La Liga vẫn là số 1

HUY ĐĂNG 20/07/2019 17:07 GMT+7

TTCT - Real Madrid mua Eden Hazard, Barca chiêu mộ Antoine Griezmann, và Neymar nhiều khả năng sẽ sớm trở lại “quê nhà” La Liga... Ai bảo bóng đá Tây Ban Nha đã hết thời?

Premier League “không có cửa”

Hồi tuần rồi, Barca hoàn tất thương vụ chuyển nhượng ồn ào - mua Griezmann từ Atletico Madrid với giá 120 triệu euro. Đó là một vụ chuyển nhượng trong nội bộ La Liga, nhưng Barca đã đánh bại nhiều đối thủ Premier League để sở hữu chữ ký của tiền đạo người Pháp.

Antoine Griezmann chia tay Atletico Madrid (Ảnh: Givemesport)

Trước đó suốt giai đoạn tháng 5 và 6, những tin đồn chuyển nhượng ở Anh ra rả không ngừng về việc Manchester United (và cả Manchester City) nhắm đến Griezmann. Nhưng thái độ của tiền đạo người Pháp rất dứt khoát, anh chỉ nói về Barca. Đội bóng xứ Catalan vì thế thoải mái ép giá đến mức bị Atletico... khởi kiện.

Cụ thể, Barca mua Griezmann bằng cách kích hoạt mức phí giải phóng hợp đồng của anh. Nhưng phía Atletico tuyên bố họ và Barca đã đạt thỏa thuận vào mùa giải trước, thời điểm mức phí này vẫn đang là 200 triệu euro. Nhưng rồi gã nhà giàu xứ Catalan đã khôn khéo kéo dài vụ chuyển nhượng đến tận ngày 1-7, thời điểm mức phí giảm còn 120 triệu euro theo hợp đồng của Griezmann với Atletico. Đội bóng thành Madrid vì thế... phát điên với Barca.

Trước đó, hai đội bóng thành Manchester đã chồng các khoản tiền còn lớn hơn con số 200 triệu để săn chữ ký của Griezmann. Và hiển nhiên Atletico - trong trường hợp chẳng đặng đừng phải bán siêu sao số 1, cũng muốn anh ra nước ngoài thi đấu thay vì chuyển đến kình địch ở La Liga. Bất chấp hàng loạt bất lợi, Barca vẫn đi sau và về trước trong thương vụ này, điều đơn giản cho thấy thương hiệu của họ hấp dẫn Griezmann hơn nhiều so với Manchester City hay Manchester United.

Trước Griezmann, Premier League còn thua đau La Liga trong một thương vụ trực tiếp: Hazard chuyển từ Chelsea sang Real Madrid. Đội bóng thành London trải qua mùa giải 2018-2019 không tệ chút nào - họ vô địch Europa League, đứng thứ 3 ở giải quốc nội, và hướng đến tương lai đầy sức sống khi bổ nhiệm cựu danh thủ Frank Lampard làm HLV. Nhưng chừng đó không đủ đế níu áo Hazard.

Hai vụ chuyển nhượng Hazard và Griezmann càng khiến danh sách những bản hợp đồng “bom tấn” của Real Madrid và Barca nhiều thêm. Điểm lại top 10 vụ chuyển nhượng đắt giá nhất lịch sử bóng đá lúc này, có đến bảy thuộc về La Liga (còn lại hai của PSG và một của Manchester United). Vụ chuyển nhượng đắt giá nhất lịch sử hiện thuộc về PSG - Neymar chuyển đến từ Barca với giá 222 triệu euro năm 2017, nhưng tiền đạo người Brazil đang làm mọi cách để... trở lại Barca. Nhiều khả năng Neymar sẽ về Tây Ban Nha ngay trong mùa hè này.

Griezmann nhận được rất nhiều lời chào mời nhưng anh chỉ muốn đến Barca. Ảnh: FC Barcelona
Griezmann nhận được rất nhiều lời chào mời nhưng anh chỉ muốn đến Barca. Ảnh: FC Barcelona

Việc các đội bóng La Liga tiếp tục thống trị phần đỉnh của thị trường chuyển nhượng là điều khá khác thường. Mùa giải vừa rồi được xem là mùa giải của bóng đá Anh, khi tham gia cả hai trận chung kết Cúp châu Âu với bốn đội đều là đại diện Premier League, chưa kể tuyển Anh còn thi đấu thành công ở cả World Cup lẫn UEFA Nations League. Tây Ban Nha (và La Liga) dưới cơ toàn diện trong năm qua, nhưng rồi vẫn là điểm đến hàng đầu của các siêu sao.

Đừng dạy khôn người Tây Ban Nha

Trong thành công của bóng đá Anh mùa giải vừa qua, yếu tố nổi bật là chính sách chuyển nhượng khôn ngoan. Tottenham, đội á quân Champions League, không mua cầu thủ nào cả hai kỳ chuyển nhượng mùa hè và mùa đông 2018. Còn Liverpool là chuẩn mực của việc mua và bán hợp lý.

Với số tiền 145 triệu euro bán Coutinho cho chính Barca, Liverpool mang về hai cột trụ cho hàng thủ là Virgil Van Dijk và Alisson Becker. Nhiều cầu thủ xuất sắc như Andrew Robertson, Xherdan Shaqiri, Joel Matip được HLV Jurgen Klopp đưa về với giá “thanh lý”.

Liverpool ăn mừng chiến thắng tại Champions League vừa rồi. (Ảnh: Sky News)

Đó là hình ảnh hoàn toàn đối nghịch với Barca - đội bóng liên tục “vứt tiền qua cửa sổ” với các bản hợp đồng thất bại hai năm qua như Coutinho, Ousmane Dembele, Malcom... Vì vậy khi Barca vung tiền mua Griezmann rồi Frenkie De Jong hè này, nhiều người đã dè bỉu họ.

Công bằng mà nói, Liverpool năm qua đã thắng Barca tuyệt đối trên thị trường chuyển nhượng lẫn sân cỏ. Nhưng chủ yếu công lao thuộc về con mắt nhìn người của Klopp - HLV đã giúp gần như mọi cầu thủ ông đưa về phát huy tối đa năng lực.

Nhưng không thể dựa vào thành công nhất thời của Liverpool để chỉ trích chính sách săn đón siêu sao của Barca hay Real Madrid. Nếu làm bóng đá đơn giản chỉ là bài toàn cộng trừ trên thị trường chuyển nhượng, hai gã nhà giàu La Liga giờ đây ắt đã... phá sản, bởi mùa giải nào họ cũng âm nặng trên thị trường mua bán cầu thủ.

Nhưng điều đó không thực sự quan trọng. Nhiều năm trời, Real Madrid và Barca luân phiên nắm giữ ngôi đầu bảng xếp hạng các CLB kiếm tiền giỏi nhất, giàu nhất hoặc có giá trị cao nhất thế giới.

Theo thống kê của Hãng kiểm toán Deloitte, Real Madrid là đội kiếm tiền giỏi nhất mùa 2017-2018 với 751 triệu euro, Barca xếp ngay sau với 690 triệu euro. Các đội bóng Anh giỏi thắt lưng buộc bụng như Liverpool, Arsenal, Tottenham tuy cũng nằm trong top 10 nhưng kém khá xa, với những con số vào khoảng 500 triệu euro.

Một góc nhìn khác, bóng đá Anh còn có hai CLB của những siêu tỉ phú là Chelsea và Manchester City. Nhưng cả hai chưa bao giờ là đối trọng với Barca hay Real Madrid trên thị trường chuyển nhượng. Chelsea vừa bị Real giật ngôi sao, còn Manchester City đang trở thành “Barca phiên bản 2” với nhiều ngôi sao Latin, nhưng chưa bao giờ mua được một cầu thủ tầm cỡ Messi, Luis Suarez, Neymar hay Griezmann. Rõ ràng không phải cứ muốn vung tiền như Real Madrid và Barca là được.

Mô hình sở hữu có thể là lời giải thích ở đây. Real Madrid và Barca không thuộc sở hữu của một ông chủ hay tập đoàn riêng lẻ, mà chính thức là “tài sản” của CĐV. Những “ông chủ” có “cổ phần” đội bóng này được gọi là “socis” - họ đóng tiền hằng năm để duy trì tư cách thành viên. Barca có khoảng 140.000 socis, còn Real Madrid khoảng 100.000. Ban lãnh đạo Real Madrid và Barca được các hội viên bầu ra theo nhiệm kỳ, và bản chất cũng là người làm thuê cho đội bóng.

Đó là lý do quan trọng lý giải vì sao hai gã nhà giàu Tây Ban Nha luôn cố gắng mua về các siêu sao lớn nhất. Những đội bóng có một ông chủ thì sẽ do ông chủ đó quyết định, còn Real Madrid và Barca lại có đến hàng vạn “ông chủ”. Để làm hài lòng số đông CĐV, không gì tốt hơn một chính sách “dân túy”: mua về những siêu sao sáng giá nhất.

Thêm nữa, Coutinho (và biết đâu là cả Griezmann trong tương lai) có thể là thương vụ thất bại về chuyên môn, nhưng không hề thất bại về mặt kinh doanh. Những siêu sao đến rồi đi giúp Real Madrid và Barca luôn đứng vững trên đỉnh cao của thế giới bóng đá, bất chấp việc họ trải qua một hai mùa giải thất bại.■

La Liga vẫn bỏ xa Premier League

Thương hiệu là một khái niệm vô hình, còn trên bảng xếp hạng các giải đấu của UEFA, La Liga thực sự vẫn đang bỏ xa Premier League.

Bảng xếp hạng này dựa vào thành tích của các CLB đại diện cho mỗi liên đoàn bóng đá ở sân chơi châu lục trong năm mùa gần nhất. Premier League nhỉnh hơn La Liga trong hai mùa gần đây nhưng lại thua xa ở ba mùa trước đó, vì vậy tổng điểm của họ chỉ là 85,462, xếp hạng 2 sau La Liga (103,569). Kế đến lần lượt là Serie A (74,725), Bundesliga (71,927) và Ligue 1 (58,498).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận