Harrison Bergeron

KURT VONNEGUT 24/11/2018 22:11 GMT+7

TTCT - ​Chương trình truyền hình bỗng nhiên bị gián đoạn vì một bản tin. Bản tin về chuyện gì thì ban đầu còn chưa rõ vì người dẫn chương trình, như tất cả những người dẫn chương trình khác, đều bị điều chỉnh giọng nói nặng nề: ​“Harrison Bergeron, 14 tuổi, vừa mới trốn khỏi trại giam, nơi hắn bị giam giữ vì âm mưu lật đổ chính quyền..."

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

 

Đó là năm 2081 và mọi người cuối cùng đều bình đẳng. Chỉ là không bình đẳng trước Chúa và pháp luật. Còn đâu thì bình đẳng tất. Chẳng có ai thông minh hơn ai. Chẳng có ai ưa nhìn hơn ai. Chẳng có ai mạnh hơn hay nhanh hơn ai. Toàn bộ sự bình đẳng này có được là nhờ các Tu chính án Hiến pháp thứ 211, 212, 213 và nhờ sự canh chừng mẫn cán của các nhân viên dưới trướng bộ trưởng Bộ Điều chỉnh Hoa Kỳ.

Cuộc sống tuy thế vẫn có thứ chưa hẳn là chuẩn chỉnh. Tháng tư vẫn làm người ta phát điên vì không phải là mùa xuân chẳng hạn. Và trong cái tháng nhèm nhẹp ấy, người của bộ đã bắt Harrison, con trai 14 tuổi của George và Hazel Bergeron, đi.

Đúng là bi kịch, nhưng George và Hazel không nghĩ được nhiều về chuyện đó. Hazel có trí tuệ hoàn toàn trung bình, tức là bà chẳng thể nghĩ được gì dài hơi. Còn George tuy có trí thông minh vượt trội so với mức bình thường, nhưng lại phải đeo một cái radio điều chỉnh tâm trí trong tai. Luật yêu cầu ông phải đeo nó mọi lúc. Nó bắt sóng từ một cái máy phát của chính phủ. Cứ độ 20 giây một lần, cái máy phát lại phát đi một âm thanh chói tai để ngăn những người như George khỏi lợi dụng lợi thế từ bộ não của họ.

George và Hazel đang xem tivi. Có những giọt nước mắt lăn trên má Hazel, nhưng lúc này bà đã quên nó là vì sao.

Trên màn hình là các nữ vũ công balê.

Một tiếng còi vang lên trong đầu George. Suy nghĩ của ông hoảng sợ chạy biến, như lũ trộm chạy còi báo động.

“Điệu nhảy đẹp phết, cái điệu họ mới nhảy ấy” - Hazel nói.

“Hứ?” - George nói.

“Điệu nhảy ấy, nó đẹp phết” - Hazel nói.

“Ừ” - George nói. Ông cố nghĩ một chút về các vũ công balê. Họ không giỏi cho lắm - dù sao thì cũng không giỏi hơn ai. Họ phải đeo các thanh đối trọng và những túi đạn chì, mặt thì đeo mặt nạ, để không ai khi thấy một cử chỉ nhẹ nhàng và thanh thoát hay một gương mặt thanh tú phải ghen ăn tức ở. George thoáng có cái ý nghĩ mơ hồ là có lẽ vũ công thì không cần phải điều chỉnh lợi thế. Nhưng ông cũng chưa nghĩ được gì hơn thế trước khi một tiếng ồn khác trong cái radio đeo tai của ông xua những ý nghĩ ấy đi.

George nhăn mặt. Hai trong số tám vũ công balê cũng thế.

Hazel thấy ông nhăn mặt. Vì không phải điều chỉnh tâm trí, bà phải hỏi George xem tiếng động mới đây nó thế nào.

“Như có ai cầm búa đập vỡ chai sữa ấy” - George nói.

“Em nghĩ nghe được bao nhiêu là âm thanh khác nhau ấy thì chắc thú vị lắm - Hazel nói, hơi ghen tị - Bao nhiêu thứ họ nghĩ ra được”.

“Ừ” - George nói.

“Chỉ là em mà là bộ trưởng Bộ Điều chỉnh thì anh biết em sẽ làm gì không?” - Hazel nói. Thật ra Hazel có vẻ ngoài rất giống bộ trưởng Bộ Điều chỉnh, một người đàn bà tên là Diana Moon Glampers. “Em mà là Diana Moon Glampers - Hazel nói - thì chủ nhật em sẽ cho đánh chuông, chỉ là tiếng chuông thôi. Kiểu như để tôn vinh tôn giáo”.

“Chỉ là tiếng chuông thôi thì anh còn nghĩ được” - George nói.

“Ờ, thì cho đánh thật to vào - Hazel nói - Em nghĩ em sẽ là một bộ trưởng giỏi đấy”.

“Bằng những người khác thôi” - George nói.

“Ai mà rõ hơn em bình thường là thế nào chứ?” - Hazel nói.

“Phải” - George nói. Ông bắt đầu vẩn vơ về cậu con trai bất thường của mình, giờ đang ở trong tù, về Harrison, thì một tràng 21 phát đại bác trong đầu đã chặn ông lại.

“Ôi! - Hazel nói - Cái tiếng ấy nó kinh khủng lắm đúng không?”.

Nó kinh khủng đến nỗi George trắng bệch và run rẩy, nước mắt chực trên viền mắt đỏ ngầu. Hai trong số tám vũ công balê đã ngã khuỵu xuống sàn, tay ôm lấy thái dương.

“Trông anh bỗng mệt thế - Hazel nói - Sao không ngả lưng xuống sôpha mà duỗi người, tựa cái túi điều chỉnh xuống gối đi anh”. Bà đang nói đến 21 cân đạn chì đựng trong một cái túi vải khóa quanh cổ George. “Đi đi, tựa cái túi xuống đó một lúc - bà nói - Anh có không bình đẳng với em một lúc em cũng chẳng bận tâm đâu”.

George lấy tay ướm túi đạn. “Anh có phiền gì đâu - ông nói - Anh cũng chẳng để ý đến nó nữa. Nó là một phần của anh rồi”.

“Dạo này anh mệt lắm rồi, cứ như là kiệt sức ấy - Hazel nói - Giá mà có cách gì mình khoét một lỗ dưới đáy túi, rồi lấy một ít đạn chì ra. Chỉ một ít thôi”.

“Hai năm tù với hai ngàn đôla tiền phạt cho mỗi viên đạn lấy ra - George nói - Anh không nghĩ đấy là món hời đâu”.

“Giá mà anh lấy được mấy viên ra lúc đi làm về - Hazel nói - Ý em là ở nhà thì anh có phải cạnh tranh với ai đâu. Anh chỉ việc ngồi chơi thôi mà”.

“Nếu anh mà tìm cách lách luật - George nói - thì những người khác rồi cũng sẽ lách luật, rồi chẳng mấy chốc chúng ta lại trở về với thời kỳ mông muội, ai ai cũng phải cạnh tranh với nhau. Em đâu có thích thế đâu, đúng không?”.

“Em ghét thế” - Hazel nói.

“Thì đấy - George nói - Cái lúc mà người ta bắt đầu lừa dối luật pháp, em nghĩ xã hội rồi sẽ có chuyện gì?”.

Nếu Hazel không thể nào nghĩ ra được câu trả lời cho câu hỏi này thì George cũng không thể nào đưa ra được một câu trả lời. Một tiếng còi cất lên trong đầu ông.

“Coi như là tan rã hết” - Hazel nói.

“Cái gì tan rã cơ?” - George ngây người hỏi.

“Xã hội ấy - Hazel nói, không chắc chắn lắm - Chả phải anh vừa bảo thế còn gì?”.

“Ai mà biết?” - George nói.

Chương trình truyền hình bỗng nhiên bị gián đoạn vì một bản tin. Bản tin về chuyện gì thì ban đầu còn chưa rõ vì người dẫn chương trình, như tất cả những người dẫn chương trình khác, đều bị điều chỉnh giọng nói nặng nề. Mất đâu độ nửa phút, trong trạng thái phấn khích cao độ, người dẫn chương trình cố gắng nói: “Thưa quý vị”.

Cuối cùng anh ta đành chịu, đưa bản tin cho một vũ công đọc.

“Thế là được rồi - Hazel nói về người dẫn chương trình - Anh ta có cố gắng. Đấy mới là điều quan trọng. Anh ta đã cố hết sức với những gì mà Thượng đế trao cho rồi. Cố gắng thế thì phải được tăng lương kha khá mới phải”.

“Thưa quý vị” - cô vũ công nói, đọc bản tin. Cô chắc phải xinh lắm, vì cái mặt nạ cô đeo xấu đến phát gớm. Và dễ thấy cô là người khỏe mạnh và duyên dáng nhất trong tất cả các vũ công, vì những túi điều chỉnh cô đeo to như của bọn đàn ông chín chục cân.

Và cô lập tức phải xin lỗi vì giọng của mình, vì một người phụ nữ mà có giọng như cô thì bất công lắm. Giọng cô là một giai điệu ấm áp, rực rỡ, vượt thời gian. “Xin thứ lỗi” - cô nói, rồi bắt đầu lại, ép giọng cô tuyệt đối không còn chút cạnh tranh.

“Harrison Bergeron, 14 tuổi - cô nói giọng quàng quạc - vừa mới trốn khỏi trại giam, nơi hắn bị giam giữ vì âm mưu lật đổ chính quyền. Hắn là một thiên tài và là một vận động viên, chưa bị điều chỉnh đúng mức và cần phải xem là vô cùng nguy hiểm”.

Một bức ảnh cảnh sát chụp Harrison Bergeron được chiếu lộn ngược trên màn hình, rồi thì nghiêng, rồi lại ngược, rồi thì mới đúng chiều. Bức ảnh cho thấy toàn bộ chiều cao của Harrison trước phông nền đo theo xăngtimét. Cậu ta cao đúng hai mét mốt.

Còn lại thì vẻ ngoài của Harrison trông như Halloween và sắt thép. Chưa có ai phải đeo nhiều điều chỉnh đến thế. Cậu lớn vượt nhanh hơn những thứ cản trở mà người của bộ có thể nghĩ ra. Thay cho cái radio đeo tai nhỏ để điều chỉnh tâm trí là một cặp tai nghe khổng lồ, và cậu đeo cặp kính có mắt kính lượn sóng dày cộp. Kính này không những để làm cậu nửa mù, mà còn để tạo ra những cơn đau đầu như búa bổ bên cạnh đó.

Rồi thì sắt vụn treo khắp người cậu. Thường thì vẫn có một sự cân xứng nhất định, một vẻ gọn gàng kiểu quân đội ở những thứ điều chỉnh được cấp cho những người khỏe mạnh, nhưng trông Harrison thì như một bãi phế liệu di động. Trong cuộc đua của đời, Harrison phải mang thêm 136 ký.

Và để giảm bớt vẻ ngoài điển trai của cậu, người của bộ yêu cầu cậu đeo bóng cao su đỏ lên mũi mọi lúc, luôn luôn cạo lông mày và chụp lên hàm răng trắng đều những đầu mũ đen thành những chiếc răng lệch ngẫu nhiên.

“Nếu thấy đối tượng này - cô vũ công nói - thì đừng - tôi nhắc lại, đừng - cố lý lẽ với hắn”.

Tiếng két của một cánh cửa bị giật tung khỏi bản lề vang lên.

Tiếng la hét và những tiếng rú thất kinh từ tivi vọng ra. Bức ảnh chụp Harrison Bergeron trên màn hình cứ nhảy lên nhảy xuống, như theo nhịp của một trận động đất.

George Bergeron nhận ra cơn động đất ấy ngay, mà cũng phải thôi - vì chính nhà ông cũng đã nhảy theo cái nhịp rầm rập ấy biết bao nhiêu lần. “Chúa ơi - George nói - Chắc chắn là Harrison!”.

Nhận thức ấy lập tức bị một tiếng động như tông xe trong đầu ông đánh bạt khỏi tâm trí.

Khi George mở được mắt ra thì ảnh chụp Harrison đã biến mất. Một Harrison còn sống, vẫn thở, đang lấp đầy màn hình.

Rổn rảng, vụng về và cao lớn, Harrison đang đứng - ngay giữa trường quay. Núm vặn của cánh cửa trường quay bị kéo bật ra vẫn nằm trong tay cậu. Các vũ công, các kỹ thuật viên, các nhạc công và các phát thanh viên khúm núm quỳ trước cậu, chờ chết.

“Ta là hoàng đế đây! - Harrison hét - Nghe thấy chưa? Ta là hoàng đế đây! Tất cả phải nghe lời ta lập tức!”. Cậu giậm chân và cả trường quay rung chuyển.

“Ngay cả khi đứng đây - cậu gầm gừ - què quặt, khập khiễng, ốm oắt, ta vẫn là nhà cai trị vĩ đại hơn bất cứ ai từng sống! Giờ thì xem ta trở thành con người của ta đây!”.

Harrison xé tung những đoạn dây đai buộc các thiết bị điều chỉnh của cậu như xé giấy ăn thấm nước, loại dây đảm bảo chịu được trên hai tấn.

Các thiết bị điều chỉnh bằng sắt vụn của Harrison rơi bẹp xuống sàn.

Harrison thọc hai ngón tay cái xuống dưới thanh ổ khóa buộc đai đầu của cậu. Cái thanh khóa gãy gọn như cọng cần tây. Harrison đập cái tai nghe và cặp kính vào tường.

Cậu quăng quả bóng mũi cao su đi, cho thấy một chàng trai làm Thor - thần sấm sét - cũng phải kinh ngạc.

“Giờ thì ta sẽ chọn hoàng hậu cho mình! - cậu nói, nhìn đám người đang co rúm - Hãy để người phụ nữ đầu tiên dám đứng dậy trên đôi chân mình chọn lấy người bạn đời và ngai vàng của cô ta!”.

Một thoáng trôi qua, rồi một nữ vũ công balê đứng dậy, lắc lư như cành liễu.

Harrison cởi thiết bị điều chỉnh tâm trí khỏi tai cô, bẻ những thứ điều chỉnh cơ thể trên người cô bằng sự khéo léo phi thường. Rồi cuối cùng cậu cởi mặt nạ cô.

Cô đẹp vô cùng.

“Nào - Harrison nói, cầm tay cô. “Ta hãy cho mọi người thấy ý nghĩa của từ khiêu vũ! Nhạc đâu!” - cậu ra lệnh.

Các nhạc công bò trở lại ghế, và Harrison cũng tháo cả các thiết bị điều chỉnh cho họ. “Chơi hết mình đi - cậu bảo họ - rồi ta sẽ phong cho các ngươi làm nam công bá tước”.

Nhạc nổi lên. Ban đầu thì nó thật bình thường - rẻ tiền, ngớ ngẩn và giả tạo. Nhưng rồi Harrison tóm lấy hai nhạc công khỏi ghế, vẫy họ như những cây gậy đánh nhịp trong lúc cậu hát thứ nhạc mà cậu muốn nó được chơi. Rồi cậu tống họ trở lại ghế.

Nhạc nổi lên và lần này được cải thiện hơn nhiều.

Harrison và nữ hoàng của cậu ta say sưa nghe nhạc một lúc - lắng nghe nghiêm túc, như thể đang đồng bộ nhịp tim của họ với nó.

Họ dồn trọng lượng trên những ngón chân.

Harrison đặt đôi bàn tay to lớn của cậu lên cái eo bé nhỏ của cô gái, để cô cảm nhận được sự nhẹ nhàng mà chẳng mấy chốc nữa sẽ là của cô.

Và rồi, trong sự bùng nổ của niềm vui và cái nhẹ, họ nhảy lên không trung!

Không chỉ những đạo luật của xứ sở bị ruồng bỏ, mà cả luật hấp dẫn và những quy luật của chuyển động cũng thế.

Họ xoay mình, uốn mình, quay mình, quẫy mình, nhảy nhót và chao lượn.

Họ nhảy như đàn hươu trên trăng.

Trần cao chín mét, mà mỗi bước nhảy lại đưa cặp vũ công đến gần nó hơn.

Hiển nhiên ý định của họ là chạm đến trần nhà. Họ chạm nó.

Và rồi, trung hòa trọng lực bằng tình yêu và ý chí thuần khiết, họ cứ thế lơ lửng trong không trung chỉ vài phân bên dưới trần nhà, và họ hôn nhau một lúc lâu thật lâu.

Đúng lúc ấy, Diana Moon Glampers, bộ trưởng Bộ Điều chỉnh, bước vào trường quay với một cây súng săn hai nòng loại đạn 10 gauge. Mụ bắn hai phát, và cả hoàng đế lẫn hoàng hậu đều đã chết trước khi chạm xuống sàn.

Diana Moon Glampers nạp lại đạn. Mụ chĩa súng vào các nhạc công và bảo họ có mười giây để đeo các thiết bị điều chỉnh lại.

Đúng lúc ấy màn hình tivi nhà Bergeron bị cháy.

Hazel quay sang để phàn nàn chuyện tivi tắt ngóm với George. Nhưng George đã vào bếp để lấy một lon bia.

George quay lại với lon bia, dừng lại khi một tín hiệu điều chỉnh làm ông choáng váng. Rồi ông ngồi xuống. “Em khóc à?” - ông hỏi Hazel.

“Vâng” - bà nói.

“Sao thế?” - ông hỏi.

“Em quên mất rồi - bà nói - Trên tivi có chuyện gì buồn lắm”.

“Chuyện gì thế?” - ông hỏi.

“Đầu óc em cứ rối bời lên thôi” - Hazel nói.

“Quên những chuyện buồn đi em ạ” - George nói.

“Em lúc nào chẳng thế” - Hazel nói.

“Thế mới là vợ anh chứ” - George nói. Có tiếng súng bắn đinh vang lên trong đầu ông.

“Ôi, em dám chắc cái tiếng đấy kinh khủng lắm” - Hazel nói.

“Em nói lại xem” - George nói.

“Ôi - Hazel nói - Em dám chắc cái tiếng đấy kinh khủng lắm”. ■

Nguyễn Huy Hoàng dịch

Kurt Vonnegut (1922-2007) là nhà văn người Mỹ. Trong sự nghiệp hơn nửa thế kỷ của mình, ông đã xuất bản mười bốn cuốn tiểu thuyết, ba tập truyện ngắn, năm vở kịch cùng một số tác phẩm phi hư cấu, trong đó có Lò sát sinh số 5, cuốn tiểu thuyết đậm chất trào phúng và hài hước đã làm nên tên tuổi của ông từ những năm 1970.

Xuất hiện lần đầu trên tạp chí Fantasy and Science Fiction số tháng 10-1961 và được đưa vào tập Welcome to the Monkey House xuất bản năm 1968, Harrison Bergeron là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của Kurt Vonnegut, trong đó ông tưởng tượng về một xã hội phản địa đàng trong tương lai, nơi tính cá nhân bị triệt tiêu và mọi người đều bình đẳng bằng cách cào bằng, trong khi vẫn cảnh giác với sự chuyên chế của chủ nghĩa tự do cá nhân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận