Cửa hậu, cửa hông vào đại học Mỹ

NGUYỄN VẠN PHÚ 25/03/2019 23:03 GMT+7

TTCT - Nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên trước vụ bê bối dân Mỹ bỏ tiền triệu chạy chọt vào các trường ĐH danh tiếng. Thế nhưng chưa cần đến vụ ồn ào này, hệ thống ĐH Mỹ vẫn đang vận hành dựa vào những bất công mà người ngoài như chúng ta nhìn vào sẽ thấy khó tin được.

Ảnh: NPR
Ảnh: NPR

 

Có lẽ ai từng đọc cuốn Love Story đều nhớ Oliver Barrett IV khi lần đầu gặp Jennifer bị cô này trêu chọc cậu vào Harvard là nhờ gia đình từng hiến tặng tiền xây một tòa nhà bề thế mang tên Barrett Hall. Đó là tiểu thuyết. Trong đời thật, con rể của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Jared Kushner vào Harvard cũng là nhờ ông bố tặng trường ĐH này 2,5 triệu USD.

Theo cuốn The Price of Admission (Giá tuyển sinh) của Daniel Golden xuất bản năm 2007, ông bố, Charles Kushner - dù là cựu sinh viên của trường khác - bỗng dưng hiến tặng Harvard 2,5 triệu USD, trả dần từng năm, mỗi năm 250.000 USD.

Cùng lúc đó, Jared Kushner bắt đầu quá trình nộp đơn tuyển sinh vào ĐH. Cộng thêm các cú điện thoại của hai thượng nghị sĩ, thế là cậu Jared ung dung bước vào ngôi trường danh tiếng mặc dù điểm số, theo tác giả cuốn sách trích hồ sơ trung học của Jared, thấp hơn mức được nhận vào các ĐH Ivy League nhiều lần.

Chuyện các gia đình giàu có hiến tặng tiền bạc, xây các tòa nhà, thư viện, phòng thí nghiệm để đổi lại con em họ được nhận vào học được xem là khá bình thường ở Mỹ.

Ngay cả đại diện công tố khi họp báo công bố vụ án chạy trường vào đầu tuần trước cũng nhấn mạnh Chính phủ Mỹ biết rõ tập tục gia đình giàu tặng tiền đổi lại chỗ học cho con và không có ý định can thiệp tập tục đó. “Ở đây không phải là chuyện tặng một tòa nhà để trường dễ nhận con cái quý vị vào học. Ở đây là chuyện lừa gạt và lừa đảo” - công tố viên nhận định.

Cái khác biệt không phải là số tiền, mà là bên nhận tiền: một bên là nhà trường, sử dụng tiền vào chuyện chung; một bên là tham ô, bỏ túi. Nhưng thử hỏi ở Việt Nam, chủ một doanh nghiệp giàu tiền tỉ bỏ ra một khoản tiền lớn tặng trường xây một thư viện, đổi lại cậu con trai học hành làng nhàng của doanh nhân này được nhận vào một trường y danh tiếng, làm sao công luận chấp nhận được. Có lẽ lúc đó mạng xã hội sẽ bùng cháy!

Con đường thứ nhì, cũng được chấp nhận rộng rãi trong hệ thống ĐH Mỹ, sức học bình thường cũng được, miễn sao bạn là một ngôi sao thể thao, xuất sắc một môn thi đấu nào đó. Đây là khe hở mà các nhân vật trong vụ “chạy trường” vừa rồi tận dụng.

Một cô chưa bao giờ đá bóng lại được biến báo thành ngôi sao bóng đá để được tuyển vào Yale; giá gia đình cô này phải trả: 1,2 triệu USD.

Một thí sinh khác chưa bao giờ biết chèo thuyền lại nộp hồ sơ vào ĐH South California có kèm tấm ảnh cô ngồi trong đội đua thuyền đang tranh tài. Giá rẻ hơn: chỉ 200.000 USD! Dĩ nhiên trong vụ án chạy trường sẽ có sự tiếp tay của huấn luyện viên các đội thể thao thuộc những trường danh tiếng.

Nhưng ở các nước khác, kể cả Việt Nam, khó có chuyện một cầu thủ bóng đá giỏi được nhận vào ĐH chỉ để thi đấu cho đội tuyển trường.

Tạm gạt chuyện gian dối sang một bên, xưa nay các trường ĐH Mỹ vẫn rất “tháu cáy” chuyện thi đấu thể thao nên sẵn sàng tung người đi tuyển mộ các em học sinh xuất sắc, thí dụ, môn bóng rổ, tung học bổng toàn phần để dụ dỗ em này đầu quân cho trường, bất kể thành tích học tập.

Với áp lực thi đấu liên miên, chắc chắn việc học của các em này bị ảnh hưởng. Không hiểu các trường làm thế nào để các em này tốt nghiệp.

Có thể ví von tuyển sinh ĐH ở Mỹ có ba cánh cửa. Cửa trước dành cho các em đường đường chính chính bước vào bằng chính học lực và năng lực. Cửa sau là hiến tặng tiền bạc hay tài năng thể thao. Vụ chạy trường tạo ra cánh cửa thứ ba là gian dối, có lẽ rất nhỏ.

Thế nhưng còn một cánh cửa nữa, độ mở cũng rộng không kém cửa chính: chính sách “affirmative action”, ưu tiên cho dân da đen hay thổ dân da đỏ trong nhiều lãnh vực, kể cả tuyển sinh ĐH. Nhờ chính sách “phân biệt tích cực này” mà nhiều học sinh da màu được tuyển vào các ĐH lớn, dù điểm số các em này thua kém học sinh da trắng cùng đợt tuyển sinh.

Mặc dù thoạt tiên chính sách ưu tiên kiểu này tạo ra sự đa dạng, bù đắp phần nào bất công phân biệt đối xử ngày trước, xóa bỏ các định kiến... nhưng phản ứng từ người da trắng bị phân biệt đối xử theo cách này ngày càng lớn.

Thử nghĩ một học sinh da trắng học giỏi hơn, hoạt động xã hội nhiều hơn bạn da đen cùng lớp thấy bạn mình được vào Yale còn mình bị loại, chắc chắn em này sẽ chịu cảm giác bị đối xử bất công. Ngay cả các em học sinh da màu xuất sắc cũng phản ứng chính sách này vì mặc cảm các em được nhận vào học là nhờ màu da, chứ không phải nhờ sức học của các em.

Một biến tướng của “affirmative action” là đặt ra “hạn ngạch” cho từng loại học sinh, xếp theo chủng tộc. Chẳng hạn học sinh Mỹ gốc châu Á thường học giỏi hơn; nếu cứ dựa vào điểm số và các tiêu chí khác như hoạt động xã hội, thể thao, âm nhạc... thì tỉ lệ học sinh gốc châu Á của các trường hàng đầu như Harvard sẽ dần chiếm ngôi đầu bảng.

Thế là các trường đặt ra “hạn ngạch” mỗi năm chỉ nhận từng này học sinh gốc Á. Hàng loạt vụ kiện các trường như Harvard đã diễn ra vì nhiều em người Mỹ gốc Á bị từ chối trong khi điểm SAT của các em này đạt mức tuyệt đối, đứng đầu lớp, là lớp trưởng hay đội trưởng đội hùng biện của trường...

Trong một bài xã luận, báo New York Times cho rằng xử vụ án chạy trường không hẳn là để bảo vệ nguyên tắc ai giỏi mới được vào ĐH, đúng ra đây là một cách bảo vệ quyền tự quyết của các trường ĐH - họ muốn chọn ai vào học thì có quyền chọn, kèm theo quyền khai thác đặc quyền này.

Nhận xét này là chính xác nhìn từ nhiều góc độ; ngoài chuyện tặng tiền đổi chỗ học, ngó lơ điểm số để tuyển tài năng thể thao, các trường ĐH hàng đầu đôi lúc còn hăm hở tuyển con lãnh đạo nước ngoài, dù tay lãnh đạo này khét tiếng độc tài hay quân phiệt.

Ở mức độ phổ biến hơn, các trường dành một tỉ lệ nhất định để tuyển sinh viên nước ngoài - đôi lúc không dựa trên thành tích học tập (khi so sánh với học sinh trong nước), mà dựa vào khả năng chi trả học phí.

Học phí sinh viên cùng bang thấp hơn sinh viên ngoài bang, còn học phí của sinh viên quốc tế cao gấp nhiều lần. Ngó lơ điểm số để tuyển đủ sinh viên có khả năng tài chính, rồi dùng tiền đó trang trải đều chi phí cho cả trường là chính sách hẳn hoi của một số trường.

Vụ án chạy trường không phải là chuyện điển hình ở Mỹ - chuyện chạy chọt, gian lận để vào các ĐH Mỹ là chuyện hiếm. Tuy nhiên, điều cần nhớ là nguyên tắc tuyển sinh của hệ thống giáo dục nước này chưa hẳn dựa vào năng lực, theo kiểu trọng dụng nhân tài (meritocracy).

Họ có những tiêu chí riêng nhằm đạt được những mục tiêu riêng, ví dụ ưu tiên tuyển con em của cựu sinh viên để sau này dễ kêu gọi quyên góp - đó là quyền của các trường ĐH Mỹ. Thế nhưng vụ chạy trường cho thấy một điều: lạm dụng quyền đó họ sẽ phải trả giá. Đó là một sự cân nhắc mà người ngoài cuộc khó lòng hiểu hết.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận