Gạo 'giả', thịt 'giả': Đâu có sao!

NGUYỄN VŨ 17/05/2019 05:05 GMT+7

Người dân các nước phương Tây thực ra cũng thích ăn gạo, chỉ có điều họ không dám ăn nhiều, sợ tiêu thụ lắm tinh bột sinh rắc rối cho sức khỏe. Thế là một số nhà sản xuất khéo léo làm ra gạo giả, lấy súp lơ (bông cải) băm nhỏ thành ra một món nhìn như gạo mà không phải gạo. Dĩ nhiên, để thu hút sự chú ý của khách, họ ghi chữ “gạo” to tướng ngoài bao bì.

Minh họa
 

Chừng đó cũng đủ sinh chuyện. Bang Louisiana (Mỹ) đang dự thảo một sắc luật, dự kiến sớm thông qua, cấm gọi bất kỳ thứ gì không phải gạo là gạo. Tháng trước, bang Arkansas - bang trồng lúa mì nhiều nhất Mỹ - cũng đã thông qua một sắc luật như thế. Chuyện này nghe hơi rảnh vì có ai mua bông cải băm nhỏ mà tưởng nhầm là mua gạo đâu. Chưa kể món này bán ở quầy rau quả chứ không nằm ở kệ bán gạo.

Trước đó giới chăn nuôi ở Mỹ cũng vận động hành lang rất mạnh để các bang thông qua luật cấm gọi thịt nhân tạo là thịt. Hiện có hai loại thịt giả: thịt làm từ các món thực vật y như ở Việt Nam, các món chay cũng có hình thức và mùi vị như thịt bò, thịt vịt; loại thứ hai là thịt sản xuất trong phòng thí nghiệm. Loại thịt đầu ắt không phải là thịt nhưng loại sau về bản chất cũng là thịt.

Thịt nhân tạo sinh sôi từ tế bào, có thể dùng tế bào gốc, tế bào ở bắp thịt, tế bào mô mỡ... nhúng trong một môi trường tăng trưởng. Môi trường này như một thứ súp với các dưỡng chất bắt chước những gì diễn ra bên trong cơ thể động vật. Tùy vào loại tế bào ban đầu và môi trường dưỡng chất, người ta có thể “tạo” ra các loại mô khác nhau. Tế bào bắp thịt sinh ra thêm nhiều tế bào bắp thịt khác, còn tế bào mỡ sinh ra thêm nhiều tế bào mỡ. Tế bào gốc thì có thể kích thích để sinh ra nhiều loại mô khác nhau.

Thế nhưng, giới chăn nuôi cứ khăng khăng chỉ có thịt lấy từ động vật mới được gọi là thịt. Họ rút kinh nghiệm từ vụ ngành bò sữa đã thua trong cuộc đấu đòi cấm dùng từ sữa với các loại không hề dính líu đến bò như sữa đậu nành, sữa hạnh nhân... Dù sao thịt nhân tạo hiện có giá thành rất cao nên chưa thể cạnh tranh với thịt tự nhiên. Có ai mua chiếc bánh hamburger kẹp thịt nhân tạo ắt cũng chỉ để thỏa trí tò mò vì một chiếc bánh như thế có giá cả ngàn đôla.

Ở đây, điều thú vị là các đại biểu dân cử, đứng trước hai lực lượng vận động, sẽ nghiêng về bên nào.

Phía trồng lúa, chăn nuôi hay chế biến sữa dĩ nhiên phải bảo vệ quyền lợi của họ; họ sợ khi thị trường có thêm gạo “giả”, thịt “giả”, sữa mà không phải là sữa, họ càng có thêm đối thủ cạnh tranh, nên tốt nhất là vận động đòi cấm.

Phía làm ra các thức ăn mới cam đoan người tiêu dùng không bị nhầm lần vì bao bì ghi rất rõ; họ dùng các từ “gạo”, “thịt” hay “sữa” để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng đã quen với trải nghiệm các món ăn quen thuộc chứ không cố tình lừa ai.

Thông thường, phía đại biểu dân cử sẽ tập trung vào hai chuyện: thứ nhất, tên gọi có thể gây nhầm lẫn, mang tính lừa dối người tiêu dùng hay không; thứ hai, thức ăn mới có hại cho sức khỏe hay không. Điểm thứ hai này thể hiện rõ trong trường hợp thịt nhân tạo, chưa ai có thể đoan chắc ăn loại thịt này vào cơ thể có gây ra tác dụng gì lâu dài hay không.

Ngược lại, người tiêu dùng hiện đang có xu hướng chọn thức ăn lành mạnh tốt cho sức khỏe như giảm ăn tinh bột hay chọn cỏ ngọt stevia thay cho đường. Bông cải băm nhỏ giả làm gạo xuất hiện cũng do nhiều người sợ ăn bánh mì trắng hay gạo trắng nhiều không thể giảm cân.

Giám đốc một công ty sản xuất rau đông lạnh và đóng hộp nói với tờ Vox, khi công ty này lần đầu đưa ra thị trường món bông cải giả gạo vào quý 4 năm 2016, mỗi tuần họ sử dụng bông cải thu hoạch từ 5 acres (hơn 2 hecta), nay mỗi tuần họ cần đến 35 acres (hơn 14 hecta) bông cải, từ hơn 100.000 bông cải mỗi ngày.

Những thức ăn trên thuộc loại giả mà không hẳn là giả. Còn trong siêu thị bên Mỹ đang bày bán nhiều thứ giả thật sự, tức giả mang tính lừa dối. Theo tờ Business Insider, 99% wasabi bán ở Mỹ là đồ giả (làm từ cây cải horseradish và mù tạt, phẩm nhuộm), bởi wasabi thật giá đến 160 đôla mỗi ký bán sỉ.

wasabi giả

 

Wasabi thật có giá rất mắc, có thể tới 160USD/kg (Ảnh: Business Insider)

Món đồ ăn giả được quảng bá nhiều là thịt bò Kobe, thực ra chỉ là bò bình thường vì hiện nay chỉ có 8 cửa tiệm ở Mỹ thực sự có bán bò Kobe. Một món thường bị giả khác là dầu oliu, nghe rất hấp dẫn nhưng thật ra chỉ là dầu đậu phụng, dầu hạt hướng dương chế biến thành, theo Business Insider. Cũng như ở nhiều nước khác, đến 75% mật ong bán ở Mỹ là có pha trộn chứ không chỉ có mật ong nguyên chất. Thật hóa ra giả, giả nhưng rất thật - và đó chỉ mới là chuyện thức ăn!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận