Ảo vọng của kì lân WeWork

KỲ THƯ 18/10/2019 03:10 GMT+7

TTCT - Tạm gác sang một bên những bê bối về quản trị liên quan đến nhà sáng lập Adam Neumann, mô hình kinh doanh của WeWork là gì, vì sao doanh nghiệp này được định giá trên trời rồi nhanh chóng bị dìm xuống đất như vậy?

 

Đặc điểm lớn nhất của các doanh nghiệp khởi sự kinh doanh bằng một giải pháp công nghệ, được gọi là các startup, là phá vỡ các mô hình cũ, tạo dựng một mô hình mới. 

Chẳng hạn trước đây thị trường thuê chỗ ở ngắn hạn đã ổn định với các khách sạn, nhà nghỉ đủ hạng, đủ loại; ai muốn thuê cứ gọi điện hay thông qua một đại lý để đặt phòng. Airbnb muốn phá vỡ mô hình đó - họ xây dựng một ứng dụng kết nối người có chỗ ở dôi dư với người muốn thuê chỗ đó trong vài ba ngày. Airbnb không có căn phòng khách sạn nào trong tay, nhưng ngày nay đã thu xếp cho 500 triệu khách thuê có thể chọn lựa từ 7 triệu cơ sở nằm ở khắp 191 nước trên thế giới.

WeWork cũng có tham vọng tương tự, nhưng trong lãnh vực cho thuê văn phòng làm việc. Lâu nay, chủ các cao ốc văn phòng thường giao cho một công ty địa ốc nào đó quản lý, lo tìm khách, ký hợp đồng, cung cấp các dịch vụ như sửa chữa, trang trí nội thất, bảo vệ…, rồi thu tiền hằng tháng; công ty địa ốc lấy hoa hồng dịch vụ.

WeWork không làm như thế; họ thuê hoặc mua hẳn hàng loạt cao ốc văn phòng bằng những hợp đồng dài hạn, đầu tư tổ chức các không gian làm việc cho hấp dẫn, rồi khi đó mới đi tìm người để cho thuê lại, khách thuê nhắm đến chủ yếu là các startup khác. Nói cách khác, bản chất mô hình kinh doanh của WeWork không liên quan gì đến công nghệ, đây chỉ là một dạng dịch vụ địa ốc kỳ vọng làm ra tiền nhờ chênh lệch giá, giá trả cho chủ cao ốc thấp và giá thu từ khách thuê cao.

Nếu chỉ dừng ở đó, WeWork làm sao phá vỡ được mô hình cũ, làm sao gắn với công nghệ cho thời thượng? Họ mới dùng các biện pháp marketing rầm rộ để xây dựng hình ảnh một doanh nghiệp cung cấp không gian làm việc chung, cái nôi nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, cộng đồng sáng tạo. Khách thuê gọi là “thành viên”.

Biện pháp quan trọng nhất là nhét nhiều người hơn vào một diện tích: ở văn phòng bình thường diện tích trên đầu người thường là 23 mét vuông thì ở các tòa nhà của WeWork, tỉ lệ này giảm còn 4,6 mét vuông. Thay vì mô tả không gian làm việc chật chội, họ bảo sự gắn kết cộng đồng sẽ tạo nguồn hứng khởi sáng tạo cho tất cả!

Nhờ tiền của các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vào, WeWork phát triển nhanh chóng, cung cấp không gian làm việc tại trên 110 thành phố ở khắp 29 nước, trong đó có cả Việt Nam (mua lại từ Hub Holding với giá 14,4 triệu USD).

Số liệu năm 2018 cho thấy WeWork cung cấp chỗ ngồi làm việc cho hơn nửa triệu người, doanh thu toàn cầu vào khoảng 1,82 tỉ USD. Thế nhưng cứ nghĩ mà xem, một bên WeWork phải trả tiền thuê dài hạn, 10-15 năm cho chủ các cao ốc văn phòng bất kể sau này kinh tế có suy thoái, không còn ai khởi nghiệp làm ăn.

Bên kia WeWork phải đầu tư khá bộn tiền mới mong thu tiền thuê từng tháng ở những doanh nghiệp khởi nghiệp, có cái chỉ tồn tại vài ba tháng rồi biến mất. Điều chắc chắn nhất có thể nhận xét về mô hình này là WeWork sẽ lỗ dài dài, càng bành trướng càng lỗ nặng.

 

Trong bảng cáo bạch phải nộp trước khi chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO), WeWork khai năm 2016 lỗ 429 triệu USD trên doanh thu 436 triệu USD; năm 2017 lỗ tăng lên 890 triệu USD trên doanh thu 886 triệu USD; năm 2018 thu về 1,8 tỉ USD nhưng chi nhiều hơn, để lại khoản lỗ lên đến 1,6 tỉ USD. 

Sáu tháng đầu năm 2019 vẫn lỗ 690 triệu USD. Kinh khủng nhất, WeWork phải tiết lộ chuyện nghĩa vụ tài chính của họ trong 15 năm tới với các tài sản đi thuê ít nhất là 47 tỉ USD. Nói cách khác, 15 năm tới họ phải trả cho chủ các cao ốc văn phòng 47 tỉ USD trong khi chuyện họ sẽ thu về bao nhiêu từ “thành viên” đi thuê vẫn là ẩn số.

Chính các số liệu biết nói này cộng với bê bối của nhà sáng lập mà báo chí đã tường thuật chi tiết trong hai tuần qua làm thị trường phản ứng, giá trị ban đầu được gán cho WeWork là 47 tỉ USD nhanh chóng xẹp xuống còn dưới 10 tỉ USD, Neumann phải ra đi, chuyện lên sàn gác lại vô thời hạn.

Chuyện thăng trầm của WeWork buộc mọi người phải nhìn nhận lại nhiều vấn đề, đặc biệt là chuyện định giá các startup và ảo vọng startup để làm giàu qua đêm. Chúng ta thường nghe một công ty khởi nghiệp nào đó được một quỹ đầu tư đồng ý rót vào vài trăm triệu đôla, nâng giá trị công ty này lên mấy tỉ. Tất cả đều là con số ảo trên giấy núp sau hàng loạt công thức tính toán nghe rất cầu kỳ. Một công ty A trị giá bao nhiêu không biết, nhưng được quỹ B rót vào 10 triệu USD để mua một lượng cổ phần tương đương 10% tổng cổ phần của công ty đó, ngay lập tức công ty A sẽ tuyên bố họ được định giá 100 triệu USD.

Mức giá 47 tỉ USD của WeWork cũng được tung ra theo cách đó, khi mới năm ngoái họ được định giá chỉ 20 tỉ USD và tháng 1 năm nay nhận thêm 1 tỉ USD tiền đầu tư của SoftBank ở mức giá mới. Có lẽ sau vụ WeWork, các quỹ đầu tư không dám định giá các startup theo kiểu trên trời nữa.

Tương lai WeWork sẽ phải cắt giảm nhân viên, chuyển sang mô hình chia sẻ chi phí và doanh thu với chủ các cao ốc chứ không thuê nữa, tìm nguồn tài chính để mua các tòa nhà nhằm giảm rủi ro, nhà đầu tư chính như SoftBank phải rót thêm tiền…, tất cả đều là chuyện khó chứ không dễ xoay chuyển.

Trước mắt, chủ các cao ốc cho WeWork thuê dài hạn sẽ như ngồi trên đống lửa, bởi khả năng WeWork hủy hợp đồng do không tìm ra khách mới là rất cao!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận