Chuyện mất group đầu năm học

MẠCH NHA 18/09/2020 21:09 GMT+7

TTCT - "Cô mày thế là không được, group của trẻ con nó có sẵn từ lớp trước sao cô vào chiếm lại còn nói ngang ngược, đàn áp; sao cô không tự lập một group mới và mời bọn trẻ vào? Và sao cô mày dại thế, không dùng cái group ấy mà theo dõi tâm tư học trò?..."

Minh họa
 

Giữa lúc Covid-19 ập đến vào đầu năm khiến các gia đình chao đảo như đi tàu bay bị lắc, bọn lớp Tí lại hưởng một niềm vui “lan tỏa” là nghỉ tết lâu chưa từng thấy và nghiễm nhiên được dùng Facebook để học online. 

Đến khi vào lại học kỳ II, mỗi đứa đã đàng hoàng một tài khoản mạng xã hội, thao tác thoăn thoắt và ngôn ngữ giao tiếp rất sành điệu, đã có thể mặt lạnh tanh mà thả biểu tượng trái tim đỏ chói làm ấm lòng kẻ bên kia. Bố mẹ thấy con vào mạng ngang nhiên thì cay đắng lắm mà không biết làm sao.

Lớp 7A3 của Tí ngay từ đầu đã lập một group trên Facebook, lấy tên là Binh đoàn Thiếu niên 7A3. Mẹ Tí trước cũng vào xem, về sau không thể kiên nhẫn với kiểu nhắn tin qua lại của bọn thiếu niên thừa thời gian: chúng nó cứ một câu thì phải kéo đến 10 tin cả nội dung lẫn biểu tượng chèn vào; chúng lại đúng là những kẻ quen với việc lời nói không được lắng nghe nên nói gì cũng phải lặp lại bốn, năm lần; chúng còn giống nhau đến kỳ lạ và đáng chán, như thành viên của một hội kín khổng lồ, tự giác tuân theo một thứ đồng phục về ngôn ngữ, cảm xúc.

Trong mớ “đồng loạt mà hỗn loạn ấy”, mẹ Tí không thể dõi theo được Tí. Tí như một con cá nhợt nhạt được thả vào một cái ao, thoắt một cái là mất dấu, không tìm ra nữa.

Nhưng chính cái group ấy đã giúp bọn lớp 7A3 nắm được thông tin của nhau trong suốt thời gian nghỉ ở nhà, đến nỗi bạn lớp trưởng còn định đổi tên thành “Xa mặt mà chẳng cách lòng” nhưng dài quá nên bị gạt đi. Trong group, các bạn gái đưa ảnh trông xinh hẳn và mời mọi người mua ủng hộ đồ buộc tóc với vòng tay tự làm, các bạn trai thông báo về bản nhạc nào mới nổi mà “anh em” cần nghe ngay cho kịp trào lưu. Group vui khiến bọn trẻ nôn nóng mong ngày được đi học.

Và khi năm lớp 7 kết thúc bước vào hè, không khí cả lớp trên group vẫn cứ thế mà sôi nổi, đến gần ngày nhập học lớp 8 mọi người cũng kịp thời thông báo cho nhau việc mua đồng phục, bao tập, cả thông tin con chó già của bác bảo vệ đã qua đời. Quả là nhờ có group ấy mà “xa mặt nhưng chẳng cách lòng”.

Thế rồi ngày nhận lớp đã đến. Cô chủ nhiệm chính là một người khét tiếng trong trường về độ “ra tay kịp thời”. Cô vào lớp và dằn mặt luôn một số “lão làng”, phong tước ngay cho một vài “hiền sĩ”.

Và kinh hoàng nhất, không biết kẻ nào đã cho cô biết về group Binh đoàn Thiếu niên, lại còn add cô vào. Thông báo đầu tiên của cô là group này từ nay thành group chuyên cho học hành, chỉ để thông báo lịch học, bài học; ngừng mọi tán dóc tán láo trên này. Cô đề nghị các bạn hãy like để chứng tỏ đã xem, đã hiểu và sẽ làm theo.

Khi tin nhắn này hiện lên, Tí đang ngủ chưa dậy. Mẹ Tí nghĩ bụng, nên like hay không like? Nếu không like thì mình “giết” con mình à? Nếu like thì mình biến con mình thành kẻ phản bội à? Nhưng nghĩ bụng thôi cô đã “rắn” thế, lập group mới cũng là việc dễ dàng, mẹ Tí like luôn cho lành. Trong nháy mắt đã có 14 kẻ like như mẹ Tí.

Đến trưa, Tí thán phục báo với mẹ, có tới hơn chục đứa vào group đồng thanh phản đối bằng cách đưa lên một “mật ngữ”, kèm hình một con chó tai dài ôm mặt khóc nức nở, mà theo Tí phiên dịch thì nghĩa là “toang”, là “mất trắng”. Nhìn thì đủ biết chúng nó có rủ nhau mới làm giống hệt nhau. Mẹ Tí nói với Tí, “Không xong rồi! Thôi con đừng hùa với các bạn nhé”.

Quả là có biến. Đến chiều thì cô chủ nhiệm vào group. Cô gửi tin đanh thép: “Ban cán sự lớp truy ngay cho cô các tài khoản trên là bạn nào trong lớp”. Lập tức có hai ba kẻ ra hàng, lời lẽ thành khẩn rất đầy đủ chấm phẩy của phụ huynh, thưa tại vì con chỉ muốn chơi với group này một lần chót, thưa tại con giỡn lố thôi chứ không có ý gì đâu ạ...

Chuyện chẳng hiểu sao lại đến tai bà nội Tí. Bà vốn lão thành cách mạng đã gia nhập hàng ngũ Facebook, bảo cô mày thế là không được, group của trẻ con nó có sẵn từ lớp trước sao cô vào chiếm lại còn nói ngang ngược, đàn áp; sao cô không tự lập một group mới và mời bọn trẻ vào? Và sao cô mày dại thế, không dùng cái group ấy mà theo dõi tâm tư học trò? Để tao viết thư cho cô mày mới được.

Mẹ Tí và Tí hết sức vất vả ngăn cản bà, giờ mới hiểu thế nào là ngăn một dòng thác cách mạng, bảo với bà thôi đừng nóng, bọn trong lớp sẽ lập một group mới ngay bây giờ ấy mà và lần này sẽ không đứa nào add cô chủ nhiệm vào nữa đâu. Bà nói, được, tao sẽ để ý chuyện này, không thể để trẻ con quen với việc bị cướp trắng như thế được. Riêng thằng Tí cứ ngồi yên đấy.

Tí, như một trang nam tử hiện đại đúng nghĩa, tức là được các thể loại phụ nữ bảo vệ bằng mọi hình thức, đã im lặng mà hít thở đợi một số kẻ dại dột và manh động trong lớp lập group mới là ào vào ngay. Nhưng cái bọn ngây thơ kia vẫn chưa biết phân biệt ảo - thực, vẫn bám vào group cũ như ngôi nhà cũ có thực trên mặt đất. Chúng vẫn luẩn quẩn đi về và gọi nhau, thông báo cho nhau những tin vớ vẩn.

Và mặc cho cô đưa thêm một lời đe dọa nữa là sẽ phải chép phạt nội quy 5 lần, vẫn có những đứa lẩn thẩn vào rủ nhau mang cầu lông lên trường và hẹn nhau sau ngày học đầu tiên cùng nhau đi ăn ốc xào 7 món.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận