TTCT - Nếu thế giới có những influencer truyền cảm hứng, mang lại những thông tin, thông điệp, cảm xúc tích cực, hay thư giãn lành mạnh thì cũng có những “con cừu đen” trong thế giới của những người “có tầm ảnh hưởng”. Influencer không phải lúc nào cũng giành được tình cảm người hâm mộ. Ảnh: gaztezulo.eusÁnh hào quang của “nghề” bán sức ảnh hưởng thì dễ thấy, nhưng chặng đường xây dựng một “thương hiệu” nhiều người tìm đến và hái ra tiền thì lắm chông gai và không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để trải qua. Từ đó ra đời những “influencer giả hiệu”.“Influencer giả” là những người dùng có lượt theo dõi “khủng” trên mạng xã hội nhưng là do bỏ tiền ra mua từ các cá nhân hay tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ tương tác trả tiền chứ không hề thực chất.Một số “influencer giả” còn dùng chiêu thức đăng tải nội dung có vẻ như được tài trợ bởi một nhãn hàng nổi tiếng nhằm đánh bóng tên tuổi, “lấy số” trong giới dù thực chất nhãn hàng đó không hề hay biết họ đang được quảng cáo miễn phí.CVT Soft Serve, một xe kem nổi tiếng ở thành phố Los Angeles (Mỹ), gần đây đã phải trưng biển “influencer trả tiền gấp đôi” sau khi ngày càng nhiều khách hàng đến mua kem tự xưng là người nổi tiếng trên Instagram và đề nghị được ăn kem miễn phí để đổi lấy một bài đánh giá tốt về quán.Sau khi đăng tải thông tin này trên mạng xã hội kèm hashtag #InfluencersAreGross (influencer là những kẻ kinh tởm) hồi tháng 7-2019, ông chủ Joe Nicchi cho biết công việc kinh doanh của anh càng phát đạt hơn nhờ những người cùng quan điểm “bài xích” influencer kéo đến ủng hộ.Tương tự, một resort 5 sao ở “thiên đường nghỉ dưỡng” Maldives cũng đã phải lên tiếng trước tình trạng quá nhiều người tự nhận là influencer liên hệ đề nghị được cung cấp chỗ ở miễn phí để đổi lấy bài đăng quảng cáo trên tài khoản của họ.Một số người thậm chí chỉ có 2.000 người theo dõi trên Instagram hay 600 bạn trên Facebook cũng đòi hỏi được ở miễn phí cả tuần tại khu resort đắt đỏ. “Thời buổi này cứ có tài khoản Facebook là thành influencer” - quản lý resort nói với báo Independent.“Cạch mặt” influencerTháng 7 năm nay, công ty phân tích dữ liệu InfluencerDB của châu Âu công bố nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tương tác trên các bài đăng được tài trợ trên Instagram giảm từ 4% năm 2016 xuống còn 2,4% trong quý 1 năm 2019.Trong đó, giới travel influencer - những influencer thu hút người hâm mộ bằng các bài viết, video chia sẻ kinh nghiệm du lịch - vốn được biết đến với tỉ lệ tương tác cao nhất Instagram cũng không nằm ngoài xu hướng này, với sự sụt giảm từ 8% năm ngoái xuống còn 4,5% năm nay.Không chỉ dần mất đi sự tín nhiệm của các nhãn hàng, nhiều vụ lùm xùm liên quan đến travel influencer như xúc phạm văn hóa địa phương, phá hoại cảnh quan thiên nhiên để chụp ảnh, đòi ăn ở miễn phí, định kiến “những kẻ hám like không hiểu biết gì về du lịch”... cũng đang ngày càng làm cho hình ảnh travel influencer xấu đi trong mắt người hâm mộ.Thời nay, không khó để tìm ra những travel influencer có số lượng người theo dõi nhiều không kém gì các ngôi sao giải trí. Tỉ lệ thuận với số lượng người theo dõi là số lượng post có hashtag gắn tên nhãn hàng, khu du lịch, khách sạn. Mối quan hệ hợp tác kiểu “bánh ít đi, bánh quy lại” đã không còn là khái niệm xa lạ.Khách sạn mời influencer đến ở, đài thọ chi phí ăn ở, thậm chí trả tiền hay tặng phẩm, đổi lại influencer quảng bá những địa điểm đó trên kênh của mình bằng lời hay ý đẹp. Thế nhưng liệu kiểu hợp tác này có còn mang lại hiệu quả?Với hơn 209.000 người theo dõi trên Instagram, Amy Seder không quen với việc bị người ta từ chối. Thế nhưng, tháng 9 năm nay, CNN đưa tin một khách sạn ở Ý đã thẳng thừng từ chối khi cô đề nghị chỗ ở miễn phí đổi lấy bài đăng quảng cáo trên kênh của mình. Lời từ chối thậm chí còn không có vẻ gì là lịch thiệp: “blogger phá hoại, không hứng thú”.Có thể nói, xu hướng “đi du lịch kiểu influencer” đã đạt đến điểm bão hòa khi nhiều khách sạn và cơ quan du lịch không còn nhu cầu “nhờ” influencer quảng cáo nữa sau những nghi ngờ về hiệu quả kinh tế của việc hợp tác này.Trước đó 5 tháng, chủ một khu nghỉ mát bên bãi biển Siargao, Philippines cũng lên mạng “kêu cứu” vì nhận được quá nhiều tin nhắn từ các influencer “tự xưng” đề nghị hợp tác. “Chúng tôi đề nghị các bạn hãy thử tìm cách khác để được ăn uống và có chỗ ngủ miễn phí, hay là thử lao động thật sự đi” - người chủ khu nghỉ mát “dằn mặt”.Đó là chưa kể những lần travel influencer bị chỉ trích vì thiếu hiểu biết dẫn đến xúc phạm văn hóa địa phương, làm giả ảnh, hay vướng vào những vụ lùm xùm liên quan đến tiền bạc.“Ảnh hưởng có trách nhiệm”Trước tình hình travel influencer ngày càng xấu đi trong mắt công chúng, một “làn sóng mới” với những influencer theo đuổi con đường du lịch bền vững đang trỗi dậy, hòng cứu vãn tình thế. Những người này quan tâm đến môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương... hơn là những bức ảnh lung linh sáo rỗng để kiếm like. Hashtag #sustainabletravel (du lịch bền vững) đã được sử dụng 159.000 lần, và con số này đang còn tăng.Jessica Nabongo là chủ trang blog Catch Me If You Can có 175.000 người theo dõi. Tháng 10 năm nay, cô trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên đặt chân đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Theo trang Mashable, nữ blogger này ủng hộ lối kể lại trải nghiệm du lịch của mình một cách có trách nhiệm từ những góc nhìn khác nhau, ít giả định và tôn trọng vùng đất nơi mình đến thăm.“Là du khách, nhiếp ảnh gia, influencer, tôi tin rằng chúng ta có nghĩa vụ kể về những đất nước nơi mình ghé thăm bằng sự tôn trọng mà không có sự so sánh kẻ cả - Jessica bày tỏ trong một bài đăng hồi tháng 4 năm nay - Khi tôi đi du lịch, tôi đến mỗi đất nước với lăng kính tò mò và khát khao hiểu được cuộc sống thường nhật của họ, chứ không phải là đi tìm những phần tồi tệ nhất của nhân loại”.Ngoài thông điệp tôn trọng nơi mình đến, Jessica còn chọn mạng xã hội là nơi để cô nói về những vấn nạn môi trường như rác thải nhựa, hay truyền cảm hứng cho những người hâm mộ là nữ cất tiếng nói chia sẻ về bệnh u xơ tử cung.Theo một bài viết của National Geographic, du lịch bền vững nói dễ hiểu là khuyến khích du khách và ngành du lịch hướng đến các mục tiêu bền vững, gồm bảo vệ môi trường, giải quyết biến đổi khí hậu, giảm thiểu tiêu thụ nhựa và mở rộng phát triển kinh tế trong cộng đồng bị ảnh hưởng bởi du lịch. Để làm được điều đó không phải một sớm một chiều mà thành, dẫu vậy, nhiều influencer đã bắt tay vào hành động hòng “góp gió thành bão”.Là người sáng lập cộng đồng phi lợi nhuận Liên minh du lịch tác động (ITA), Kelley Louise tập trung vào việc giáo dục và vận động nâng cao nhận thức về du lịch bền vững. Với cộng đồng hơn 20.000 người, ITA hoạt động với tôn chỉ đơn giản: “Nếu bạn có thể thay đổi thế giới chỉ đơn giản bằng việc thay đổi cách đi du lịch thôi thì sao?”.ITA tập trung vào giáo dục và vận động nâng cao nhận thức về du lịch bền vững bằng nhiều biện pháp, hướng dẫn khách du lịch làm sao để trải nghiệm du lịch của họ có tính bền vững ở nhiều khía cạnh - từ phương tiện di chuyển đến chỗ ở, các hoạt động và thậm chí là quà lưu niệm mà họ mua. Ngoài ra, ITA còn tổ chức các chương trình hướng dẫn du khách cách tiêu tiền “có tâm” để hành động của họ tác động tích cực đến cộng đồng và môi trường địa phương nơi họ đến.Theo Kelley, nhiều người không biết hoặc không hiểu về du lịch bền vững, và chẳng ai muốn đi du lịch mà lại phải “có trách nhiệm” cả. “Nhưng nếu bạn hướng dẫn họ, nói với họ “đây là cách bạn có thể có được trải nghiệm tuyệt vời.Tiện thể, đây là những điều thú vị mà bạn có thể làm để giúp xây dựng một thế giới tốt hơn thông qua du lịch”, thì sẽ khác” - Kelly nói, ghi nhận thực tế cho thấy nhiều tài khoản Instagram đã bắt đầu phản ánh nhiều khía cạnh thực tế hơn của du lịch.Một tín hiệu đáng mừng nữa là một số công ty du lịch và doanh nghiệp theo đuổi đường hướng bền vững cũng bắt đầu “ăn nên làm ra”. ViaHero là công ty kết nối du khách và người dân địa phương ở nhiều quốc gia.Người hướng dẫn viên địa phương được chọn sẽ chịu trách nhiệm lên kế hoạch một chuyến du lịch trải nghiệm khác với những tour du lịch bình thường. Điều này vừa giúp du khách có được trải nghiệm mới lạ, vừa tăng sinh kế của người dân địa phương.Năm ngoái, ViaHero kết nối 10.000 du khách, đến cuối mùa hè năm nay, công ty này đã gia tăng số điểm đến lên 20 với 30.000 du khách đăng ký trong năm 2019, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến xu hướng du lịch này. ■ Tags: InfluencerNgười có tầm ảnh hưởngCon cừu đenNghề bán sức ảnh hưởngInfluencer giả
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Ukraine THANH HIỀN 21/11/2024 Bộ Ngoại giao Việt Nam khuyến cáo công dân Việt Nam không đi sang Ukraine, trừ trường hợp thật sự cần thiết.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.