Truyện ngắn: Vanvild Kava

ISAAC BASHEVIS SINGER 21/02/2020 18:02 GMT+7

TTCT - Ngay từ khi còn trẻ khi ấy, tôi đã kết luận là có vô số hành động của con người diễn ra mà không có động cơ nào. Mà thật ra là, trong văn chương, động cơ luôn làm hỏng câu chuyện.

Ảnh
 

Nếu có giải Nobel cho người viết ít thì Vanvild Kava đã nhận được nó. Cả đời ông chỉ xuất bản một tập sách mỏng và mấy bài báo. Một nửa tập sách ấy là tên các nhà văn và các đầu sách. Tuy thế, ông vẫn là thành viên của Hội Nhà văn Yiddish ở Warsaw và thậm chí còn nằm trong Hội Văn bút.

Khi tôi có thẻ khách mời của Hội Nhà văn thì Kava ở đó đã được nhiều năm. Ông có tiếng là một nhân vật kỳ lạ, nhà phê bình nghiêm khắc nhất có thể. Ông tuyên bố các tác giả kinh điển viết tiếng Yiddish như Sholom Aleichem và Peretz là tài năng nửa vời, Mendele Mocher Sforim thì bất tài. Ông gọi Sholem Asch là một chàng trai trẻ đầy hứa hẹn đã không giữ lời hứa. Anh tôi, I. J. Singer, và bạn tôi, Aaron Zeitlin, ông chỉ xem là những kẻ mới tập tọe. Như một thầy giáo, ông thích cho điểm thành tựu, và ông chấm 2/7 cho cả hai người họ. Tôi không thể mặc cả về anh tôi, nhưng tôi bảo ông Zeitlin là thứ gần nhất với một bậc thầy mà tôi có thể nghĩ đến. Tôi so ông với những nhà văn như Edgar Allan Poe, Lermontov và Slowacki. Nhưng ý kiến của ông về các nhà thơ ấy cũng không quá cao. Ở ai ông cũng nhìn ra lỗi. Kava cho rằng nền văn minh và văn hóa mới tồn tại khoảng năm ngàn năm, nên nền văn chương vẫn còn ở giai đoạn đầu phát triển, thật ra là ở giai đoạn sơ khai. Có thể mất năm ngàn năm nữa một thiên tài văn chương đủ lông đủ cánh mới xuất hiện. Tôi thì cho là mọi nghệ sĩ phải bắt đầu từ đầu; không như khoa học, nghệ thuật không lớn lên nhờ thông tin và phẩm chất của người khác. Nhưng Kava đáp: “Nghệ thuật cũng có những đột biến và chọn lọc, có sự phát triển sinh học của riêng nó”.

Không thể tin một nhà phê bình đầy phẫn nộ như thế lại có thể tồn tại trong Hội Nhà văn Yiddish. Mỗi thứ sáu, trong mục sách của các tờ báo tiếng Yiddish, các bỉnh bút lại hé lộ ít nhất là nửa tá tài năng mới. Kava nghiêm khắc thế nào thì họ khoan dung thế đấy. Sau khi ông sẵn sàng cho tôi 0,003 điểm (khá rộng lượng cho một tên còn chưa ra ràng như tôi), chúng tôi có nhiều cuộc trò chuyện về văn chương. Kava chỉ cho tôi thấy Chiến tranh và hòa bình của Tolstoy có thể rất phong phú và chính xác trong mô tả và đối thoại, nhưng cấu trúc thì nghèo nàn. Dostoevsky có tầm nhìn vĩ đại hơn Tolstoy, nhưng ông chỉ có duy nhất một tác phẩm đỉnh cao - Tội ác và hình phạt. Giá trị của Shakespeare là ở thơ - trong các bài sonnet không nhiều bằng trong số ít các bài thơ xuất hiện trong các vở kịch. Kava thừa nhận Homer, như một tác giả đời đầu, là đọc được. Ông gọi Heine là một nhà văn xủng xoẻng. Trong tập sách của mình, ông liệt kê mọi tác phẩm văn học và khoa học cần dịch sang tiếng Yiddish để nó không chỉ là một phương ngữ. Các nhà Yiddish chủ nghĩa coi ông là kẻ thù tồi tệ nhất, nhưng các dịch giả chuyên nghiệp thì ca ngợi ông. Một số văn nghệ sĩ cảm thấy Kava nên bị đuổi ra khỏi Hội Nhà văn Yiddish, những người khác thì bảo vệ ông, nói ông quá ngớ ngẩn để có thể lấy đấy làm trọng.

***

Số phận và bản thân Kava đã làm hết sức để cho ông dáng vẻ của một chú hề. Ông nhỏ thó, hốc hác, miệng méo xệch lệch khỏi mép. Những kẻ thích đùa trong Hội Nhà văn chuyên môn nhại ông, những phát biểu cực đoan của ông, cách dùng những cụm từ khoa học và phong cách nói chuyện mô phạm của ông. Với Kava, Freud đơn thuần là một tên tài tử còn Nietzsche thì là một triết gia quèn. Hội thích châm chọc thì đặt cho ông biệt danh là Diogenes - kẻ hoài nghi.

Kava sống bằng những đồng lẻ. Nguồn thu duy nhất của ông là từ việc làm thay cho những người đọc bông của các tờ báo Yiddish khi họ nghỉ hè. Nhưng giới thợ sắp chữ hoàn toàn ngó lơ những chỉnh sửa của ông, bởi ông có những quan niệm riêng về ngữ pháp và cú pháp. Ông mang cả bách khoa toàn thư, các bộ từ vựng và từ điển đến tòa soạn. Các chủ biên thì cho rằng nếu làm theo mọi chỉnh sửa của Kava thì các tờ nhật báo chỉ có thể ra được ba tháng một lần.

Chẳng cần phải nói, Kava là một lão độc thân. Ai sẽ lấy một người như Vanvild Kava? Hè cũng như đông, ông đi một đôi giày bạc, áo choàng đến mắt cá chân, cổ áo cứng thường gọi là cổ “kẻ giết cha”. Tôi được biết là trong túi áo vét ông để một cái đồng hồ bấm giờ thay vì đồng hồ xem giờ. Nếu có người hỏi giờ thì ông sẽ nói, “5 giờ kém 1 phút 25 giây.” Khi đọc bông, ông dùng kính lúp của thợ đồng hồ. Kava sống trong một căn phòng gác mái nhỏ tầng năm, mọi bức tường đều được lót bằng sách. Mỗi lần đến Hội Nhà văn, ông đều không gọi gì ở quầy phục vụ, ngay cả một tách trà cũng không. Ông đã tìm ra một khu chợ để có thể mua bánh mì đen, phô mai và hoa quả với giá gần như cho không. Người ta nói ông tự giặt đồ rồi ép phẳng bằng những chồng sách nặng trong thư viện. Thế mà quần áo ông không bao giờ có lấy một vết bẩn. Ông có một hệ thống những lưỡi dao cạo bén ngọt đặt trên một tấm kính. Vanvild Kava là một người khổ hạnh - không phải nhân danh tôn giáo, mà nhân danh phiên bản thế giới của chính ông.

Rồi một hôm, cả Hội Nhà văn bỗng xôn xao. Kava đã cưới. Cưới ai? Một cô gái trẻ xinh đẹp. Phải biết rõ Hội Nhà văn Yiddish và thói ngồi lê đôi mách của họ mới nhận ra được cơn rúng động mà mẩu tin này tạo ra. Ban đầu ai cũng coi đó là trò đùa. Nhưng chẳng mấy mà họ nhận ra là không phải. Những người đọc bông và thợ sắp chữ đã đăng lời chúc mừng trên báo. Một ngày nọ, Kava đưa vợ mới cưới đến Hội Nhà văn vào đúng giờ ông đến mỗi ngày - 11h17. Cô trông mới cuối đôi mươi, ăn vận thời trang, tóc đen, ngắn, móng tay sơn bóng. Cô nói sõi cả tiếng Ba Lan lẫn tiếng Yiddish. Những người có mặt ở Hội Nhà văn hôm đó chỉ có thể há hốc miệng. Kava gọi hai ly cà phê và chút bánh cho mình và người bạn đời. Khi họ ra về, đúng 12h17, cả hội rầm rầm phấn khích. Nhiều giải thích và lý thuyết được đưa ra tại chỗ. Tôi chỉ nhớ có một - Kava là một tên Rasputin Yiddish, một gã biết làm phép lạ tình dục. Nhưng thuyết này lập tức bị bác là vô lý. Gã nào trong Hội Nhà văn cũng xem những gã khác là bất lực. Kava không thể là ngoại lệ.

Suốt nhiều ngày, nhiều tuần, Hội Nhà văn Yiddish đã bận rộn giải câu đố này, nhưng rồi nó cũng xẹp đi ngay khi tìm ra được lời giải. Có một số nhà văn biết tôi thân với Kava, tôi cũng tăng được vài phân số trong thứ hạng của ông, và họ nằng nặc đòi tôi cung cấp vài hiểu biết. Nhưng tôi thì cũng hoang mang như họ mà thôi. Không ai dám tiếp cận Kava mà hỏi những câu hỏi cá nhân. Có một sự kiêu hãnh không cho phép có sự thân mật trong người đàn ông nhỏ bé này.

Rồi có chuyện xảy ra. Một cô gái mà tôi đến chơi nhà có một người bạn ở thị trấn Pulava. Pulava có một nhà in lớn, nơi một số cuốn tiếng Yiddish được in. Người dân thị trấn cũng tự hào là họ có một vài nhà văn và dịch giả. Cô gái ở Pulava là bạn của vợ Kava, rồi một hôm cả hai cùng đến chơi nhà bạn gái tôi trong lúc tôi ở đó. Đó là một cơ may bất ngờ. Tôi đã ăn tối với một người có phần bí ẩn. Cô có vẻ thông minh và khéo léo, không có gì khó hiểu trong hành vi. Chúng tôi nói chuyện chính trị, văn chương và nhóm văn sĩ ở Pulava. Ăn tối xong, cô Kava châm một điếu thuốc và nói chuyện với tôi trong khi hai người kia rửa bát đĩa. Tôi nói: “Có điều này tôi muốn hỏi, nhưng cô đừng để bụng nếu nó quá riêng tư. Cô thực sự không cần trả lời nếu...”

“Tôi biết anh muốn hỏi gì”, cô ngắt lời. “Sao tôi lại lấy Kava. Ai cũng hỏi tôi thế. Tôi sẽ nói anh nghe tại sao. Tôi đâu còn non nớt, tôi biết đàn ông mà, nhưng đám đàn ông mà tôi xấu số gặp phải đều làm tôi chán ngán. Không ai có lấy một ý kiến riêng. Họ đều nói những lời xã giao mà đám thanh niên vẫn nói với các cô gái. Họ nhắc lại gần như nguyên xi các bài xã luận trên báo, đọc tất cả những cuốn mà các nhà phê bình khen ngợi. Có người cầu hôn tôi, nhưng làm sao tôi có thể sống với một người làm tôi ngáp ngay lần gặp đầu tiên? Trò chuyện với một người đàn ông, cái đó rất quan trọng với tôi. Tất nhiên anh ta thì phải là đàn ông, nhưng đó không phải tất cả. Rồi tôi gặp Vanvild Kava và thấy ở anh ấy mọi phẩm chất mà tôi đã tìm kể từ lúc lớn lên - một con người có kiến thức và lập trường riêng. Tôi bắt đầu chơi cờ từ năm 12 tuổi và tôi đoán anh biết Kava là một kỳ thủ xuất sắc. Anh ấy có thể trở thành một kiện tướng nếu dành đủ thời gian. Đương nhiên là anh ấy già hơn tôi, và nghèo hơn, nhưng tôi chưa bao giờ tìm người giàu có. Tôi kiếm sống bằng nghề giáo và không cần hỗ trợ. Tôi không biết anh nghĩ sao về tác phẩm của anh ấy, nhưng tôi xem anh ấy là một nhà văn xuất sắc. Tôi mong là ở gần tôi anh ấy sẽ làm việc thường xuyên và cho ra những tác phẩm tốt. Đó là những gì tôi có thể nói cho anh”.

Từng lời của cô Kava đều thể hiện sự quyết đoán. Đó là lần đầu tiên có người nói về Kava mà không cười nhạo ông và chế giễu phong cách của ông. Tôi bảo cô là tôi biết Kava và ngưỡng mộ sự uyên bác cũng như những ý kiến mạnh mẽ của ông, dẫu đôi khi chúng có quá cực đoan. Cô nói: “Anh ấy rất độc đáo. Không bao giờ tầm thường. Vấn đề là anh ấy viết bằng tiếng Yiddish. Bằng một thứ tiếng khác anh ấy sẽ được đánh giá cao, bất kể họ có đồng ý với anh ấy hay không”.

Hôm sau, tôi đến Hội Nhà văn và khi tôi nói với đám bạn thân về cuộc gặp với vợ Kava và nhắc lại những lời cô nói, trông họ đều thất vọng. Một người hỏi: “Sao có thể yêu một người như Kava?”. Và tôi cho cậu ta câu trả lời thường lệ: “Đâu có ai quyết định ai có thể được yêu còn ai thì không”.

***

Một thời gian sau, tôi cũng không còn đến ngôi nhà nơi tôi gặp vợ Kava và những lần Kava đến Hội Nhà văn cũng thưa hẳn đi so với những năm ông còn độc thân. Tin duy nhất tôi nghe về ông là ông đã thôi làm nghề đọc morase thay. Tôi bắt đầu tin là ông đã sống êm đềm với người phụ nữ này và có lẽ còn viết được cái gì đó giá trị. Tôi không nghi ngờ gì chuyện ông ấy có tiềm năng văn chương rất lớn. Một người đòi hỏi nhiều như thế ở những người khác thì có thể cũng đòi hỏi tương tự ở bản thân trong những hoàn cảnh phù hợp.

Nhưng rồi một chuyện lạ thường xảy ra mà đến bây giờ, 40 năm sau, tôi vẫn còn bối rối. Một hai năm sau đó, bạn tôi Aaron Zeitlin đã trở thành chủ biên một tờ quý san, mời tôi vào làm phó. Chúng tôi đang tìm một tiểu luận quan trọng về nền văn chương Yiddish hay văn chương nói chung cho số đầu tiên, và tôi đề xuất với Zeitlin là mời Kava góp bài. Ban đầu, Zeitlin ngần ngại. “Kava mà không phải ai khác?” - anh ta nói - “Thứ nhất, ông ấy sẽ cần một đến hai năm để viết. Thứ hai, ông ấy sẽ làm thịt tất cả. Làm như thế, chúng ta sẽ mang tiếng ngay từ đầu”. Nhưng tôi đáp: “Không chắc. Tôi có ấn tượng là kể từ khi kết hôn ông ấy đã thay đổi. Nhưng ngay cả khi ông ấy có xé mọi người thành từng mảnh thì chúng ta vẫn có thể ghi chú là chúng ta không đồng tình. Nó thậm chí có thể giúp tạp chí đưa ra cái gì đó hoàn toàn trái ngược”.

Sau một hồi thương thuyết, tôi cũng thuyết phục được Zeitlin, với điều kiện Kava phải đồng ý với một chú thích bảo lưu ý kiến sau cùng, và ông cũng phải ra hạn nộp bài cụ thể. Tôi mừng là Zeitlin đã để mình bị thuyết phục. Không hiểu sao tôi cảm thấy Kava sẽ làm chúng tôi ngạc nhiên.

Tình cờ là ngày hôm sau Kava cũng đến Hội Nhà văn, và khi tôi đưa ra đề nghị này trông ông có vẻ run rẩy. Ông nói: “Cậu nhờ tôi viết bài đinh sao? Tôi đã bị trục xuất khỏi nền văn học Yiddish nhiều năm rồi. Cái tên Kava đâu có nuốt được. Bỗng nhiên cậu lại đi chọn tôi”.

Tôi trấn an Kava là cả Zeitlin lẫn tôi đều rất coi trọng ông. Tôi xin ông đừng đòi hỏi điều không thể có ở các nhà văn và tôi cũng trấn an ông là chúng tôi sẽ không sửa chữa gì bài viết của ông. Cùng lắm là chúng tôi sẽ thêm một chú thích là chúng tôi không đồng tình. Vậy thôi.

Sau nhiều do dự, Kava đồng ý viết bài và cho tôi ngày nộp. Ông hứa là dù thế nào bài viết cũng sẽ không dài quá 50 trang. Tôi bảo Kava là tôi có linh cảm tiểu luận này sẽ là một bước ngoặt trong sự nghiệp văn học của ông. Kava nhún vai và nói cái kiểu cộc lốc của ông: “Đợi xem”.

Thời gian nộp bản thảo đã gần nhưng chúng tôi vẫn chưa nghe lời nào từ Kava. Ông đã thôi đến Hội Nhà văn, theo tôi là dấu hiệu cho thấy ông đang bận viết bài. Một hôm, ông gọi điện cho tôi. Ông đề nghị gia hạn hai tuần. Tôi hỏi ông viết đến đâu và ông nói: “Tôi e là nó sẽ dài hơn 50 trang đấy”.

“Dài hơn bao nhiêu?” - tôi hỏi.

“Chín trang rưỡi”.

Tôi biết Zeitlin sẽ nổi nóng với tôi. 50 trang đã là quá dài. Nhưng tôi biết là tác phẩm tốt thì cả độc giả lẫn các nhà phê bình đều chấp nhận mọi độ dài. Có lúc tôi muốn hỏi Kava cho tôi xem thử bài viết nhưng tôi quyết định không tỏ ra thiếu kiên nhẫn. Khi tôi kể lại chuyện cho Zeitlin, anh ta nói: “Tôi sợ Kava sẽ mang cho chúng ta không phải 59 trang rưỡi mà là 59 dòng rưỡi”.

***

Thời hạn đã đến và tôi gặp Kava ở Hội Nhà văn. Ông mang theo bản thảo. Nó dài 59 trang rưỡi. Tôi có thể thấy nó có nhiều tẩy xóa cũng như những câu trích dẫn bằng tiếng Đức, tiếng Pháp, thậm chí cả tiếng Anh, và đó có thể là vấn đề cho một nhà in tạp chí tiếng Yiddish. Ngoài ra, các dòng còn viết sít nhau đến mức 59 trang rưỡi viết tay có thể dài đến 80 trang in. Ông nói: “Tôi đưa cho cậu cái này với điều kiện cậu không được đọc ở đây, về nhà mà đọc một mình. Rồi cậu mới được đưa cho Zeitlin”.

Tôi cầm bản thảo và chạy hết tốc lực về nhà. Tôi bị ám bởi mong muốn chứng tỏ với Zeitlin là mình đã đúng. Vừa về đến phòng là tôi quăng mình lên đivăng ngay và bắt đầu đọc. Tôi đọc ba bốn trang đầu và mọi thứ đều làm tôi hài lòng. Kava mở đầu bằng một đặc trưng của văn chương nói chung và của sáng tác tiếng Yiddish nói riêng. Văn phong đúng mực, câu cú ngắn gọn, súc tích. Tôi chưa bao giờ đọc một bản thảo mà thấy khinh khoái như đọc năm trang đầu ấy. Ở trang 6, Kava viết về một nhà văn “thuần huyết”. Ông đặt cụm từ này trong ngoặc, lưu ý nó được dùng để phân loại ngựa đua, chứ không phải để đánh giá tài năng. Thật kỳ lạ nếu trong tiếng Yiddish, chứ không phải ngôn ngữ nào khác, cụm từ này lại được dùng cho các cấp bậc đầu óc.

Tôi đọc tiếp và ngạc nhiên thấy Kava đi quá sâu vào lời giải thích cái cụm từ vay mượn này. Đây chắc chắn là một phần lạc đề có thể cắt bỏ, tôi nghĩ, nếu Kava không phiền. Nhưng càng đọc tôi càng bối rối. Kava đã viết cả một tiểu luận về ngựa - ngựa Ả Rập, ngựa Bỉ, ngựa đua, ngựa Appaloosa. Tôi đọc những cái tên chưa thấy bao giờ. Tôi thực sự không thể tin vào mắt mình. “Mình đang mơ chăng”, tôi tự nhủ. Tôi tự véo má để chắc chắn đây không phải một cơn ác mộng. Vanvild Kava đã nghiên cứu rất sâu, trích dẫn nhiều cuốn sách, cho một bài viết về ngựa, sinh lý học, giải phẫu, hành vi của ngựa, các phân loài của ngựa. Ông còn thêm vào cả một danh mục tham khảo. “Ông điên chăng?” - tôi tự hỏi - “Hay đây là một cú chơi khăm?”. Ý nghĩ tôi phải mang bản thảo này cho Zeitlin làm tôi rùng mình. Dĩ nhiên là chúng tôi không bao giờ có thể cho đăng. Tôi sẽ phải nuốt lời mà đem bản thảo trả cho Kava. Trong cơn bực, tôi lại thấy tức cười.

Sau một lúc ngẫm nghĩ, tôi đến chỗ Zeitlin. Tôi sẽ không bao giờ quên vẻ nhăn nhó của anh khi đọc đến trang Kava bắt đầu dây cà ra dây muống từ cụm từ “thuần huyết”. Anh nhướng đôi lông mày nhuốm vàng lên và không hạ xuống cho đến khi đọc xong. Trong một lúc, gương mặt anh phản chiếu một sự pha trộn giữa trớ trêu và kinh hãi. Rồi tôi thấy trong mắt anh cái gì như nỗi buồn của một vị bác sĩ khi bệnh nhân đến khám cảm lạnh rồi hóa ra đó là một khối u ác tính. Anh bảo tôi: “Tôi bảo cậu thế nào? Cậu có thể mong chờ cái gì khác ở Kava chứ?”.

Tôi không còn lựa chọn. Tôi phải trả bản thảo. Tôi hỏi Kava sao ông lại làm thế và cầu xin ông cho tôi một lời giải thích. Ông ngồi đó, bất động và tái nhợt. Rồi tôi nghe ông nói: “Tôi đã bảo cậu rồi, tôi đã bị trục xuất khỏi nền văn học Yiddish. Đừng đến mời tôi viết nữa. Tôi sẽ phải sống nốt những năm còn lại mà không có tờ tạp chí của cậu”. Có lúc tôi định gọi cho cô Kava để kể về nỗi khó xử của mình, nhưng tôi chắc là cô biết chuyện và rất có thể sẽ bảo vệ chồng mình. Qua năm tháng, một cái nhìn lệch lạc về mọi chuyện có thể trở nên lây nhiễm.

Kava đã rất tử tế không tuyệt giao với tôi sau sự vụ ấy. Không ai trong chúng tôi nhắc đến chuyện ấy nữa. Nhiều tháng liền tôi thức giấc giữa đêm và tự hỏi: Đây có phải một hành động khổ dâm? Một kiểu điên rồ? Nếu vậy thì thuộc loại nào? Tâm thần phân liệt? Hoang tưởng? Lão hóa sớm? Một điều rõ ràng: Kava đã đặt một khối lượng lớn công việc và nghiên cứu vào bài viết vô dụng ấy. Không ai trong giới văn chương Yiddish có hứng thú dù là nhỏ nhất với ngựa. Ngay từ khi còn trẻ khi ấy, tôi đã kết luận là có vô số hành động của con người diễn ra mà không có động cơ nào. Mà thật ra là, trong văn chương, động cơ luôn làm hỏng câu chuyện.

Năm 1935, khi tôi rời đến Mỹ, ban Yiddish ngữ của Hội Văn bút xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay của tôi, Satan ở Goray. Ban điều hành thuê Kava đọc bông và viết lời tựa cho tôi. Tôi sợ ông sẽ tìm thấy vô số lỗi trong sách và dùng lời tựa cho một số quan niệm kỳ dị của ông. Nhưng ông không gây khó dễ gì trong bản thảo và lời tựa thì ngắn và vào thẳng vấn đề. Không, Kava không điên. Tôi có cảm giác chuyên luận về ngựa là cuộc vui cuối cùng của ông trong sự phi lý. Ngay sau đó, tôi rời đến Mỹ.

Thỉnh thoảng tôi lại cố nắm bắt xem điều gì có thể là ý nghĩa trong hành động kỳ quái của Kava, nhưng tôi biết là nếu có ý nghĩa nào thì nó cũng đang trú ngụ ở nơi Vanvild Kava đang ở bây giờ - trong cái gọi là Khôn Cùng.■

Nguyễn Huy Hoàng

(dịch từ bản tiếng Anh do chính tác giả dịch từ tiếng Yiddish)

Isaac Bashevis Singer sinh năm 1904 ở một ngôi làng gần Warsaw, Ba Lan, lớn lên trong khu Do Thái nói tiếng Yiddish của thành phố. Dù ban đầu cân nhắc trở thành thầy đạo như cha mình, Singer đã từ bỏ nghiên cứu tôn giáo trong những năm tuổi hai mươi để theo đuổi sự nghiệp văn chương. Năm 1935, khi mối đe dọa của Đức Quốc xã ngày càng đáng ngại, Singer chuyển đến Mỹ. Tuy xuất bản nhiều tiểu thuyết, sách thiếu nhi, hồi ký và tiểu luận, ông nổi tiếng nhất với tư cách nhà văn viết truyện ngắn. Ông được trao giải Sách quốc gia Mỹ cho tác phẩm hư cấu năm 1974 và giải Nobel văn chương năm 1978. Ông qua đời ở Florida năm 1991.

Ảnh
 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận