6 nước từ ngày 1-8, kéo dài danh sách 14 quốc gia đã nhận được thư trước đó.
Việt Nam mời Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Belarus cử lực lượng sang tham gia diễu binh NAM TRẦN 09/07/2025 Bộ Quốc phòng mời 5 nước là Nga, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Belarus cử lực lượng tham gia diễu binh tại lễ kỷ niệm.
Real Madrid đấu PSG (2h): Mbappe đá cặp Garcia HOÀI DƯ 10/07/2025 Khoảng 1 giờ trước trận, PSG và Real Madrid đã công bố đội hình xuất phát. Phía Real Madrid, HLV Xabi Alonso xếp Kylian Mbappe và Gonzalo Garcia đá cặp trên hàng công.
Giáo hoàng sẵn sàng đón Nga và Ukraine đến Vatican hòa đàm THANH HIỀN 09/07/2025 Giáo hoàng Leo XIV gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bày tỏ Vatican sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.