Hai ngày 17 không thể quên của tháng 2

PHÚC TIẾN 15/02/2019 22:02 GMT+7

TTCT - Ngẫu nhiên hay do tạo hóa sắp đặt, trong lịch sử thế giới vẫn có nhiều sự kiện trùng hợp với nhau về ngày tháng và có giá trị tương đồng. Với lịch sử Việt Nam hiện đại, trong tháng 2 có hai ngày trùng hợp, cách nhau đúng 120 năm và đều là hai ngày ghi dấu cuộc chiến chống xâm lược đầy bi tráng. Hai ngày này nhắc nhở chúng ta những bài học lịch sử hào hùng và cay đắng.

Tập báo Pháp với bức tranh Thành Gia Định thất thủ. Ảnh: Phúc Tiến
Tập báo Pháp với bức tranh Thành Gia Định thất thủ. Ảnh: Phúc Tiến

 

17-2-1859 - ngày Pháp chiếm Sài Gòn

Năm rồi, nhà sưu tập Dư Thanh Khiêm ở Bruxelles mang về nước hai tập báo L’Illustration Journal Universelle - Họa Báo Thế Giới năm 1858 và 1859. Cả hai tập báo giấy trắng phau, phẳng phiu, gìn giữ rất tốt, chỉ có vài chấm hoen ố. Tôi bồi hồi được cầm trên tay 130 năm lịch sử.

Với người Việt Nam, những trang quý nhất trong hai tập báo này là những trang tường thuật về cuộc xâm lược của liên quân Pháp - Tây Ban Nha tại Đà Nẵng tháng 8-1858 và Sài Gòn tháng 2-1859. Trong đó những bức tranh khắc gỗ, được làm theo ảnh chụp của thời kỳ nhiếp ảnh phôi thai (chưa in ra trên giấy, chỉ mới in trên kiếng) là vô giá. Đặc biệt, bức tranh Thành Gia Định thất thủ ngày 17-2-1859 đã ký họa toàn cảnh cuộc tấn công bằng pháo binh và bộ binh của quân xâm lược với giây phút đỉnh điểm là lá cờ Pháp đã thượng lên mặt thành.

Nhìn vào bức tranh này cũng như nhìn vào dấu vết phát đại bác của quân Pháp trên tường thành Cửa Bắc ở Hà Nội, còn lưu giữ từ năm 1882 đến giờ, bất cứ người Việt Nam nào cũng cảm thấy đau nhói nỗi nhục thua trận và mất nước.

Đây là bức tranh tiêu biểu đã đi vào sử sách và nhiều bảo tàng như chứng tích mở đầu không chỉ một chương đấu tranh quật khởi mà còn mở đầu thời kỳ lịch sử mới mẻ của Việt Nam: vừa chiến đấu giành lại độc lập, vừa đi vào thế giới văn minh hiện đại. Thời kỳ ấy trải qua 87 năm Pháp thuộc, 30 năm chiến tranh thống nhất đất nước và cho đến bây giờ sắp tròn 45 năm tái thiết đất nước sau hòa bình. Hơn 160 năm máu lửa, bể dâu với nhiều câu hỏi vẫn đang cần lý giải.

Tập báo Pháp với bức tranh Thành Gia Định thất thủ. Ảnh: Phúc Tiến
Tập báo Pháp với bức tranh Thành Gia Định thất thủ. Ảnh: Phúc Tiến

 

Mới đây, ngày 2-2, tôi “học” được một câu hỏi bất ngờ khi có dịp trao đổi với đoàn du khách Mỹ Road Scholars: Vì sao thực dân Pháp chiếm được Việt Nam và ở lâu đến vậy?

Nó làm tôi nhớ lại bức tranh Thành Gia Định thất thủ. Phải chăng thành lũy phong kiến lạc hậu đã không chống chọi được với chiến thuyền chạy máy hơi nước, với pháo lớn và kỹ thuật xạ kích từng lớp tân tiến của đội quân chuyên nghiệp?

Phải chăng tổ tiên chúng ta thua giặc phương Tây vì kỹ thuật quân sự yếu kém, mặc dù lòng yêu nước dũng cảm có thừa? Hay đúng hơn, vì nước Việt Nam từ thế kỷ 16-18 đã bị cuốn vào các cuộc nội chiến triền miên và không thoát được quỹ đạo của chế độ quân chủ chuyên chế, bế quan tỏa cảng, cho nên sức mạnh quốc phòng yếu kém?

Quả thật, cả chúa Trịnh và chúa Nguyễn, lẫn Tây Sơn và nhà Nguyễn dù có nhiều thành tựu mặt này mặt khác nhưng đều bỏ qua trào lưu và cơ hội để canh tân đất nước, trong khi thế giới bên ngoài đã chuyển sang cách mạng công nghiệp và mở cửa giao thương từ sớm.

300 năm chậm trễ cải cách đã làm người Việt phải trả giá đắt, không chỉ mất nước mà còn bị động và vất vả khi hội nhập vào thế giới hiện đại hóa.

Trong khi ấy, cùng thời gian đó, người Nhật cuối cùng đã thức tỉnh, tiến hành thành công cuộc Minh Trị Duy Tân, bắt đầu từ năm 1868. Các lãnh tụ và trí thức anh minh của xứ mặt trời mọc đã thực hành hiệu quả chính sách “phú quốc cường binh”, “lấy văn minh để giữ độc lập”.

Nhờ đó, xuyên qua ba thế kỷ, nước Nhật không những bảo vệ được đất nước mình mà còn vươn lên thành cường quốc. Những bài học lịch sử ấy vẫn còn đầy giá trị cho Việt Nam, một khi chúng ta vẫn chưa hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Trang nhất báo Tuổi Trẻ ra ngày 23-2-1979 và trang nhất báo Tuổi Trẻ ra ngày 9-3-1979
Trang nhất báo Tuổi Trẻ ra ngày 23-2-1979 và trang nhất báo Tuổi Trẻ ra ngày 9-3-1979

 

17-2-1979 - ngày Trung Quốc tấn công Việt Nam

Tôi có một tập báo khác, quý giá không kém, đó là tập báo Tuổi Trẻ từ tháng 1 đến tháng 12-1979. Trong đó, số 8 ra ngày 23-2 (ngày ấy Tuổi Trẻ mỗi tuần chỉ ra một số báo) là số báo phản ánh hoạt động của thanh niên thành phố trước cuộc xâm lăng của quân Trung Quốc - vừa diễn ra vào 5 ngày trước đó.

Trang nhất của tờ báo, nổi bật với màu đỏ, có hình anh bộ đội cầm súng AK, vai kề vai cùng một anh công nhân vác xà beng. Gương mặt cả hai đều điềm tĩnh, hiên ngang. Đây là bức ảnh của nam nhà báo Thu An (người vừa qua đời cuối năm trước). Bức ảnh là một poster cổ động lòng yêu nước mạnh mẽ trong thời chiến. Bên cạnh bức ảnh, có bài xã luận với những lời lẽ cháy bỏng: Khi quân thù động đến Tổ quốc thiêng liêng.

Những trang báo kế tiếp và các số sau đó đều hừng hực “lửa”, kể về các cuộc chiến đấu ngoài “Ải Bắc”, những cuộc mittinh kêu gọi “nhà máy là pháo đài”, “công nhân là chiến sĩ”, “sẵn sàng chiến đấu”, những đợt sinh viên học sinh đi đắp ụ phòng thủ quanh thành phố, những cuộc vận động xung phong nhập ngũ.

Trên số báo 13, ra ngày 30-3-1979, có một bài thơ dài rất bi hùng Nếu thế, hãy sờ tay lên ngực. Tác giả bài thơ, Nguyễn Nhật Ánh - sinh viên Sài Gòn, sau năm 1975 là thanh niên xung phong ở chiến trường K, vừa mắng quân giặc, vừa kêu gọi thế hệ mình nhận lấy trách nhiệm bảo vệ non sông thống nhất:

Đến hôm nay lũ hung nô thời đại

Vẫn lăm le toan tính chuyện ngông cuồng

Vừa dẹp xong giặc giã phía Tây Nam

Những mũi súng lại quay về hướng Bắc

Ta vốn yêu tự do và độc lập

Thèm một phút thảnh thơi để cấy trồng

Lũ côn đồ đâu để chúng ta yên

Đất nước lại đứng lên

Sông Bạch Đằng thêm một lần dậy sóng

Trang sử mới chưa xanh màu hi vọng

Lại vương mùi khói lửa can qua

Hạt gạo nằm thao thức chuyến đi xa.

Hàng vạn trai tráng, hàng vạn người dân một lần nữa đã bỏ mình trên các chiến trường bảo vệ biên giới từ Bắc vào Nam. Mỗi lần xem lại tập báo này cũng như nhiều tài liệu về hai cuộc chiến biên giới, tôi lại nhớ đến những đồng môn đàn anh đi bộ đội khi chỉ mới mười tám đôi mươi, không ngày trở về. Các anh đã hi sinh để giữ an toàn cho Sài Gòn và đất nước, giữ an bình cho đàn em chúng tôi đến được trường đại học.

Còn rất nhiều chuyện tổn thất và vất vả lớn lao mà đất nước những năm tháng ấy phải hứng chịu vẫn chưa được sử sách và báo chí ghi chép đủ.

Tháng giêng vừa rồi, đi thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự ở Hà Nội, tôi thấy ở phòng trưng bày về hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc đã có thêm nhiều hình ảnh và hiện vật trưng bày rất ấn tượng. Nhưng tại đây vẫn còn thiếu sót lớn, trên các bảng thông tin đều không nói thủ phạm gây chiến tranh tội ác đối với Việt Nam là ai.

Những thiếu sót này những năm qua không chỉ diễn ra ở bảo tàng. Người Việt Nam vốn khoan dung, nhân hậu, từ lâu không sống với thâm thù. Song mặt khác, cũng như với nhiều cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, cha ông ta đều nhắc nhở con cháu ai đã xâm lược mình, ai đã làm chậm bước tiến của dân tộc.

Hơn nữa, đọc sử sách cha ông để lại, ta còn phải nhớ và phải học cách chung sống và ứng xử với những “hung nô thời đại” như tổ tiên đã làm. Và con cháu đời đời sau còn phải làm tốt hơn tổ tiên, trong những tình huống chưa từng có. Tháng 2 có hai ngày 17 không thể quên. Và chắc chắn, lịch sử không thể để những trang trắng.■

Chúng ta cần công bố những tư liệu, tài liệu lịch sử có liên quan đến các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, Tây Bắc và Biển Đông. Hiện nay tình trạng tư liệu lịch sử không được công bố làm cho việc nghiên cứu rất khó khăn.

Những tư liệu, tài liệu chữ viết nào đã đến thời hạn “giải mã” thì cần “bạch hóa” và tập trung tại các cơ quan có chức năng nghiên cứu lịch sử, như Viện Sử học, Viện Lịch sử quân sự, Viện Hán Nôm. Việc chuyển tài liệu cho các cơ quan khoa học là để hiện nay nghiên cứu, công bố, đồng thời để đời sau tiếp tục nghiên cứu. Tránh tình trạng tài liệu bị thất lạc, biến mất hay “tam sao thất bản”, khiến không thể nào viết lại lịch sử một cách khách quan và khoa học được.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận