Lại cãi nhau về chuyện tiền và hạnh phúc

TRÚC ANH 16/07/2020 23:07 GMT+7

TTCT - Không hẹn mà gặp, ba nghiên cứu độc lập từ Anh, Mỹ, Úc vừa công bố đều đưa ra các nhận định khác nhau về câu hỏi gây tranh cãi muôn đời: tiền có mua được hạnh phúc?



Ảnh: WSJ
Ảnh: WSJ

Nghiên cứu “The Expanding Class Divide in Happiness in the United States, 1972-2016” (Tạm dịch: Khoảng cách giai cấp ngày càng tăng xét về hạnh phúc ở Mỹ giai đoạn 1972-2016) công bố trên tập san Emotion cuối tháng 6 cho thấy tương quan (correlation) giữa địa vị kinh tế - xã hội (thu nhập, giáo dục và uy tín nghề nghiệp) và hạnh phúc của người từ 30 tuổi trở lên đã tăng đều đặn trong vài thập niên qua.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Tổng điều tra xã hội (GSS), khảo sát quốc gia dài hơi nhất ở Mỹ, với 44.198 người trưởng thành tham gia trong giai đoạn nói trên. GSS hỏi những người tham gia tính đến mọi yếu tố trong đời sống và tự đánh giá mình đang “rất hạnh phúc”, “khá hạnh phúc” hay “không hạnh phúc lắm”.

Nghiên cứu chia người trả lời thành các nhóm theo thu nhập, sau đó so sánh các câu trả lời về hạnh phúc thu được trong 44 năm. Kết quả cho thấy người trưởng thành ở nhóm có thu nhập hộ gia đình cao nhất năm 2016 (ít nhất 108.410 USD) có xác suất trả lời “rất hạnh phúc” cao hơn 5% so với nhóm thu nhập cao liền kề bên dưới.

“Hạnh phúc hiện tại có liên hệ mạnh mẽ với thu nhập hơn so với tương quan vào thập niên 1970 và 1980 - Jean Twenge, trưởng nhóm nghiên cứu, nói với FOX Business - Vì thế, tiền bây giờ mua được hạnh phúc nhiều hơn so với trước đây”.

Trong một phỏng vấn khác với The Washington Post, Twenge cho biết mức độ hạnh phúc của người có thu nhập thấp giảm có thể do các nguyên nhân như bất bình đẳng ngày càng nhiều, giá trị bất động sản tăng mạnh và khả năng chi trả cho giáo dục của họ ngày càng giảm.

Các kết quả nói trên thách thức nhận định “tiền không mua được hạnh phúc” của nhiều nghiên cứu trước đó. Chẳng hạn, báo cáo công bố năm 2010 của Đại học Princeton cho rằng từ mức 75.000 USD/năm, thu nhập có tăng thì cũng không đi kèm với hạnh phúc hơn. Ngược lại, Twenge cho rằng nghiên cứu của họ cho thấy “hạnh phúc liên tục tăng khi thu nhập tăng, ngay cả với các mức thu nhập cao”.

Trong khi đó, nghiên cứu của Hãng Raisin UK, dựa trên dữ liệu thống kê quốc gia của Anh, cho thấy mức lương trung bình của mười thành phố hạnh phúc nhất nước Anh là 33.864 bảng mỗi năm, đồng nghĩa với việc chỉ cần kiếm được từ 30.000 bảng trở lên là có thể “thực sự hạnh phúc”, theo Yahoo! Finance ngày 5-7.

Thành phố Winchester, hạt Hampshire đứng đầu nhóm mười thành phố hạnh phúc nói trên và cái giá để hạnh phúc ở đây là 35.346 bảng. Nếu áp cách tính này vào quy mô toàn cầu thì để hạnh phúc, ta chỉ cần kiếm được 64.000 bảng/năm, vì lương trung bình của mười quốc gia hạnh phúc nhất thế giới theo ONS Happy Planet Index là 64.057 bảng.

Thế thì cứ nhiều tiền là hạnh phúc thật sao? Kevin Mountford, đồng sáng lập Raisin UK, nói kỹ hơn về ngụ ý của nghiên cứu: “Mặc dù nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tiền có thể mua hạnh phúc, song điều này không phải lúc nào cũng đúng trong đời thực. Tuy nhiên, tiền thật sự giúp giảm căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày, mà điều này về lâu dài có thể giúp tăng tuổi thọ”. 

Mountford cũng nói thêm rằng nghiên cứu nói trên chỉ để “giúp bạn chọn thành phố nào ở Anh hay quốc gia nào trên thế giới để có thể sống hạnh phúc nhất”.

Cuối cùng là nghiên cứu công bố trên tập san SSM - Population Health hồi tháng 4, khảo sát trên 14.000 người Úc trưởng thành trong suốt 16 năm, cho thấy các sự kiện tích cực trong đời sống như hôn nhân, nghỉ hưu, sinh con, tăng thu nhập có làm tăng mức độ hài lòng về cuộc sống, nhưng chỉ có tác dụng tạm thời. 

Ngược lại, các biến cố như vợ/chồng hay con cái qua đời, mất mát tiền bạc, bệnh tật lại có ảnh hưởng dài lâu hơn. “Hôn nhân và tiền bạc giúp tăng nhưng không dẫn đến hạnh phúc lâu bền” - nhóm tác giả nghiên cứu viết trên The Conversation.

Các nhà nghiên cứu Úc khuyên cách tốt nhất không phải tăng những thứ làm mình hài lòng với cuộc sống hơn, mà phải tránh những thứ khiến ta kém hạnh phúc đi, chẳng hạn tập trung vun đắp các mối quan hệ vững chắc, giữ gìn sức khỏe và học cách đối diện với mất mát về tài chính. Một bổ sung cần thiết cho hai luồng quan điểm về chuyện tiền và hạnh phúc nêu trên.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận