Hong Kong: Giữa kinh tế và chính trị

HẢI MINH 23/08/2019 22:08 GMT+7

TTCT - Những bất ổn ở Hong Kong, và cả kế hoạch tích hợp vùng Đại Vịnh Thâm - Cảng - Áo (Thâm Quyến, Hương Cảng (Hong Kong), Áo Môn (Macau)) vừa được Trung Quốc tuyên bố, sẽ còn tác động lâu dài tới thành phố kinh tế sôi động này trong tương lai.

Người biểu tình đập phá trụ sở cơ quan hành pháp Hong Kong. Ảnh: scmp.com
Người biểu tình đập phá trụ sở cơ quan hành pháp Hong Kong. Ảnh: scmp.com

Suốt một thời gian dài trong lịch sử, vùng Biển Đông, vịnh biển phía nam Hong Kong và Quảng Đông lên đến tận Phúc Châu, Đài Loan, đã đóng vai trò cửa ngõ vào thị trường Trung Quốc và từ Trung Quốc đi ra thế giới.

Thương mại của Trung Hoa qua nhiều thời kỳ đi qua con đường đó, và không phải ngẫu nhiên mà đế quốc Anh hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ chọn Hong Kong làm thương điếm chủ chốt của họ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chính Trung Quốc từng hưởng lợi không ít từ thực tế lịch sử đó trong giai đoạn đầu mở cửa của nước này cách đây chưa lâu. Tất nhiên, nền kinh tế Trung Quốc, hiện đã lớn thứ hai thế giới, không còn phụ thuộc trực tiếp vào Hong Kong về thu hút đầu tư và thương mại như quá khứ nữa, nhưng ngay cả khi vai trò trung tâm tài chính châu Á của Hong Kong đã suy giảm, thành phố này vẫn là mắt xích rất quan trọng trong mọi tính toán phát triển kinh tế tương lai, không chỉ của Trung Quốc mà của cả khu vực.

Trong giai đoạn đầu sau khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa, các công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc hoạt động chủ yếu từ Hong Kong, tận dụng lực lượng lao động kỹ năng cao và sự tiếp cận với thị trường quốc tế qua cảng biển ở đây. Vào thời điểm chuyển giao năm 1997, nền kinh tế Hong Kong tương đương 1/5 của Trung Quốc.

Ngày nay con số đó chỉ còn là 3%, và tỉ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu đường biển của Trung Quốc, tính theo tải trọng, qua Hong Kong, cũng suy giảm liên tục từ gần 150% ở thời điểm chuyển giao xuống còn gần như không đáng kể hiện giờ.

Trong khi đó, cấu trúc nền kinh tế Hong Kong không thay đổi nhiều sau hơn hai thập kỷ. Thương mại và các dịch vụ đi kèm cùng ngành tài chính vẫn chiếm tỉ trọng cao và gần như không đổi (tương ứng là 22% và 19% nền kinh tế), theo The Economist. Những doanh nghiệp lớn nhất đặc khu này (thường là công ty gia đình) cũng vẫn tập trung vào các ngành cũ: bất động sản, vận hành cảng biển, chuỗi siêu thị, điện nước...

Tỉ lệ GDP của Hong Kong so với Trung Quốc 1979-2017. Ảnh: EJ Insight
Tỉ lệ GDP của Hong Kong so với Trung Quốc 1979-2017. Ảnh: EJ Insight

 

Tuy nhiên, Hong Kong vẫn còn rất quan trọng với đại lục bởi cả những giá trị hữu hình lẫn vô hình mà vùng lãnh thổ này mang lại. Về mặt chính trị, giải quyết êm thấm vấn đề Hong Kong sẽ giúp Trung Quốc khẳng định được tính khả thi của phương pháp một quốc gia - hai chế độ, nhất là với vùng lãnh thổ mà sự thống nhất hẳn sẽ khó khăn hơn nhiều: Đài Loan.

Một thực tế khác là trong khi Trung Quốc đã tăng trưởng rất nhanh, nền kinh tế nước này đã không mở cửa nhanh tương ứng. Hong Kong, do đó, vẫn rất hữu dụng với vai trò vùng kinh tế đã hoạt động lâu dài và được chấp nhận rộng rãi ở các thị trường phương Tây.

Địa vị đó bao gồm nhiều khía cạnh: các nguyên tắc pháp lý và luật quốc tế giống nhau, mức tín nhiệm tín dụng cao, mức thanh khoản của đồng tiền, tư cách thành viên độc lập tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một thị trường chứng khoán chuẩn tắc có vị thế tương đương các thị trường chứng khoán lớn ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản...

Thật vậy, thị trường chứng khoán Hong Kong hiện lớn thứ tư thế giới, xếp cao hơn cả London, chỉ kém các thị trường chứng khoán ở Mỹ, Trung Quốc đại lục và Nhật Bản. Khoảng 70% vốn huy động từ thị trường này là cho các công ty Trung Quốc, với sự dịch chuyển được coi là lành mạnh hơn từ các công ty vốn đầu tư nhà nước sang các công ty công nghệ như Tencent, Meituan và Xiaomi.

Những công ty này không chọn niêm yết ở đại lục vì thị trường ở đó chưa ổn định và còn đóng cửa với giới đầu tư phương Tây. Ngay cả gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba cũng đang tính toán niêm yết ở Hong Kong (hiện Alibaba mới niêm yết ở New York).

Một thực tế nữa là phần đa số đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc hiện vẫn chảy qua Hong Kong, ở mức 60%. Đồng thời, số lượng công ty đa quốc gia có trụ sở vùng ở Hong Kong đã tăng 2/3 kể từ năm 1997, vào khoảng 1.500 công ty. Tất cả những điều đó đồng nghĩa tình trạng hỗn loạn ở Hong Kong sẽ tác động không chỉ tới vùng lãnh thổ này.

Trên thực tế, ngay từ trước những cuộc biểu tình, Hong Kong đã thất thế trong cuộc cạnh tranh với Singapore để thu hút những hãng công nghệ hàng đầu thế giới: Google, Amazon và Facebook đều đặt tổng hành dinh vùng ở Singapore, một phần vì những lo ngại an ninh mạng.

Nếu tình trạng bạo lực và bất ổn tiếp diễn, một kịch bản không ai mong đợi sẽ ngày càng gần hiện thực: Hong Kong đánh mất vị thế kinh tế mà vùng lãnh thổ này đã dày công xây dựng hàng trăm năm, một cái giá quá đắt bất chấp mọi toan tính chính trị có là gì.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận