Nhớ mùa hè Kazan

BÀI VÀ ẢNH: ĐẶNG THÁI 12/12/2019 23:12 GMT+7

TTCT - Tôi bị đánh thức bởi tiếng động phát ra từ bên kia vách buồng, một giọng đàn ông đang hát khe khẽ một bài hát bằng tiếng Đức. Đoàn tàu vẫn lao đi vun vút trong bóng tối, êm ái, chỉ có vài tiếng lịch kịch nhỏ từ đường ray vọng lên. Cốc trà nóng được đặt trong cái đế kim loại với tay cầm kiểu podstakannik, khắc biểu tượng đường sắt Nga. Tàu chạy êm đến mức chai nước nhựa rỗng đặt cạnh cốc trà mà không hề đổ.

Di sản văn hóa thế giới Kremlin Kazan và quần thể công trình kiến trúc bên bờ sông Kazanka.
Di sản văn hóa thế giới Kremlin Kazan và quần thể công trình kiến trúc bên bờ sông Kazanka.

Kazan nằm cách Moskva 800km về phía đông. Với hệ thống đường sắt ở Nga rộng khắp và thuận tiện, mất khoảng 10 tiếng để đi bằng tàu hỏa giường nằm, lên tàu lúc tối muộn, ngủ một giấc, sáng hôm sau đã đến ga Kazan. 

Đi đường sắt tiện lợi hơn hàng không ở chỗ thủ tục khá đơn giản, tàu đến nơi luôn ở ngay trung tâm thành phố. Tàu hai tầng, mới và cực kỳ sạch sẽ. Đây cũng là một cách khéo léo giới thiệu ngành đường sắt - niềm tự hào của nước Nga.

“Thủ đô thứ 3 của Liên bang Nga”

Kazan là thủ đô của nước Cộng hòa tự trị Tatarstan. Đây là một trong 22 nước cộng hòa thuộc Liên bang Nga. Một nước cộng hòa ở Nga cũng có vị trí tương tự một bang ở nhiều nước khác, có nhiều quyền tự chủ, trừ quyền ngoại giao và quân sự là của liên bang.

Cái tên Tatarstan đã nói lên rằng đây là vùng đất của người Tatar. Người Tatar đã sinh sống trên lưu vực sông Volga từ cả ngàn năm trước, nhưng chỉ đến khi Sa hoàng đầu tiên - Ivan Bạo chúa - khuất phục Kazan vào năm 1552 thì Kazan mới chính thức trở thành một phần không thể tách rời của nước Nga.

Sau gần 500 năm hòa nhập với nước Nga, Kazan không những không mất đi bản sắc của mình mà còn vươn lên trở thành một trung tâm kinh tế và văn hóa quan trọng, được mệnh danh là “Thủ đô thứ ba của Liên bang Nga”. Thành phố Kazan nghìn năm tuổi nhưng hiện đại và mang đậm chất Nga, là nơi đọng lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất về nước Nga ngày nay.

Đền thờ Kul Sharif với những tháp cao vút trong đêm trắng.
Đền thờ Kul Sharif với những tháp cao vút trong đêm trắng.

Kazan vẫn còn là một điểm đến “mới” với khách du lịch quốc tế. Với nhiều ngành công nghiệp hóa dầu và chế tạo, đây là một thành phố giàu có và phát triển từng ngày. Kazan đẹp và xanh. Trái với hình dung về một trung tâm kinh tế với những nhà chọc trời chi chít, trung tâm của Kazan nằm bên bờ sông Kazanka rộng mênh mông với sự đan xen tuyệt vời của những mảng xanh, hồ nước, đài phun nước dưới lòng hồ, kiến trúc cổ xưa và hiện đại. 

Trái tim của khu trung tâm là Kremlin. Hóa ra không chỉ Moskva mới có Điện Kremlin như người ta vẫn thường gọi mà khá nhiều thành phố khác cũng có Kremlin. Nói một cách đơn giản, Kremlin là khu “hoàng thành” với các cơ quan đầu não chính trị và tôn giáo ở một thành phố Nga cổ.

Kremlin Kazan có tường thành và các tháp canh màu trắng, vốn là màu sơn truyền thống của các Kremlin cổ. Bên trong Kremlin là một loạt công trình nguy nga tráng lệ, cả cổ lẫn kim. Nếu nhìn từ bên kia sông Kazanka sang, bức tường thành chỉ còn là một vật trang trí, không hề che khuất các tòa nhà bên trong như thành châu Á.

Bên cạnh Phủ tổng thống Tatarstan nổi bật là nhà thờ Truyền Tin hoàn thành năm 1562 và đền thờ Hồi giáo hoàn thành năm 2005. Đền thờ Hồi giáo Kul Sharif là nơi thờ tự đạo Hồi lớn nhất châu Âu (không tính nửa châu Âu của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) với sức chứa 6.000 tín đồ. Hai tôn giáo song song tồn tại một cách hòa hợp là một điều rất đáng trân trọng ở đây.

Trong một góc chợ cực kỳ sạch sẽ, thịt lợn và thịt bò bán gần nhau.
Trong một góc chợ cực kỳ sạch sẽ, thịt lợn và thịt bò bán gần nhau.

Đạo Hồi được người Tatar tiếp nhận vào khoảng năm 922, qua bao thăng trầm, ngày nay vẫn là tôn giáo lớn nhất ở đây. Trong khẩu ngữ tiếng Việt, từ “Tác-ta” mang hàm ý chỉ những người rất ghê gớm, dữ dằn nhưng khi tiếp xúc tận nơi, ta mới thấy những người Tác-ta hiền khô, lại thân thiện, không e dè, giữ khoảng cách như nhiều người đến từ các nước Hồi giáo khác. 

Hiếm thấy ở đâu mà thịt heo, một loại thức ăn mà người Hồi giáo không dùng, vẫn được bày bán cùng khu vực với thịt bò, thịt cừu. Sự cởi mở của người Tatar đã khiến họ chung sống hòa thuận với người Nga suốt nhiều thế kỷ, nhưng đồng thời niềm tin tôn giáo lại tạo cho họ lợi thế lớn để làm ăn, hợp tác với các quốc gia Hồi giáo tách ra từ Liên Xô và với các nước Trung Đông giàu có ngày nay.

Trên những con phố đi bộ dài rộng thênh thang, người ta tản bộ tấp nập, dường như không mệt mỏi từ sáng đến tối muộn. Không chỉ cây cối đua nhau trổ lá xanh rì, tích lũy thật nhiều năng lượng trong những ngày hè ngắn ngủi, con người cũng tranh thủ ánh mặt trời chói chang hết sức có thể.

Trong ánh hoàng hôn bên bờ sông Kazanka, những cô gái Nga và Tatar thả tóc bay trong gió đẹp mê hồn, chỉ một số ít kín đáo quấn tóc trong khăn, để lộ những khuôn mặt thật thanh tú. Ai cũng vui vẻ, thanh thoát và tràn đầy sức sống.

Ga Kazansky ở Moskva lúc 11 giờ đêm vẫn tấp nập khách đợi tàu.
Ga Kazansky ở Moskva lúc 11 giờ đêm vẫn tấp nập khách đợi tàu.

Đa dạng ẩm thực

Một hoạt động hè đặc trưng của trẻ em ở Nga là đi trại hè. Mọi trẻ em đều được đi chơi theo chương trình của nhà trường hoặc được bố mẹ gửi tham gia các trại hè ở xa. Cô chú tôi ở Kazan đã hơn 30 năm, hai cậu con trai hè nào cũng đi trại hè.

Năm nay anh lớn đi trại hè ở Sochi miền Nam nắng ấm, đi tàu hỏa 3 ngày 2 đêm mới tới. Cậu em thì đi trại hè gần hơn, cách nhà khoảng 60km nhưng đi hơn một tháng. Tôi theo các bậc cha mẹ người Việt đi “tiếp tế” cho các em ở khu nghỉ hè sâu trong rừng bạch dương.

Các bố mẹ thu gom quần áo của lũ trẻ lấm lem bùn đất đem về giặt và tiếp tế thêm đồ ăn vặt. Tôi lần đầu được gặp cậu em họ của mình, thật vui khi thấy các em đều nói tốt tiếng Việt với bố mẹ dù khi quay ra đùa với nhau, chúng vẫn nói tiếng Nga như gió.

“Cô giáo” của trại hè, quản lý cả lũ trẻ là một sinh viên người Tatar, mắt nâu, tóc nâu dài. Cô nói tiếng Anh rất tốt, kể chuyện rất thật thà, gặp người lạ lần đầu nhưng không hề nói khách sáo, thấy tôi bập bõm mấy câu tiếng Nga, cô hồ hởi bảo ngoài tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Tatar, cô còn biết mấy câu tiếng Ả Rập để đọc kinh. Cô khen các em nhà mình đều nói tiếng Tatar rất giỏi.

Nước Nga vốn là nước đa chủng tộc, đa văn hóa từ lâu đời, trong lời cô giáo nói, không hề có sự phân biệt nào rằng các em là người Việt Nam. Tiếng Tatar mà người Việt gọi tắt là “tiếng Tác”, là ngôn ngữ chính thức ở Tatarstan bên cạnh tiếng Nga, nên học sinh đều học song song hai thứ tiếng, dù tiếng Nga mới là ngôn ngữ chủ yếu dùng hằng ngày trong sinh hoạt và giao dịch.

Ngay cả các gia đình người Tác cũng chỉ nói chuyện chứ ít chú trọng cách viết. Vậy nên mới có chuyện vui mà cô tôi kể rằng, đi họp phụ huynh, mấy bà người Tác cứ khen cậu em tôi: “Này thằng bé nhà chị giỏi thật, tiếng Tác toàn 5 điểm (5 là điểm cao nhất trong thang điểm ở nhà trường Nga), mấy cháu nhà tôi được có... 3”.

Người Việt đến Kazan theo cả diện đi học và xuất khẩu lao động cũng đã định cư được vài chục năm. Có nhiều khu chợ của người Việt, nổi bật nhất có chợ Bà Côi, gọi theo tên người sáng lập. Tôi đến đó, thấy tự hào khi trên tòa nhà ban quản lý chợ có hàng chữ lớn tiếng Nga “Trung tâm thương mại Việt Nam”, bên trong có hàng trăm gian hàng rất ngăn nắp quy củ và đặc sắc “phong cách Việt Nam” y như chợ Bến Thành hay Đồng Xuân vậy.

Một suất ăn trưa kiểu Nga - Tatar trong căngtin của một khu chợ.
Một suất ăn trưa kiểu Nga - Tatar trong căngtin của một khu chợ.

Du học sinh Việt bây giờ và thế hệ thứ hai như các em tôi đều có kết quả học rất tốt ở các trường đại học danh tiếng của Kazan như Đại học Quốc gia Kazan - trường trước đây Lenin từng theo học.

Ẩm thực ở Kazan khá đặc sắc. Ngoài rất nhiều món Nga đặc trưng như pho mát hun khói, cá khô Astrakhan, nước kvass..., vùng Tatarstan có rất nhiều đặc sản. Tất cả các đồ ăn thức uống quen thuộc của người Hồi giáo Trung Đông đều đủ cả, từ bánh mì dẹt, kebab, cơm pilaf đến trà đen, hoa quả khô được tẩm gia vị kiểu Tatar, không quá nồng nàn như các nước Tây Á.

Ngoài ra còn vô số món độc lạ như thịt ngựa, vịt muối, bánh rán Öçpoçmaq hay một món ăn vặt rất phổ biến tên chak-chak, trông như bỏng gạo ở ta nhưng làm bằng bột mì và viên tròn bằng mật ong. Mật ong Nga thơm và ngon vô cùng, với vị ngọt thanh tao dịu dàng.

Trải qua nhiều thăng trầm trong vài chục năm trở lại đây nhưng bản chất hồn hậu của người Nga vẫn không hề thay đổi. Có lẽ một phần nhờ sự giáo dục nhân cách con người từ thuở nhỏ, cả xã hội luôn dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em để các em được lớn lên hạnh phúc và lành mạnh. Kazan và nước Nga còn quá nhiều điều để khám phá, nên hẳn là tôi sẽ phải dành thêm một vài tháng trong những lần trở lại tiếp theo! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận