Nhảy chui

LÊ MINH HÀ 13/10/2020 06:10 GMT+7

TTCT - Không thành phong trào gì cả, nhưng có một thời Hà Nội dặt dìu những bước nhảy chui.

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

Nhảy dây, nhảy ngựa, nhảy lò cò, tuổi bé ai chả biết. Nhưng tuổi bé thời tôi thì chưa biết khiêu vũ cũng là nhảy. Khiêu vũ, nghe nó sang trọng và xa cách. Đến nỗi nghe cụ trẻ trong họ kể chuyện về phong trào khiêu vũ quần chúng sau năm 1954 ở Hà Nội, tôi nghĩ thầm, cái lịch lãm mà bê ra hè phố thì đúng là hè phố cũng khó mà sang lên được, dẹp là đúng rồi. 

Cụ trẻ tôi nếu còn sống thì tuổi vào hàng ông trẻ của cao bồi phố cổ bây giờ. Thời bao cấp quăng can đi rồi nhưng ra đường cụ vẫn mũ phớt nan mùa hè, mũ nồi dạ mùa đông. Mặc dầu nhân dân chỉ có bốn mét vải tem phiếu mà không biết làm cách nào cụ vẫn ăn mặc cực sang. Chưa bao giờ tôi thấy cụ diện đại cán, và cái lần gặp cụ trong bộ com lê đũi trắng ngà dịp lễ 2-9 đầu thu năm ấy đã khiến tôi không còn thấy ai đàn ông mình biết mặc com lê đẹp nữa. Thế còn may, nhiều ông diện com lê cà vạt giày đen kính trắng nhìn cứ như con ve sầu cánh non hở mông.

Kể chuyện quần chúng khiêu vũ quanh Bờ Hồ, cụ trẻ tôi chỉ cười cười thở dài khi bị cụ bà nguýt. Cụ là chân khiêu vũ có hạng thời trước hòa bình lập lại, nghe cóc nhảy đôi ba chuyện cụ kể, từ nhãn giày nào lướt êm tới sàn gỗ phải xoa rắc gì cho không trượt, từ chuyện khuy áo com lê gài mở ra sao khi đứng, khi ngồi, tới chuyện ngón tay út đặt thế nào lúc cầm ly rượu, bàn tay phải vừa thân ái vừa hờ hững thế nào khi đặt ở eo ai, thấy ngại quá cái nghệ thuật không có nơi nào để học ấy trong thời mình đang sống. 

Thế nên dù cụ chẳng hề có ý dè bỉu hãnh diện gì khi kể chuyện xưa mà mình không được sống qua, tôi đã thầm tự biết rằng giả dụ Hà Nội tự dưng bên cạnh phong trào ca khúc chính trị lại có phong trào nhảy quần chúng tương tự như hồi mới hòa bình lập lại, thì mình cũng sẽ không gia nhập. Có những thứ không có thì thôi, tốt nhất là cứ để nó trong mơ ước chứ không cần phải hiện thực hóa bằng những gì từa tựa nó.

Tôi cứ tưởng thế, thế mà rồi không.

Không thành phong trào gì cả, nhưng có một thời Hà Nội dặt dìu những bước nhảy chui. Mà lạ thay, cụ trẻ tôi cũng biết, lại còn tự bình rằng cái món disco ấy cụ chưa biết, nhưng cũng chả khó gì miễn có sức để chịu được tiếng ồn và sự thiếu khí lúc quá đông người. Nhưng ai lại đi mời cụ cho cụ thử. Đã bảo là nhảy chui mà.

Trò nhảy nhót này chỉ phổ biến ở đám sinh viên học sinh mười bảy mười tám trở lên, và thể nào trong đám cũng phải có một đôi ba hạt nhân cơ bản đi nước ngoài về, hay ai đó nhà cũng giàu giàu để có một không gian trống, cũng chả cần to tát gì, nhiều khi chỉ là một căn phòng mươi, mười lăm mét thôi. Không thế thì lấy đâu ra chỗ để mà gầy một cuộc disco. Không thế thì lấy đâu ra đĩa hát theo kịp phong trào âm nhạc thế giới mà nghe, mà nhảy chứ.

Thành phố còn phải chừng hai chục năm sau mới có điện thoại phổ cập toàn dân, thế nên từ chiều hôm trước hôm trước nữa đã phải đạp xe qua nhà nhau hò hẹn. Đứa có máy nghe đĩa phải mang máy tới đứa có nhà. Đứa có đĩa hát hay phải cắp theo. Mấy đứa con gái thì lo đi mua dăm ba thứ để nhỡ lúc ngồi không chưa ai mời thì cả bọn còn có cái nhấm nháp và nghĩ ra những câu hay ho cần nói.

Bọn trẻ giờ mà biết những thức gọi là đồ nhậu lúc ăn chơi của ông bà bố mẹ chúng nó liệu có ngạc nhiên không? Ấm trà ngon, bình nước lọc, rổ dưa chuột, đĩa ổi, đĩa mận, đĩa táo tùy mùa, đĩa lạc rang, sang ra thì có thêm đĩa chả thái vát mong mỏng nữa. Nếu là một cuộc nhảy ngày xuân sau tết thì ê hề hơn, con trai cũng mắt trước mắt sau lấy đồ trong chạn của bà của mẹ của chị đi đóng góp. Thành ra món nhắm lại hơi hơi giống cơm nhà: bánh chưng hay là xôi nửa đĩa, giò thủ thái sẵn của những mấy gia đình đổ chung vào một cái bát to, mứt khoai mứt khế còn thừa, và rượu - toàn những chanh những mơ nhiều khi cũng chỉ có nửa chai.

Tôi có một ông bác họ từng phụ trách vụ lễ tân của chính quyền miền Nam trước năm 1975, sau thì rời Sài Gòn về Đà Lạt làm cố vấn cho ngành du lịch khách sạn mới nho nhoe ngó nhìn toan tính làm ăn. Gặp nhau, ông bác, người có mười hai năm học ở Pháp, người từng mất một cậu con trai bằng tuổi tôi theo cái cách đầy đau đớn khi nhất quyết không chịu đưa gia đình qua Pháp sống, hỏi tôi về tuổi trẻ chúng tôi ngoài Hà Nội. 

Chẳng hiểu sao lúc đó tôi toàn nói chuyện đội với đoàn. Đến giờ tôi vẫn không quên đôi mắt ông bác nhìn tôi. Đến giờ tôi vẫn tự hỏi nếu tôi kể cho ông nghe về những cuộc nhảy chui của chúng tôi thì ông bác sẽ nhìn tôi như thế nào.

Nói thật là vui, một niềm vui rất lạ, như nụ hoa xòe dần trong mưa, và nhớ chúng là nhớ một mùi hương dai dẳng dịu dàng không cách gì làm mất được.

Hơn chục cô cậu trong ngoài hai mươi dúi vào một căn phòng đã bức bí lắm rồi, chen chúc nhau ngồi trên những cái ghế đẩu thô kệch và tấm chiếu rải thẳng trên sàn, quanh một mâm đồ nhắm không vụ lễ tân quốc gia nào lo nổi. Nhạc nổi, nho nhỏ thôi, vì đây là hoạt động nửa kín nửa hở. Căn phòng có độc cái cửa ra vào và cửa sổ, chủ nhà ra mệnh lệnh: “đóng vào!”. Đấy, xong rồi, đứa nào thích nhảy thì nhảy.

Tôi đã nghe Pink Floyd, Bee Gees, Carpenters, Abba, Smoking, Paul Simon & Garfunkel, Karad, Baccara, Boney M., Babra Streisand, Prince, Nana Mouskouri, Leonard Cohen, Karel Gott, Pugatschowa…, Anh, Mỹ, Pháp, Ý, Đức tây Đức đông, Hi Lạp, Nga, Hung…, đủ hết. Âm nhạc thế giới đến với tôi hấp dẫn hệt như những món nhậu nghèo mà lũ trai gái chúng tôi cùng don góp cho những đêm như thế.

Chỉ vì những câu chuyện ăn chơi của cụ trẻ mà tôi không khi nào nhảy nhót cùng các bạn, chứ không phải vì sợ công an phường bất thình lình ập vào. Vì thế mà tới tận giờ vẫn không biết khiêu vũ. Nhưng mà nhờ biết âm thầm trong tối thành ra lại nhìn ngắm được nhiều. Có cô bạn sẵn sàng nhảy một mình, nhạc nào cũng nhảy, hừng hực, say mê. Có đôi bài nào không tay trong tay thì cũng mông đối mông mặt đối mặt, mà tuyệt nhiên không hề yêu nhau. Lại có đôi chỉ đứng nhìn nhau vịn vai níu eo đu đưa đu đưa mà lại là đôi yêu nhau thật. Có cậu đẹp trai sững sờ, đeo kính cận, lại còn là loại kính cận râm chỉ sáng lên khi mất điện, mốt lắm ngày ấy đấy, lần nào cũng đóng đinh một góc nhấm nhót trà loãng y như tôi, mặt lạnh như tiền, như thể chỉ âm nhạc là đáng kể.

Có một lần tôi đến một đám nhảy chui tại nhà một cô bạn. Nhà, thật ra chỉ có một phòng, vốn là tiêu chuẩn tập thể của ông ngoại bạn, nhưng vì cả nhà quần tụ nên phải cơi nới. Phần cơi nới khá xinh, nằm trên nóc nhà vệ sinh công cộng của cả số nhà nối với mặt đất bằng một cái cầu thang dốc đứng đi phải rón rén đặt ngang bàn chân. Khi bố bạn được phân nhà, cái phần cơi nới gồm mấy bức tường mảnh và mái lợp giấy dầu nhanh chóng bị gió mưa tàn phá, chỉ còn sót lại căn phòng tiêu chuẩn thực ông nó được cơ quan chia. 

Chỗ đó, chẳng biết bạn có xin phép bố mẹ không, là chỗ chúng tôi hay tụ bạ. Có những đêm mùa đông lạnh như cắt, có những đêm mùa hạ nồng nực tôi đã ngồi trong căn phòng đó nhìn một lũ trai gái dặt dìu, nghe thê thiết dâng lên trong mình. Và tự hỏi cả lũ quần tụ nhau vì thích nhảy hay đơn giản chỉ vì ao ước một đời sống khác mà âm nhạc của một thế giới khác mở ra, kêu gọi.

Còn nhiều tự hỏi khác nữa. Ví như tại sao chả bao giờ thấy phường phố tới kiểm tra. Tự dưng một lũ áo bó quần loe lốc nhốc kéo tới, đóng cửa im ỉm, nhạc văng vẳng, chẳng cần huỳnh huỵch nhảy thì ai nhìn mà chả biết. Ví như tại sao cổng mở thông thống mà xe đạp cả lũ dựng dọc tường, có thường đâu, toàn những mifa, eska, cả một gia tài mượn từ gia đình của tuổi sinh viên hậu sinh viên, để đó suốt từ tối tới nửa đêm về sáng mà chẳng hiểu sao không mất. 

Giờ nghĩ lại, câu hỏi đầu thì tôi tự trả lời rằng tại vì dân cư ở số nhà chung đó toàn là người làm việc ở bộ văn hóa, đi nước ngoài nhiều, thấy sự đám trẻ kín đáo nghe nhạc tây ôm nhau khiêu vũ cũng chả phải sự vô văn hóa gì. Còn về sự an toàn của những chiếc xe đạp sành điệu, thì chỉ có thể nghĩ rằng Hà Nội từng có những ngày như thế, từng có những ngôi nhà như thế làm cho kẻ cắp hình như cũng không nỡ lòng.

Có một đêm cũng ở số nhà đó lũ chúng tôi hẹn nhau tụ bạ. Tôi đến muộn, vừa khóa xong xe đạp thì thành phố mất điện. Ngẩng đầu, cửa sổ căn nhà có nhiều bạn của mình đang dặt dìu đột ngột mở tung, ánh sáng của không biết mấy que diêm lóe lên, những bóng người tách ra, rồi bất chợt không thấy gì nữa.

Tôi biết, đấy là các bạn tôi đã buông nhau, đã ngồi xuống chiếu rải thẳng trên sàn nhà. Thế thôi! Mất điện, kim dừng nửa chừng trên đĩa hát rồi thì còn nhảy nhót nỗi gì.

Mất điện, phố bơ phờ trăng suông. Tôi nhớ mình lập cập mở khóa xe không vào nữa. Hình như đấy là lần cuối cùng tôi tới một buổi tụ bạ như thế. Tôi không muốn thấy trong bóng tối đèn dầu những khắc khoải và khao khát không lời mình vẫn thấy, bao nhiêu lần, khi ngồi ngắm đám bạn nhảy chui.

Cậu bạn kính cận râm đẹp trai sững sờ đã mất ngay cuối mùa hè năm ấy, chưa kịp thành người nhà nước ngày nào. Một ông anh sao sáng trong đám mới đi học ở Nga về hiện giờ vẫn chưa thành án, thành thì chắc cũng hết đời. Cô bạn chủ nhà theo chồng đi xa, giờ chẳng còn chút xíu nào vẻ ăn chơi một thuở. Đôi khi nghe tin nhau, gặp lại nhau, nhiều khi chỉ là í ới trên mạng, ố á ông Khoai bà Sắn thành đạt giàu có lắm, thằng Dưa cái Mít vẫn bình an, cứ coi là bình an, mày giờ thế nào tao thì vẫn vân vân… Mừng mừng buồn buồn chán rồi, có lúc tôi rất muốn hỏi thêm rằng nhớ không, ngày xưa, chúng mình, nhớ không, những đêm trinh bạch thế nồng cháy thế, khát khao thế khốn khổ thế.

Nhưng rồi tôi lại im lặng, như đêm trăng suông mất điện tôi đã lặng lẽ rời đi, để rồi chẳng hiểu vì sao sắp đến tuổi quên rồi mà vẫn cứ nhớ như thế này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận