Cuộc sống trở nên thú vị khi bạn nhìn nó dưới lăng kính khoa học

NGUYỄN XUÂN XANH 20/04/2020 19:04 GMT+7

TTCT - Tên tuổi của cô được biết rộng rãi trong dân chúng Đức, từ học sinh đến các bà nội trợ, trong một sứ mệnh: đem khoa học đến mọi người, làm cho nó dễ hiểu và gần gũi, gây cảm hứng và nâng cao kiến thức đại chúng. Rất nhiều học sinh đã hồi đáp rằng nhờ các chương trình của cô mà các em thích học hóa học hay khoa học tự nhiên.

Bức ảnh Mai Thi trên bìa cuốn sách nổi tiếng của cô.
Bức ảnh Mai Thi trên bìa cuốn sách nổi tiếng của cô.

Tháng 4-2020, video của tiến sĩ hóa học Mai Thi Nguyễn-Kim (Nguyễn-Kim Mai Thi) về đại dịch corona đã thu hút hơn 4 triệu lượt xem trong vòng 4 ngày, có lúc là số 1 của YouTube Trends. 

Cô là một nhà báo khoa học, người điều hành chương trình kiến thức “Quarks” trên Đài WDR, chủ nhân kênh YouTube MaiLab của hai đài truyền hình ARD và ZDF nổi tiếng, gây ảnh hưởng ở Đức từ nhiều năm qua.

Những trò chuyện khoa học đại chúng thú vị

Tên tuổi của cô được biết rộng rãi trong dân chúng Đức, từ học sinh đến các bà nội trợ, trong một sứ mệnh: đem khoa học đến mọi người, làm cho nó dễ hiểu và gần gũi, gây cảm hứng và nâng cao kiến thức đại chúng. Rất nhiều học sinh đã hồi đáp rằng nhờ các chương trình của cô mà các em thích học hóa học hay khoa học tự nhiên.

Ngày 7-4, trong chương trình “Đề tài của ngày” của đài Tagesschau.de, Mai Thi nói về các chính sách kìm hãm dịch, giới hạn thiệt hại, hệ số lan truyền và các giải pháp. Đó là một trò chuyện giải đáp rành mạch, rằng tại sao kìm hãm sự lây lan là mục tiêu của tất cả các quốc gia để phù hợp với năng lực hệ thống y tế của mình, tránh sụp đổ.

Và để thảo luận câu hỏi tâm điểm “Kìm hãm đến mức nào?” với những thông tin sáng rõ và thẳng thắn tới công chúng: Nếu hệ số lây nhiễm vẫn còn trên 1 thì nguy cơ dịch bệnh có thể kéo dài 1-2 năm, tuy có thể kiểm soát được trong tầm tay năng lực y tế quốc gia nhưng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế. Nếu hệ số lây nhiễm nhỏ hơn 1 thì dịch bệnh mới có thể chấm dứt sớm.

Và để có kết quả đó, cần có những biện pháp giãn cách xã hội mạnh mẽ và kiên quyết. Cô cũng khẳng định: miễn dịch cộng đồng là một cuộc phiêu lưu, là không có cơ sở khoa học. Những ý kiến này của cô rất được lắng nghe.

Người Việt trong nước biết đến cái tên Mai Thi Nguyễn-Kim lần đầu có lẽ vào tháng 11-2019 khi cô (ở tuổi 31) được trao giải báo chí Hanns-Joachim-Friedrichs - một giải thưởng uy tín của Đức, chung với giáo sư vật lý Harald Lesch cho những đóng góp truyền đạt khoa học rộng rãi đến công chúng. Ban giám khảo giải Friedrichs đánh giá cao ý nghĩa của các hoạt động này trong thời đại mà người ta dễ dàng chối bỏ hay xuyên tạc chân lý trên Internet.

Trong thời đại Internet, sự xuyên tạc chân lý, “các chân lý cảm xúc” và các thuyết âm mưu phản khoa học lan tràn dễ dàng và nhanh chóng. Vì vậy, việc truyền bá khoa học khách quan được kiểm chứng, làm cho kiến thức khoa học dễ hiểu và chính xác trên các chương trình truyền hình, Internet, trong các buổi hội thảo hay tranh luận chính trị và xã hội, là góp phần rất lớn đẩy lùi cơn dịch “fake news”.

Khoa học cũng không miễn trừ sai sót của nó. Nhưng khoa học và nghề báo chí chân chính không nhằm bảo vệ cái gì để trở thành xác tín vĩnh cửu, mà ngược lại theo dõi nó, tìm kiếm những mâu thuẫn với con mắt phê phán và nghi ngờ để phô bày sự thật và tu chỉnh. Đó là truyền thống của khoa học.

Năm 2018, Mai Thi được trao giải thưởng trực tuyến Grimme 2018 và Giải thưởng báo chí khoa học Georg-von-Holtzbrinck với tư cách là YouTuber. Trong thời kỳ viết luận án tiến sĩ ở ĐH Harvard, cô thành lập kênh YouTube “Cuộc sống bí mật của các nhà khoa học”, hiện vẫn hoạt động rất phong phú và bắt đầu sứ mệnh truyền bá khoa học.

Từ đó đến nay cô đã đi rất xa, theo đuổi mục tiêu này trên nhiều kênh chủ chốt về truyền bá khoa học: với tư cách là người kế nghiệp của Ranga Yogeshwar, cô điều hành chương trình kiến thức “Quarks” trên WDR. Đối với “funk” - dịch vụ trực tuyến từ hai đài truyền tin ARD và ZDF, cô sản xuất kênh YouTube có tên “MaiLab”. Và kênh này đã làm nên tên tuổi của cô.

Năm 2019, Mai Thi xuất bản quyển sách đầu tay Komisch, alles chemisch!: Handys, Kaffee, Emotionen - wie man mit Chemie wirklich alles erklären kann (“Tếu thật, cái gì cũng là hóa chất: điện thoại di động, cà phê, cảm xúc - thực sự có thể giải thích mọi điều bằng hóa học”) - một cuốn sách vừa có tính giải trí cao, vừa truyền bá niềm đam mê cho khoa học, bán rất chạy ở Đức.

Trong cuốn sách ấy, cô là một nhà hóa học có ý thức về sứ mệnh của mình, chia sẻ với độc giả sự nồng nhiệt của cô đối với các nguyên tử và phân tử, những thứ chi phối thế giới xung quanh ta.

Hóa học là chìa khóa thế giới

Cha mẹ Mai Thi là người Việt, du học ở Đức trong những năm 1970. Bố cô là một tiến sĩ hóa tại ĐH Kỹ thuật RWTH Aachen. “Lúc còn nhỏ, tôi không muốn trở thành nhà hóa học mà mơ trở thành nhà văn, muốn viết những tiểu thuyết lớn - Mai Thi kể, nhưng chính bố cô đã truyền cảm hứng cho cô - Điều đó thật tốt, bởi vì qua hóa học, tôi đã đến với truyền thông”.

Ông bố của cô có khiếu nấu ăn và thích diễn giải những hiện tượng trong đời sống bằng hóa học một cách dễ hiểu. Mai Thi thường trích dẫn câu ông thích nói: “Ai không thể nấu ăn, người đó không phải là một nhà hóa học giỏi” và ngược lại: “Ai là nhà hóa học giỏi thì cũng nấu ăn ngon”.

“Nếu bố tôi không phải là một nhà hóa học và là một nhà hóa học say mê, và không có năng khiếu liên hệ những sự kiện hằng ngày với hóa học, có thể tôi không nghĩ đến hóa học”, cô thổ lộ trên một podcast năm 2018.

Cô học giỏi, là người “luôn có hứng thú trong trường học”, “có tư chất phấn đấu bẩm sinh”, trải qua cấp trung học dễ dàng với điểm tối đa 1.0 cho bằng tú tài. “Bố mẹ tôi đến từ Việt Nam, xem giáo dục là một ưu đãi, giáo dục để đưa con người ra khỏi nghèo khó” - cô kể về may mắn của mình khi được bố mẹ hết lòng ủng hộ mà không gây áp lực lên cô.

Hết cử nhân, cô làm luận án tiến sĩ ở ĐH Aachen, qua Trường MIT (Mỹ) một thời gian để nghiên cứu. “Cô ấy có khiếu ăn nói, có tính thuyết phục, có khả năng giải thích sự việc khó khăn phức tạp thành đơn giản, lôi cuốn, ai cũng hiểu được” - một người bạn của gia đình cô nói với tôi.

“Mai Thi rất thích khoa học tự nhiên. Nhưng lúc đang đi học, cháu không có ý định gì sau này sẽ làm trong ngành truyền thông về khoa học cả. Ý nghĩ tham gia truyền thông khoa học đến trong lúc cháu đang làm luận án ở Mỹ. Làm xong luận án, cháu đi thẳng vào ngành truyền thông trong khi chưa trải qua phần học hoặc kinh nghiệm nào về báo chí.

Cho đến giờ, vì bận rộn, cháu vẫn chưa được học báo chí lần nào cả. “Journalistin” (nhà báo nữ) cũng như “Dozentin (giảng viên) trong ngành truyền thông khoa học tại tổ chức giáo dục Nawik” là những danh hiệu người ta đặt cho cháu. Đến bây giờ cháu vẫn hay nói với chúng tôi: Mai Thi “hên!”” - mẹ cô kể trong một email gửi cho tôi.

Tham gia “Cuộc tranh đua khoa học” (Science Slams) với mục tiêu giải thích các nội dung nghiên cứu trong vòng ba phút cho người khác hiểu là lần tập sự đầu tiên của Mai Thi với ngành truyền thông khoa học. Khi bắt đầu với YouTube, dần dà cô thấy cách diễn giải ba phút đó không còn gây hứng thú với mình nữa và thử cách làm riêng. Phấn chấn vì nhận được những phản hồi tích cực, cô đi sâu vào con đường riêng đó.

“Tôi nhận được nhiều tin tức khiến tôi rất cảm động, trong đó những người trẻ tuổi nói với tôi rằng họ đã theo dõi kênh của tôi dù họ chưa bao giờ nghĩ họ có thể hào hứng với khoa học. Vì thế, sự quan tâm phải được khơi dậy trước tiên và sau đó nó sẽ tự phát triển” - cô nói.

Sinh năm 1987, Mai Thi có một tương lai rất dài để theo đuổi lý tưởng muốn “khai sáng con người” như cô từng thổ lộ, với năng lực truyền cảm hứng, năng khiếu hiểu biết, khả năng làm những thứ phức tạp trở thành đơn giản một cách khoa học và sư phạm cho mọi người.

“Không một khoảnh khắc, không một hơi thở nào mà ở đó không có phản ứng hóa học xảy ra trong người bạn. Mỗi khía cạnh nhỏ bé, bình thường của cuộc sống đều trở nên thú vị khi bạn nhìn nó dưới lăng kính khoa học.

Làm sao con người lại không đến với khoa học tự nhiên? Hóa học chính là chìa khóa cuối cùng đến các thế giới vô hình, thế giới của các phân tử, đến vật chất mà tất cả chúng ta được làm ra từ đó, thế giới từ đó mà ra, và tôi tin hóa học làm cho con người quan tâm một cách tự nhiên” - cô nói. ■

“Hóa học là tất cả mọi thứ trên đời - những gì ta làm, những gì xung quanh ta, mọi thứ đều liên quan tới hóa học. Bạn không tin hả? Trong cuốn sách khoa học thường thức lý thú này, nhà khoa học và nhà báo trẻ Nguyễn Kim Mai Thi đưa ra những bằng chứng sinh động và giải thích những hiện tượng thường ngày qua cái nhìn hóa học.

Cô giải thích một cách hài hước và không giống ai về những phản ứng hóa học bí mật xảy ra trong và xung quanh chúng ta, và hơn tất thảy: niềm đam mê hóa học.

Đời sống thường ngày là sợi chỉ đỏ giúp Mai Thi lãng du qua thế giới của hóa học hữu cơ, vô cơ và hóa học vật lý: Ta thức giấc đón một ngày mới với hóa học, những mức melatonin và cortisol trong cơ thể. Ta biết khi nào là thời điểm thích hợp để uống cốc cà phê đầu tiên, tại sao trong kem đánh răng phải có fluoride, và tại sao đống lộn xộn đang đợi ta ở bàn làm việc là theo ý muốn của vũ trụ.

Ta học được những điều mới mẻ về hợp chất tạo ra kính cường lực nhãn hiệu Gorilla và cách vận hành của pin điện thoại, làm sao để dùng chúng lâu hơn và tại sao đôi khi chúng phát nổ. Ta bỗng nhiên hiểu tại sao chỉ có các muối nhôm mới giúp tẩy được vết ố do mồ hôi, tại sao mồ hôi lại có mùi khó chịu và ta có thể xử lý mùi đó ra sao.

Khi đi mua sắm trong siêu thị, Mai Thi chỉ rõ “nước khoáng thể thao” tăng cường oxy có thực sự đáng mua không. Vào buổi tối, cô tiết lộ bí mật để làm ra một chiếc bánh nhân trái cây sôcôla hoàn hảo - và cả vào những giờ khuya hơn, về việc các chuyển động ở cấp phân tử diễn ra thế nào thì khiến cho phản ứng hóa học giữa hai người yêu nhau trở nên hòa hợp…”.

(Lời giới thiệu cuốn sách Komisch, alles chemisch!: Handys, Kaffee, Emotionen - wie man mit Chemie wirklich alles erklären kann trên trang Amazon)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận