Rốt cuộc vẫn chỉ là một đế quốc

HẢI MINH 12/01/2020 23:01 GMT+7

TTCT - Nước Mỹ có thể là đế quốc tốt đẹp nhất trong lịch sử, nhưng cuối cùng thì vẫn chỉ là một đế quốc.

Ảnh: UU World Magazine
Ảnh: UU World Magazine

Năm 480 trước Công nguyên, không lâu trước khi chỉ huy đạo quân triệu người tràn vào châu Âu, đại đế Ba Tư (với cái lõi là Iran ngày nay) Xerxes bác bỏ lời khuyên thận trọng của đại thần Artabanus, vốn bày tỏ nghi ngờ về cuộc xâm lược Hi Lạp lần thứ hai của Ba Tư. 

Diễn tiến đó là khởi đầu cho kết thúc thường xuyên nhất của các đế quốc trong lịch sử và trên thế giới: một cuộc phiêu lưu quân sự không được cân nhắc đầy đủ dẫn tới những đảo lộn và tiêu tốn nguồn lực quá lớn làm đế quốc gục ngã.

Lúc này còn quá sớm để gọi Donald Trump là Xerxes của thời hiện đại, nhưng tuần trước, trong sự bàng hoàng của ngay cả các chính trị gia hàng đầu ở Mỹ, Trump đã lựa chọn “kịch bản cực đoan nhất” - theo lời các nguồn giấu tên ở Bộ Quốc phòng nói với báo chí Mỹ - khi đối phó với Iran, viện lý do “tự vệ”.

Ông hạ lệnh tiêu diệt nhân vật quân sự số 1 của Iran, thiếu tướng Qasem Soleimani. Cuộc tấn công đánh dấu một giai đoạn xung đột mới bắt đầu từ khi Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, nhưng những rắc rối là từ trước đó rất xa.

Iran đã luôn coi sự hiện diện của đông đảo quân Mỹ ở Iraq là một mối đe dọa. Sự hiện diện quân sự đó, kéo dài suốt từ năm 2003, nói nhẹ nhàng cũng là không có cơ sở chính danh rõ ràng: Mỹ và đồng minh đưa quân vào Iraq dựa trên một lập luận dựng đứng về vũ khí hủy diệt hàng loạt của chế độ Saddam Hussein.

Bằng quyết định giết tướng Soleimani, ông Trump không tuyên bố “Mỹ có quyền làm những gì Mỹ muốn, ở đâu Mỹ muốn, theo cách Mỹ muốn, và với ai Mỹ muốn”, nhưng thực tế, dưới hình dạng những quả tên lửa, chính là như vậy.

Rồi khi quốc hội Iraq thông qua một chỉ thị cho chính phủ yêu cầu xây dựng dự luật để “mời” quân Mỹ rời khỏi nước này, cũng là Trump lại đe dọa Iraq sẽ phải hứng chịu “những lệnh trừng phạt chưa từng thấy” và đòi nước này “phải trả hàng tỉ đôla chi phí quân sự” Mỹ đã đổ vào nếu muốn quân Mỹ rút đi. Đó khó có thể coi là cách đối xử với một nhà nước ngang hàng, chứ đừng nói là một đồng minh.

Nhưng vấn đề không chỉ là tổng thống - tỉ phú Donald Trump, vấn đề là cả một niềm tin về vị thế “đất nước số 1 hành tinh”, về sự đặc biệt, tính được loại trừ, hay được lựa chọn, coi mình là trung tâm vũ trụ, của riêng nước Mỹ, điều thể hiện từ những con số thống kê (2/3 người Mỹ không có hộ chiếu, tức chưa từng ra nước ngoài, 3/4 chỉ nói một ngôn ngữ là tiếng Anh), sang phim ảnh Hollywood (nước Mỹ luôn cứu thế giới), và tới tận Nhà Trắng.

Sau biến cố Soleimani, trong khi cả vùng Trung Đông thấp thỏm trước nguy cơ chiến tranh thì trên truyền hình Mỹ, các “chuyên gia” bình luận thời sự, học giả, nhà báo, chính trị gia… chủ yếu chỉ nói về sự kiện đó như một nước đi nữa trong ván cờ lớn của nước Mỹ, hay thậm chí còn tệ hơn: trong ván cờ chính trị phe phái của riêng ông Trump.

Sau khi “cuộc chiến chống khủng bố” bắt đầu năm 2001, Hoa Kỳ - vốn đã là một quốc gia quân sự hóa cao độ - về cơ bản hủy bỏ sự giám sát với quyền quyết định chiến tranh của người dân khi quốc hội thông qua Ủy quyền sử dụng các lực lượng quân đội (AUMF) cho nhánh hành pháp, mà tối cao là tổng thống, không đòi hỏi báo cáo và xin phép trong các vụ tấn công phủ đầu nhắm vào những kẻ liên quan tới vụ khủng bố 11-9 (điều giải thích cho lời biện bạch đã bị chỉ ra là không đúng của Phó tổng thống Mike Pence về việc ông Soleimani hỗ trợ khủng bố 11-9).

Những đấu tranh của người dân Iraq, cả chống Mỹ và chống Iran, hầu hết dân chúng Mỹ không biết tới. Người Mỹ chỉ thích các cuộc chiến đơn giản, thiện ác rõ ràng, như trong những phim siêu anh hùng, nhưng đáng tiếc là ngoài đời thực không có cuộc chiến nào như thế.

Tất cả dẫn tới việc truyền thông diễn giải xung đột và nguy cơ xung đột, vốn thường cách rất xa bờ biển nước Mỹ, một cách đơn giản và thích thú thái quá.

Ít ra là trong những phòng quay của các hãng truyền hình chủ lưu ở Mỹ, chiến tranh không phải là một thảm kịch với con người, mà chỉ là một cuộc tranh luận salông, một trò chơi ngôn ngữ.

Đáng sợ hơn, nhiều chính trị gia Mỹ ở cấp cao nhất - những người vẫn đang nắm trong tay vận mệnh thế giới - còn tin rằng chiến tranh là có lợi cho sự nghiệp của họ, khi mà quần chúng vẫn luôn ám ảnh với một người hùng ra tay cứu nhân độ thế (“Để đắc cử, #BarackObama sẽ khởi phát cuộc chiến với Iran”, công dân Donald Trump viết trên Twitter tháng 11-2011). ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận