Nhà giàu và nghệ thuật 

HẠNH NGUYÊN 29/08/2017 21:08 GMT+7

TTCT- Vượt qua những mai mỉa dạng này hay dạng khác về những nhân vật “trưởng giả học làm sang” trong địa hạt nghệ thuật, những người kinh doanh thành công trên thế giới đã và vẫn đang đặt dấu vết ảnh hưởng tích cực của mình lên cộng đồng nghệ thuật bằng nhiều cách khác nhau.

Bảo tàng Leeum và Bảo tàng Crystal Bridges Museum of American Art đều sở hữu tác phẩm Maman sáng tác năm 1999 của nghệ sĩ Louise Bourgeois. Chất liệu đồng, thép không gỉ và cẩm thạch. -Ảnh:crystalbridges.org
Bảo tàng Leeum và Bảo tàng Crystal Bridges Museum of American Art đều sở hữu tác phẩm Maman sáng tác năm 1999 của nghệ sĩ Louise Bourgeois. Chất liệu đồng, thép không gỉ và cẩm thạch. -Ảnh:crystalbridges.org

 Bảo tàng Leeum (Quỹ văn hóa Samsung) nằm ở khu vực dân cư gần trung tâm Seoul, nơi rất nhiều nhà riêng và những chiếc xe hơi nhập khẩu tạo ra một không gian khác hẳn những khu vực khác ở thủ đô Seoul vốn có nhiều chung cư và những chiếc xe "made in Korea" quen thuộc.

Ở ngoài nhìn vào, vẻ đẹp kiến trúc mang lại cảm giác chào đón hấp dẫn. Tổ hợp này gồm ba tòa nhà do ba kiến trúc sư nổi tiếng thế giới là Maria Botta (Thụy Sĩ), Jean Nouvel (Pháp) và Rem Koolhaas (Hà Lan) thiết kế, sử dụng những vật liệu đặc trưng của mình như gạch, bêtông và hình khối thú vị dành cho các không gian trưng bày nghệ thuật.

Khác với Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc rộng gần 300.000m2 chủ yếu đón người xem địa phương tìm hiểu về văn hóa Hàn và thế giới, Bảo tàng Leeum mở cửa năm 2004, rộng khoảng 27.000m2, tạo ra cảm giác ấm cúng và mở ra một cánh cửa nghệ thuật mới lạ.

Nghĩa khác của sự giàu có 

Từ xa xưa, những vị vua chúa, người có địa vị cao trong xã hội, những người giàu có đã sưu tập, tài trợ nghệ sĩ và các hoạt động nghệ thuật.

Bảo tàng Leeum - viết tắt từ họ Lee của gia tộc sáng lập và điều hành Tập đoàn Samsung; và “um” từ museum (bảo tàng) - trưng bày những hiện vật mà nhà sáng lập Lee Byeong-cheol, thông qua Quỹ văn hóa Samsung, liên tục sưu tầm từ năm 1965 kể từ khi thành lập, với tầm nhìn "tạo ra năng lượng cho thời đại này, và nghệ thuật quốc tế thể hiện những giá trị hiện tại, giúp thấu hiểu quá khứ và hiện tại".

Bảo tàng này là một trong nhiều bảo tàng đáng chú ý thể hiện vai trò và tầm nhìn của các doanh nhân giàu có.

Bảo tàng chia làm ba phần chính, gồm khu trưng bày hiện vật truyền thống Hàn với thư pháp, gốm và kim loại (trong đó có khoảng 30 hiện vật được xếp hạng bảo vật quốc gia), cùng các tác phẩm nghệ thuật đương đại của những nghệ sĩ nổi tiếng nhất Hàn Quốc và thế giới, cộng thêm một không gian trưng bày đặc biệt theo chủ đề và dành cho trẻ em.

Leeum được coi là một trong những cơ sở văn hóa có giá trị nhất trên thế giới. Được tài trợ bởi tập đoàn công nghệ nên dễ hiểu khi hệ thống công nghệ trong bảo tàng thuộc hàng “xịn”: tự động hướng dẫn thông tin cho người xem mỗi khi họ dừng chân trước một hiện vật.

Người xem bước vào khu trưng bày với chiếc máy cầm tay và chiếc tai nghe nhỏ, không cần bận rộn điều khiển thiết bị giống như ở các bảo tàng lớn khác trên thế giới.

Gia đình chủ Tập đoàn Samsung đang tiếp tục gặp sóng gió dù họ vẫn giàu nhất Hàn Quốc trong tám năm liên tiếp và ngày một giàu hơn nhờ việc kinh doanh của cả tập đoàn (đóng góp 25% GDP Hàn Quốc).

Ông Lee Kun-Hee (tài sản 17 tỉ USD), con trai nhà sáng lập Tập đoàn Lee Byeong-cheol, đang điều trị bệnh sau cơn đột quỵ, không xuất hiện trước công chúng hơn ba năm nay; trong khi con trai duy nhất của ông, Jay Y. Lee (6,7 tỉ USD), 48 tuổi, đang bị tạm giữ và ra tòa vì các cáo buộc hối lộ và biển thủ, điều mà đến nay Jay vẫn bác bỏ.

Nhưng họ vẫn đạt được danh tiếng và sự tôn trọng trong lưu giữ, quảng bá và đầu tư vào văn hóa nghệ thuật.

Bảo tàng Leeum sử dụng công nghệ không dây, tự động nhận biết vị trí di chuyển của người xem để cung cấp thông tin tác phẩm phù hợp.-Ảnh: Hạnh Nguyên
Bảo tàng Leeum sử dụng công nghệ không dây, tự động nhận biết vị trí di chuyển của người xem để cung cấp thông tin tác phẩm phù hợp.-Ảnh: Hạnh Nguyên

 Hiến tặng và kết nối

Có nhiều lý do để người giàu có chi tiền vào nghệ thuật.

Tại Mỹ, trong tầng lớp những người giàu có nhất, nghệ thuật là lĩnh vực thứ ba mà họ chi tiền hiến tặng nhiều nhất, sau giáo dục và những nhu cầu cơ bản.

Trong khi đó, với những người không giàu có, hiến tặng cho mục đích tôn giáo là mục tiêu thường xuyên nhất và nghệ thuật không nằm trong số lĩnh vực họ quan tâm nhất.

Nghệ thuật là cơ chế kết nối quan hệ giữa các thành viên trong một cộng đồng. Có nhiều lý do để những người giàu có tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật, từ nhu cầu hiển thị, đầu tư, giảm thuế, tới danh tiếng...

Các nghiên cứu cho thấy người tài trợ sẽ tài trợ cho những vấn đề mà họ được tiếp cận và thông hiểu nhất.

Nếu các nhà sáng lập Samsung đưa quảng bá nghệ thuật Hàn Quốc và đưa nghệ thuật đương đại đỉnh cao thế giới về với Hàn Quốc thì những thế hệ trẻ như Adrian Cheng (37 tuổi), phó chủ tịch điều hành New World Development kiêm nhà sáng lập Quỹ Nghệ thuật K11 của Hong Kong, lại đặt mục tiêu đưa những nghệ sĩ Trung Quốc đến với thế giới.

Được thành lập năm 2010, tổ chức phi lợi nhuận này nuôi dưỡng tài năng chủ yếu từ đại lục và tạo ra cầu nối đến với những bảo tàng quốc tế như Metropolitan ở New York, Serpentine Galleries ở London và Musee Marmottan Monet ở Paris. K11 ngày càng trở thành đối tác được chú ý khi liên tục có các dự án quốc tế lớn với những không gian nghệ thuật lớn như ICA ở London hay Palais de Tokyo ở Paris.

Trong chương trình với Serpentine Galleries mang tên HACK SPACE, Hans Ulrich Obrist, giám đốc nghệ thuật của Serpentine Galleries cùng nghệ sĩ đương đại Úc Simon Denny làm giám tuyển.

Mục tiêu của họ là khám phá ý tưởng thay đổi vũ trụ, không gian và lãnh thổ có thể thay đổi mạnh mẽ để “giải quyết các vấn đề”. HACK SPACE trưng bày các tác phẩm của các nghệ sĩ Trung Quốc trẻ như Cao Fei, Cui Jie, Guo Xi, Hu Qingtai, Firenze Lai, Li Liao và Liang Shuo.

Kết quả nghệ thuật này có được nhờ mô hình sáng tạo của Adrian Cheng, một doanh nhân ngành trang sức và bất động sản giờ đã nổi danh khắp Thượng Hải và Hong Kong khi tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong môi trường nghệ thuật ở hai nơi này, thông qua các triển lãm, hợp tác và cả nhà hàng độc đáo Cobo House.

Quan điểm sáng tạo của Cheng cũng chính là mô hình kinh doanh của anh. Dựa trên sự tràn ngập các trung tâm mua sắm ở Hong Kong và Thượng Hải, Cheng tạo ra một loạt các “Art Malls”, nơi khách mua có thể mua bất kỳ nhãn hiệu sang trọng nào trên thế giới trong lúc đắm chìm trong thế giới nghệ thuật ý niệm.

Chính chất lượng nghệ thuật của các dự án này khiến mô hình này tạo tiếng vang, và Cheng tham gia hầu hết những dự án nghệ thuật lớn ở Hong Kong và Thượng Hải, như M50 Creative Park, nơi hiện có những galleries đang gây chú ý nhất ở đây, trong đó có Vanguard Gallery và ShangART, cũng như mô hình nghệ thuật của The Bund, bến cảng ở trung tâm Thượng Hải.

Dự án hợp tác của K11 Art Foundation có cả chương trình triển lãm riêng ở New York với một trong những cơ sở nghệ thuật “oách” nhất là New Museum.

Nghệ sĩ Trung Quốc đầu tiên tham gia chương trình là Cheng Ran, 35 tuổi. K11 tuyên bố mục tiêu mang nghệ thuật đương đại xuất sắc nhất thế giới đến Trung Quốc cũng quan trọng như mang các nghệ sĩ xuất sắc nhất Trung Quốc đến với thế giới.

Adrian tốt nghiệp cử nhân ngành nghệ thuật tại ĐH Harvard, nhận bằng tiến sĩ danh dự ngành nhân văn của ĐH Nghệ thuật và thiết kế Savannah (SCAD), và chương trình nghiên cứu danh dự ĐH Lingnan năm 2014.

Chính những nền tảng này giúp tạo ra sự đa văn hóa và kết nối dễ dàng giữa các nền văn hóa, tạo ra sự đa chiều trong góc nhìn. Adrian Cheng được ArtReview chọn trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trong thế giới đương đại năm 2014.

Ngoài Adrian Cheng, từ Hong Kong, Michelle Ong, 60 tuổi, cũng nằm trong danh sách những doanh nhân từ thiện châu Á năm 2017 của tạp chí Forbes vì những gì họ làm cho thế giới nghệ thuật. Michelle Ong là nhà thiết kế nổi tiếng và đã làm từ thiện suốt 25 năm qua.

Quỹ sáng kiến đầu tiên (First Innitivative Foundation) mà bà thành lập năm 2010 đến nay đã chi 3 triệu USD để ủng hộ việc phát triển văn hóa, trình diễn âm nhạc và giáo dục nghệ thuật.

Mỗi năm, bà quy tụ những nghệ sĩ dương cầm, nhà làm phim, thiết kế và nghệ sĩ nổi tiếng cho những cuộc trình diễn thiện nguyện và tham gia dạy các lớp học cho sinh viên địa phương.

Bà đặt mục tiêu đưa Hong Kong lên sân khấu thế giới ngành nghệ thuật sáng tạo, khích lệ người Hong Kong không chỉ chú tâm vào kinh doanh mà còn tập trung phát triển khía cạnh sáng tạo của mình.

Ở Mỹ, Alice Walton, một trong những người thừa kế của gia đình Walmart (và là một trong những người phụ nữ giàu nhất nước Mỹ) có lẽ là một trong những người tài trợ nghệ thuật nổi tiếng nhất.

Bảo tàng Crystal Bridges Museum of American Art có kiến trúc độc đáo và câu chuyện bà bắt đầu “sưu tầm” nghệ thuật từ năm 11 tuổi (chi 25 cent mua bản in lại bức tranh Blue Nude năm 1902 của Picasso) cũng gợi cảm hứng không kém.

Crystal Bridges Museum of American Art mở cửa năm 2011, với bộ sưu tập trị giá hơn 500 triệu đôla Mỹ của bà, đặt tại Bentonville, Arkansas, quê nhà của Walton và Walmart.

Bảo tàng đã đón hơn 1 triệu khách ghé thăm dù thị trấn này chỉ có 40.000 dân và du lịch không phải là ngành kinh tế chính.

Năm nay 66 tuổi, bà thường xuyên đến thăm các bảo tàng, gallery, các bậc thầy về lịch sử nghệ thuật, và mất tám năm để xây bảo tàng theo ý mình. Với tài trợ hàng tỉ USD từ Quỹ gia đình Walton và 20 triệu USD từ Walmart, bảo tàng này mở cửa miễn phí cho khách tham quan.

Cách chi nhiều tiền và chi rất nhanh đó khiến Walton trở thành một trong tốp 10 người sưu tập quan trọng nhất thế giới, theo tạp chí ArtNews, cùng những tỉ phú thường xuyên xuất hiện ở những phiên đấu giá như nhà quản lý Quỹ Steve Cohen và chủ ngân hàng Leon Black.

Đồng sáng lập Microsoft Paul G. Allen gần đây đã trưng ra bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân của mình ở Bảo tàng nghệ thuật Portland, Oregon (năm 2016).

“Seeing Nature: Landscape Masterworks from the Paul G. Allen Family Collection” (Thưởng ngoạn thiên nhiên: Những kiệt tác phong cảnh của bộ sưu tập gia đình Paul G. Allen) bao gồm 39 danh phẩm trải dài năm thế kỷ của những nghệ sĩ như Paul Cézanne, David Hockney, Edward Hopper, Gustav Klimt, Claude Monet, Thomas Moran, Georgia O’Keeffe, Gerhard Richter, và J. M. W. Turner.

Ông tin vào vai trò thiết yếu của nghệ thuật trong việc thúc đẩy sáng tạo và phát triển các cộng đồng quan trọng trong xã hội.

Tác phẩm Tall Tree & the Eye (2011) từ thép không gỉ của Anish Kapoor, nghệ sĩ người Anh gốc Ấn, một trong những nhà điêu khắc ảnh hưởng nhất hiện nay trên thế giới, được trưng bày ở không gian bên ngoài Bảo tàng Leeum.  -Ảnh: Hạnh Nguyên
Tác phẩm Tall Tree & the Eye (2011) từ thép không gỉ của Anish Kapoor, nghệ sĩ người Anh gốc Ấn, một trong những nhà điêu khắc ảnh hưởng nhất hiện nay trên thế giới, được trưng bày ở không gian bên ngoài Bảo tàng Leeum. -Ảnh: Hạnh Nguyên

 Hít thở một cách khác

Ở không gian trưng bày công cộng của Bảo tàng Leeum có một hàng chữ dễ nhìn thấy từ xa, gắn ở trên cao của tòa nhà: Memories of the future - Ký ức của tương lai.

Đây là một tác phẩm nghệ thuật gồm 19 chữ cái làm từ các ống neon của Laurent Grasso, sinh năm 1972, một nghệ sĩ ý niệm Pháp.

Gần đó là tác phẩm Grand Crinkly (1971) của nhà điêu khắc người Mỹ Alexander Calder (1898-1976) và hai tác phẩm của Anish Kapoor, nhà điêu khắc người Anh gốc Ấn: Tall Tree & the Eye (2011) và Sky Mirror (2012).

Đứng trong không gian đó, người thăm dễ có cảm giác được cân bằng nhờ “oxy văn hóa”, chứ không chỉ nhớ về những tòa nhà chọc trời, nơi chủ nghĩa tiêu dùng bùng nổ ở xứ Hàn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận